Chuyện người trẻ Vân Kiều 'giữ lửa' ở Bản Chùa

Bản Chùa nằm dưới chân núi Phu Lơ (còn gọi đỉnh 544), xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Nơi đây, quân đội Mỹ từng xây dựng căn cứ quân sự, chọn làm trung tâm xử lý tư liệu của 'con mắt thần' hàng rào điện tử Mc. Namara.

Trong những năm tháng chiến tranh, Bản Chùa từng nhiều lần bị bom đạn địch cày xới khốc liệt nhưng người dân nơi đây chỉ sơ tán tạm thời, sau đó nhanh chóng quay trở lại tiếp tục lao động sản xuất để phục vụ kháng chiến. Sau ngày đất nước giải phóng đến nay, người dân bản Chùa luôn biết cách gìn giữ, phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng cách mạng.

Bản cách mạng

Theo con đường thảm nhựa phẳng phiu trước trụ sở UBND xã Cam Tuyền nằm về phía thượng nguồn, bờ Bắc con sông Hiếu lịch sử lên phía Tây xã này tầm 8 km là thôn Bản Chùa. Hỏi nhà anh Hồ Văn Một, Bí thư Chi bộ thôn, người phụ nữ đang giặt giũ áo quần trên nền đường bê tông chỉ dẫn rất nhiệt tình. “Các anh quay xe lại đường nhựa, đi lên phía Tây khoảng 2 km là thấy nhà sinh hoạt văn hóa thôn nằm ở bên phải, rồi đi khoảng 300 m nữa là nhà anh Một nằm ở cùng bên”, người phụ nữ tên Hồ Thị Lan vừa chỉ đường, vừa cho biết thêm: “Các anh lên đó hỏi anh Một, cả thôn ai cũng biết”.

Anh Một hôm đó bận đi rừng nên chúng tôi được mẹ của anh - bà Hồ Thị Man tiếp chuyện. Bà là vợ của ông Hồ Văn Vìa, một lão thành cách mạng ở thôn Bản Chùa, mất cách đây 2 năm. Ở tuổi xưa nay hiếm song trí nhớ của bà vẫn rất minh mẫn. Bản Chùa hiện ra trong câu chuyện, lời kể của bà như những thước phim quay chậm với nhiều buồn vui, thăng trầm của lịch sử.

Anh Hồ Văn Một bên bằng khen, giấy khen do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trao tặng.

Anh Hồ Văn Một bên bằng khen, giấy khen do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trao tặng.

Cách đây hơn 140 năm, từ trước khi giặc Pháp đặt chân đến xâm lược, đô hộ nước ta, Bản Chùa đã được hình thành, xây dựng dưới chân núi Phu Lơ, với 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. “Theo lời người xưa để lại, thuở ấy, trong quá trình di canh di cư ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị, người Vân Kiều thấy vùng đất này vừa bằng phẳng, vừa gần với các cánh rừng xung quanh, lại được bao bọc, che chở bởi đỉnh núi cao, nên quyết định dừng chân sinh sống lâu dài”, bà Man chậm rãi kể. Đoạn, bà chùng giọng: “Thế nhưng, trải qua gần một thế kỷ sau đó, vùng đất này liên tục gánh chịu những tổn thất, đau thương. Ban đầu là hơn 60 năm giặc Pháp xâm lược, đô hộ, sau đó là hơn 30 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Cũng như bao mảnh đất khác trên đất nước Việt Nam qua gần một thế kỷ đó, Bản Chùa thường xuyên bị kẻ địch, bom đạn bủa vây, đánh phá, giết chóc. Đặc biệt, những năm 1967-1972, tại các khu vực rừng núi, dân cư phía Tây Quảng Trị, nhằm đảm bảo an toàn cho trung tâm xử lý tư liệu của "con mắt thần" hàng rào điện tử Mc. Namara trên đỉnh 544, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã nhiều lần tổ chức đánh phá, càn quét ác liệt các vùng lân cận, trong đó có Bản Chùa. Thế nhưng, với tinh thần “một tấc không đi, một li không rời”, người dân Bản Chùa luôn nhanh chóng quay trở lại sau mỗi lần bản làng bị đánh phá để tiếp tục lao động sản xuất, phục vụ lương thực cho bộ đội và xây dựng cơ sở, căn cứ cách mạng.

“Thời điểm đó, mẹ cũng đã gần 30 tuổi, còn chồng thì trên 30. Vì hoàn cảnh chiến tranh nên sinh, nuôi 4 người con mà rất ít khi vợ chồng cùng có mặt ở nhà. Hằng ngày, mẹ đưa các con nhỏ lên rẫy để trồng lúa, ngô và sắn, còn chồng mẹ vào rừng cùng bộ đội đánh giặc. Đêm đến, ông thỉnh thoảng về bản báo cáo tình hình cho cơ sở cách mạng. Nhiều lúc nhớ vợ con, ông bí mật ghé thăm, tranh thủ sửa sang, thu vén nhà cửa rồi lại đi. Bản Chùa ngày đó cũng chỉ có chừng 30 hộ dân, tất cả đều đi theo cách mạng nên rất đoàn kết, chia sẻ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đặc biệt, đến vụ thu hoạch, bà con đều thống nhất dành phần lớn lương thực cho bộ đội. Tất cả những thứ như gạo, sắn, ngô, măng, ớt bản được cho vào các bao tải gai, buộc chặt miệng rồi lực lượng dân quân du kích chia nhau gùi cõng vào chiến trường”, bà Man bồi hồi kể lại.

