Chuyện người con dâu cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm

Một dịp cũng là kỷ niệm đáng nhớ. Tôi với ông may mắn đều có giải trong một cuộc thi do Báo Giao thông Vận tải tổ chức. Bữa đó, do trục trặc xe cộ, giời lại mưa nên sau lễ phát giải, tôi được ngồi lại với ông cũng lâu lâu.

Ông là Vũ Phạm Chánh, nghề nghiệp chính là Kỹ sư cầu đường từng làm ở ngành GTVT dằng dặc suốt từ 1954 đến tận năm 1996. Nhưng ông lại có duyên bút mực viết lách. Có lẽ cũng phải thôi, ông là cháu nội nhà thơ, một vị quan Triều Nguyễn nổi tiếng, Thám hoa Vũ Phạm Hàm.

Sử còn lưu lại nét son về một trong ba tam nguyên dưới triều nhà Nguyễn cũng là tam khôi cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Triều Nguyễn có 3 vị Tam nguyên (Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Đôn Thư Vũ Phạm Hàm). Song, ở triều Nguyễn chỉ có Thám hoa Vũ Phạm Hàm là Tam nguyên Đệ Nhất giáp.

Thám hoa Vũ Phạm Hàm, tác giả của nhiều bài thơ danh giá và cặp đối hoành tráng uẩn súc ở Đền Kiếp Bạc “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/ Lục đầu vô thủy bất thu thanh” (Tạm hiểu: Không ngọn núi nào ở Vạn Kiếp mà chẳng ẩn trong mình hơi kiếm/ Không ngọn sóng nào ở sông Lục Đầu mà không rập rình âm thanh chiến trận).

Cái duyên nổi trội trong những truyện ngắn, bút ký là một bài ký trên báo Văn Nghệ năm bom đạn chống Mỹ. Bộ phim Rừng O Thắm nổi tiếng đã thoát thai và sinh sắc từ cái ký ấy của Vũ Phạm Chánh.

Người viết truyện ký ngành giao thông ấy, như đã nói ở trên có thân phận là lạ! Cha ông là Vũ Phạm Phổ, con trai thứ ba của cụ Thám Hoa Vũ Phạm Hàm.

Vũ Phạm Phổ từng là Tri phủ tại Lục Ngạn thời Pháp thuộc. Ngày 17 tháng 7 năm 1945, quân Việt Minh tiến vào Lục Ngạn, câu chuyện viên Tri phủ Vũ Phạm Phổ trước đó có cảm tình với Việt Minh ra sao và việc bí mật “trá hàng” nộp dấu ấn, sổ sách cho Việt Minh và… đầu hàng như thế nào được ông con Vũ Phạm Chánh kể lại nghe rất ly kỳ thú vị. Tiếc phạm vi bài viết này chả thể biên tường tận được. Việc diễn tiến như một sự tất yếu bởi cái gene trội từng nặng lòng với dân với nước đã truyền cho người con trai của cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm. Sau Cách mạng Tháng Tám, Vũ Phạm Phổ đảm nhiệm Hội trưởng Hội Liên Việt huyện Lục Ngạn. Đến năm 1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong số những người con của Tri phủ Vũ Phạm Phổ nhiều người “phát” về đường điện ảnh trong đó có đạo diễn Vũ Phạm Từ, nhà quay phim Vũ Phạm Chuân (Liệt sĩ)…

Trong câu chuyện buổi chiều muộn ấy, tôi khá ấn tượng và phải hỏi đi hỏi lại ông Vũ Phạm Chánh khi nghe ông kể về người con dâu của cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm - vợ ngài Tri phủ Vũ Phạm Phổ và cũng là thân mẫu nhà ký sự, kỹ sư cầu đường Vũ Phạm Chánh.

Con dâu cụ Thám Hoa, bà Nguyễn Thị Thìn và chồng khi mới cưới.

Con dâu cụ Thám Hoa, bà Nguyễn Thị Thìn và chồng khi mới cưới.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một nhận xét của học giả Nguyễn Hiến Lê. Muốn đánh giá một nền văn minh một triều đại nào đó thì cần nhất là phải xét xem nền văn minh đó đào tạo được người dân ra sao, những người làm cha, làm mẹ, làm con ra sao; còn những cái khác như mĩ thuật, văn học, kiến trúc, khoa học, kĩ nghệ... là phụ thuộc hết. Vì cần nhất là con người, con người có tốt thì xã hội mới tốt đẹp và những cái con người tạo ra mới tốt đẹp được.

Và tôi đang nghĩ đến người con dâu của cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm. Về điều huyền bí kiêm huyền diệu, cái gene trội của một tổ tông, dòng họ?

