Chuyện kiếm sống của các võ sĩ
Câu chuyện thu nhập là vấn đề nhạy cảm với tất cả những ai làm công ăn lương, và võ sĩ cũng như vậy. Nhưng trái với con số lên đến cả trăm triệu mà mọi người nhầm tưởng, phần lớn võ sĩ có thu nhập thấp. Họ phải làm nhiều công việc khác nhau để cải thiện thu nhập và nuôi dưỡng ước mơ.
Võ sĩ bán thời gian
Tại trận chung kết giải Boxing nam nữ toàn quốc năm 2021, "Quyền vương" Trương Đình Hoàng đã phải toát mồ hôi hột để bảo vệ thành công danh hiệu vô địch quốc gia. Người gây không ít khó khăn cho Hoàng trong trận chung kết diễn ra 8 tháng trước là Bùi Ngọc Phượng. Thật khó tin khi biết vào thời điểm đấu với Trương Đình Hoàng, Phượng chỉ là một võ sĩ bán thời gian.
Ở tuổi 28, Bùi Ngọc Phượng là một trong những võ sĩ giàu kinh nghiệm nhất của thể thao Việt Nam. Phượng có thể thi đấu thành thạo 3 môn võ Boxing, Kickboxing và Võ cổ truyền. Sau nhiều năm cống hiến cho thể thao thành tích cao, giờ nghiệp võ sĩ với Phượng gần như chỉ là công việc thứ yếu nếu xét về khả năng kiếm tiền.
Trung bình mỗi năm, Phượng dành khoảng 3 tháng để dồn thời gian tập luyện, lấy lại thể trạng trước những giải đấu lớn. 9 tháng còn lại, anh sẽ làm nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Phượng kể, anh từng làm đủ thứ nghề như buôn bán nhỏ, nhận chở bình gas, huấn luyện viên (HLV) phòng gym... để có tiền trang trải cuộc sống.
"Tôi từng nghỉ hẳn võ thuật để đi làm kiếm tiền và chỉ trở lại thi đấu vì quá đam mê. May là vợ tôi cũng xuất thân từ dân võ thuật nên cô ấy cũng thông cảm, tạo điều kiện để 1 năm có 3 tháng xa nhà", Phượng bộc bạch. Nỗ lực vượt khó trong cuộc sống là nhân tố tạo ra một Bùi Ngọc Phượng không biết sợ trên sàn Boxing, dù anh phải đấu với một tượng đài của quyền Anh Việt Nam.
Ở bộ môn Muay, Trương Cao Minh Phát là một trong những gương mặt đáng chú ý nhất của Việt Nam dù chưa được truyền thông nhắc tới nhiều. Anh từng đánh bại nhiều đàn anh lão luyện, bao gồm cả "Độc cô cầu bại" Nguyễn Trần Duy Nhất để thống trị hạng cân 63,5kg nam. Nhưng trước khi thành công, Phát cũng trải qua những ngày khốn khổ vì thu nhập không đủ nuôi sống mình.
"Tôi từng tập ở đội Muay TP. Hồ Chí Minh nhưng bị loại, rồi mất 2-3 năm mới đầu quân cho đoàn Bình Dương", Phát kể. Trong khoảng thời gian đó, anh phải tự lao động nuôi thân, từ làm nhân viên phòng gym đến bốc vác, cửu vạn. Nếu chấn thương không bình phục như mong muốn, Phát có lẽ phải tiếp tục làm công việc lao động chân tay kiếm sống đến tận bây giờ.
Lương 9 triệu là cao
Được ví như địa phương mới nổi trong giới thể thao thành tích cao của Việt Nam, Bình Dương gây chú ý bởi chế độ chiêu hiền đãi sĩ, nhất là trong khuôn khổ các môn võ. Với nguồn kinh phí ít nhiều được xã hội hóa, Bình Dương chào đón mọi vận động viên có khả năng về đầu quân cho họ với mức lương 9,1 triệu đồng/tháng. Con số này chưa bao gồm các khoản tiền thưởng dựa vào thành tích.
