Chuyện khởi nghiệp xuất bản của 'đầu tàu' một công ty sách trẻ

Đứng trước những khó khăn, thách thức do nhiều yếu tố thời đại mang lại, nhưng Giám đốc Sách Thiện Tri Thức vẫn tin vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp mình.

Thị trường xuất bản Việt Nam đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Số lượng bản sách trên đầu người tăng theo từng năm. Đa dạng các thể loại, mảng sách được phát triển phong phú, chuyên sâu. Đáng chú ý, số lượng các công ty sách mới ra đời tăng vọt trong những năm gần đây.

Xuất bản dường như còn rất nhiều dư địa phát triển, là cơ hội cho những ai nhìn thấy được tiềm năng khai thác. Tuy nhiên, thách thức từ bài toán văn hóa đọc, khuyến đọc lẫn những biến chuyển của thời đại, công nghệ cũng đưa toàn ngành xuất bản nói chung và đặc biệt là các công ty non trẻ nói riêng vào những thế khó chưa từng thấy.

Trong cuộc phỏng vấn với Tri Thức - Znews, Giám đốc Công ty Xuất bản Thiện Tri Thức (Sách Thiện Tri Thức) Trần Phương Thảo trải lòng những trăn trở của một người nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xuất bản khi thành lập một công ty sách mới trong bối cảnh của xuất bản Việt Nam hiện tại.

Tuy còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, nhưng bà Phương Thảo vững tin rằng với nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ người làm sách cũng như sự hỗ trợ, cập nhật phù hợp, kịp thời chính sách, chế tài, những công ty như Sách Thiện Tri Thức có thể tiếp tục phát triển và đóng góp cho ngành xuất bản nước nhà.

 Giám đốc Công ty Xuất bản Thiện Tri Thức Trần Phương Thảo. Ảnh: NVCC.

Giám đốc Công ty Xuất bản Thiện Tri Thức Trần Phương Thảo. Ảnh: NVCC.

Làm sách vừa là sứ mệnh vừa là đam mê

- Lý do nào bà đã quyết định thành lập công ty sách sau nhiều năm làm xuất bản?

- Tôi làm việc cho Thái Hà Books hơn 13 năm, từ những tháng đầu công ty được thành lập năm 2007 đến hết năm 2020, lần lượt ở các vị trí Trưởng phòng Bản quyền, Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc. Trải qua hơn 13 năm làm công việc điều hành ở một công ty xuất bản có thương hiệu lớn, tôi đã học hỏi và cũng cống hiến được rất nhiều cho công ty và cho ngành.

Cuối năm 2020, sau nhiều tháng trăn trở nghĩ suy về công việc hiện tại và sứ mệnh trong tương lai, tôi vẫn quyết định gắn bó với ngành xuất bản nhưng ở cương vị mới là nhà sáng lập.

Về mặt căn bản, tôi rất yêu và gắn bó với những nơi mình làm việc, bởi vậy Thái Hà Books có thể nói là tình yêu lớn với tôi khi đó, tuy nhiên sau 13 năm gắn bó tôi nhận thấy tuổi tác chạm đến mốc 40 đã không còn cho phép mình lăn lộn đi lại nhiều với vai trò Tổng giám đốc. Có nhiều bạn trẻ năng động hơn, nhiệt huyết hơn có thể làm tốt những công việc đó hơn mình nên tôi quyết định dừng công việc để khởi nghiệp.

Bởi tình yêu với sách vở nên tôi quyết định tiếp tục gắn bó với xuất bản cùng thương hiệu Thiện Tri Thức. Tên công ty - Thiện Tri Thức - mang nhiều hàm nghĩa đẹp và sâu xa, đã được một vị tu sĩ đáng kính ban cho khi nghe tin chúng tôi chuẩn bị khởi nghiệp. Tri Thức thiện lành, Tri Thức chân chính, Tri Thức khuyến thiện nơi người đọc… là một số trong rất nhiều ý nghĩa đẹp của cái tên này.

