Chuyện mẹ con chị Thư như cổ tích

Chị có cái tên mỹ miều, Nguyễn Ngọc Anh Thư. Nhưng người đàn bà đang sinh sống ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai không được cuộc đời chiều chuộng. Mới sinh con gái đầu lòng được một tháng chị đã phải xem bệnh viện là nhà, vì bé mắc teo đường mật bẩm sinh, bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật. Và rồi, bờ vai nương tựa của chị cũng bỏ đi sau đó. Hành trình làm mẹ đơn thân của Anh Thư bắt đầu, đến nay đã tròn 13 năm.

Hai mẹ con Thư bây giờ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hai mẹ con Thư bây giờ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chỉ có con thôi

Nguyễn Ngọc Anh Thư đã bỏ quên đời riêng của mình từ khi con ra đời. Chị không còn tâm trí nào để nghĩ đến chuyện giữ chồng. Người đàn bà sinh năm 77 không dám trách chồng cũ đã bỏ mẹ con chị mà đi, chị nhận một phần lỗi về mình: “Hồi con gái 1 tháng tuổi, tôi tập trung lo cho con quá, bỏ chồng qua bên, một năm không biết mặt chồng. Cho nên tôi không trách hết một phía”.

Nói vậy song không ai không khỏi xót xa cho phận mình khi rơi vào hoàn cảnh tủi cực. Giọng chị chùng xuống: “Đúng ra một người chồng biết thương vợ, thương con trong hoàn cảnh ấy phải an ủi vợ. Đằng này, vợ lo cho con bỏ quên chồng thì chồng cũng bỏ quên vợ luôn”. Nhưng chính con gái kéo chị khỏi nỗi buồn: “Tôi chấp nhận hiện thực về đường hôn nhân của mình, cứ như một sự hết duyên vậy đó. Trong đầu tôi từ đó đến nay, 13 năm trôi qua, chỉ có con thôi.”.

Hai mẹ con Thư bây giờ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hai mẹ con Thư bây giờ (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Thư học hết lớp 12 thì dừng. Để có tiền nuôi con, người mẹ đơn thân không kén chọn công việc: “Tôi từng có lúc đứng quầy cho nhà hàng, rồi làm thuê làm mướn tùm lum hết, ai mướn cũng làm”, chị kể. Mà chị cũng chẳng được tập trung kiếm sống: “Cứ về nhà khoảng 5-6 ngày, nhiều lắm là tuần lễ hoặc 10 ngày tôi lại phải đưa con trở lại viện. 3 năm đầu bệnh viện là nhà…”.

Con gái bé bỏng phải trải qua cuộc phẫu thuật khi mới 1 tháng 20 ngày. Ca phẫu thuật thành công. Nhưng vô vàn khó khăn vẫn đợi hai mẹ con ở phía trước: “Những em bé teo đường mật bẩm sinh sức đề kháng rất yếu. Bé chỉ cần ra gió đã có thể bị sốt. Khi bé sốt mẹ lại lo nhiễm trùng đường mật. Mà mỗi lần nhiễm trùng vô bệnh viện phải mất 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày…”. Sau 3 tuổi, bé ít phải vào bệnh viện hơn nhưng đến 6 tuổi bé bắt đầu bị xuất huyết tiêu hóa, dấu hiệu vàng da tăng lên. Từ Đồng Nai, Thư đưa con ra Hà Nội, để con được ghép tế bào gốc: “Tôi cho con ghép ở Bệnh viện Vinmec, 3 đợt liền. Từ đó con phục hồi sức khỏe, không bị xuất huyết tiêu hóa nữa. Con bắt đầu ăn ngủ bình thường, bụng không còn to ra, lá lách cũng vậy, khi xét nghiệm nhiều chỉ số ở ngưỡng bình thường, như men gan chẳng hạn”.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Cách đây 2 năm, năm 2021, men gan của con lại tăng cao, lá lách to, sau đó con bị nhiễm trùng đường mật. Cứ tái đi tái lại: “Đến lần thứ 3, bác sỹ chỉ định: Con cần ghép gan, nếu không nhiễm trùng sẽ tái diễn. Hơn nữa lá lách con to độ 4 rồi”, chị bùi ngùi nhớ lại thời khắc tưởng như đất dưới chân sụt xuống. “Mẹ đơn thân làm thế nào giải quyết một chuyện lớn lao như ghép gan cho con gái? Nguồn gan ở đâu? Tiền ở đâu?”.

