Chuyển mình từ đất khó

Từng là vùng đất cát hoang vu, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại, giờ đây Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) đã tiếp cận với những giống cây trồng mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhờ vậy, đời sống của nông dân không ngừng được nâng lên, vùng cát Thanh Thủy 'thay da, đổi thịt' từng ngày.

Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế

Trên cánh đồng trồng hành, tỏi của người dân Thanh Thủy, nằm trên đường ra thắng cảnh Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) những ngày này, bà con đang bận rộn thu hoạch ngò để bán. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Nga (69 tuổi), xóm Hải Yến, thôn Thanh Thủy cho hay, năm nay, ngò lên xanh tốt, cho năng suất cao khiến người nông dân vô cùng phấn khởi. Vụ tết vừa rồi, chỉ tính riêng 2 sào ngò, với giá bán 30 nghìn đồng/kg, gia đình ông đã có nguồn thu nhập hơn 15 triệu đồng. Bây giờ, sau khi thu hoạch xong, gia đình ông bắt đầu làm đất để xuống giống vụ hành tím mới.

Ông Nguyễn Nga, thôn Thanh Thủy đang thu hoạch ngò trên vùng đất cát.

Ông Nguyễn Nga, thôn Thanh Thủy đang thu hoạch ngò trên vùng đất cát.

Nhìn cánh đồng màu mỡ, xanh ngắt, bà con miệt mài thu hoạch, làm đất khác xa với khoảng thời gian đầy khó khăn trước đây, ông Nga nở nụ cười mãn nguyện. Khi đó, vùng này chỉ là những đồi đất đỏ bazan khô cằn, người dân bắt đầu khai phá mở đường, đắp cát, ra bờ biển nhặt đá vôi về chắn cát, rồi mua gạch về xây bao bờ hình thành nên khoảnh ruộng trồng bắp, trồng khoai. Sản xuất nông nghiệp khi ấy phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Mùa mưa, cây trồng được tưới mát, phát triển xanh tươi, nhưng đến mùa khô thì thiếu nguồn nước tưới. Gia đình có điều kiện khá giả thì khoan nước ngầm, tìm nguồn tưới tiêu cho cây trồng. Nếu không tìm được nguồn nước, đành "chịu trận", chờ đến hết mùa khô.

Khó khăn là thế, bao mảnh đời mòn mỏi trên cát nhưng bà con vùng quê Thanh Thủy hiểu rằng quê mình cũng tựa Lý Sơn nên đã tự tìm tòi, học hỏi, chuyển đổi sang trồng hành, trồng tỏi. Năm 1990, một số bà con đưa giống hành tím ở Lý Sơn về trồng thử nghiệm. Mô hình này đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. Tuy nhiên phải đến hơn 10 năm sau tức là năm 2000, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường điện kéo ra đồng. Kể từ đó người dân vùng quê này mới có điện phục vụ sản xuất, nông dân bắt đầu phát triển trồng hành, trồng tỏi đến tận bây giờ.

Cây hành tím bén duyên trên vùng đất cát đã mang lại cho người dân thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm.

Cây hành tím bén duyên trên vùng đất cát đã mang lại cho người dân thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm.

Năm 2019, hành tím Bình Hải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy đăng ký nhãn hiệu tập thể, sự kiện này đã đánh dấu sự "thay da đổi thịt" vùng đất khó. "Khi đó, đông đảo bà con trồng hành nơi đây đã vỡ òa trong niềm vui, phấn khởi. Bởi bà con biết đây sẽ là tiền đề để họ đẩy mạnh sản xuất, phát triển vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, sức tiêu thụ sản phẩm ngày càng mạnh, giá bán ra thị trường cao hơn. Nếu như trước đây, giá hành chỉ khoảng 20 – 25 nghìn đồng/kg, thì hiện nay hành tím đã tăng lên 50.000 đồng/kg", ông Nga phấn khởi nói.

Hiện nay, Thanh Thủy có 560 hộ dân, nhưng có hơn 380 hộ tham gia trồng hành, với diện tích hằng năm lên đến 100ha, sản lượng trên 1 nghìn tấn/năm. Việc xác định đúng cây trồng phù hợp với chân đất cát đã giúp người dân có thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/hộ/năm.

