Chuyện một người bình thường

Hoàng Hà Tùng, sinh năm 1956, là một họa sĩ đa tài, có nhiều cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam. Do phong cách sống phóng khoáng, ông được bạn bè gọi biệt danh là 'Tùng Điên'. Dưới đây là nét phác họa con người ông qua bài viết của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân.

Hoàng Hà Tùng, sinh năm 1956, là một họa sĩ đa tài, có nhiều cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam. Do phong cách sống phóng khoáng, ông được bạn bè gọi biệt danh là “Tùng Điên”. Dưới đây là nét phác họa con người ông qua bài viết của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân.

Chẳng biết cái tên “Tùng Điên” gắn với họa sĩ Hoàng Hà Tùng từ bao giờ. Chỉ biết rằng thời sinh viên, tôi đã nghe người ta gọi “hắn” là Tùng Điên rồi.

Hắn từng đi bộ đội, rồi là diễn viên một đoàn kịch khá nổi ở miền duyên hải. Hồi ấy, hắn đã già nhất lớp Mỹ thuật Sân khấu của Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Già đến nỗi, cô bạn tôi xinh xắn cao ráo, cùng học lớp Mỹ thuật, toàn gọi hắn là chú.

Hai chú cháu thân nhau. Bạn tôi vốn nhẹ nhõm, phong cách “tiểu thư” điệu đàng, còn “chú” Tùng trông khù khoằm, nhưng vô cùng tốt tính, về cơ bản là hiền khô, trừ những lúc cáu lên. Tôi học lớp Biên kịch Điện ảnh, vì chơi với cô ấy nên cũng chơi luôn với “chú” Tùng Điên, nhưng tôi chỉ gọi là anh.

Hồi còn đi học, họa sĩ Tùng Điên không ở trong “top” đầu lớp. Ngay từ những bài tập, hắn đã vẽ chả giống ai, chắc vì thế chưa bao giờ hắn được điểm cao. Mà hắn cũng chả thiết. Hắn cứ một mình đi ngang khi tất cả đang đi dọc. Vậy mà sau khi ra trường, hắn là một trong số ít ỏi người thành danh, dù hắn vẫn tiếp tục vẽ kiểu điên điên khác thường ấy. Có lẽ vì vậy nên hắn không thể giàu. Với hắn, vẽ là một cuộc rong chơi bất tận. Vui chân lên thì đi quên đường về. Mệt thì nghỉ.

Thoắt cái, đã hơn 30 năm, sau bấy nhiêu vận đổi sao dời, chúng tôi vẫn là những người bạn quý của nhau. Cô bạn tôi không gọi Tùng Điên là “chú” xưng “cháu” nữa. Cô “tiểu thư” xưa giờ thành “mệnh phụ”, vẫn điệu đà, thơm thảo thế.

Họa sĩ Tùng Điên giờ râu tóc bạc hết cả, vẫn khù khoằm và tốt tính như xưa. Cô bạn tôi thường tặng hắn màu Hà Lan thứ thiệt, cổ vũ hắn vẽ. Hắn có biệt tài vẽ tất cả những người đàn bà đẹp thành những người vẹo vọ, mắt mũi như sắp rơi ra hay đang chực bay đi đâu mất. Nhưng kỳ lạ là vẫn lên được “thần thái” của mẫu, nên hầu như những người mẫu xinh đẹp ấy chẳng phản đối gì. Họ trân trọng treo tranh Tùng Điên ở nhà, vì họ quý cái tâm, cái tài của hắn.

Tôi vốn thích tranh sơn mài Tùng Điên vẽ, bởi vẻ nguệch ngoạc đầy cố ý, và chiều sâu ở cả những mảng “bẹt” nhất, thí dụ ở bức Nhà thờ Lớn, bức Phố Hồ Hoàn Kiếm, bức Ô Quan Chưởng, bức Chân dung nữ nghệ sĩ múa cổ cao như cuống sen, đang thuộc về một nhà sưu tập ở Hà Nội.

