Chuyện mới ở thôn Mường

Trong tiết xuân, những ngôi nhà sàn, nhà xây san sát ở thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) tạo nên một khung cảnh trù phú, yên ấm. Sau 18 năm các hộ dân tái định cư từ xã Xuân Tân (Na Hang) về sống ở quê mới đã ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu để có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Như cây rừng bám đất

Cách trung tâm xã Phù Lưu khoảng 5 km, con đường đưa chúng tôi đến khu tái định cư thôn Mường trải bê tông phẳng lỳ. Nhìn những ngôi nhà sàn, nhà xây khang trang, sạch đẹp, những sân bê tông rộng rãi để đầy thùng cam cuối vụ, chanh mới thu hoạch chờ thương lái đến chở đi, chúng tôi cũng phần nào cảm nhận được cuộc sống đủ đầy của người dân nơi đây.

Lãnh đạo xã Phù Lưu thăm hỏi tình hình sản xuất của các hộ dân tái định cư.

Lãnh đạo xã Phù Lưu thăm hỏi tình hình sản xuất của các hộ dân tái định cư.

Chứng kiến sự đổi thay của khu tái định cư, ông Hoàng Văn Biệt ở thôn Mường không giấu được niềm vui. Ông Biệt chia sẻ, ngày đầu về đây, bà con ai cũng lo lắng vì nơi này cái gì cũng mới mẻ, điều kiện sản xuất lại khác nhiều quê cũ. Nhiều người lúc ấy còn muốn trở về quê cũ! Nhưng được Nhà nước đầu tư đường nhựa, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, xây dựng công trình điện, nước sạch, trường học đến cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ dựng nhà; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. “Sự hỗ trợ kịp thời đó đã giúp các hộ tái định cư yên tâm ở lại, thi đua sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống. Cuộc sống mới của các hộ tái định cư ở đây được ví như cây rừng đã bám chặt rễ vào đất mới, vươn cao tỏa bóng xanh mát” - ông Biệt ví von.

Ký ức về cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng trong tâm trí của anh Nông Văn Vó. Anh Vó kể: “Trước kia, ở bản cũ khó khăn lắm, gia đình anh chỉ quanh quẩn với nương rẫy. Đất thì nhiều nhưng không hiểu biết về canh tác, chưa đến vụ thu hoạch mà thóc, ngô trong nhà đã hết sạch rồi”.

Gia đình anh Vó và các hộ khác khi đến nơi tái định cư, mỗi hộ ở thôn Mường được giao đất ở, đất sản xuất, đất lâm nghiệp. Cán bộ huyện, xã còn xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, chanh. Nhờ đất đai màu mỡ, thích hợp với trồng cây cam, cây chanh. Với những kỹ thuật được chuyển giao, sự tìm tòi, học hỏi từ người dân sở tại cùng nguồn vốn Chương trình di dân tái định cư thủy điện Na Hang, gia đình anh đã đầu tư trồng cây cam. Đến nay, gia đình anh Vó có 2 ha cam, 400 m2 chanh tứ thì, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Kinh tế gia đình ngày một khấm khá, gia đình anh càng thêm gắn bó với nơi ở mới.

Điểm sáng

Sau 18 năm xa bản cũ, nhường đất cho Dự án xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang, giai đoạn gian khó đã qua đi, giờ đây các hộ tái định cư của thôn Mường không chỉ vươn lên thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Đinh Thị Hồng Liên, thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) chăm sóc đàn trâu, bò của gia đình.

Chị Đinh Thị Hồng Liên, thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) chăm sóc đàn trâu, bò của gia đình.

Ông Hồ Văn Chiều, Trưởng thôn Mường cho biết, thôn có 37 hộ tái định cư chủ yếu là người dân tộc Tày. Ngày mới về cuộc sống còn khó khăn nhưng từ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự tìm tòi, học hỏi cái hay, cái mới của người dân sở tại để áp dụng vào sản xuất. Nhờ tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên bà con thường xuyên được mùa. Giờ ở thôn Mường, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây cam, cây chanh, nghề kinh doanh dịch vụ ngày càng nhiều. Tiêu biểu là hộ các anh Tày Văn Tương, Nông Văn Vó, Triệu Văn Đại, Nguyễn Văn Tưởng, Nông Văn Thăng, Tày Văn Hải... Đến nay, thôn chỉ còn 1 hộ tái định cư thuộc hộ nghèo do tàn tật, không có khả năng lao động.

Vội vã đóng từng thùng chanh chuẩn bị cho thương lái đến thu mua, anh Nông Văn Thăng hào hứng chia sẻ, vụ cam vừa qua, 10 ha cam của gia đình thu về hơn 500 triệu đồng. Nhờ nhanh nhạy phát triển kinh tế, năm 2008, sau khi lấy vợ, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng, cùng số vốn của gia đình anh đầu tư trồng 2 ha cam trên đất đồi, nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà để nhanh quay vòng vốn. Mỗi năm, anh lại mua thêm đất để mở rộng vườn cam và trồng thêm cây chanh tứ thì. Sau nhiều năm tích tụ đất sản xuất, đến nay, anh có 10 ha trồng cam, gần 1 ha chanh tứ thì, 2 con trâu, 3 con bò. Mỗi năm, anh thu lãi 300 - 400 triệu đồng từ bán cam, chanh, nuôi trâu, bò. Năm 2017, anh được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Cũng như gia đình anh Thăng, gia đình ông Tày Văn Tương có cuộc sống khá giả sau khi tái định cư lên vùng đất mới nhờ tận dụng nguồn tiền đền bù để đầu tư trồng cam và kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Ông Tương cho biết, vì dòng điện của quê hương, đất nước, người dân đồng thuận di chuyển. Tại vùng đất mới này, ông đã mạnh dạn vay vốn, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trồng cam của người dân sở tại. Nhờ thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc nên năng suất cây cam cao, mẫu mã đẹp. Mỗi năm từ 4 ha cam và cửa hàng tạp hóa, ông thu lãi gần 200 triệu đồng.

Một góc khu tái định cư thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Một góc khu tái định cư thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Theo đồng chí Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, nhờ các chính sách tái định cư phù hợp, với quan điểm phải tạo điều kiện tốt nhất để người dân an cư, lạc nghiệp tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống. Nhờ cách làm hiệu quả, người dân tái định cư thôn Mường rất tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ phát triển kinh tế trở thành hộ khá, giàu tiêu biểu của xã. Trong nhiều năm qua, thôn Mường là một điểm sáng trong phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Trong tiết trời lất phất mưa xuân, hương thơm ngát của hoa cam, hoa chanh đang tỏa khắp triền đồi hứa hẹn mùa quả bội thu. Cuộc sống no đủ hơn từ đó. Mường đã thay đổi nhiều rồi.

Ghi chép: Vân Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/chuyen-moi-o-thon-muong-156099.html