Chuyện nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong bảo vệ, phát triển rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân) nằm ở vùng rừng thượng nguồn sông Chu, được biết đến là một trong những hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam, danh lục đỏ IUCN. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, ban quản lý đã xác định rõ vai trò, nhiệm vụ trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Trong đó, hoạt động nghiên cứu (NC), ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn tính đa dạng sinh học, giảm áp lực tiêu cực ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng...
Anh Nguyễn Đức Thắng giới thiệu về các giống lan quý hiếm đang được trồng và nhân giống tại khu nhà lưới của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân).
Công việc của tri thức và niềm đam mê
Hơn 13 năm gắn bó với nghề cùng nền tảng tri thức được trau dồi suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường đại học đã giúp anh Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có cái nhìn chân thực, sâu sắc về hoạt động NC, ứng dụng KHKT trong công tác bảo vệ, phát triển rừng: “Đó là công việc của tri thức và niềm đam mê. Tri thức là điều kiện cần, niềm đam mê là điều kiện đủ. Nếu không có tri thức, bạn sẽ không thể làm được bất kỳ việc gì cả. Nhưng nếu chỉ có tri thức mà không có niềm đam mê, bạn sẽ rất khó để sống, gắn bó và hết mình với công việc”. Bởi lẽ, theo anh Thắng, một khi đã bắt tay vào triển khai một đề tài, đề án, dự án nào đó, bản thân mình rất dễ bị cuốn theo khối lượng, áp lực trong công việc. Đó không đơn thuần chỉ là chuyện phải thường xuyên xa nhà, xa gia đình mà còn là muôn nỗi khó khăn, vất vả thử thách trình độ chuyên môn, bản lĩnh, tính kiên trì của cán bộ, nhân viên khu bảo tồn.
Làm nghiên cứu khoa học, với anh Thắng, ngoài những khó khăn, vất vả còn xen lẫn cả niềm vui, niềm hạnh phúc. Tất cả niềm vui, niềm hạnh phúc ấy gói ghém lại trong nhiều chuyến cùng đồng nghiệp băng suối, vượt rừng, vào tận những nơi xa xôi, thăm thẳm nhất của đại ngàn Xuân Liên. Anh Thắng kể: “Ngay từ trước khi xây dựng các đề tài, đề án, dự án, anh em tại khu bảo tồn chúng tôi thường xuyên phải “ăn dầm, nằm dề” để tìm kiếm, thu thập, phát hiện các giống loài quý hiếm nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên”. Ưu tiên trang bị các vật dụng phục vụ công tác chuyên môn nên hành trang cho những chuyến đi rừng có khi cả tuần, nửa tháng của anh Thắng và đồng nghiệp đâu có gì nhiều nhặn ngoài một ít lương khô, nước uống, quần áo, áo mưa... “Thật chẳng khác hình ảnh bộ đội hành quân, dã chiến trong rừng” – anh Thắng hóm hỉnh nói về công việc của mình. Quá trình băng suối, vượt rừng tìm kiếm các giống, loài động, thực vật quý hiếm đã đầy rẫy nhọc nhằn, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhưng sau khi phát hiện, thu thập được chúng rồi cũng còn đó muôn nỗi nhiêu khê. Đối với các giống, loài bảo tồn nguyên vị (tại chỗ) như một số loài cây cổ thụ quý hiếm như sa mu, pơ-mu... đơn vị phải xây dựng khu vực phân bố tự nhiên, tổ chức quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Các giống, loài áp dụng hình thức bảo tồn chuyển vị, đơn vị tốn rất nhiều thời gian, công sức thu thập về, tiến hành nghiên cứu, ứng dụng nhưng nhiều khi không đạt được kết quả như mong muốn. Đặc biệt, trong quá trình chuyển vị, đối với những loài động vật bị thương, đơn vị phải đảm nhận việc chăm sóc, sơ cứu ban đầu. Một số loài thú to, nguy hiểm hoặc bị thương nặng, đơn vị tiếp tục đấu mối, chuyển sang các khu cứu hộ, trung tâm cứu hộ có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, đội ngũ chuyên môn, như: Trung tâm Linh trưởng Cúc Phương (Ninh Bình), Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo (Vĩnh Phúc)...