Nhà sưu tập này cũng là bạn của Tùng Điên. Với con mắt tinh đời, hơn hai mươi năm trước ông ấy đã đặt Tùng Điên vẽ hàng lô tranh sơn mài độc đáo, cũng là một cách khuyến khích bạn sáng tác. Khi ấy họa sĩ Tùng Điên vừa lấy vợ, mới sinh con gái đầu lòng, cuộc sống khó khăn, nên có được đơn đặt hàng thì mừng lắm.

Hồi tôi mới sửa lại căn hộ cũ trên phố, họa sĩ Tùng Điên đến tận nơi thăm, và hứa tặng tôi một bức sơn mài nhỏ. Thời gian này, hắn đã túc tắc bán được tranh. Hắn còn làm họa sĩ thiết kế của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và đi thiết kế sân khấu cho các đoàn nghệ thuật khác, lại có thêm con trai, cuộc sống tạm gọi là ổn.

Nhưng tôi một mực bảo hắn: “Không, em không lấy tranh của anh. Em cũng chưa đủ tiền mua đâu. Nhưng em rất thích tranh sơn mài anh vẽ, như những bức ở nhà anh T ấy. Anh cho em góp tiền sơn tiền vóc, nhá!”.

Hắn ậm ờ đồng ý, bảo để có tranh hẵng hay. Thế rồi, mãi, mãi, mãi vẫn chẳng thấy tranh đâu. Tôi chuyển sang một căn hộ mới, ở đó đến cũ ra, mà bức sơn mài Tùng Điên hứa vẽ cho tôi vẫn biệt vô âm tín.

Trong suốt thời gian đằng đẵng ấy, họa sĩ Tùng Điên bận trăm công nghìn việc, vẽ tranh, làm thiết kế sân khấu, bận nuôi vợ con, rồi bận... ốm.

Ngày hắn ốm nặng, tôi đang ở Pháp. Ai cũng tưởng hắn không qua khỏi được. Cô bạn tôi khi ấy nhắc đến hắn mà nước mắt lưng tròng. Nhưng rồi hắn thoát hiểm. Hắn lại lao vào công việc, lại điên rồ ngang ngược, và chân thành tử tế, như xưa.

Một lần hội ngộ ở nhà cô bạn tôi, hắn bảo: “Này, BC, anh vẫn không quên lời hứa với em. Nhưng em để thư thư cho anh nhé. Hay anh tặng em bức giấy dó này nhé, để làm tin, nhé!”. Nói rồi hắn mở điện thoại cho chúng tôi xem ảnh chụp bức tranh vẽ một gương mặt đàn bà như đang hoảng loạn, như đang thét lên. Bên cạnh gương mặt đau đớn vò xé ấy là vẻ bình yên của một con chuồn chuồn và một cái hoa mướp thì phải, tôi không nhớ rõ vì tôi bị gương mặt kia ám ảnh quá.

Tôi từ chối đây đẩy: “Thôi, thôi, em chả lấy đâu, trông như ma ý, sợ lắm! Nếu anh muốn cho em, thì rọc ra, em lấy một nửa bức. Anh giữ mụ kia, em xin hoa mướp với con chuồn chuồn”. Hắn cười ngất ngư: “Ối giời ơi, em đểu thế!”.

Sau đó, chắc “áy náy” vụ lời hứa thiên thu không thành, hắn điều vợ hắn mang đến tận nhà, tặng tôi một bức tranh khác, cũng vẽ hoa mướp và gương mặt một cô tiên ngộ nghĩnh, giống mấy cô tiên trong rối nước. Từ cực này, hắn phi vèo sang cực khác. Đang ma ra tiên ngay được.

Một lần khác, trước đó nữa, hắn mới mua ô-tô. Hắn rủ cô bạn tôi và tôi đi khao, ăn hải sản ở quán ven hồ. Vừa ăn, hắn vừa kể chuyện: “Anh bảo này, anh bị soán ngôi rồi. Bây giờ anh không điên nữa. Anh là Tùng Bình Thường rồi”.