Chị Nguyễn Thị Nở, ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm nhờ luân canh nhiều loại cây trồng phù hợp trên đất cát.

Chị Nguyễn Thị Nở, ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm nhờ luân canh nhiều loại cây trồng phù hợp trên đất cát.

Không chỉ đẩy mạnh cây tỏi, hành tím, nhiều hộ dân đã tự tìm cho mình hướng đi mới, với những giống cây trồng mới, phù hợp với chân đất cát, được thị trường ưa chuộng. Trong đó, tiêu biểu là các giống cây ngắn ngày như rau ngò, tần ô hoặc cây nén. Nhờ vậy, nông dân ngày càng làm ăn hiệu quả hơn, xuất hiện nhiều nông dân có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Phát triển sản phẩm VietGap kết hợp du lịch cộng đồng

Thời gian qua, UBND xã Bình Hải đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển nghề trồng hành, tỏi ở địa phương. UBND huyện Bình Sơn đã phối hợp cùng HTX Bình Hải triển khai dự án "Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất củ hành tím đạt chuẩn VietGap với kinh phí 1,6 tỷ đồng. HTX đã thu mua và sơ chế khoảng 30 tấn hành thành các sản phẩm như: Hành sấy khô, hành hút chân không, hành muối chua. Sản phẩm "Hành tím Bình Hải" được quảng bá qua tài khoản Facebook "Hành tím Bình Hải". Đồng thời, xây dựng một số cửa hàng trưng bày, mua, bán gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch biển đảo.

Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, 100% hộ trồng hành, tỏi ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải đã lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động. Nhờ vậy, người dân đã giảm được rất nhiều thời gian, chi phí và đặc biệt là góp phần tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm hành tím Bình Hải được đóng gói và dán tem có mã số, mã vạch truy suất nguồn gốc.

Sản phẩm hành tím Bình Hải được đóng gói và dán tem có mã số, mã vạch truy suất nguồn gốc.

Hiện nay, thương hiệu "Hành tím Bình Hải" đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (2018), được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, được cấp mã vạch, mã số, truy suất nguồn gốc sản phẩm (2020). Nghề trồng hành, tỏi cũng vì thế mà đã vươn ra các thôn An Cường, Vạn Tương và trở thành thế mạnh của vùng đất cát ven biển xã Bình Hải (Bình Sơn). Hơn nữa, hành, tỏi Thanh Thủy đã không chỉ tiêu thụ ở thị trưởng nội tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Theo thống kế, diện tích trồng hành tím của toàn xã hiện có 180ha, được sản xuất 3 vụ, với sản lượng khoảng 1,8 nghìn tấn/năm, tăng 155% so với năm 2017. Trong đó, vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap có trên 20ha.

Để kích cầu cho sản phẩm hành tím Bình Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Hải Ngô Văn Thính cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục chú trọng hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường cung - cầu thông qua các hội chợ, liên kết với các doanh nghiệp, địa phương, đồng thời, khảo sát, nghiên cứu thị trường, thị hiếu của người dân và khách du lịch đối với sản phẩm "hành tím Bình Hải".

Địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua tài khoản Facebook "Hành tím Bình Hải"; đồng thời, phối hợp với các ngành của huyện Bình Sơn, trong đó có ngành du lịch tiếp tục triển khai quảng bá thương hiệu "Hành tím Bình Hải" gắn liền với vẻ đẹp hoang sơ của thắng cảnh Gành Yến, ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) qua hình ảnh những cánh đồng hành, tỏi để phát triển du lịch cộng đồng.

Các vùng trồng hành ở thôn Thanh Thủy đang phát triển theo hướng sản xuất an toàn.

Các vùng trồng hành ở thôn Thanh Thủy đang phát triển theo hướng sản xuất an toàn.

Để nghề trồng hành, tỏi phát triển bền vững, địa phương cũng rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, UBND huyện Bình Sơn triển khai thêm các dự án đầu tư xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, thu hút được nhiều nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm hành tím bền vững theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202302/chuyen-minh-tu-dat-kho-3158144/