Làm mẹ rồi còn phải làm cả cha…

Nhưng nghĩ đến cô con gái sắp thành thiếu nữ, chị lại quyết tâm phải giành sự sống cho con. Nhớ lúc con tưởng mình không qua khỏi, cứ đòi gặp ba, gặp mẹ, để nếu chuyện xấu nhất xảy ra con được ra đi trong vòng tay cha mẹ. Người mẹ đơn thân gọi điện cho chồng cũ nhưng chỉ nhận được phản hồi tan nát trái tim: “Anh giờ đâu có lo được gì? Em tự lo đi”. Kể đến đây, Thư bảo, chỉ muốn khóc: “Đúng ra tôi không kể chuyện này bởi tôi sợ lời nói đến tai con gái, con nghe được sẽ buồn. Từ xưa đến giờ tôi nói với con, cha mẹ không còn duyên nợ nên không ở được với nhau. Nhưng mẹ sẽ bù đắp cho con. Ba con đã có cuộc sống riêng, mỗi người có nỗi khổ riêng. Con có ba chứ không phải không có ba, chỉ là ba không ở cùng mẹ và lo cho con thôi, nhưng ba rất thương con, con đừng suy nghĩ”.

Chị muốn tuổi thơ của con được vẹn tròn nên cất giấu sự thật. Song sự thật cũng lộ trước cô con gái thông minh, nhạy cảm đã 12, 13 tuổi: “Con cứ hỏi tôi hoài: Mẹ, mẹ nói cha thương con mà hổng thấy về thăm? Không thấy điện thoại cho con, nhiều khi con muốn nói chuyện điện thoại thì ba lại không nghe máy, thương là thương ở chỗ nào?”.

Người mẹ đành giả vờ than: “Mệt quá. Con điện thoại cho mẹ đi, mẹ nghe máy nè”. Chị còn “bật mí”: Từ khi con 1 tháng tuổi đến bây giờ chị chưa nhận được đồng nào từ cha cô bé. Song Thư không định “kết án” ai, cũng không thù đàn ông: “Mất cái này được cái kia. Con tôi cũng vậy, bé không có tình thương của người cha, bù lại, bé nhận rất nhiều tình thương của bao nhiêu người khác. Trong rủi có may”, chị nói.

“Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa…”

Tôi tò mò hỏi: “Ghép tế bào gốc tốn không ít chi phí? Người mẹ đơn thân xoay xở ra sao?”. Thư liền đáp: “Ngay bốc máy bay để bay ra ngoài Bắc tôi cũng đâu có tiền? May lúc đó có bác Liêm (GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc Vinmec, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương). Tôi được trực tiếp nói chuyện với bác Liêm, bác xin tài trợ giúp và theo dõi con tôi cho tới nay. Ngoài ra còn các bác sỹ khác như bác sỹ Hằng, bác sỹ Minh… Các bác thường xuyên gọi điện hỏi thăm con gái. Những kiến thức về y khoa liên quan đến bệnh của con nếu tôi chưa hiểu thì chuyển câu hỏi, tài liệu qua tin nhắn, các bác sẽ gọi điện lại, giải thích rõ ràng cho tôi hiểu”.

Đồng hành với hai mẹ con không chỉ có những “lương y như từ mẫu” mà còn nhiều người khác. Vì khác nhóm máu với con, nên khả năng mẹ cho con gan bị loại. Một người chị kết nghĩa, nhận là mẹ nuôi của con gái Thư tình nguyện hiến gan: “Chúng tôi ra Hà Nội nhưng bệnh viện từ chối tiến hành ghép gan cho con gái vì họ nói, hiện trạng của con chưa nặng đến mức ghép. Thế là chúng tôi lại vô miền Nam. Rồi cũng có bệnh viện đồng ý tiến hành ghép gan cho con gái nhưng họ nói luôn, người ngoài không nên hiến gan, nên tìm người trong gia đình, cha mẹ, chị em, cậu dì chú bác… Rốt cuộc, cậu của cháu tình nguyện hiến một phần lá gan, không đòi hỏi gì”, Thư rưng rưng khi nhắc đến những người đã giang tay giúp đỡ mẹ con chị trong cơn hoạn nạn.

