Chuyện kỳ lạ về một bác sĩ cứu tử thi
Một tử thi bị đánh cắp đem bán cho một bác sĩ để giải phẫu, nghiên cứu. Xác chết, vốn là tử tù, bỗng dưng sống dậy và được người thầy thuốc cứu khỏi giá treo cổ lần nữa. Hơn 10 năm sau, cả hai mới có dịp gặp lại.
Người chết sống dậy
Câu chuyện kỳ lạ xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ 18, xoay quanh một giáo sư Y học tại ĐH Halle, Đức, tên là Friedrich Christian Juncker.
Vào thời điểm đó, các trường y thường gặp khó khăn trong việc tìm tử thi để giải phẫu, nghiên cứu. Từ đó, nổi lên những kẻ lén lút đào mộ đánh cắp xác chết mới chôn đem bán cho các viện y học. Giáo sư Juncker không tiếp tay cho những kẻ trộm mộ, mà hướng đến thi thể của những tội phạm bị xử tử. Ông có mối liên hệ với những người cung cấp xác tử tù nhưng không quan tâm việc họ làm thế nào để có những “món hàng” này.
Một buổi chiều nọ, Juncker nhận thi thể của hai tội phạm vừa bị xử tử do bên cung cấp để ngay trước cửa nhà. Không thể mang “món hàng” này đến trường đại học ngay lúc này, ông đành khệ nệ kéo hai thi thể trong túi xách vào để tạm trong nhà kho của mình. Sau khi đã thanh toán cho những người giao hàng đặc biệt theo cách riêng, Juncker quay về phòng nghỉ ngơi. Ông dự tính sáng mai sẽ đem những thi thể này đến phòng giải phẫu của trường.
Vào khoảng giữa đêm, Juncker chợt thức giấc bởi một tiếng động lạ. Đầu tiên có tiếng va chạm mạnh, sau đó là những tiếng sột soạt. Ra khỏi phòng với cây nến trên tay, ông nghe tiếng động dường như phát xuất từ nơi tạm thời làm… nhà xác. Mở cửa nhà kho, nhìn kỹ chung quanh, dưới ánh nến lung linh, ông thấy một cái túi đựng xác đã bị mở toang, tử thi trong đó không còn. Túi còn lại vẫn không bị đụng chạm đến. Suy nghĩ đầu tiên của ông là có người đã vào đây đánh cắp xác chết. Bước ra kiểm tra chung quanh nhà, ông thấy cửa nẻo vẫn nguyên vẹn, không có dấu hiệu nhà bị xâm nhập từ bên ngoài.
Trong tâm trạng bối rối, quay lại nhà kho, bắt đầu nhìn kỹ hơn vào cái túi rỗng, bỗng nhiên ông nghe có tiếng thở dài ở góc phòng. Giơ cao ngọn nến, dưới ánh sáng lung linh, ông nhìn thấy tử thi mất tích đang ngồi trên chiếc ghế. Hắn ta hắng giọng nói với Juncker rằng, điều cuối cùng mà hắn nhớ là bị treo dưới giá treo cổ, rồi sau đó tỉnh dậy trong trong một cái túi, ở căn phòng này. Hắn van lơn Juncker đừng báo với chính quyền vì sợ sẽ bị treo cổ một lần nữa, đồng thời khẩn khoản xin người thầy thuốc giúp hắn thoát thân.
Nhìn thấy một xác chết với khuôn mặt tái xanh dưới ánh nến mờ tỏ, Juncker cảm thấy khủng khiếp. Từng bước một, ông lui ra cửa, mắt vẫn nhìn chằm chằm vào đối tượng, tay run run giữ chặt cây nến. Lúc này, xác chết trần truồng bắt đầu đứng dậy và đi theo ông. Kinh hãi, ông làm rơi cây nến, tất cả chìm trong bóng tối. Chạy thật nhanh về phòng, ông nằm vật ra giường, thần trí hoang mang.