Chúng tôi hi vọng sẽ góp được phần nào làm nên những ấn phẩm đẹp cả về nội dung lẫn hình thức để phục vụ độc giả Việt, và cũng là để phục vụ cho niềm đam mê sách vở của chúng tôi nữa. Từ đó góp phần nâng cao dân trí nước nhà, sống thiện, sống đẹp và giàu mạnh.

- Bà đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì trong hành trình gầy dựng Sách Thiện Tri Thức?

- Nghĩ lại về hành trình hơn 3 tuổi của Sách Thiện Tri Thức, thuận lợi cũng nhiều nhưng khó khăn có lẽ nhiều hơn.

Thuận lợi đầu tiên là do tôi đã có hơn 13 năm kinh nghiệm điều hành ở một doanh nghiệp xuất bản lớn, đồng thời phụ trách trực tiếp cả khâu bản quyền, kinh doanh, marketing nên Sách Thiện Tri Thức có những bước đi khá chắc trong mỗi quyết định. Chúng tôi hạn chế được sai sót khá đáng kể so với những doanh nghiệp do người không có kinh nghiệm vận hành. Bên cạnh tôi cũng là những cộng sự có thâm niên trên 10 năm trong ngành xuất bản, nên họ đã yểm trợ tôi rất nhiều trong việc vận hành Sách Thiện Tri Thức.

Một thuận lợi nữa, cũng vì tôi hoạt động trong ngành hơn 13 năm nên có được chút uy tín cá nhân đối với các độc giả, đối tác. Khi khởi nghiệp tôi quay lại tiếp tục hợp tác với họ thì phần lớn đều ủng hộ và đồng hành. Tôi cũng có những người thân, người bạn yêu sách vở, yêu việc đọc luôn bên cạnh động viên và song hành cùng Sách Thiện Tri Thức trong các sự kiện trực tuyến lẫn trực tiếp để lan tỏa tri thức. Nếu không có sự bảo bọc tin cậy này từ họ, chắc chắn sẽ không có Sách Thiện Tri Thức của hôm nay.

Thuận lợi cuối cùng tôi muốn chia sẻ ở đây là niềm tin. Niềm tin của tôi và các cộng sự vào những giá trị đẹp, giá trị tử tế mà chúng tôi trao gửi nơi mỗi ấn phẩm ra đời, nơi mỗi tin nhắn gửi cho khách, nơi mỗi bài đăng chia sẻ sách trên fanpage. Chúng tôi thật sự tin rằng, với sự tận tâm và chân thành hết mực trong mỗi việc mình làm, chúng tôi đã góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, như vậy cuộc sống của chính chúng tôi cũng ý nghĩa hơn.

Nhiều năm điều hành một đơn vị xuất bản lớn nhưng quả thực khi khởi nghiệp tôi mới hiểu rõ hơn thế nào là khởi nghiệp, vì sao lại “vạn sự khởi đầu nan”.

CEO Sách Thiện Tri Thức Trần Phương Thảo

Khó khăn thì có lẽ khá nhiều. Dù nhiều năm điều hành một đơn vị xuất bản lớn nhưng quả thực khi khởi nghiệp tôi mới hiểu rõ hơn thế nào là khởi nghiệp, vì sao lại “vạn sự khởi đầu nan”. Là một doanh nghiệp mới và quy mô khiêm tốn nên thời gian đầu tôi và các cộng sự đều phải kiêm nhiều vị trí khác nhau, hoạt động đa di năng nhất có thể. Đang từ một vị trí quản lý cấp cao, thường chỉ ra ý tưởng rồi để cấp dưới thực hiện, thì khi khởi nghiệp lại lao vào những công việc nhỏ nhất như đóng gói, trả lời khách hàng, kiểm tra bản in,…

Công ty thành lập tháng 1/2021, đến tháng 4/2021 chúng tôi ra mắt ấn phẩm dịch đầu tiên mang tên Chữa lành bằng năng lượng của Abby Wynne và được rất nhiều bạn đọc và bạn bè thân hữu đón nhận. Tháng 5/2021 chúng tôi tiếp tục cho ra mắt sách Đi vào thực tại của Eckhart Tolle thì gặp ngay phải quyết định đóng cửa (lockdown) của nhiều thành phố lớn do đại dịch Covid-19.

