Chuyện lão nông ở Hà Tĩnh xây dựng thương hiệu gạo OCOP
Chuyện lão nông ở Hà Tĩnh xây dựng thương hiệu gạo OCOP
Ông Nguyễn Đình Trung (SN 1971) - Bí thư Chi bộ thôn Hạ Vàng, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng, xã Vượng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) được bà con nông dân gọi với nhiều cái tên trìu mến “giám đốc chân đất”, “lão nông mê ruộng”... Ông đã dành trọn tâm huyết cùng bà con xây dựng thương hiệu gạo riêng, mở hướng phát triển bền vững trên quê lúa.
Từ lâu, chúng tôi đã biết đến ông Nguyễn Đình Trung (SN 1971) - Bí thư Chi bộ thôn Hạ Vàng, xã Vượng Lộc, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng qua những câu chuyện kể của người dân Vượng Lộc. Người dân thôn Hạ Vàng vẫn thường nói về ông bằng những tình cảm trìu mến, gọi ông với cái tên giản dị như “giám đốc chân đất”, “lão nông mê ruộng”. Ông chẳng mấy khi ở nhà, cả ngày gắn chặt với đồng ruộng; có khi lại tất bật trong các cuộc họp của xã, của thôn để bàn về những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Hôm chúng tôi hẹn gặp, cuộc nói chuyện cũng diễn ra trên chính cánh đồng còn thơm mùi đất mới.
Ông Trung bộc bạch: “Tôi xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở xã Vượng Lộc. Sau khi xuất ngũ vào năm 1993, tôi trở về quê hương tham gia công tác ở thôn, đến năm 1998 được bầu làm bí thư chi bộ thôn. Ngày ấy, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, cuộc sống đều dựa vào vài sào đất lúa. Đồng ruộng manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Thêm vào đó, những rủi ro về thời tiết, đầu ra thị trường phập phù, nhiều biến động khiến cho cuộc sống không khá lên được. Đã có lúc tôi dự định ly nông để đổi thay cuộc sống nhưng rồi sau bao trằn trọc, nghĩ suy, tình yêu đồng ruộng đã níu bước chân tôi”.
Những ngày ấy, câu hỏi làm thế nào để “đánh thức” tiềm năng đồng ruộng? vẫn luôn trăn trở trong suy nghĩ của người nông dân - người cán bộ thôn Hạ Vàng Nguyễn Đình Trung. Sau nhiều nghiên cứu, tìm hiểu, ông Trung nhận thấy rằng: muốn phát triển thì phải đổi mới, phải nắm bắt được xu thế thị trường. Thế nhưng, để đưa cái mới vào thực tiễn hết sức khó khăn, khi tư duy, tập quán sản xuất của bà con vẫn theo lối cũ.
Để tạo sự đồng thuận, ông đã tìm đến các cấp chính quyền bày tỏ quan điểm, đồng thời xin chủ trương hỗ trợ. Ông cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con thông qua các cuộc họp chi bộ, họp thôn, tuyên truyền trực tiếp từng hộ gia đình và chứng minh cho người dân bằng những đề án sản xuất cụ thể, chi tiết... Thế nhưng, trên con đường đổi mới, khó khăn dường như vẫn luôn thử thách lòng quyết tâm của người cán bộ thôn.
Đó là vào vụ xuân năm 2017, thôn thử nghiệm sản xuất giống lúa mới LP5, giống bị bệnh đạo ôn tấn công, cả thôn mất mùa. Rồi vụ hè thu năm 2020, khi ông vừa mới chính thức tiếp nhận vị trí Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng từ sau khi xã thực hiện chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang kiểu mới, thôn Hạ Vàng lại tiên phong thực hiện mô hình “Cánh đồng không dấu chân”, sử dụng 100% cơ giới hóa trên diện tích 20 ha. Cuối vụ lúa năm đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm về hạch toán kinh tế, mô hình lại thua lỗ. Ông Trung lúc đó đành ngậm ngùi bỏ 150 triệu đồng để bù lỗ cho bà con.
Ông Trung nhớ lại: “Những ngày ấy, nhiều người trong thôn thấy bóng tôi trước ngõ là tránh, người thì phản đối gay gắt trong các cuộc họp, có người còn xin tôi để cho bà con được yên... Tôi cũng buồn lắm nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi vẫn tin vào hướng đi của mình. Tôi chỉ mong muốn một sự đổi thay trong sản xuất. Bởi, tôi cũng là người nông dân sinh ra từ đồng ruộng và rất yêu những thớ đất của ruộng đồng”.
Tinh thần không khuất phục trước cái khó của người lính Cụ Hồ, của người đảng viên cùng bài học kinh nghiệm quý báu từ những lần vấp ngã và niềm tin đồng ruộng sẽ không phụ công người đã giúp ông có thêm động lực để tiếp tục đứng lên.
Năm 2021 đánh dấu bước chuyển mới của xã Vượng Lộc nói chung và thôn Hạ Vàng nói riêng khi Nghị quyết 01-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc về tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện đề án tập trung ruộng đất về với xã Vượng Lộc. Càng nghiên cứu kỹ nghị quyết và đề án, Bí thư Chi bộ Nguyễn Đình Trung càng tâm đắc, bởi ông biết, đây chính là “chìa khóa” mở hướng đi lớn trong sản xuất nông nghiệp để tạo nên bước đột phá trên đồng ruộng.
Quyết tâm chuyển đổi đất sản xuất toàn thôn với diện tích hơn 30 ha, ông đã cùng với ban cán sự, các đảng viên trong chi bộ bước vào thử thách mới. Đó là tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đưa chủ trương, nghị quyết của cấp trên vào cuộc sống. Thời điểm đó, ông cũng không nhớ nổi mình đã chủ trì cùng liên đoàn cán bộ thôn tổ chức bao nhiêu cuộc họp với bà con; có những cuộc họp kéo dài đến 2 giờ sáng với những ý kiến thảo luận nảy lửa, gay gắt; cũng có những cuộc làm việc được tổ chức ở từng tổ liên gia, từng nhóm gia đình trong nhà dân hoặc ở ngay trên bờ ruộng...
Mưa dầm thấm sâu, nhiệt huyết của người bí thư chi bộ cùng với niềm đam mê đồng ruộng đã lan tỏa và tạo nên sự đồng thuận của bà con nhân dân. Cứ như thế, hơn 30 ha đồng ruộng manh mún ở Hạ Vàng đã được chuyển đổi thành những cánh đồng thửa lớn, thuận lợi cho sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Quá trình sản xuất, Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Đình Trung luôn có mặt trên đồng ruộng, hết động viên bà con kiên định với kế hoạch sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ lại “cầm tay chỉ việc” cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, ngay trong vụ đầu tiên sản xuất theo cách thức mới, thôn Hạ Vàng là một trong những địa phương có năng suất lúa cao nhất huyện với 64 tạ/ha và vụ hè thu tiếp theo đạt 56 tạ/ha. Sản phẩm làm ra cũng được bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường, đưa lại niềm vui trọn vẹn cho bà con nông dân.
Chị Tôn Thị Huệ (thôn Hạ Vàng) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 6 sào, 4 thửa với nhiều loại đất, việc canh tác hết sức khó khăn. Nhưng từ khi chuyển đổi ruộng đất, đồng ruộng đã quy về một mối, từ khâu làm đất, giống đến quy trình sản xuất, thu hoạch đều do HTX phụ trách và chịu trách nhiệm khép kín đến khâu thu hoạch, đóng gói và tiêu thụ. Chúng tôi chỉ cần đứng trên bờ chờ thương lái đến rồi bán lúa, thu tiền chứ không phải chạy đôn chạy đáo thuê lao động như trước. Gần 120 hộ trong thôn đều tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bí thư Chi bộ - Giám đốc HTX Nguyễn Đình Trung”.
Bước sang năm thứ 3 kể từ ngày chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức HTX kiểu mới, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng đã được kiện toàn và đi vào nền nếp ổn định. Kết quả đó là cả một quá trình mày mò nghiên cứu các đề án, hấp thụ các chính sách và vận động xã viên thay đổi tư duy.
Ông Nguyễn Văn Thái - thành viên HTX chia sẻ: “Ngày ấy, nghe ông Trung chia sẻ về việc muốn làm “lớn”, các thành viên phải chấp nhận bỏ vốn mua các loại máy móc để ứng dụng vào sản xuất như: máy làm đất, máy gặt, máy sấy... chúng tôi hoang mang lắm. Việc đi vay mượn, xoay xở hàng trăm triệu đồng đối với người nông dân không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, mong muốn xây dựng HTX vững mạnh hơn, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp và tư duy sản xuất bắt nhịp với xu thế thị trường của ông Trung đã thực sự lan tỏa, thuyết phục chúng tôi”.
Trải qua quá trình mệt mài xây dựng, “sai đâu sửa đó”, HTX đã có 11 thành viên với nguồn vốn cố định là 3,3 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng là vốn lưu động. Dịch vụ cung ứng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của HTX được mở rộng, phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện; mỗi năm, HTX thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân hàng trăm tấn lúa.
Sự vận hành hiệu quả, ổn định của HTX đã trở thành tiền đề, tiếp sức cho ông Trung và các thành viên mạnh dạn thực hiện ý tưởng xây dựng sản phẩm gạo Hạ Vàng đạt tiêu chuẩn OCOP nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho bà con. Theo đó, để củng cố hồ sơ và tính nhận diện thương hiệu, vụ đông xuân năm 2021, HTX bắt tay thực hiện sản xuất lúa theo quy trình VietGAP và đạt chứng nhận sau đó 1 năm. Song song với việc này, ông Trung cũng chủ động phối hợp với xã và công ty tư vấn, tìm hiểu thủ tục để xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm gạo.
Chia sẻ niềm vui với những người dân địa phương, Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc Nguyễn Minh Vỵ cho biết: “Từ việc xây dựng gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nông dân Hạ Vàng đã thực sự đi trước một bước trong cách làm nông nghiệp kiểu mới. Thành quả này được làm nên từ sự tin tưởng, đồng thuận của người dân với mong muốn tạo nên bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong đó vai trò “đi đầu, bước trước” của Bí thư Chi bộ - Giám đốc HTX Nguyễn Đình Trung”.
Tâm huyết phát triển nông nghiệp bền vững được nảy mầm và nuôi dưỡng từ niềm đam mê, trân trọng từng tấc đất của quê hương, ông Nguyễn Đình Trung đã lan tỏa tình yêu đồng ruộng của mình đến các xã viên và người nông dân bằng cách làm thiết thực, bạo dạn, mở hướng đi mới cho nền sản xuất lúa gạo địa phương. Đây chính là yếu tố quan trọng để HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng trở thành điểm tựa vững chắc của người nông dân và là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả nhất trên địa bàn huyện lúa.
Đến thời điểm hiện tại, HTX sở hữu cánh đồng thửa lớn rộng hơn 30 ha để triển khai sản xuất gạo OCOP. Nhưng với ông Trung, diện tích ấy còn nhỏ hẹp, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của người tiêu dùng. Vì thế, để mở rộng thị trường và tạo điều kiện cho bà con nâng cao thu nhập, ông dự kiến sau vụ hè thu 2023, HTX sẽ tiếp tục xúc tiến mở rộng diện tích liên kết lên khoảng 150 ha.
Hơn 30 năm gắn bó với đồng đất quê nhà, ông Nguyễn Đình Trung đã đúc kết cho mình những bài học lớn, muốn phát triển nông nghiệp không thể đi bằng những bước chân đơn độc mà phải liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị. Và, sự hiện diện của sản phẩm gạo OCOP 3 sao của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạ Vàng là dấu mốc quan trọng trong hành trình sản xuất lớn, phát triển bền vững.