...Con gái út một vị quan Tuần phủ. Cô về làm dâu nhà cụ Thám hoa khi mới 16 tuổi. Bảo rằng môn đăng hộ đối, con gái Tuần phủ gả cho con trai Thám hoa thì cũng được đi. Nhưng khi ấy cụ Tuần lẫn cụ Thám đã mất (cụ Thám mất năm 1906), cụ Thám bà khi ấy 36 tuổi.

Có lẽ không có nếp ấm nhà cụ Tuần phủ từng dưỡng dục người con út và khi về nhà chồng được sự rèn cặp bảo ban của người mẹ chồng, cụ Thám bà thì làm sao có một người con dâu cô Út Thìn Nguyễn Thị Thìn? Nết na, khéo tay đảm đang tháo vát, nhẫn nhịn. Đó là bí quyết để người con dâu, người vợ người mẹ ấy vượt thoát những cơn ngộ biến, những thử thách cam go của thời cuộc, nuôi dạy một lũ con lũ cháu nên người cho chồng yên tâm công tác.

Bằng Bảng vàng danh dự cho cụ Nguyễn Thị Thìn, người con dâu cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm

Bằng Bảng vàng danh dự cho cụ Nguyễn Thị Thìn, người con dâu cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm

Cơn ngộ biến có lẽ bắt đầu khi người chồng - viên Tri phủ Lục Ngạn đi với Việt Minh. Những ngày toàn quốc kháng chiến, tản cư gian nan. Hết Bắc Giang lại Đại Từ… Những ngày hòa bình cùng thời gian bao cấp gian khó nhọc nhằn.

Một ngày của năm 1980. Người con dâu của cụ Thám hoa đã cho gọi lũ con cháu đến…

…Hôm nay mẹ bảo các anh các chị về đây cho mẹ nói chuyện. Đây không phải là di chúc nhưng mẹ yêu cầu anh Từ (đạo diễn điện ảnh Vũ Phạm Từ) ghi chép để sau này nhớ. Hôm nay mẹ gọi các anh các chị về đây để mẹ trách mắng.

…Mẹ đã già rồi. Bố các con mất đã 12 năm. Mẹ trách các con là các con của mẹ chứ mẹ không trách anh cả Thuyên là sĩ quan quân đội đảng viên trung tá, đạn găm nửa người huân chương nửa ngực kia. Cũng không trách anh Từ đạo diễn điện ảnh cũng đảng viên đã có mấy tác phẩm phim truyện phim tài liệu toàn là loại có tiếng cả. Càng không trách cô giáo Hiệu trưởng Thăng phận gái nuôi một đàn con trưởng thành suốt mấy chục năm dạy học theo được nghiệp của ông nội cũng đảng viên kỳ cựu những hàng chục tuổi Đảng lại cũng bằng khen huy chương. Mẹ cũng không trách ông đại tá Vũ Thế Châu thương tích đầy mình huân chương đầy ngực góp máu xương trên khắp các chiến trường chống Pháp chống Mỹ và suýt mất mạng ở chiến trường CPC.

Mẹ trách các con mẹ chứ không trách các đảng viên cán bộ của Chính phủ. Mẹ trách các anh các chị điều gì? Là thế này, các anh các chị tận tụy thế, anh hùng thế mà suốt hàng chục năm nay hết giặc rồi sao không nuôi nổi đàn con đàng hoàng để chúng nó đói rách?

Thư khen của Hồ Chủ Tịch cho cụ Vũ Phạm Phổ

Thư khen của Hồ Chủ Tịch cho cụ Vũ Phạm Phổ

Vợ con các anh nhịn đói nhịn khát vắt mũi bỏ miệng không nuôi được bố mẹ đã đành. Đến nuôi con đàng hoàng cũng không xong. Mẹ xót xa lắm. Nhưng mẹ có cách cứu đói của mẹ. Mẹ không hèn không chịu đói và cũng không để các cháu của mẹ chịu đói. Mẹ bán ăn dần. Mẹ bán cái nhà ở quê đó. Miếng đất ấy hơn một ngàn mét vuông. Căn nhà xây trên đó hàng trăm mét vuông là đất của bà Thám cho. Đất làng cho, một tay mẹ xây nên từ hồi trước cách mạng. Mẹ bán có hai chục ngàn đồng tức là chỉ có hai mươi đồng một mét vuông. Mà bán cho ai. Cho anh Thưởng là con cháu trong nhà. Mẹ còn cho anh chị ấy một suất tức là hai ngàn đồng, chỉ lấy 18 ngàn đồng thôi. Tiền ấy để cứu đói mẹ và một đàn cháu qua cơn hiểm nghèo mấy năm qua. Mà anh Thưởng là ai, sao có tiền mua nhà? Anh ấy là thợ may ở chợ Chiều. Kỳ cạch chiếc máy khâu cũ rích, thế mà nuôi sống được cả đàn con 6-7 đứa lại dành dụm có tiền mua nhà của mẹ. Thực ra là anh thợ may ấy đã cứu mẹ con mình đấy.

