Chuyện lạ trong lễ cúng giao thừa của người Mường - trâu được ăn trước

Khác với người Kinh ăn tết 3 ngày, thì Tết của người dân tộc Mường diễn ra từ ngày 27 tháng Chạp. Nếu được chứng kiến bữa cơm cúng giao thừa của người Mường, hẳn ai cũng ngạc nhiên chuyện trâu được ăn trước.

Trong mâm cơm cúng đầu tiên của năm mới ở ngoài trời, người Mường bao giờ cũng cúng một con cá diếc và một cái bánh chay. Vật cúng lễ này, chúng tôi đã hỏi rất nhiều cụ cao niên của xã Thành Minh, xã Thành Công (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) nhưng không ai lý giải được. Chỉ biết từ khi sinh ra, cá diếc và bánh chay là món không thể thiếu trong lễ cúng ngoài trời. Thậm chí, nhiều gia đình không có điều kiện hoặc muốn lễ cúng giản tiện có thể chỉ cúng hai món này cũng gọi là đủ. Và một thủ tục ai cũng thấy lạ lùng nữa là sáng ra, lễ này được mang cho con trâu ăn trước.

Ông Lò Bá Minh, thôn Trường Châu, xã Thành Công, huyện Thạch Thành cho biết: "Vật lễ cúng thì không giải thích được, chỉ biết từ xưa ông bà để lại hai vật đó là không thể thiếu trong mâm cơm cúng ngoài trời. Còn cho trâu ăn trước là vì điểm này người Mường cũng quan niệm giống như người Kinh – "con trâu là đầu cơ nghiệp", cho con trâu ăn trước để con trâu đi làm. Và trâu có khỏe mạnh thì mới cày sâu tốt lúa, vụ mùa mới bội thu được".

Cũng theo ông Minh thì với người Mường, việc thờ cúng ngoài trời rất quan trọng nên trong những ngày Tết nhà ai cũng chuẩn bị cho mỗi thành viên trong gia đình một cây hương để cúng bản mệnh ngoài trời. Nên việc cúng kiếng đầu năm với người Mường vô cùng quan trọng và trang nghiêm nhưng cúng rất ấm cúng.

Để đón năm mới trước đó cả nhà phải gác lại những công việc khác tập trung dọn dọn nhà cửa, lau chùi đồ vật, đồ thờ cho sáng bóng để đón ông bà tổ tiên về ăn tết.

Người Mường thường cúng mỗi người đã khuất 1 mâm cơm ngày Tết

Tất cả các con cháu đều đi tạ mộ cùng tựu về nhà trưởng họ để ăn bữa cơm sum vầy, bàn bạc, hỏi han việc chuẩn bị Tết của mỗi nhà. Đây cũng là dịp để người già nói lại với con cháu trong gia đình về dòng giống, gia phả...

Người dân tộc Mường quan niệm, linh hồn người đã khuất chỉ về ăn Tết với con cháu trong 1 ngày 1 đêm nên các lễ vật được sắp xếp rất đầy đủ, thận trọng trong việc cúng lễ để tổ tiên về chứng giám. Theo đúng tục xưa thì mỗi người đã khuất sẽ được cúng một mâm cơm. Tục cúng thờ tổ tiên của người Mường là thờ đích danh chứ không thờ chung.

Mọi thức ngon, vật lạ đều được dồn trong bữa cơm này. Nếu nhà thịt lợn thì gia chủ bày nguyên cả chiếc thủ lợn, miệng ngậm đuôi lên ban thờ. Ban thờ chính cúng gia tiên của người Mường ngày Tết cũng giống nhiều dân tộc khác có đầy đủ các loại bánh, mứt, kẹo, hoa,trái cây, bánh chưng.

Khi ăn cỗ các cao niên sẽ được ngồi ăn ở mâm giữa khu vực trang trọng nhất của ngôi nhà.

Khi ăn cỗ các cao niên sẽ được ngồi ăn ở mâm giữa khu vực trang trọng nhất của ngôi nhà.

Nếu gia đình nào làm giản tiện cũng phải bày ra ba mâm cỗ: một mâm thờ bố mẹ, một mâm thờ ông bà, một mâm thờ cụ kỵ. Nhưng đũa bát phải lấy cho đến đủ số người đã khuất, không bày bát đũa theo cách tượng trưng của người Kinh. Và ban thờ trong ngày tết cũng không được thiếu 2 cây mía.

Bà Ma Thị Bình, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành chia sẻ: "Trong ngày Tết nhất định không được thiếu 2 cây mía. Bởi đó là cây gậy của ông bà, ông vải không được phép quên, thiếu mà phải chọn bằng được hai cây mía đẹp, đều nhau, còn nhiều rễ để buộc vào hai bên ban thờ".

Bữa cơm đầu tiên của nhà trưởng họ trong năm mới thường rất đông vui, có sự tham dự của đông đủ con cháu trong nhà.

Bữa cơm đầu tiên của nhà trưởng họ trong năm mới thường rất đông vui, có sự tham dự của đông đủ con cháu trong nhà.

Ngoài ra, việc trưng bày cây mía với người Mường còn là biểu tượng của sự giao hòa trời - đất, kết nối hai thế giới âm - dương. Lá tượng trưng cho mây, trời, gốc rễ tượng cho nguồn cội, gia đình. Những dóng mía là những nấc thang nối đất với trời, âm với dương dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới sum vầy cùng cháu trong ngày tết. Vì vậy, cây mía là lễ vật tuyệt đối không được phép thiếu trong dịp đón tết Nguyên đán của người Mường.

Trong suốt các ngày tết ban thờ của người dân tộc Mường luôn đỏ rực hương để tiếp đãi ông bà tổ tiên. Hình thức cúng bái không quá cầu kỳ nhưng nghi lễ thờ cúng tổ tiên là tất cả tấm lòng, sự trân trọng của con cháu đối với ông bà tổ tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bởi vậy, trong nhịp sống hiện đại, phong tục thờ tổ tiên của người Mường vẫn là nét đẹp văn hóa được lưu truyền mãi.

Hà An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-la-trong-le-cung-giao-thua-cua-nguoi-muong-trau-duoc-an-truoc-20210208140027585.htm