Chuyện lạ về nước sạch ở Nam Định: Mất tiền mua nước sạch, người dân được 'tặng' thêm cả đống bùn
Người dân muốn đấu nối nước sạch phải bỏ tiền triệu lắp đặt nhưng khi nước về đến nhà lại có thêm cả đống bùn. Tình trạng này kéo dài khiến người dân không dám dùng nước sạch để nấu ăn. Đây là những gì đang diễn hằng ngày ở xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người và cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi vẫn có tình trạng người dân phải sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày không đảm bảo vệ sinh. Điển hình là nguồn nước sạch được cấp bởi nhà máy nước sạch ở xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho người dân.
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã vào cuộc tìm hiểu cho thấy đúng là không có cái khổ nào bằng việc phải dùng nước thiếu vệ sinh.
Mất tiền triệu để thu về nước bẩn như nước ao
Giữa tháng 6/2023, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tìm đến các thôn ở xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định để tìm hiểu về sự việc. Tại một quán nước thuộc thôn Bo, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, khi được hỏi về nguồn nước sạch, ai nấy đều lắc đầu, ngán ngẩm.
Người chủ hàng nước ở khu cầu Bo (đoạn giáp xã Yên Chính và xã Yên Phương) đáp lại với giọng châm biếm: “Nước sạch ở đây... sạch lắm, sạch đến mức không dám dùng để nấu ăn, rửa rau, người dân chúng tôi chỉ dám dùng để tắm rửa, giặt giũ.
Nước ăn, uống phải dùng nước mưa. Nước máy, nước sạch ở đây nhìn như nước ao. Hàng loạt gia đình bỏ ra nhiều triệu đồng để đấu nối nhưng nhận lại nỗi thất vọng ê chề từ nhiều năm nay”.
Một người dân khác cũng lắc đầu, ngao ngán về hai từ nước sạch. Ngoài ra, vị này tiết lộ, nếu muốn lắp nước sạch phải bỏ tiền ra để góp vốn, mua đồng hồ, mua ống để đấu nối…
Để minh chứng cho sự ngán ngẩm của mình và bà con chòm xóm, người dân dẫn phóng viên đến nhà bà K. (60 tuổi) ở thôn Việt Tiến. Tại đây, gia chủ cho biết đã lắp và dùng cái gọi là nước sạch vào năm 2021. Lúc lắp nước sạch, nhà bà phải lên UBND xã đóng số tiền là 2.800.000 đồng.
"Ngoài ra, sau khi nộp khoản 2.800.000 đồng, tôi được thợ của nhà máy xuống lắp đặt và đưa một biên bản có nội dung đề "biên bản thỏa thuận kết nối cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hộ gia đình xã Yên Chính" và một bản tính các chi phí lắp đặt đồng hồ cố định cho hộ gia đình.
Sau khi lắp xong, chi phí trong bảng phí lắp đặt là 1.123.000 đồng. Các phí bao gồm vật tư, công lắp đặt,… tổng chi phí sau khi lắp xong là 3.923.000 đồng. Tôi được các con chi tiền lắp đặt cho, với tôi, số tiền lắp nước sạch đến 4 triệu đồng là quá lớn. Nếu không nộp tiền góp vốn, tôi không thể được đấu nối nước sạch để dùng" - bà K kể lại.
Tương tự, hộ ông V, ở cách nhà và bà K khoảng 20m cho biết: “Gia đình tôi đấu nối nước sạch vào năm 2009, thời điểm đấy nộp khoảng 3,2 triệu đồng, chưa tính tiền vòi nước”.
Một số hộ dân sinh sống ở thôn Việt Tiến cho biết thêm, trước đây toàn bộ người dân ở đây đấu nối nước sạch đều phải bỏ tiền ra để góp vốn và mua đồng hồ, dây và tiền công lắp. Số tiền góp vốn sẽ tăng, giảm theo từng năm, những năm 2006, 2007 mức đấu nối là hơn 1,8 triệu đồng, sau đó giá tăng dần lên.
Múc một cốc, nước một nửa, bùn một nửa
Ngoài việc phải bỏ tiền triệu để được đấu nối nước sạch, người dân còn tiết lộ nhiều tình tiết bất ngờ về nguồn nước sạch. Dẫn chúng tôi về téc nước của gia đình, ông V mở nắp téc nước lên khiến ai thấy cũng 'choáng'. Đáy téc đóng bùn cả chục cm.