Chúng tôi cười ngả nghiêng, tò mò hỏi dồn: “Như nào? Bình thường như nào?”. Hắn dõng dạc: “Này nhé, anh xin cho cái H vào tạm công ty của thằng C, làm lặt vặt. Hôm nọ thằng C gọi anh, chất vấn: - Ơ, cái H nó chưa tốt nghiệp đại học sao anh bảo nó tốt nghiệp rồi?! Anh bèn cãi: -Tốt rồi chứ, chưa là chưa thế nào! - Đâu, nó khai trong lý lịch nộp cho công ty là chưa đây này, giờ muốn cho nó vào chính thức là khó, vì có bằng đại học đâu mà vào! - Ôi chết, con bé này, nó điên hơn cả tao! Sau đó anh đi hỏi cái H: - Sao em lại điên thế em? Em đường đường cử nhân, sao lại đi khai là không đại học, hả!!? — Khai làm gì! Làm linh làm tinh thế thì cần gì bằng đại học! Cái H thủng thẳng giả nhời, thế chả phải anh mất ngôi vào tay nó à?!”.

Ba anh em đang cười xiêu cả quán, thì nhân viên nhà hàng, chắc cỡ tuổi tôi và cô bạn, rón rén đến bên, khẽ khàng nói với hắn: “Cụ ơi, có phải cái xe ô-tô dưới kia là của cụ không ạ?” - “Ờ, của cụ đấy, sao cháu?” - “Dạ, cụ quên tắt máy, nó cứ nổ xình xịch cả tiếng đồng hồ, chúng cháu vừa phát hiện ra ạ”. Giời ơi! Vẫn điên nguyên, mà hắn dám tuyên bố vừa bị soán ngôi rồi. Chúng tôi từ đó chả tin hắn nữa!

Gần đây, họa sĩ Tùng Điên lại vẽ theo đơn đặt hàng, một loạt tranh phố Hà Nội, bột màu trên giấy gió, phong cách mơ màng, không giống hắn thông thường, nhưng lại vẫn là hắn đấy.

Có vẻ như cái góc dịu dàng vốn cất kỹ bấy lâu của hắn nay được phơi lên tranh, mong manh đến lạ. Những góc phố Hà Nội thân quen rực màu nắng non của những ngày đầu hạ. Lớp lớp ngói nâu náu dưới những vòm cây xanh mướt mượt; Một chút xôn xao đời sống đâu đó; Và nỗi nuối tiếc mơ hồ loang trên tường vôi, trên ngói cũ, trên lá mới, trên những gốc cây già…

Sau dăm ba bận chuyển nhà, hắn thuê cho vợ con một căn hộ ở khu chung cư phía tây Hà Nội, rồi về quê, vùng núi Chí Linh, thư thả dưỡng bệnh bằng khí trời trong, bằng cỏ cây hoa lá tươi lành, và hăm hở vẽ. Hắn đang làm một loạt sơn dầu, chân dung những đồng đội của hắn thời quân ngũ.

Những người mẫu, những bạn nghèo của Tùng Điên đều chẳng mấy biết về hội họa. Nhưng thấy ông bạn gàn dở nhiệt tình vẽ vời, họ ủng hộ hết lòng.

Nhiều người lặn lội tàu xe, đi từ xa đến núi Chi Linh, ngồi mẫu cho Tùng Điên vẽ. Hắn dự định ngày 15-10-2020 sẽ mở triển lãm “Tôi và Đồng đội” ngay tại ngôi nhà trên núi của mình. Nghe nói những bức tranh này đã có nhà sưu tập đặt mua. Một phần không nhỏ của số tiền bán tranh sẽ được họa sĩ Tùng Điên chuyển vào Quỹ Đồng đội, do hắn và những người bạn lập ra để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau lúc cần.

Những người bạn chiến đấu năm xưa bước vào tranh Tùng Điên từ cả ký ức và hiện tại, từ làng quê, từ ruộng đồng, từ ánh sáng, từ nhiều góc khuất, rồi ở lại trong những bức tranh với hắn, mãi.

NGUYỄN BẢO CHÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chan-dung/chuyen-mot-nguoi-binh-thuong-612775/