 Bà Phương Thảo tại Hội sách Bản quyền châu Á năm 2024 diễn ra tại Malaysia. Ảnh: NVCC.

Bà Phương Thảo tại Hội sách Bản quyền châu Á năm 2024 diễn ra tại Malaysia. Ảnh: NVCC.

Dân tình hoang mang, hàng loạt doanh nghiệp và cửa hàng đóng cửa, thu nhập giảm sút… Lúc này mọi người chỉ quan tâm đến thực phẩm, thuốc men, quần áo… và dĩ nhiên sách không nằm trong diện lựa chọn ưu tiên. Sách vở ứ đọng, dòng tiền mỏng, thương hiệu còn quá mới, đại lý phát hành và phương tiện vận chuyển đóng băng… chúng tôi quả thực đối mặt với thách thức rất lớn phía trước. Các doanh nghiệp xuất bản lớn còn lao đao và cắt giảm nhân sự, huống chi là một doanh nghiệp còn chân ướt chân ráo mới bước vào ngành như Sách Thiện Tri Thức.

Sự thay đổi nhanh chóng như vũ bão của công nghệ, AI, chatGPT, phần mềm dịch thuật; sự xói mòn của thói quen đọc sách giấy; tệ nạn sách giả, sách không có bản quyền và đặc biệt là tình trạng chiết khấu sách cao một cách vô tội vạ trên các sàn thương mại điện tử… khiến tôi không thể không trăn trở cho tương lai của ngành xuất bản nói chung và Sách Thiện Tri Thức nói riêng.

Thiết nghĩ khó khăn thì có lẽ thời điểm nào cũng có, lúc ít, khi nhiều, nhưng chính niềm tin mà tôi đã đề cập ở trên đã giúp chúng tôi đi đến được ngày hôm nay. Tôi tin rằng Sách Thiện Tri Thức sẽ còn tiếp tục sống khỏe và đem lại nhiều giá trị tốt đẹp khác thông qua các ấn phẩm và hoạt động trong tương lai.

Xuất bản gắn liền với lan tỏa văn hóa đọc

- Dù còn non trẻ nhưng Sách Thiện Tri Thức đã có nhiều thành tựu trong hoạt động: đại diện Việt Nam tham dự Hội sách Bản quyền châu Á năm 2024, đơn vị có được bản quyền có xuất bản sớm nhất tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel 2023, có tác phẩm đoạt Giải Sách Hay 2024 (Ba màn kịch),... Những cơ hội này có ý nghĩa ra sao với Sách Thiện Tri Thức?

- Đối với một doanh nghiệp còn non trẻ như Sách Thiện Tri Thức thì quả thực những thành quả trên là tin vui lớn và cũng tạo ra những cơ hội khác cho chúng tôi. Bạn đọc, đối tác, giới chuyên môn sẽ biết tới chúng tôi nhiều hơn, như vậy họ sẽ tiếp cận thêm với những cuốn sách giá trị khác mà Sách Thiện Tri Thức đã và sắp xuất bản.

Các tác giả, dịch giả uy tín cũng sẽ biết đến và tiếp tục gửi những bản thảo chất lượng tới chúng tôi. Nhìn chung thì cơ hội hợp tác sẽ mở ra nhiều và chúng tôi cũng có thêm cơ hội để dấn thân với những dự án xuất bản lớn hơn.

Chúng tôi trân trọng những cơ hội được tương tác với bạn đọc, từng phản hồi về cuốn sách và từng thắc mắc, giải đáp khi độc giả muốn trao đổi với đơn vị xuất bản.

CEO Sách Thiện Tri Thức Trần Phương Thảo

Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, chúng tôi trân trọng không chỉ những thành tựu trên mà còn cả những cơ hội được tương tác với bạn đọc, từng phản hồi về cuốn sách và từng thắc mắc, giải đáp khi độc giả muốn trao đổi với đơn vị xuất bản. Mỗi dịp gặp gỡ trao đổi, mỗi tin nhắn, mỗi sự kiện được tổ chức, mỗi ấn phẩm được xuất bản… chúng tôi đều đón nhận với một thái độ trân trọng và biết ơn.

