Chuyện nghề của những phóng viên trẻ
Nghề báo là nghề đặc biệt đòi hỏi ở người làm báo sự nhạy bén, bản lĩnh và chịu được áp lực cao. Đối với những phóng viên (PV) trẻ đang theo nghề báo hiện tại cũng có nhiều khó khăn, thuận lợi nhất định.
Những ngày đầu bỡ ngỡ
Những PV trẻ có lợi thế về sự năng động, nhạy bén, tưởng chừng sẽ gặp nhiều thuận lợi khi dấn thân vào nghề báo. Nhưng ngược lại, PV trẻ khi mới vào nghề nếu không thật sự đam mê sẽ rất dễ bỏ cuộc trước những thử thách của nghề báo.
Bước chân vào nghề báo hơn 7 năm, PV Trọng Hiếu (Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang (THTG)) đã gặp nhiều khó khăn, thử thách trong thời gian đầu công tác ở đài. Anh chia sẻ: “Khi mới vào nghề, với năng lượng của tuổi trẻ, tôi cảm thấy rất háo hức và mong muốn được tham gia những chuyến công tác xa để có thể dấn thân lấy tư liệu viết tin, bài. Tuy nhiên, mọi việc điều không giống như tôi tưởng tượng. Là phóng viên trẻ, tôi cảm thấy rất rụt rè, bỡ ngỡ. Do sự trải nghiệm chưa nhiều, khả năng sử dụng ngôn ngữ nói của tôi còn hạn chế nên nhiều nơi liên hệ công tác họ không tin tưởng và ngại cung cấp thông tin. Có lúc, tôi đã muốn chuyển sang nghề khác do đề tài bị “vỡ” vì không thể khai thác được thông tin”.
Dù được trang bị nhiều kiến thức khi còn ngồi ở giảng đường, nhưng các PV trẻ vẫn ít nhiều cảm thấy bất ngờ, bỡ ngỡ trước những điều mới mẻ của nghề báo như chia sẻ của PV Đỗ Phi (Báo Ấp Bắc): “Nghề báo không như tưởng tượng như hồi tôi còn học ở giảng đường. Nó đòi hỏi nhanh trí, tháo vát và cả bản lĩnh của người làm nghề. Lúc mới về công tác ở Báo Ấp Bắc, tôi gặp không ít khó khăn do không có nhiều mối quan hệ trong công tác và chưa nắm bắt được văn phong của tờ báo. Chưa quen việc, không thực hiện được nhiều tin, bài, có lúc tôi “vã mồ hôi” vì sợ không đạt định mức và gục ngã trước áp lực của nghề”.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhiều phóng viên là người ở địa phương khác đến Tiền Giang công tác. Đối với các phóng viên trẻ trong tỉnh, việc tác nghiệp đã gặp nhiều khó khăn thì các phóng viên ở nơi khác còn khó khăn gấp bội phần. PV Văn Thảo là người con của tỉnh Phú Yên đã nhận công tác ở Báo Ấp Bắc được hơn 1 năm. Anh chia sẻ: “Những ngày đầu nhận việc tôi gần như “bế tắc” trong việc giao tiếp. Tôi là người miền Trung chưa quen văn hóa của địa phương, chưa hiểu nhiều những phương ngữ vùng, miền”.
Tương tự, PV Hữu Tâm (Đài THTG) quê ở tỉnh Cà Mau đã công tác ở Tiền Giang gần 2 năm qua. PV Hữu Tâm cho biết: “Đi làm xa quê, tôi gặp trở ngại lớn về việc đi lại khi không biết đường, không hiểu rõ những thế mạnh, những điểm nổi bật của địa phương – những điều mà PV nào cũng phải biết để thực hiện đề tài. Do đó, tôi rất thụ động trong việc viết tin, bài, thiếu sáng tạo trong công tác”.
Tự học để “bám nghề”
Dù gặp khó khăn trong những ngày đầu bước vào nghề, nhưng những PV trẻ với niềm đam mê và tình yêu dành cho nghề báo đã tự mình từng bước khắc phục khó khăn, trau dồi bản thân để phát triển nghề nghiệp.
Các PV trẻ luôn ý thức được việc tự rèn luyện, trau dồi là yêu cầu cần thiết bắt buộc phải có ở nghề báo để nâng cao nghiệp vụ. PV Trọng Hiếu cho biết: “Với tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, tôi không bao giờ cho phép mình có sự ỷ lại, không bao giờ ảo tưởng về nghề. Tôi luôn luôn cố gắng trau dồi về chuyên môn, học hỏi, tôn trọng những anh, chị đồng nghiệp và tìm kiếm những mối quan hệ tốt, nhờ đó khả năng giao tiếp của tôi được cải thiện. Từ đó, kỹ năng nghề nghiệp được nâng lên và vững tay nghề hơn. Và đặc biệt, tôi luôn giữ trong mình “lửa nghề”. Tôi trân trọng công việc mình đang làm, luôn nỗ lực hết mình vì niềm đam mê mà mình đã chọn”.
Vượt qua những khó khăn, các PV trẻ đã được trau dồi thêm nhiều điều mới, trải nghiệm mới và thêm yêu nghề hơn. PV Văn Thảo cho biết: “Được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi dần làm quen với “quê hương mới” của mình. Công việc cũng từ đó mà thuận lợi hơn. Đến với nghề báo, đi làm ở xa nhà, tôi được học thêm nhiều điều mới, trau dồi thêm cho bản thân cách sống tự lập. Tôi cảm thấy nhận được ở nghề rất nhiều thứ mà nếu tôi không theo nghề sẽ không bao giờ có được như: Có thêm nhiều bạn bè mới, nhiều mối quan hệ bổ ích, được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người… Những điều đó thôi thúc tôi phải tự cố gắng học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để có thể tiếp tục “bám nghề” mình đã chọn”.
Tuy áp lực nghề báo rất lớn, nhưng các PV trẻ vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để học tập mở rộng kiến thức, nâng cao tay nghề. PV Đỗ Phi và PV Hữu Tâm là 2 PV điển hình khi đã tốt nghiệp Cao học hồi đầu năm 2019. PV Hữu Tâm cho biết: “Làm báo đã khó – vừa làm báo vừa đi học còn khó khăn hơn rất nhiều. Để hoàn thành chương trình học Cao học, tôi đã tranh thủ thời gian buổi tối sau khi đã hoàn thành công tác chuyên môn để làm bài tập, luận văn. Tôi luôn sắp xếp thời gian hợp lý để có thể “tranh thủ” lên lớp vào cuối tuần. Đặc biệt, tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo đài và anh, em đồng nghiệp trong thời gian tập trung làm luận văn để có thể hoàn thành khóa học. Đối với tôi, Đài THTG chính là ngôi nhà thứ 2 mang lại cho tôi nhiều điều mới mẻ”.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/201906/chuyen-nghe-cua-nhung-phong-vien-tre-859785/