Năm 1972, quân đội Mỹ và Sài Gòn ở các vùng phía Tây Quảng Trị bị quân và dân ta tổ chức đánh tổng lực, buộc phải rút chạy sang phía Đông, huyện Cam Lộ và nhiều địa phương khác ở đây được giải phóng. Từ đó, hòa bình đã trở lại với người dân Bản Chùa. Ngay sau đó, bà con được bộ đội tích cực giúp đỡ xây dựng lại nhà cửa, cùng tham gia khai hoang mở rộng diện tích đất phát triển sản xuất nông nghiệp.

Già làng Hồ Văn Van, thôn Bản Chùa, nhớ lại, không khí vui mừng lúc đó không thể nào tả hết được. Bà con từ trẻ nhỏ đến người già nắm chặt tay nhau đi quanh các bếp lửa hát, reo hò, hạnh phúc vì hòa bình. Rồi, khi ánh mặt trời của ngày mới kế đó vừa nhú lên, tất cả bà con đều đã ra đồng, hăng say lao động sản xuất. Người nhỏ thì làm việc nhẹ, thanh niên trai tráng thì đảm nhận những công việc nặng nhọc như đào kênh mương, cuốc cày khai hoang mở đất. Nhóm người khác lại vào rừng đốn cây để xây dựng các chuồng trại chăn nuôi gà và dê...

Gặp người “giữ lửa”

Trở lại việc tìm gặp anh Hồ Văn Một, Bí thư Chi bộ thôn Bản Chùa, do anh bận rộn với việc phát quang, tỉa cành cho khu rừng tràm hơn 3 ha ở lưng chừng núi Phu Lơ, nên phải lần thứ 3 ngược lên miền sơn cước này, chúng tôi mới gặp được người bí thư chi bộ được hết thảy người dân ở đây tin yêu, kính trọng ấy. Trong căn nhà xây cấp 4 sạch sẽ, hướng mặt ra con đường nhựa láng bóng chạy ngay phía trước, khi chúng tôi đến, anh đang cùng con gái ngồi đọc sách.

Hỏi chuyện học hành, anh say sưa kể về đám trẻ con của bản, về các điểm trường vừa được xây mới, nâng cấp và về bản thân mình. Xen lẫn trong mỗi câu chuyện kể ấy là mỗi ước mơ đến cháy bỏng của anh, các cháu học sinh và phụ huynh Bản Chùa. “Ngày trước, bom đạn chiến tranh, rồi cuộc sống có rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng sau giải phóng ông bà vẫn ráng đẻ thêm 5 đứa nữa cho đủ 9, em là con thứ 7 đấy. Khác với thời bố mẹ, nay vợ chồng em chỉ sinh 2 đứa để cố gắng chăm nuôi các con được đầy đủ, được học hành cái chữ đến nơi đến chốn”, anh cười hiền kể và nói về mong muốn của mình.

Quay trở về thời học sinh, anh kể đầy tiếc nuối: “Em sinh năm 1987, sau học xong cấp 3 ở trường huyện, em đã cố gắng thi đậu đại học, ngành Sư phạm địa của Đại học Sư phạm Huế. Nhưng, lúc học sắp xong năm 2 bỗng nhiên em bị đau. Các bác sĩ phát hiện em có một khối u ở ruột già nên phải phẫu thuật, cắt bỏ. Rất may là khối u lành tính nhưng trải qua hơn 3 tháng nằm viện, em sau đó không còn có đủ sức khỏe và điều kiện để tiếp tục theo học”. Ngày trở về nhà, Hồ Văn Một được ba mẹ, anh chị em ruột, rồi bà con, xóm làng hết lòng chăm sóc, động viên. Nhờ đó anh đã sớm mạnh khỏe trở lại, đồng thời nghĩ rằng sau này dù lao động ở quê cũng phải cố gắng hết sức để có những đóng góp cho quê hương.

Năm 2009, trải qua quá trình phấn đấu, trưởng thành, chàng thanh niên Hồ Văn Một vinh dự được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đấy, mọi người thấy ở anh càng tăng thêm sự năng nổ, nhiệt tình và gương mẫu trong tất cả hoạt động của thôn. Già làng Hồ Văn Van nói rằng, Một là người trẻ tuổi đáng tin cậy, hơn nữa, ở anh luôn có tư duy sáng tạo và khả năng xử lý các công việc rất nhanh nên đã giúp cho bản làng rất nhiều, nhất là trong hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

“Chẳng hạn, cách đây 10 năm, các vùng lúa đồi ở Bản Chùa không còn khả năng canh tác, phát triển vì hạn hán ngày càng kéo dài, đất đai lâu ngày không được bón phân hữu cơ, không có nước tưới trở nên khô cằn và bạc màu. Bấy giờ, Một đã xin ý kiến của cán bộ thôn và lãnh đạo xã về họp dân để bàn bạc, thống nhất, triển khai phương án cải tạo ruộng đồi thành ruộng nước bậc thang. Đó được xem là cuộc cách mạng lớn nhất về tư duy ở Bản Chùa, với kết quả đem lại là sự đổi thay tốt gấp cả trăm lần cho bà con so với trước đây”, già làng Hồ Văn Van đơn cử.