Bỗng nhiên, ông rùng mình vì có người ôm chặt lấy chân mình. Thì ra đó là “xác chết”, hắn đã chạy theo ông đến đây. Hắn nài xin giáo sư với giọng vô cùng bi thảm: “Ông tiết lộ việc này thì tôi sẽ bị treo cổ một lần nữa. Vì lòng nhân đạo, ông hãy cứu giúp tôi”. “Xác chết” nói rằng, hắn là một người lính đào ngũ nên không mong được khoan hồng.
Lúc này, Juncker thấy rõ người đàn ông trước mặt mình thực sự không phải là hồn ma mà là một con người với đôi mắt mở to đầy sợ hãi. Ông cảm thấy xót thương cho một kiếp người khốn khổ nên đồng ý giúp, nhưng chưa biết phải làm như thế nào. Để tử tội trốn đi nơi khác, ông không chỉ đưa hắn đi ngay trong đêm để không ai thấy, mà còn phải qua được các trạm gác ở cửa ngõ thành phố.
Sau khi suy tính, Juncker lấy quần áo của mình cho “xác chết” mặc, hắn sẽ trong vai trò một đồng nghiệp của ông ở trường ĐH. Thật may mắn, cả hai ra khỏi thành phố trót lọt nhờ GS Juncker nói với lính gác là đi cứu người sắp chết ở ngoại ô. Ngay khi họ rời xa cửa ngõ thành phố, “xác chết” xuống xe, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Juncker và nhanh chóng lẩn vào bóng đêm. Câu chuyện kinh dị đối với GS Juncker vậy là kết thúc. Ông quay về với công việc của mình, phai nhạt dần hình bóng của người tử tù.
Cho đến 12 năm sau.
Cuộc hội ngộ
Kinh hãi với xác sống. Ảnh minh họa
Trong một chuyến đi đến Amsterdam, Hà Lan, ngày nọ, GS Juncker được một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến chào. Qua giới thiệu, Juncker biết ông ta là một thương gia được kính trọng nhất thành phố. Bằng giọng lễ phép, người thương gia hỏi ông có phải là GS Juncker của ĐH Halle hay không. Khi được xác nhận, ông ta tha thiết mời GS ăn tối với mình. Juncker đồng ý đến nhà của vị thương gia trên. Được chào đón bởi người vợ xinh đẹp và hai đứa con dễ thương của chủ nhân, Juncker không khỏi thắc mắc vì sao mình lại được đối xử một cách trịnh trọng từ những người không quen biết như vậy.
Sau bữa ăn, người thương gia đưa ông đến phòng làm việc của mình và hỏi: “Ông không nhận ra tôi?” – “Hoàn toàn không!” – “Nhưng tôi nhận ra ông và khuôn mặt của ông không hề phai nhạt trong ký ức của tôi”. Trước sự kinh ngạc của vị giáo sư, người thương gia kể: “Ông chính là ân nhân cứu mạng tôi. Tôi là xác chết ở trong nhà kho của ông hơn 10 năm trước.
Sau khi từ giã ông, tôi tìm đường đến Hà Lan. Nhờ viết chữ đẹp, biết làm sổ sách nên tôi nhanh chóng kiếm được một chân thư ký bán hàng. Hạnh kiểm tốt cùng sự nhiệt tình trong công việc nên tôi được ông chủ tin tưởng, đồng thời cô con gái của ông ấy cũng yêu tôi. Tôi trở thành con rể của ông ấy và tiếp quản doanh nghiệp khi ông về hưu. Tôi sẽ không có được điều gì nếu không nhờ lòng nhân ái của ông. Giờ đây, ngôi nhà của tôi, tài sản của tôi và bản thân tôi nữa, tùy ông sử dụng…”.
Tất nhiên, GS Juncker không thể sử dụng những gì không thuộc về mình. Ông từ giã con người mà 12 năm trước từng là xác chết với tâm trạng vui vẻ. Trải nghiệm kinh dị của ông đã cứu sống một mạng người và anh ta đã trở thành một người có ích.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/chuyen-ky-la-ve-mot-bac-si-cuu-tu-thi-20200601132138472.html