Chuyện người anh hùng vùng biên giới

Tại xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Trường Tiểu học (TH) Mỹ Quý Tây có 1 phân hiệu mang tên Nguyễn Văn Bửu - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) của địa phương. Ông sinh ra, lớn lên tại Mỹ Quý Tây và anh dũng hy sinh để bảo vệ chính quê hương mình. Nguyễn Văn Bửu là tấm gương tiêu biểu về thế hệ người Long An 'trung dũng kiên cường' trong sự nghiệp chống ngoại xâm.

Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Mỹ Quý Tây thường xuyên chăm sóc bia tưởng niệm, bia chiến thắng trong khuôn viên phân hiệu Nguyễn Văn Bửu, Trường Tiểu học Mỹ Quý Tây

Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Mỹ Quý Tây thường xuyên chăm sóc bia tưởng niệm, bia chiến thắng trong khuôn viên phân hiệu Nguyễn Văn Bửu, Trường Tiểu học Mỹ Quý Tây

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ - Nguyễn Văn Uôn cho biết: Trước đây, xã Mỹ Quý Tây có 2 trường TH là TH Nguyễn Văn Bửu và TH Mỹ Quý Tây. Khi có đề án sáp nhập 2 trường TH, Trường TH Nguyễn Văn Bửu trở thành phân hiệu của Trường TH Mỹ Quý Tây nhưng vẫn giữ nguyên tên Nguyễn Văn Bửu nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong sân trường tại phân hiệu Nguyễn Văn Bửu còn có bia truyền thống và bia chiến thắng Quéo Ba. Đó là nơi Đoàn Thanh niên xã, nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã.

Bí thư Đoàn xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ - Nguyễn Văn Kết thông tin: “Nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh, nhân các dịp lễ, tết, Đoàn xã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh khuôn viên nhà bia và bia chiến thắng trong khuôn viên phân hiệu Nguyễn Văn Bửu của Trường TH Mỹ Quý Tây; đồng thời, tổ chức dâng hương, ôn lại truyền thống.

Ngoài ra, Đoàn xã cũng giao cho Liên đội trường TH Mỹ Quý Tây chăm sóc nhà bia, bia chiến thắng, thường xuyên quét dọn, thắp hương. Thông qua các hoạt động đó, học sinh được tìm hiểu về lịch sử hào hùng của thế hệ cha anh nói chung và tiểu sử người anh hùng của quê hương Mỹ Quý Tây nói riêng”.

Người chiến sĩ du kích mưu trí

Tài liệu còn lưu lại, AHLLVTND Nguyễn Văn Bửu tham gia du kích từ năm 1961 và được giao nhiều nhiệm vụ: Ấp đội trưởng, xã đội phó, xã đội trưởng. Từ năm 1961-1964, Nguyễn Văn Bửu được phân công hoạt động trong khu trù mật. Ông nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo những thông tin quý giá với cấp trên; thu lượm, cất giấu các loại pháo, cối kép của địch để chế tạo vũ khí đánh địch, tiêu diệt hàng chục tên ác ôn, làm cho địch vô cùng hoang mang, lo sợ.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1961-1970, AHLLVTND Nguyễn Văn Bửu tham gia chiến đấu hàng trăm trận, trong đó, có 7 trận xuất sắc, tiêu diệt 148 tên địch (có 32 tên Mỹ), đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch (có 1 đại đội Mỹ), bắt sống 3 tên biệt kích và hạ 1 máy bay trực thăng. Riêng cá nhân, ông diệt 70 tên địch (có 20 tên Mỹ), bắt sống 3 tên biệt kích và bắn hạ 1 máy bay trực thăng.

Trong số đó, phải kể đến trận đánh máy bay trực thăng vào năm 1968, 1969 do ông trực tiếp đưa ra ý tưởng và triển khai đội hình đánh địch. Sự mưu trí, sáng tạo và dũng cảm của ông thể hiện rõ trong ý tưởng đánh máy bay hết sức táo bạo, hiệu quả. Thời gian đó, địch liên tục dùng máy bay rà soát địa bàn và tấn công lực lượng ta, Nguyễn Văn Bửu chỉ huy du kích xã đặt mìn tự tạo trên ngọn cây và nối dãy mìn với máy gây nổ dưới đất, bện bù nhìn làm giả bộ đội lấp ló như đang hành quân rồi mai phục. Khi máy bay địch phát hiện liền quần đảo, chà xát, đồng chí Bửu chập điện gây nổ, chiếc máy bay lên thẳng tan xác, 3 tên giặc phải bỏ mạng.

Bia chiến thắng Quéo Ba trong khuôn viên phân hiệu Nguyễn Văn Bửu, trường Tiểu học Mỹ Quý Tây

Bia chiến thắng Quéo Ba trong khuôn viên phân hiệu Nguyễn Văn Bửu, trường Tiểu học Mỹ Quý Tây

Trước đó, năm 1966, cũng bằng cách gài mìn, Nguyễn Văn Bửu cùng du kích địa phương tiêu diệt 32 tên địch của 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2, sư đoàn 25 Mỹ ở Quéo Ba. Sau lần đó, địch phải rút quân khỏi căn cứ. Đến đầu năm 1967, tiểu đoàn biệt kích địch lại đến Quéo Ba để đàn áp phong trào cách mạng. Được sự đồng ý của cấp trên, Nguyễn Văn Bửu lúc này là xã đội phó dẫn một tổ du kích đột nhập vào Quéo Ba, đào hầm, bám trụ nắm tình hình địch rồi gài mìn để tiêu diệt chúng. Kết quả, một đại đội biệt kích bị loại khỏi vòng chiến, 53 tên bị tiêu diệt.

Tháng 5/1970, trong một chuyến đi công tác, Nguyễn Văn Bửu bị lọt vào ổ phục kích của địch, dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Với những chiến công đã lập, ông được truy tặng danh hiệu AHLLVTND năm 1994.

Quê hương nhiều đổi mới

Tiếp nối truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương. Tính đến thời điểm hiện tại, xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Đời sống người dân ngày càng nâng chất. Kinh tế từng bước phát triển, hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 56 triệu đồng, tăng hơn so với năm trước. Hộ nghèo giảm còn 2,7% theo rà soát vào tháng 10/2023. Toàn xã không còn nhà tạm, dột nát; trên 70% nhà đạt chuẩn kiên cố, bán kiên cố. Điều đó mang lại niềm vui và sự phấn khởi cho người dân.

Mỹ Quý Tây vốn là vùng đất anh hùng, từng lập nên nhiều chiến công rực rỡ trong suốt 2 giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Tiếp nối truyền thống anh hùng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã vùng biên của huyện Đức Huệ đang từng ngày chung sức xây dựng quê hương./.

Biện Cường - Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-nguoi-anh-hung-vung-bien-gioi-a165875.html