Có người hiến gan nhưng tìm đâu ra nguồn chi phí để ghép gan cho con gái? Người ta nói: Ánh sáng ở cuối đường hầm. Điều này đúng với mẹ con Thư. Một người thân bên chồng cũ sau khi biết tình hình của cháu mình, đã đi đến quyết định cầm cố ngôi nhà bà đang sở hữu, mang số tiền ấy đưa cho Thư, để Thư lo việc cho con. Nhưng số tiền cần có để tiến hành ghép gan vẫn chưa đủ, Thư lên trang cá nhân khẩn cầu. Những bà mẹ trong nhóm bệnh nhi gan mật đã chung tay giúp Thư, chia sẻ tới tấp bài kêu gọi. Thư lại có thêm một khoản tiền. Các bạn học của Thư đến lúc này mới biết con gái của Thư mang bệnh hiểm nghèo: “56 bạn học cấp ba lần lượt hỗ trợ tôi, không một ai không giúp. Các bạn học cấp 2 cũng vậy”. “Góp gió thành bão”, đủ kinh phí, Thư vui mừng liên lạc với bác sỹ và đưa con nhập viện. Sau một tháng nằm viện, con gái tìm lại sự sống.

Con gái của Thư khi nhỏ và sau ghép gan, cô bé “trổ mã”

Con gái của Thư khi nhỏ và sau ghép gan, cô bé “trổ mã”

Người đón mẹ con chị về nhà, cho ăn, cho ở, lại chính là người chị kết nghĩa: “Gia đình chị ấy đã cưu mang chúng tôi cả chục năm rồi”, Thư chia sẻ. Tôi khâm phục: Ở đời vẫn còn bao người có tấm lòng Bồ Tát! Thư cười: “Chắc chị ấy mắc nợ tôi kiếp trước nên chẳng có bà con dòng họ gì vẫn giúp đỡ hết lòng, không tính toán. Mà chồng của chị cũng giống chị, con của chị cũng giống chị luôn. Nhà của chị đang ở cũng là nhà thuê thôi, chị cho hai mẹ con ở chung”. Người mẹ đơn thân tiết lộ thêm về người chị kết nghĩa, mẹ nuôi của con gái mình: “Chị không giàu có gì, chỉ có công việc mang lại thu nhập ổn định. Chị làm lao công cho trường học”.

Một tổ chức từ thiện ở Đài Loan (Trung Quốc) sau khi tới tận nơi tìm hiểu đã quyết định hỗ trợ chị Thư chi phí tái khám cho con. Chị báo tin vui: “Con gái đã trở lại trường học 2 tháng nay. Sức khỏe tốt lên nên cháu bây giờ trổ mã lắm. Tôi cũng dự định sắp tới mở quán bán chuối chiên, được đồng nào quý đồng ấy”. Đến đây, tôi chợt nhớ mấy câu thơ quen thuộc của cố tác giả Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/Tại sao cây táo lại nở hoa/Sao rãnh nước lại trong veo đến thế?...”.

Những người có người thân mắc teo đường mật bẩm sinh mới thấu hiểu nỗi đau và cực nhọc vô cùng của người mẹ đơn thân ở Đồng Nai. Hơn mười năm trước, tôi từng có những khoảng thời gian thường xuyên ra vào Viện Nhi Trung ương, vì cháu ruột cũng mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Có một hình ảnh ám ảnh tôi đến bây giờ là cảnh một người bà bế dựng cháu gái bụng rất to, miệng khe khẽ hát ru trong nước mắt: “Cái cò đi đón cơn mưa…”. Khoảng hai, ba năm trước, tôi biết một bé gái teo đường mật bẩm sinh bị mẹ bỏ rơi, bố nghiện rượu, em ra đi không người thân bên cạnh, chỉ có cánh tay của cộng đồng chở che.

[ Nông Hồng Diệu ]

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-me-con-chi-thu-nhu-co-tich-post1520692.tpo