Tỉnh Bình Dương có quy chế thưởng cố định theo huy chương vận động viên (VĐV) giành được mỗi giải, giống như nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, VĐV giành huy chương còn được "thưởng đảm bảo thành tích" với số tiền khoảng 40 triệu đồng/ năm. Khoản tiền đó được chi trả hàng quý, qua đó giúp không ít VĐV có đời sống tốt hơn so với đồng nghiệp ở các địa phương khác.
"Trên thực tế có một số đơn vị hứa hẹn trả thu nhập cho chúng tôi cao hơn đoàn Bình Dương", một võ sĩ tiết lộ. "Nhưng bên cạnh thu nhập tốt, đoàn Bình Dương còn tạo điều kiện để chúng tôi được tập luyện thoải mái nhất. Chúng tôi không nhất thiết phải tới Trung tâm huấn luyện TDTT của tỉnh chấm công tập luyện định kỳ, chỉ cần đến giải vẫn giữ thành tích cho đoàn là được".
Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh chi trả lương cho võ sĩ nhỉnh hơn một chút, khoảng 10-11 triệu đồng/tháng nhưng áp dụng hình thức chấm công bằng vân tay. Mỗi ngày trong tuần, võ sĩ phải đến chấm vân tay trước khi tập luyện, thiếu ngày nào sẽ không được chấm công ngày đó. Trường hợp võ sĩ phải nghỉ vì ốm, bận việc gia đình... cũng sẽ không được tính ngày nghỉ phép.
"Chấm công là phương pháp phổ biến được áp dụng, nhưng nó cũng mang ít nhiều hạn chế", võ sĩ của một địa phương thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc chia sẻ. Thu nhập hàng tháng của anh hiện giờ vào khoảng 7 triệu đồng, nhưng nó sẽ nhanh chóng tụt đi mỗi khi có giải đấu. Quy chế dành cho VĐV không có điều khoản nói họ được miễn chấm công khi đi du đấu xa nhà.
Với những vận động viên thi đấu nổi bật, được gọi lên đội tuyển quốc gia chưa chắc đã là điều may mắn. Điều 3 Nghị định 152/2018/NĐ-CP quy định về mức lương khi tập luyện, thi đấu trên đội tuyển của vận động viên là 270.000 đồng/người/ngày. Nếu tính theo chế độ tập 26 ngày/tháng, thu nhập của võ sĩ hàng tháng vào khoảng 7 triệu đồng.
Một điều bất cập khác trong chế độ đãi ngộ cho tuyển thủ quốc gia là họ không được nhận 2 đầu thu nhập. Hiểu một cách đơn giản, trừ một vài trường hợp cá biệt, tuyển thủ quốc gia chỉ được nhận lương đội tuyển chứ không được nhận lương địa phương nữa. Đây là nguyên nhân khiến một vài võ sĩ lên tuyển không lâu thì xin về vì thấy thu nhập của mình bị giảm đi. Mức thu nhập chỉ tương đương công nhân nhà máy là nguyên nhân khiến nhiều võ sĩ bỏ ngang từ khi phong độ còn chưa chín. Số khác mưu cầu bằng cách nỗ lực giành huy chương ở các giải quốc gia, quốc tế. Một tấm Huy chương vàng quốc gia bằng 2-3 lần lương tháng họ nhận, còn huy chương SEA Games chẳng khác nào cơ hội đổi đời.
Vậy còn những võ sĩ nhà nghề thì sao? Vài năm qua, cụm từ "chuyên nghiệp" thường gắn liền với một số môn võ, đặc biệt là Boxing, nhưng thu nhập võ sĩ chưa bao giờ tương xứng với mỹ từ ấy. Nhà vô địch WBO thế giới Nguyễn Thị Thu Nhi nhận lương 8 triệu đồng/tháng từ CLB cô đang đầu quân, và đó là con số như mơ với nhiều vận động viên Boxing đang cố theo đuổi 2 chữ "chuyên nghiệp".
