Chuyển khoản không ghi nội dung mua – bán hàng cũng không 'qua mắt' được cơ quan thuế

Theo ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, việc chuyển khoản không ghi nội dung mua – bán hàng cũng không 'qua mắt' được cơ quan thuế, do cơ quan thuế đã nắm toàn bộ dữ liệu về người bán hàng và dòng tiền.

Thông tin về công tác thuế trên địa bàn, ông Vũ Mạnh Cường cho hay, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội do Cục Thuế quản lý trong năm 2024 đạt 479.034 tỷ đồng, bằng 125,6% dự toán pháp lệnh, tăng 21,9% so với năm 2023.

Số thu tăng đồng đều ở các sắc thuế, và tín hiệu đáng mừng là số thu tăng không phụ thuộc nguồn thu từ tài nguyên mà tăng mạnh nhờ thu từ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thu thuế từ thương mại điện tử trong năm qua có bước tăng trưởng vượt bậc.

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội

Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết, với phương châm “Xây dựng cơ sở dữ liệu là nền tảng – Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là trọng tâm – Thanh kiểm tra là then chốt”, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử.

Theo đó, từ việc không thể định danh các đối tượng kinh doanh trên nền tảng số, đến nay, Cục Thuế đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động kinh tế trên không gian mạng.

“Nhiều người bán hàng truyền tai nhau về việc không ghi nội dung chuyển khoản mua bán online thì sẽ qua mặt được cơ quan thuế. Nhưng thực ra không phải như vậy, vì chúng tôi đã nắm được toàn bộ dòng tiền, nắm được thông tin từ các đơn vị vận chuyển, địa chỉ cư trú của tổ chức, cá nhân kinh doanh” – ông Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh.

Kết quả, cơ quan thuế đã định danh được 508.652 gian hàng trên không gian mạng, tăng 139% so với thời kỳ đầu triển khai vào tháng 3/2024. Đồng thời, đã định danh là 432.181 mã số thuế, tăng 218% so với thời kỳ bắt đầu triển khai.

Cục Thuế Hà Nội cũng đã đưa vào quản lý 86.894 tổ chức, cá nhân. Trong đó, 29.501 doanh nghiệp, gồm chủ sàn, doanh nghiệp trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển, doanh nghiệp có web/app bán hàng, doanh nghiệp bán trên sàn thương mại điện tử, tăng 53% so với năm 2023; 40.511 hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tăng 96%; và 16.882 cá nhân (gồm cả cá nhân tiếp thị liên kết, đăng tải nội dung số, thu nhập từ quảng cáo), tăng 159%.

Kết quả thu thuế thương mại điện tử tăng mạnh, lũy kế đến cuối năm 2024, tổng thu từ thương mại điện tử đã đạt 42.510 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023.

Cơ quan Thuế cho biết, hiện nay, nhiều người có thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cho rằng mức nộp thuế là 10% trên doanh thu, do đó đã chỉ nhau các “chiêu” để trốn thuế.

Tuy nhiên, theo quy định về pháp luật quản lý thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Số thuế phải nộp được xác định theo tỷ lệ % trên doanh thu. Theo đó, cá nhân bán hàng online nộp thuế TNCN với thuế suất 0,5%, thuế GTGT với thuế suất 1%; cá nhân có thu nhập từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, dịch vụ khác nộp thuế TNCN với thuế suất 2%, thuế GTGT với thuế suất 5%.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-khoan-khong-ghi-noi-dung-mua-ban-hang-cung-khong-qua-mat-duoc-co-quan-thue-post601288.antd