Nhưng các con thì có gì mà bán? Mẹ nói như thế là để các con phải nghĩ, nghĩ làm sao các con ăn lương nhà nước hẳn hoi mà chưa hết tháng đã hết tiền. Sao không nhìn cái anh Thưởng thợ may ấy? Thế sao các anh các chị không dám đi ra ngoài phố, ngoài chợ mà kiếm sống? Thậm chí về làng mà trồng rau trồng khoai có được không? Như hồi mẹ tản cư trên Đại Từ ấy?

Thôi mẹ thương thì mẹ nói thế trách thế, chứ các anh thì chỉ có mỗi một câu “nước nổi thì béo nổi”. Các con nghĩ thêm đi, đừng giận mẹ. Không ai trở lại việc đã qua để mà sửa. Còn tương lai thì sao? Mẹ tính sau này lúc mẹ chết rồi các anh bán cái nhà ở làng Hữu Tiệp này đi mà chia nhau mà sống qua cái đận khó khăn này để chờ cho “nước nổi” vậy. Cũng phải dăm năm, chục năm nữa có nổi thì mới nổi được!

Tác giả Vũ Phạm Chánh và cuốn sách mới

Tác giả Vũ Phạm Chánh và cuốn sách mới

…Ông Vũ Phạm Chánh thở dài khi kể lại. Rằng mẹ mình càng nói càng rành rọt. Thổ lộ như thế bà không giận dỗi gì. Bà còn vui vẻ là đằng khác vì đã nói ra được nỗi lòng của mình. Chao ôi, mẹ tôi bất chợt thốt ra hay người đã nghĩ chín, rằng phải mười lăm năm nữa nước nổi bèo nó mới nổi được!

Tất tật chúng tôi lũ con cháu bà ai cũng tưởng hiểu mẹ mình mà thành ra chưa! Mỗi người cứ mải mê đi theo con đường của mình của lớp tuổi mình, như là đắm đuối cống hiến cho đất nước cho nhân dân. Tưởng như đã làm tròn nghĩa vụ của người công dân. Nhưng hóa ra, ngay con cái mình cha mẹ mình sống như thế nào mình còn thiếu hẳn một mảng trách nhiệm lớn.

Đó là một buổi sáng chủ nhật của năm 1980. Và ít ngày sau, 9 giờ sáng ngày Một tháng 5 năm 1980 bà Nguyễn Thị Thìn mất tròn 76 tuổi.

Theo sau xe tang là mười người con gái con trai bà. Rồi 10 dâu 10 rể và hơn 30 cháu nội ngoại.

Tôi bất chợt đặt tay lên bờ vai xương xẩu của ông bạn già. Biết nói gì nữa đây? Là cái gương “Tự cứu mình trước khi trời cứu” đó chăng? Bằng trực giác và sự ẩn nhẫn cùng cái khôn khéo vun quén gần như bản năng, bà mẹ đã “chia cái thì tương lai” chợt gần chợt xa cho đàn con của bà. Và có lẽ không ngại sái mà nói rằng, những người Mẹ như thế đã nhắc nhở đã cảnh báo định liệu cho tương lai của nước Việt? Lạ thay ở những khúc quanh những vận bĩ của quốc gia của gia tộc, cứ thường phát lộ một gương mặt một hình ảnh, một người phụ nữ, một Bà Mẹ nào đó?

*

* *

Nhớ thêm lúc chia tay buổi chiều mưa ấy, cây viết vừa đoạt giải Vũ Phạm Chánh có bộc bạch rằng, ông rất muốn thể hiện chuyện gia đình chuyện người mẹ của ông bằng một dạng một thể loại nào đấy. Tôi chỉ biết ngầm cổ võ khuyến khích bằng cách nắm chặt thêm bàn tay ông!

Vậy mà những ngày đầu tháng 5 này, mới chưa đầy nửa năm sau lần gặp ấy, Vũ Phạm Chánh đã hoàn tất dự định của mình bằng cuốn truyện ký có tên Dòng sông cuộc đời hay là Hồi ức về mẹ. Sách của Nhà xuất bản Hội nhà văn! Ngoài phần phụ lục và 13 chương của sách với 274 trang in!

Dịp này, tác giả Vũ Phạm Chánh cũng vừa chẵn tuổi 88!

Người viết bài này xin kính cẩn trình làng ạ!

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-nguoi-con-dau-cu-tham-hoa-vu-pham-ham-post1640430.tpo