- Bà cảm nhận ra sao về thị trường xuất bản hiện nay (so với 5, 10 năm trước)? Thị trường còn những cơ hội, thách thức gì cho người làm xuất bản trong những năm tới đây? Bà kỳ vọng gì ở đơn vị mình và tổng thể thị trường trong những năm tới?

- Những suy nghĩ thật của tôi về hiện trạng ngành xuất bản đã được đề cập như trên. Thị trường xuất bản hiện nay quả thực khó khăn hơn rất nhiều so với 5, 10 năm trước, sách vở nhiều hơn nhưng chất lượng nội dung thì không tăng. Có rất nhiều tác giả mới nhưng nội dung bản thảo chất lượng thì quá ít.

Thậm chí có những cuốn sách được dịch từ tiếng nước ngoài xong thì sẽ được giữ nguyên hoặc xào xáo nội dung một chút và gắn tên tác giả tiếng Việt vào, để lách luật tránh phải trả bản quyền. Chất lượng sách vở hay môi trường học thuật bị giảm sút bởi cách làm ẩu này.

Thói quen dành thời gian đọc sách hàng ngày giảm. Dường như bây giờ người ta ít có khả năng tập trung trước một văn bản dài 500 chữ hay một tờ giấy, huống chi là tập trung thời gian để đọc một cuốn sách. Hiện giờ có quá nhiều phương tiện giải trí hay tin tức khiến người ta sao nhãng, khó tập trung,… thậm chí đôi khi tôi thấy người tiếp nhận hiện giờ đang bị bội thực thông tin, bội thực sách vở.

Những người làm xuất bản như chúng tôi không phủ nhận sức mạnh của công nghệ, thậm chí chính chúng tôi dùng công nghệ như một phương tiện để truyền thông sách tới bạn đọc, tuy nhiên có một sự thật mà tôi thấy rõ rằng vai trò của sách vở đối với đời sống đang giảm mạnh, nhường chỗ cho điện thoại, tivi, mạng xã hội...

Để góp phần cải thiện tình trạng suy giảm việc đọc, chúng tôi cũng như một số doanh nghiệp xuất bản khác đã đưa ra các hoạt động khuyến đọc. Ở Sách Thiện Tri Thức, ngoài hoạt động chính là xuất bản những ấn phẩm chất lượng thì chúng tôi đã tổ chức các series Thức Talk chuyên giới thiệu sách giao lưu với tác giả, dịch giả, tác phẩm… bên cạnh đó chúng tôi cũng tổ chức series chương trình Sách Sâu hay Show Sách, là chương trình đọc sách sâu, trao đổi thảo luận sâu về nội dung cuốn sách giữa độc giả với tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản.

Ngoài ra, tôi vẫn mong mỏi các đơn vị xuất bản, Hội Xuất bản, cơ quan ban ngành quản lý có thêm nhiều hoạt động để bảo vệ sách chân chính trước tệ nạn sách giả, sách không có bản quyền.

Tôi cũng mong việc chiết khấu sách trên các sàn thương mại điện tử sẽ được kiểm soát có tổ chức. Ở những quốc gia tôi sang thăm và làm việc, sách mới thường chỉ được chiết khấu tối đa 10%, hoặc bán giá bìa. Sách chỉ được giảm giá mạnh sau 2 năm bị lưu kho. Có một thực trạng là có nhiều cuốn sách được đẩy giá bìa lên cực cao so với giá thực tế rồi lại giảm giá cực sâu để kích thích người mua ham rẻ,…

Cá nhân tôi không cổ xúy cho việc làm này, bởi sách là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, việc chiết khấu quá cao sẽ chỉ tạo thói quen xấu cho người đọc khi mua sách: thay vì mua vì nội dung sách thì lại mua vì được chiết khấu cao. Hơn nữa, việc chiết khấu quá cao cũng khiến cho hệ thống đại lý bị sụp đổ, rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh.

Tâm Anh

thực hiện

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-khoi-nghiep-xuat-ban-cua-dau-tau-mot-cong-ty-sach-tre-post1503197.html