Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An) không có giáo viên nữ, chỉ có 28 thầy giáo cắm bản, chia nhau dạy học sinh. Từ khi thành lập cho đến nay hơn 40 năm, trường Tiểu học Tri Lễ 4 chưa được đón nhận giáo viên nữ về công tác. Để đến với điểm trường, các thầy giáo phải vượt quãng đường hơn 40 km, trong đó chỉ hơn 10 km đường nhựa, còn lại đường đất lầy lội, trời mưa xuống là nhão nhoét.
Ngôi trường đứng chân trên đỉnh núi Phà Cà Tủn có toàn bộ học sinh đều là dân tộc Mông, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Với tâm huyết của các thầy giáo, những năm gần đây không còn tình trạng trẻ bước vào tuổi đi học không được đến trường, cũng không có học sinh nghỉ học giữa chừng.
Đặc biệt, với những điểm trường như Nậm Tột, đường vào hết sức khó khăn, từ trung tâm huyện, các thầy cô giáo phải đi hơn 3 giờ đồng hồ nếu trời đẹp mới đến được điểm trường này. Còn trời mưa, các điểm trường hầu như bị cô lập với bên ngoài vì đường trơn trượt, sạt lở đất. Vượt qua cung đường này, các thầy phải đi xe máy, ủng cao su, áo mưa là đồ bảo hộ không thể thiếu. Dù khó khăn, xa xôi nhưng tại các điểm trường luôn giữ nề nếp học tập, sinh hoạt.
Trường có điểm chính tại bản Mường Lống và 3 điểm lẻ tại các bản Huồi Mới, Nậm Tột, Huồi Xái, đều là nơi sinh sống của của bà con người Mông. Đây là một trong những trường vùng biên giới xa xôi, khó khăn nhất của huyện Quế Phong và cả tỉnh Nghệ An. Ở đây hội tủ đủ điều kiện "5 không" gồm: không điện lưới; không sóng liên lạc; không chợ; không trạm y tế và không giao thông thuận lợi.
Thầy Thò Bá Sinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã có thâm niên 33 năm cắm bản cùng học sinh chia sẻ: "Khoảng 5 - 6 năm nay các thầy mới đi được xe máy vào trường, trước đó phải đi bộ, men theo con đường mòn của người dân. Có đoạn bùn đất ken cứng vào bánh xe không đi nổi. Lúc nắng lên, đất bùn khô tạo thành rãnh giữa đường. Khi đó, tay lái phải thật khéo để bánh xe không bị trật xuống".
"Việc công tác ở địa bàn khó khăn ai ai cũng biết, đặc biệt là những ngày mưa. Nhưng khi được nhìn thấy sự trưởng thành của các em học sinh khiến chúng tôi hạnh phúc mà quên đi những khó khăn và mệt nhọc", thầy Thò Bá Sinh nói.
Thầy Lê Tất Thắng - Hiệu trường trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết, quá trình vận động gọi học sinh trở về trường gặp nhiều khó khăn bởi các cháu thường theo bố mẹ lên nương, rẫy có lúc cả tháng, nên phải cử giáo viên đến tận nơi vận động. "Đến nay, học sinh các điểm trường đều tương đối đầy đủ. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng các thầy giáo động viên nhau cố gắng dạy dỗ, chăm sóc chu đáo để các em không bị thiệt thòi so với các bạn trường khác", thầy Thắng chia sẻ.
Các thầy giáo vừa là người thầy, người cha và là người bạn của các em học sinh nơi đây. Các thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn gieo niềm tin, tình yêu và truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò vùng khó. Những nét chữ của các em học sinh viết ra là công sức, mồ hôi và nước mắt của các giáo viên nơi đây.
Trước đây, trẻ nơi đây ít đến lớp, hầu như không có học sinh học lên các bậc cao đẳng, đại học. Đến nay, xã có nhiều em bước chân vào các trường đại học trên cả nước. Nhiều con em học xong tình nguyện xin trở về quê hương cùng thầy giáo ngày xưa cắm bản, gieo chữ.
Nậm Tột là điểm trường khó khăn, xa xôi nhất của trường Tiểu học Tri Lễ 4 với gần 50 nóc nhà, đều là bà con người dân tộc Mông. Nhiều người lớn trong bản vẫn chưa nói thạo tiếng Kinh.
Vượt lên cuộc sống khó khăn, vất vả, các thầy giáo ngày đêm miệt mài đưa con chữ đến với học sinh nơi đây.
Cuộc sống nơi đây hoàn toàn tự cấp tự túc, góc bếp ăn khi mưa xuống dột tứ tung, không nấu được cơm. Để duy trì thức ăn cho cả tuần, các thầy mua sắm từ ngoài huyện. Đầu tuần có thức ăn tươi, nhưng cuối tuần thường chỉ ăn đồ khô. Những lúc mưa không dứt, các thầy giáo trẻ phải ở lại trường, họ chia nhau đi hái rau, măng, bắt cá dưới khe, lấy hoa chuối rừng làm thức ăn.
Bước chân vào trường là hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Có khi muốn liên lạc, các thầy phải đi bộ khoảng 3km lên một ngọn đồi cao để "hứng sóng rớt". Nhiều lần đi bộ cả buổi đến nơi cũng không "hứng" được sóng lại phải quay về.
Ông Thò Bá Bì, Trưởng bản Nậm Tột cho hay, bản nằm ở vùng sâu, khó khăn biệt lập nên đời sống bà con dân bản còn vất vả, nhiều hộ nghèo. Điều kiện chăm lo cho con em đi học cũng thiếu thốn, thiệt thòi.Tuy nhiên, bây giờ nhận thức của bà con đã tiến bộ hơn, không còn tình trạng cho trẻ con bỏ học ở nhà. Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi đến trường đều đảm bảo đầy đủ.
Hoàng Trinh