Ở những lò võ nhà nghề khác, võ sĩ không có tiền lương. Họ phải duy trì thi đấu thành tích cao (nghiệp dư) để đảm bảo thu nhập. Cách duy nhất để võ sĩ chuyên nghiệp có tiền là thượng đài thi đấu, nơi họ nuôi ước mơ đổi đời nhờ những chiếc đai, những trận đấu một mất một còn nơi đấu trường chuyên nghiệp.
Cám dỗ bên ngoài sàn đấu
Mức thu nhập thấp, lại thiếu ổn định là nguyên nhân khiến nhiều võ sĩ không thể toàn tâm toàn ý với nghề. Họ thường tìm các nguồn thu nhập riêng liên quan tới chuyên môn bằng việc làm huấn luyện viên phòng gym. Ngoài ra, không ít võ sĩ sử dụng trang cá nhân (có cả tích xanh chính chủ) làm kênh bán hàng trực tuyến, từ đồng hồ, giày thể thao đến bánh kẹo, trái cây.
Một nguồn thu nhập khác nhiều võ sĩ tránh nói tới là công việc ngoài xã hội. "Giới võ sĩ quen biết dân xã hội không phải điều lạ. Dân anh chị thường thích nói chuyện với người có võ, rồi từ chỗ biết mặt thành thân quen", một cựu võ sĩ chia sẻ. Một võ sĩ còn đang thi đấu tiết lộ anh từng được một người anh ngoài xã hội hứa "lót tay" 1 tỷ đồng nều nhận lời làm vệ sĩ cho người này. Phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, họ mới có thể gạt cám dỗ vật chất qua một bên.
Thiếu sân chơi, thiếu thu nhập
Một tình trạng khác đang diễn ra với các vận động viên võ thuật Việt Nam là họ phải tập luyện, thi đấu quá nhiều môn cùng lúc. "Võ sĩ 3 môn phối hợp" là cách nhiều HLV ví von hài hước khi nói về những cô cậu học trò phải tập Boxing, Kickboxing và Võ cổ truyền. Đội Judo Hà Nội thường kiêm nhiệm thi đấu cả Jujitsu và Kurash. Mỗi khi SEA Games tổ chức môn Võ gậy, thành phần đội tuyển Việt Nam thường là các VĐV Pencak Silat.
Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "võ sĩ 3 môn phối hợp" nói trên, nhất là ở những địa phương vùng sâu vùng xa? Một HLV cho biết điều kiện ở địa phương không cho phép ông tuyển thêm VĐV về đội, trong khi vẫn phải duy trì thành tích ở nhiều môn võ. Việc cho VĐV Boxing phải tập, đấu cả Kickboxing và Võ cổ truyền đơn giản xuất phát từ việc họ thiếu võ sĩ.
Nhưng các võ sĩ nghĩ sao về việc phải tập luyện, thi đấu nhiều môn võ cùng lúc? Boxing Hà Nội là một trong những đơn vị hiếm hoi yêu cầu VĐV tập một và chỉ một môn võ. Họ quan niệm tập nhiều môn sẽ ảnh hưởng xấu đến thói quen thi đấu. Nhưng các địa phương khác luôn tâm niệm "võ sĩ 3 môn phối hợp" là điều bình thường. HLV cần duy trì thành tích, VĐV cũng muốn tham dự nhiều giải để thêm huy chương, thêm thu nhập.
Về phía các nhà quản lý, họ có lý do để không cho phép một vài môn võ thuật đột ngột phình to bộ máy. Trung bình mỗi năm, 1 môn võ chỉ có 3 giải quốc nội được tổ chức: Giải vô địch quốc gia, Giải Cúp và Giải trẻ. Việc thiếu sân chơi cho các vận động viên vừa khiến võ sĩ chịu thiệt thòi, trong khi các địa phương cũng không dám rót thêm tiền, tạo cơ chế phát triển bộ môn.