Nỗ lực gìn giữ báu vật của rừng
Căn cứ vào các điều kiện thực tế tại khu bảo tồn, hoạt động NC, ứng dụng KHKT ở đây chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Điều tra, đánh giá cơ bản tài nguyên thiên nhiên, từ đó làm cơ sở dữ liệu cho hoạt động NC khoa học; bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên, động thực vật quý hiếm; NC, ứng dụng, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái nhằm tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho người dân, phát triển kinh tế địa phương. Đồng chí Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nói như khoe với chúng tôi: “Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động NC, ứng dụng KHKT tại khu bảo tồn có nhiều chuyển biến, đổi mới, thu được những kết quả đáng mừng. Chuyển biến quan trọng nhất phải kể đến là việc kiện toàn hội đồng khoa học và công nghệ, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên theo Quyết định số: 10/QĐ-BTXL ngày 20-4-2019, bao gồm 9 thành viên do giám đốc ban quản lý làm chủ tịch hội đồng”. Ngay từ khi mới thành lập, hội đồng khoa học đã tích cực tham gia xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị; thẩm định chuẩn bị nghiệm thu 1 dự án NC khoa học; tham gia đóng góp ý kiến cho đơn vị đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh xem xét phê duyệt đối với 2 nhiệm vụ: NC, ứng dụng kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây chè dây, sa nhân và thổ phục linh theo hướng GACP phục vụ phát triển cây dược liệu tại huyện Thường Xuân; NC xây dựng mô hình thử nghiệm ươm cây giống lâm nghiệp và trồng rừng thâm canh gỗ lớn (cây vạng trứng và ràng ràng mít) tại vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân.
Cùng với đó, khu bảo tồn đã tổ chức nghiệm thu dự án “Điều tra bảo tồn các loài chim quý hiếm, nguy cấp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa” và triển khai thực hiện các hoạt động của 2 đề tài và 1 dự án chuyển tiếp cấp quốc gia; 3 đề án, đề tài và dự án chuyển tiếp cấp tỉnh, thu được kết quả ban đầu tương đối khả quan. Tiêu biểu như đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen lan hài Vân Bắc, lan hài lông, lan Thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung bộ” nằm trong chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sau hơn hai năm thực hiện, khu bảo tồn đã hoàn thiện vườn giống gốc và vườn nhân giống thương phẩm với 10 nghìn cây lan thuộc các giống quý kể trên. Đồng thời phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp hoàn thiện 1 báo cáo di truyền sinh học, 8 quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc 3 loài lan; nhân giống đưa ra môi trường 2.600 giò lan Thủy tiên hường để chăm sóc tại vườn giống gốc. Nhằm phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ đề ra khi tổ chức thực hiện đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây giống giổi ăn hạt phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa”, khu bảo tồn đã xây dựng khu nhà lưới có diện tích hơn 300 m2 che nắng, phun sương tự động để dâm hom, ghép giống cây. Trải qua quá trình thực hiện, đến nay, khu bảo tồn đang tiến hành chăm sóc 3 nghìn cây giổi; 1.200 cây giổi hom; tổ chức ghép được 2.200 cây giổi, theo dõi tỷ lệ thành công của mắt ghép trên các phương thức thí nghiệm; khảo sát vị trí mô hình trồng 2 ha giổi tại tiểu khu 517. Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, thiếu thốn trong điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp tục triển khai thực hiện một số đề tài, dự án, đề án chuyển tiếp; tăng cường nghiên cứu chuyên sâu về các loài, nguồn gen quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; ứng dụng kết quả từ các đề tài, đề án, dự án NC khoa học chất lượng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng đệm, giảm áp lực sinh kế cho người dân sống trong vùng đệm, hướng tới bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững.
Sự đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung và Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nói riêng luôn đứng trước nguy cơ bị tổn thất, giảm thiểu bởi các yếu tố: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là những nguy cơ xuất phát từ sự hạn chế về nhận thức của con người trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Chính bởi vậy, bên cạnh những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý khu bảo tồn trong hoạt động NC, ứng dụng KHKT gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển rừng rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.