Chuyện 'làng ế vợ'

PTĐT - Trung Sơn được biết đến là xã vùng cao cách trung tâm huyện miền núi Yên Lập đến vài chục km; địa bàn xã kéo dài hơn 12km, đường giao thông nông thôn khó khăn, phần lớn chưa được bê tông hóa lại tập trung nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí chưa cao, không đồng đều… Cách đây vài năm, nơi đây còn được mệnh danh là 'làng ế vợ'…

Một căn nhà không có người ở do đi làm ăn xa tại khu Đồng Măng, xã Trung Sơn.

Một căn nhà không có người ở do đi làm ăn xa tại khu Đồng Măng, xã Trung Sơn.

Để tìm hiểu thực hư về “làng ế vợ”, chúng tôi vượt qua cung đường đèo đến với Trung Sơn. Hiện nơi đây không khác gì một công trường xây dựng, tiếng máy trộn bê tông ầm ì, xe chở đất hoạt động hết công suất, tiếng búa đập đá chan chát ngày đêm…hòa cùng tiếng lòng phấn khởi của người dân địa phương khi tận mắt chứng kiến công trình hồ sinh thái ngòi Giành đang được khẩn trương thi công, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều đổi thay, cơ hội phát triển cho xã miền núi còn đặc biệt khó khăn này.
Ông Phùng Xuân Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn giãi bày: “Trung Sơn có 15 xóm, với 1.300 hộ. Xã có 3 dân tộc sinh sống gồm người Mường, Mông và Dao. Cứ theo cái lệ của bà con dân tộc nơi đây “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” thì chẳng có gì đáng ngại. Tuy nhiên, thời gian trước, tình trạng “khan” nữ giới khiến bao gia đình nơi đây lo lắng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do mất cân bằng giới tính khi sinh của những giai đoạn trước làm cho số lượng nam, nữ chênh lệch lớn. Một phần khác do con gái lớn lên, học hết THCS, THPT đi làm ăn xa rồi lấy chồng, sinh con, không trở về quê hương; cũng có những người đàn ông lấy vợ nơi khác về, thế nhưng chỉ được một thời gian những người phụ nữ ấy bỏ đi do không chịu được điều kiện sống vất vả ở quê chồng…Thực trạng tỷ lệ nam thanh niên đến tuổi, qua tuổi mà chưa “dựng được vợ” khá nhiều, nên nơi đây gọi là “làng ế vợ””.Trước thực trạng đó, thời gian qua, UBND xã Trung Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính. Công tác tuyên truyền không lựa chọn giới tính khi sinh được triển khai triệt để song song với việc giáo dục, vận động người dân dần dần đẩy lùi quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Nhờ đó tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được kiểm soát, hạn chế. Tuy nhiên mất cân bằng giới tính cơ học vẫn còn cao do con gái, phụ nữ đi làm ăn xa nhiều và phần lớn không quay trở về quê hương mặc dù chính quyền xã đã áp dụng nhiều biện pháp tạo điều kiện khuyến khích người dân làm kinh tế tại địa phương, vươn lên thoát nghèo từ chính mảnh đất quê hương bằng việc phát triển kinh tế đồi rừng, đẩy mạnh cây lâm nghiệp lợi thế như: Quế, trẩu, mỡ… kết hợp với mô hình chăn nuôi…

Phát triển kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là cây quế đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Trung Sơn.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là cây quế đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Trung Sơn.

Thanh niên trưởng thành muốn tìm kiếm công việc, cơ hội để phát triển nhằm mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống bản thân và phụ giúp gia đình là hoàn toàn chính đáng. Ở Trung Sơn khá nhiều thanh niên rời quê hương mang theo giấc mộng đổi đời nơi phố thị hào hoa mà chấp nhận ly hương, xa gia đình. Trong số đó có cả nam và nữ, thế nhưng thường chỉ có đàn ông là sẽ quay về sau một thời gian vật lộn kiếm sống, còn những cô gái đa phần bằng cách này hay cách khác sẽ ở lại, không quay trở về quê nhà. Cách trung tâm xã 7,5km, đường vào khu Đồng Măng gập ghềnh nhiều dốc đá. Để vào được đến nơi không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải thót tim. Những con dốc dựng đứng, đầy rẫy những viên đá hộc to, khi đi xuống người cầm lái căng chân đạp phanh thật sâu, khi đi lên ngút tầm mắt không thấy đỉnh… Chúng tôi đến nhà trưởng khu Phùng Xuân Doanh khi đã sang trưa vào đúng thời điểm các bậc phụ huynh, chủ yếu là đàn ông đi đón trẻ. Ông Doanh cho hay: “Ở đây đường xá đi lại khó khăn nên đàn ông đưa đón con đi học, vả lại phụ nữ đi làm ăn xa nhiều, công việc hàng ngày như thế này chủ yếu cánh đàn ông ở nhà đảm nhận thôi. Khu Đồng Măng có 62 hộ với gần 240 nhân khẩu, trong đó có khoảng 20 người đi làm ăn xa. Có những người phụ nữ đi làm ăn xa, biết vun vén cho gia đình đã gửi tiền về xây dựng nhà cửa, nuôi con học hành như hộ bà Triệu Thị Bình”. Không thể phủ nhận việc đi làm ăn xa của người dân Trung Sơn vừa mang lại thu nhập ổn định cuộc sống vừa mở ra cơ hội phát triển, giao lưu với xã hội bên ngoài nhưng cũng mang đến nhiều hệ lụy. Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xuân Liên khẳng định thêm: “Do điều kiện sống khó khăn lâu ngày nên khi kiếm được đồng tiền họ không biết quản lý, tiêu xài cho bản thân phần lớn mà không phụ giúp được nhiều cho gia đình. Nhiều năm nay biết bao lớp thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa nhưng chưa có trường hợp nào dành dụm được lưng vốn quay về phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ thế, nhiều chị em đã dứt áo, không quay về, bỏ bê chồng con, tìm kiếm hạnh phúc ở phương trời mới hay trở về quê nhà khi mắc các tệ nạn xã hội…Con cái ở nhà thiếu tình thương, bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của mẹ nên chán nản bỏ học, ra đời sớm… trở thành vòng luẩn quẩn không tìm thấy lối ra… Thời gian tới để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, chúng tôi đẩy mạnh giải pháp tập trung hỗ trợ thông qua nguồn vốn, nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để nhân dân phát triển kinh tế lâm nghiệp; thông qua các tổ chức đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân đặc biệt là phụ nữ và thanh niên chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nói không với những tệ nạn xã hội. Đặc biệt, tín hiệu vui phát triển kinh tế của địa phương là sau khi dự án hồ ngòi Giành được hoàn thành tạo đà cho hạ tầng giao thông hoàn thiện đồng bộ, có mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng như mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ du lịch góp phần mang lại thu nhập ổn định để người dân yên tâm gắn bó, xây dựng quê hương”.

Mộc Trà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201912/chuyen-lang-e-vo-168149