Ông V dùng gáo tự chế để múc nước ở đáy bể lên, một nửa là nước đục ngầu, một nửa là bùn vàng khè.
Sau đó, ông V đưa gáo bùn vừa múc đổ ra sân, nhiều người dân chứng kiến cảnh này thản nhiên như... chuyện thường ngày ở huyện, còn chúng tôi thì sởn cả da gà vì ghê.
Các hàng xóm của ông V nói: “Đấy nước sạch ở Yên Chính đấy!”, “Chẳng khác nào phù sa”; "Cứ để một năm không rửa, chỗ bùn dưới đáy có thể mang về gieo mạ hoặc để trồng cây chắc tốt lắm".
Người dân chứng kiến cảnh múc bùn ở đáy téc nước thốt lên:
“Cứ để một năm không rửa, chỗ bùn dưới đáy có thể mang về gieo mạ, để trồng cây chắc tốt lắm”.
“Tôi phải vệ sinh téc nước thường xuyên, nếu để 1, 2 tháng là lại có bùn như lúc nãy. Nước ở đây bẩn lắm, bình thường mắt nhìn sạch nhưng đổ ra chậu hoặc xô một lúc là biết ngay. Nước sạch mà nhìn chẳng khác “nước ở ao” của nhà.
Tôi phải mua thêm bình chứa nước mưa để dùng nấu ăn, rửa rau. Bỏ một đống tiền ra để lắp nước sạch nhưng nhận được nước như thế này,…” – ông V vừa nói vừa lắc đầu.
Rời thôn Việt Tiến, chúng tôi tiếp tục sang một thôn khác để tìm hiểu thêm. Tại thôn Bo (xã Yên Chính) sau khi ngỏ lời về vấn đề nước sạch, ngay lập tức ông Đức (tên nhân vật đã thay đôi) dẫn chúng tôi lên xem bồn chứa nước của gia đình.
Tại đây, téc nước nhà ông Đức cũng chẳng khác nào téc nhà ông V (thôn Việt Tiến). Đáy téc đóng một lớp bùn ở dưới dày khoảng 5cm. Ở nơi tưởng chừng khó đóng bùn nhất là đoạn van đầu vào cũng bê bết cặn màu vàng. Theo vị gia chủ này, do nhà nhiều việc nên khoảng 2, 3 tháng mới vệ sinh téc một lần. Mỗi lần thu được cả đống phù sa vàng quạch vốn đóng từng lớp dày ở đáy téc.
Rời téc nước, ông Đức dẫn chúng tôi vào khu để bình lọc nước của gia đình. Các đầu lọc tại đây đều đóng bùn từng lớp. Ông Đức tháo một lõi trong bình máy lọc nước ra và nói: “Đây là lõi đầu vào máy lọc nước đấy, 4 ngày là phải tháo ra rửa một lần.
Có đợt bận việc đồng áng, nhà tôi để một tuần mới sờ tới thì ôi thôi, bẩn khủng khiếp nên buộc phải là phải thay cái lõi mới. Nước ở đây bẩn lắm, do không có nguồn nước khác nên phải dùng thôi”.
Cầm trên tay lõi lọc vừa được ông Đức tháo ra, chúng tôi bị ám ảnh bởi lớp bùn non chẳng khác nào “phù sa” ở ven sông sau mùa lũ nước rút. Rửa sơ qua số lõi lọc bẩn như vừa lôi lên dưới cống, cả bồn rửa nước đã hóa màu vàng như nước ao mùa lũ.
Cạnh nhà ông Đức, hộ nhà ông Anh (tên đã thay đổi) cũng ở thô Bo, vừa mở téc nước lên vừa nói: “Đấy, nhà tôi mới vệ sinh xong được 2 tuần nhưng bên dưới đã có bùn lắng xuống rồi. Nước sạch ở đây chỉ để rửa chân tay, tắm rửa”.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng nêu trên đã kéo dài từ nhiều năm nay. Tiền nước hằng thàng vẫn phải chi nhưng sản phẩm thu về thì không... dùng nổi. Người dân không biết kêu ai, kêu thì chỉ còn cách dùng nước ao.
Hàng loạt các vấn đề xoay quanh câu chuyện nước sạch như nước ao ở tỉnh Nam Định sẽ được Chuyên trang Gia đình và Xã hội gửi tới độc giả trong các bài viết tiếp theo.
Xem thêm video đang được quan tâm: