Chuyện mẹ chồng nàng dâu: Khi 2 'hổ' cùng một 'chuồng'

Chuyện mẹ chồng nàng dâu vẫn là vấn đề muôn thuở, nhưng nếu bạn làm mọi việc xuất phát từ cái tâm thì dù hai 'hổ' cùng chung một nhà vẫn có thể hòa hợp, vui vẻ.

Tôi sinh năm 1986, mẹ chồng tôi sinh năm 1962, hai mẹ con đều cùng tuổi Dần (Hổ). Ngày chồng đưa tôi về nhà ra mắt, bố mẹ anh có hỏi tuổi, biết tôi tuổi Dần, mẹ anh hơi khó chịu nhưng không biểu hiện rõ ràng.

Về phần bố mẹ tôi, biết bà thông gia cũng tuổi Dần, con rể lại là con một, nếu lấy anh, hai vợ chồng buộc phải sống chung với bố mẹ chồng nên ông bà có chút khuyên can. Bố mẹ tôi bảo "một núi chẳng thể nuôi hai hổ", rồi sẽ xích mích, cãi vã; chưa kể mẹ chồng tôi vốn dân buôn bán, thường ăn nói bỗ bã, chẳng kiêng dè ai.

Tuy nhiên, trước mọi lời khuyên ngăn, tôi và chồng vẫn quyết tâm đến với nhau. Tôi hiểu tính chồng, anh sẽ không để tôi chịu ấm ức. Thế nhưng, điều tôi không lường trước được là những chuyện lớn tôi và mẹ chồng chẳng mâu thuẫn, chỉ có chuyện nhỏ nhặt thường ngày thì không thể dung hòa được. Vẫn biết nết ăn nết uống là văn hóa riêng của mỗi gia đình song nếu mâu thuẫn về chuyện này thì thực sự là cực hình.

Ảnh minh họa.

Gia đình tôi vốn có truyền thống ăn thanh đạm. Bố mẹ tôi có thói quen ăn rất nhiều rau củ quả tươi sống, rau hay thịt cũng chỉ thích luộc, chế biến vừa chín tới. Những món khác như món trộn, xào thì cũng rất ít mỡ, nêm nếm ít gia vị để cảm nhận vị ngon ngọt nguyên bản của nguyên liệu và quan trọng là tốt cho sức khỏe.

Ngược lại, gia đình chồng tôi lại ưa kiểu ăn đậm vị, nhiều dầu mỡ. Chẳng hạn, rau thì luôn luôn phải xào ngập dầu mỡ hoặc nấu canh cũng phải xào qua mỡ trước rồi mới cho nước dùng vào. Thịt thì thường xuyên ăn ba chỉ, rang cháy cạnh, nêm nhiều mắm muối. Nếu có thịt nạc thì cũng sẽ thái mỏng tẩm bột hoặc chiên, rán, ướp lên nướng. Thậm chí, khi nấu cơm, mẹ chồng tôi cũng phải cho một thìa dầu vào vì bà bảo như thế cơm mới dẻo.

Khổ hơn nữa là công việc của hai vợ chồng tôi đều rất bận, khi về đến nhà cơm nước đã xong xuôi. Hơn nữa, mẹ chồng tôi ngày nghỉ cũng giành phần nấu nướng vì với bà, nấu ăn cho gia đình là niềm vui.

Tôi cũng biết mỗi nhà có nếp sống riêng, không nên vì thói quen của mình mà đánh giá nếp nhà người khác nhưng cố gắng một thời gian, tôi thực sự không chịu được nữa. Có lần ăn bát canh rau ngót nổi đầy váng mỡ của mẹ chồng, tôi không nhịn được mà nôn khan, phải chạy vào trong nhà vệ sinh ói sạch. Sau đó, tôi góp ý nhẹ nhàng với mẹ chồng, rằng bà nên bớt dầu mỡ khi nấu ăn, như thế sẽ tốt cho sức khỏe cả nhà hơn.

Ảnh minh họa.

Nào ngờ, mẹ chồng tôi nghe vậy liền giận tím mặt. Những ngày sau đó, mỗi bữa cơm đối với tôi như tra tấn, mẹ chồng không những nấu nhiều món ăn dầu mỡ hơn, còn thường xuyên nói kháy tôi là "tiểu thư", "trứng khôn hơn vịt", "học đòi dạy khôn người khác"... Tất cả những điều đó làm tôi stress nặng nề, có phàn nàn với chồng thì anh cũng chỉ an ủi đôi câu rồi nói tôi cố gắng thay đổi khẩu vị cho giống nhà anh. Tôi đành một điều nhịn là chín điều lành, cố gắng thích nghi.

Thế nhưng, đến kỳ khám sức khỏe định kỳ, tôi bàng hoàng nhận kết quả là mỡ máu và cholesteron cao, mọi năm các chỉ số tôi đều rất tốt. Về nhà, tôi quyết định nói chuyện nghiêm túc với mẹ chồng, nhưng bà chẳng buồn liếc mắt nhìn tờ kết quả. Bà khăng khăng do tôi chuyển hóa không tốt và chuyển hóa mỗi người khác nhau, nếu tôi không chịu được thì tự ăn một mình.

Từ đó, mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng càng căng thẳng hơn, bà không muốn nhìn thấy tôi, thậm chí tôi chủ động hỏi cũng không đáp lời mà quay lưng bỏ đi. Chưa hết, mẹ chồng tôi còn đi nói với hàng xóm rằng tôi đanh đá, ghê gớm, con dâu vừa mới về mà muốn điều khiển cả mẹ chồng. Hàng xóm lời qua tiếng lại đến tai tôi, khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, bức bối vô cùng.

Chuyện chỉ thay đổi khi mẹ chồng tôi đổ bệnh. Thật ra, mẹ chồng tôi vốn cao huyết áp, thường chóng mặt, đau đầu, cũng hay dùng thuốc bổ và thực phẩm chức năng. Bố chồng tôi sỏi thận tái phát liên tục, cơ thể thỉnh thoảng mẩn ngứa do gan hoạt động không tốt. Ngày hôm đó, khi mẹ chồng lấy khăn chuẩn bị đi tắm thì đột nhiên bà bước loạng choạng rồi ngã chúi xuống gần ban công.

Nghe thấy tiếng động mạnh, tôi và bố chồng chạy đến nơi thì thấy bà nằm im dưới sàn nhà, mặt méo lệch, gọi thế nào cũng không tỉnh. Hoảng sợ nhưng tôi vẫn cố lấy bình tĩnh gọi cấp cứu và gọi chồng đến bệnh viện ngay.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định mẹ chồng tôi bị đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não. Khi hỏi về tiền sử bệnh và thói quen ăn uống, sinh hoạt kết hợp với các kết quả xét nghiệm mỡ máu cao gấp nhiều lần mức bình thường, bác sĩ nhận định, mẹ chồng tôi đột quỵ chính là do kiểu ăn uống nhiều dầu mỡ, đậm vị.

Ảnh minh họa.

May mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, mẹ chồng tôi thoát khỏi cửa tử nhưng sau khi tỉnh lại, cơ thể bà suy yếu trầm trọng. Khi được về nhà điều dưỡng, chân tay bà cử động bất tiện, gặp nhiều khó khăn khi vệ sinh cá nhân. Bố chồng và chồng tôi không quen chăm người ốm, chân tay lóng ngóng nên một tay tôi chăm mẹ chồng, từ ăn uống đến tắm rửa.

Trong quá trình này, tôi mượn lời bác sĩ, thường xuyên nấu các món ăn thanh đạm và khuyên nhủ mẹ chồng cố gắng ăn uống để lại sức. Mỗi khi bóp chân, bóp tay cho bà, tôi cũng hay thủ thỉ chuyện trò, bật kênh sức khỏe để bà có thể hiểu hơn về dinh dưỡng lành mạnh.

Thời gian trôi qua, tôi và mẹ chồng ngày càng hòa hợp hơn. Khi khỏe lại một chút, bà cũng thay đổi khẩu vị, chuyển sang ăn nhạt, thanh đạm hơn, cũng chủ động nói chuyện với tôi, rủ tôi đi chợ, đi gội đầu dưỡng sinh. Thậm chí, khi chồng tôi phàn nàn về tôi, mẹ chồng tôi còn mắng anh, nói anh không biết quý trọng vợ.

Ảnh minh họa.

Về phía tôi, khi mẹ chồng thay đổi thái độ, tôi cũng nhân cơ hội mà kéo gần khoảng cách hai mẹ con hơn. Lúc mẹ chồng nấu nướng ngày nghỉ thì tôi theo vào bếp, phụ các việc như nhặt rau, sơ chế thực phẩm và nói chuyện với mẹ cho vui. Trong khi nói chuyện tôi sẽ đưa thêm ý tưởng về việc nấu ăn, kiểu như "con mới nghe nói món này nấu thế này, món kia nấu thế kia ăn được và tốt cho sức khỏe của mẹ..., hôm nào mẹ thử nấu con ăn với nhé".

Khi mẹ chồng mệt, tôi sẽ vào bếp nấu nướng. Mỗi lần nấu đều kết hợp nhiều loại thực phẩm, rau củ và cách chế biến khác nhau, nấu các món từ các loại thức ăn mà bà ít hoặc hiếm khi mua. Đồng thời khi có thời gian, tôi cũng rủ mẹ chồng nấu đồ ăn sáng cầu kỳ một chút, nấu xong sẽ chụp ảnh thật đẹp và khoe với mọi người. Mẹ chồng tôi vui vẻ ra mặt, thường xuyên tìm tòi các món ăn tôi thích để nấu.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, nhà chồng tôi đã ăn nhạt và lành mạnh hơn hẳn, mẹ chồng tôi cũng hay hỏi ý kiến tôi về việc nấu nướng ngày cúng, giỗ, lễ tết, không khí trong gia đình thực sự rất hài hòa. Đến cả bố mẹ ruột tôi còn cảm thấy ngạc nhiên vì hiện giờ tôi hay khoe mẹ chồng nấu nướng ngon, tâm lý lại cực chiều con dâu.

Thế đấy, câu chuyện mẹ chồng nàng dâu vẫn là vấn đề bàn mãi không chán, nếu bạn làm mọi việc xuất phát từ cái tâm, tôi tin rằng dù hai "hổ" cùng chung một nhà thì vẫn cứ hòa thuận vui vẻ, hạnh phúc.

Mời độc giả xem thêm video: Những câu thoại bá đạo trong phim Sống chung với mẹ chồng (Nguồn video: VTV GO)

Kiều Dụ (Theo SH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/chuyen-me-chong-nang-dau-khi-2-ho-cung-mot-chuong-1644822.html