Nhà sinh hoạt văn hóa Bản Chùa nằm ở trung tâm thôn.

Nhà sinh hoạt văn hóa Bản Chùa nằm ở trung tâm thôn.

Cụ thể, sau khi nhận được sự nhất trí cao của cán bộ, lãnh đạo thôn, xã, Hồ Văn Một đã chỉ huy người dân ở đây đào múc, xây dựng các thửa ruộng đồi thành ruộng bậc thang. Việc cải tạo này tùy thuộc vào từng địa hình thực tế sao cho lợi công nhất và cho ra đời những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất, dễ canh tác nhất. Cùng với đó, anh chỉ huy mọi người đào, đắp, xây dựng nên các hệ thống kênh mương bằng đất xung quanh các thửa ruộng này. Đồng thời, tiến hành lắp đặt, kéo một hệ thống ống nhựa dẫn nước từ các khu vực suối, thác ở vùng thượng nguồn rừng núi trên địa bàn về đây tưới tắm cho cây trồng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên việc cung cấp nước thường xuyên, đủ lớn để gieo trồng, phát triển cây lúa nước.

Anh cũng giải thích cho bà con rằng, lâu nay cây trồng phát triển kém, năng suất thấp là do không được cải tạo đất, không được chăm bón bằng phân hữu cơ. Việc chăm bón này là không hề ảnh hưởng đến đời sống tâm linh theo quan niệm trước đây của bà con, mà đó là một quy luật tất yếu của tự nhiên, của sự tiến bộ con người về nhận thức, học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất của mình.

Kết quả, vụ lúa nước đầu tiên đã mang lại cho người nông dân Bản Chùa năng suất cao gấp 7 lần so với tập quán phát triển sản xuất cũ trước đó. Ông Lê Văn Tỵ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho hay, hiện thôn Bản Chùa có 102 hộ dân, so với 10 năm trước đây, chất lượng đời sống của bà con hiện nay được cải thiện rất nhiều, số hộ nghèo giảm mạnh, từ hơn 80 hộ đến nay chỉ còn 13 hộ. Đặc biệt, kể từ sau khi anh Hồ Văn Một được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn khoảng 5 năm lại đây, anh ấy không chỉ kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng của lớp cha anh trong mọi lãnh đạo, chỉ đạo người dân phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự địa bàn, xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh, mà còn có nhiều sáng kiến, chủ động đề xuất, bàn bạc với cấp trên để cùng với cán bộ thôn, xã thực hiện toàn diện các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội địa bàn, mang lại những kết quả rất tích cực.

Thôn Bản Chùa hiện nay không chỉ là điển hình ở các vùng trung du, miền núi trên địa bàn huyện Cam Lộ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt từ lúa đồi sang gieo trồng lúa nước, mang lại năng suất cao, mà còn là địa phương tiên phong trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. “So với vùng đồng bằng, ở đây còn nhiều đầu việc phải phấn đấu, song so với vùng sâu, vùng xa, đặc biệt xuất phát điểm của Bản Chùa là rất thấp, những kết quả mà cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây mang lại phải nói là rất đáng mừng”, lãnh đạo UBND xã Cam Tuyền nhấn mạnh.

Ngoài lúa, cây hoa màu mang lại năng suất cao, khoảng 10 năm lại đây, các vùng đất trống, đồi núi trọc ở Bản Chùa đã được phủ một màu xanh mướt của các loại cây lâm nghiệp, đặc biệt là rừng tràm sản xuất. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân cũng đã được đầu tư xây dựng quy mô và đồng bộ. Dự kiến cuối năm nay, 2 cây cầu trên tuyến đường liên xã vào Bản Chùa sẽ được xây dựng hoàn thành, thông tuyến đường nhựa hoàn toàn từ thôn ra trung tâm xã và huyện.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, trải qua gần nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất đất nước, người Vân Kiều ở Bản Chùa luôn kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng cách mạng. Mỗi thế hệ kế tiếp đều có những con người luôn sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng cho quê hương. Trong số họ, hiện nay phải kể đến là anh Hồ Văn Một, Bí thư thôn Bản Chùa.

Trong quá trình công tác, anh Một đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng bằng khen về các thành tích xuất sắc trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế ở địa phương và về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao tặng các giấy khen về các thành tích xuất sắc trong phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 và trong thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương năm 2023. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cam Tuyền trao tặng giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2024.

Thanh Bình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/chuyen-nguoi-tre-van-kieu-giu-lua-o-ban-chua-i740414/