Chuyện lạ ở Hà Nội: Đường quy hoạch rộng gần 20m dân vẫn không có lối đi

Đường quy hoạch rộng gần 20m lại được TP Hà Nội giao cho một trường đại học quản lý. Đến nay, vẫn chưa hề có quyết định thu hồi đất của tuyến đường này. Vì thế, khi nhiều người dân khu đô thị mới Đại Kim, quận Hoàng Mai dù đã được giao nhà nhưng hoàn toàn không có lối đi.

Nhận nhà nhưng không được nhận đường đi

Dự án khu đô thị mới Đại Kim tọa lạc tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 11/5/2016. Sau đó, UBND TP đã có Quyết định thu hồi đất để Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) thực hiện dự án khu đô thị mới Đại Kim.

Các nhà dân không có lối đi

Các nhà dân không có lối đi

Khu đô thị mới Đại Kim có nhiều hạng mục được xây dựng, trong đó có hạng mục nhà ở thấp tầng thuộc dãy TT5-1, TT5-2 đã được hoàn thiện về mặt nhà ở. Quý 2/2018, Công ty Hacinco đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở thấp tầng trên đất đã có hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án và đã bắt đầu bàn giao cho cư dân. Chính vì thế, người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong hơn 1 năm nay, những cư dân mua nhà ở thấp tầng tiếp giáp với mặt đường quy hoạch 17,5m của thành phố (phía Trường Đại học Thăng Long) vẫn không có lối đi vào nhà hay ra đường; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đấu nối như: Hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt, hệ thống xả thải sinh hoạt, hệ thống viễn thông, hệ thống điện.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga thì khi mua căn hộ nơi đây nhiều gia đình đã phải thế chấp sổ lương, hợp đồng mua bán căn hộ để vay ngân hàng với lãi suất cao nộp cho Công ty Hacinco nhằm sớm có nhà ở. Nhiều nhà còn phải đi thuê nhà.

"Với tâm lý đó, chúng tôi mong sớm được về vị trí này để sớm ổn định. Thế nhưng khi giao nhà thì một điều trớ trêu xảy ra là tuyến đường mà theo quy hoạch 17,5m của Thành phố đã bị hàng rào tôn của Trường đại học Thăng Long chắn lối ra vào của dãy nhà TT5-1 và đường kết nối với dãy TT5-2, TT6 và toàn bộ khối cư dân quanh dự án để sử dụng lối đi riêng cho trường. Chúng tôi đã có nhiều đề nghị lên các cấp của Thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết phần rào chắn tuyến đường này” – Bà Nga bức xúc.

Hàng rào được che chắn cẩn thận

Hàng rào được che chắn cẩn thận

Bà Nguyễn Thị Hồng thì cho rằng Trường đại học Thăng Long không có quyền rào dọc tôn kín cổng cao tường để bịt lối đi của người dân được vì đây là đường của Thành phố. Dù rằng chúng tôi biết trước đây Thành phố có giao cho trường này quản lý.

“Chúng tôi yêu cầu Thành phố phải có quyết định thu hồi ngay diện tích đất để làm đường đi cho dân mà Đại học Thăng Long đang quản lý. Còn chúng tôi không có lối đi buộc chúng tôi phải đo vẽ theo diện tích đã mua, nếu bức tường tôn của Trường Thăng Long lấn vào nhà chúng tôi, chúng tôi sẽ báo cáo phường và dỡ bỏ” – Bà Hồng quả quyết.

Hiện nay, có khoảng 13 hộ dân khu TT5-1, khu đô thị Đại Kim đang trong tình cảnh không có lối đi dù đã được Công ty Hacinco giao nhà. Nhiều nhà không dám nhận vì nếu nhận sẽ không biết đi vào bằng lối nào???.

Tại sao đường quy hoạch lại nhập vào cho trường học quản lý?

Sở dĩ có chuyện khúc mắc hiện nay và dân tại khu đô thị mới Đại Kim nhận nhà vẫn không được đi đường rộng 17,5m theo quy hoạch của thành phố.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 23/2/2005, UBND TP Hà Nội có Quyết định thu hồi 23.615m2 đất tại phường Đại Kim giao cho Trường đại học Thăng Long để xây dựng trường. Trong đó, giao 20.451m2 đất để xây dựng trường học, 3.164m2 đất để làm đường quy hoạch chung của thành phố. Trong diện tích làm đường này, thành phố yêu cầu Đại học Thăng Long tuyệt đối không được xây dựng công trình.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án của Trường đại học Thăng Long, trường này đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng luôn cả diện tích làm đường quy hoạch???.

Thực tế, trong quyết định thu hồi đất ở phường Đại Kim để giao cho Trường đại học Thăng Long, UBND TP Hà Nội không hiểu vì lý do gì mà quyết định giao cho trường này quản lý luôn cả phần đất làm công trình giao thông. Việc làm này đã gây những những khó khăn sau này trong việc thực hiện dự án giao thông?. Cũng về việc này sau gần 15 năm, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có quyết định thu hồi phần đất này để làm đường giao thông theo quy hoạch của thành phố cho tuyến đường 17,5m.

Trường đại học Thăng Long từng làm bãi đỗ xe

Trường đại học Thăng Long từng làm bãi đỗ xe

Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường đại học Thăng Long cho rằng: Trước đây không hiểu do tham mưu thế nào lại giao đất làm đường cho trường quản lý. Tuy nhiên, thành phố giao đất cho trường chứ không giao đường. Vì trước đây nơi này đang là hoang hóa. Sau đó, trường đã bỏ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và làm tạm đường đi nội bộ. Cho nên nhà trường phải bảo vệ những gì mà quyết định Thành phố giao cho.

Theo ông Thái, việc làm đường và tạo lối đi cho người dân thuộc dự án khu đô thị mới Đại Kim là phải do Công ty Hacinco. Trường đại học Thăng Long không có trách nhiệm gì trong việc này. Còn khi chính quyền lấy diện tích đất đã giao để làm đường thì phải có quyết định thu hồi đất rõ ràng và dự án phải được thực hiện rõ ràng. Lúc đó, nhà trường sẽ tuân thủ các quyết định của UBND TP Hà Nội.

Như vậy, để làm được con đường này cần phải lập dự án, thu hồi đất, bố trí vốn...Trong khi, người dân đã được giao nhà và vẫn trông chờ vào các cấp chính quyền để mở cho một lối đi.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Lê Sử

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/do-thi-xay-dung/chuyen-la-o-ha-noi-duong-quy-hoach-rong-gan-20m-dan-van-khong-co-loi-di-81019.html