Chuyện mùa cúm
Khám bệnh thời 4.0 có nhiều cái thú vị lắm. Hôm trước, tôi vừa nhận được một cuộc gọi hẹn khám từ gia đình bệnh nhân cũ.
Cháu bé bị giãn đài bể thận mức độ nặng, vừa mới mổ cách đây khoảng 2 tháng. 2 ngày nay, cháu bị sốt, hắt hơi, chảy mũi. Hàng xóm nhà cháu có người sốt vì cúm A. Thế là bố cháu gọi dịch vụ làm xét nghiệm cúm luôn, có kết quả liền alo đưa con đến cho bác sĩ khám - quá tiện. Sau khi khám đầy đủ thấy không có vấn đề gì khác, tôi kê đơn trong đó có tamiflu vì cháu bị bệnh thận mới mổ.
Mặc dù tiện nhưng với tôi, việc làm xét nghiệm trước khiến tôi không thích lắm vì nhiều khi là thừa. Hơn nữa, nhiều gia đình bệnh nhân làm những xét nghiệm không cần thiết, thậm chí không liên quan gì tới bệnh cả. Có những gia đình còn làm cả xét nghiệm máu. Vừa rất đau và làm cho trẻ hoảng sợ, lại tốn kém. Mà khi tôi khám bệnh thì hoặc là thấy xét nghiệm đó thừa, hoặc là muốn làm thêm xét nghiệm khác nữa cũng phải cân nhắc rất đau đầu. Bởi vì cháu cần phải lấy máu để làm thêm một số xét nghiệm khác, nếu không làm thì thiếu, mà làm thì... Những gia đình nào có con bụ bẫm một chút, ven khó một chút sẽ hình dung ra được việc lấy máu nhiều lần nó khổ sở thế nào.
Nhớ lại, cách đây mấy hôm, chị hàng xóm gọi cho tôi báo con chị bị sốt mà lớp con tuần trước có 9 bạn ốm. Chị cũng đã gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà làm xét nghiệm cúm. Chị muốn tôi khám cho con chị trước và gửi xét nghiệm xem sau, vì 21 giờ chị gọi làm xét nghiệm nên 23 giờ mới có kết quả. Sau khi khám xong cho bé, tôi đề nghị chị hủy lịch xét nghiệm cúm, vì tôi không nghĩ đến cúm, cháu bé cũng không có chút dịch mũi nào nên cũng không làm xét nghiệm cúm được. Kết quả là cháu bé uống hạ sốt và theo dõi 2 ngày thì cắt sốt, vui vẻ, gia đình cũng không phải tốn tiền làm thêm xét nghiệm.
Cũng vì dịch cúm hoành hành mà tôi thường nhận được tin nhắn:
“Con em bị sốt cao, cháu quấy lắm, bác cho em hỏi cháu bị làm sao ạ”. Tôi cũng không biết trả lời mẹ của bé sao nữa, bèn gửi biểu tượng (icon) mặt méo méo, rồi nhắn lại “Con em bị sốt, em ạ”. Sau đó không thấy mẹ của bé phản hồi gì lại.
Một mẹ khác gửi cho tôi hình ảnh được che chắn kỹ càng, không có thông tin gì, có mỗi dòng kết luận: Cúm A+ cúm B. Rồi mẹ bé hỏi tôi rằng cháu uống thuốc thế nào? Tất nhiên tôi chỉ có thể trả lời rằng: “Chị nên cho con đi khám cụ thể để được kê đơn chính xác”.
Một mẹ của bé khác đã cho con đi khám, được chẩn đoán cúm A nhưng không thấy kê tamiflu, gọi cho tôi hỏi giờ nên làm thế nào. Tôi không biết bệnh nhân là ai, tình hình bệnh đang như thế nào nên tôi cũng chỉ tư vấn được rằng: “Em nên tin bác sĩ đã khám cho con em”.
Một phụ huynh khác cho con đi khám, đã được kê đơn tamiflu theo đúng độ tuổi, cân nặng, sau đó đi mua lại được cô bán thuốc nào đó hướng dẫn uống thuốc liều cao hơn. Hôm sau, mẹ bé gọi lại cho tôi hỏi nên uống thế nào? Sau khi tôi check lại cân nặng, tuổi, liều thuốc 1 lần nữa, tôi lại “nhe răng” cười bảo “Em tin ai hơn thì làm theo người đó”.
Là một bác sĩ nhi khoa, khi phụ huynh hoang mang giữa dịch bệnh, nhiều lúc tôi muốn giúp, muốn tư vấn kỹ càng cho họ, thậm chí là qua tin nhắn... Nhưng khổ nỗi nhiều lúc tôi không thể làm được. Ít bệnh nhân hiểu được rằng y học là một ngành khoa học cần bằng chứng cụ thể để điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể. Y học không giống như một vài công thức nấu ăn nên không thể dùng cho mọi nhà được.
Nói chung, người Hà Nội mình rất hay vội vàng, sốt ruột mỗi khi có một dịch bệnh nào đó. Mọi thứ cứ xôn xao, đảo lộn hết cả, cũng phần nào vì họ còn chưa tìm hiểu về bệnh nên lo lắng quá mức. Bệnh cúm dạo này gia tăng thành ra nhiều người hoang mang. Qua bài này, tôi mong mọi người có thể hiểu hơn để xử trí tốt hơn khi nhà có trẻ bị sốt.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-mua-cum-n168392.html