Chuyện người Xê Đăng chống dịch Covid-19
Khi cổng làng được hoàn thiện, đêm đầu tiên người dân trong làng thay phiên nhau ra cổng đốt lửa, canh không cho người lạ vào làng...
Ngọk Lây, một xã vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) giáp huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Ngoài chốt kiểm dịch 24/24h do xã lập ra trên con đường nối với tỉnh bạn, các ngôi làng ở Ngọk Lây còn thực hiện nghi lễ thờ cúng thần làng với mục đích đuổi tà ma, dịch bệnh.
Ngay đầu thôn Măng Rương, một chiếc cổng tre mới được dựng lên. Thấy chúng tôi tò mò, vị cán bộ xã đi cùng giải thích, đây là dấu hiệu thông báo cho người lạ không được đi tiếp vào làng.
“Người lạ muốn vào làng phải có lý do chính đáng và được hội đồng làng cho phép trong thời gian nhất định. Nếu vượt quá thời gian này sẽ phải ở lại làng 3 ngày hoặc bị phạt vạ 1 con heo”, vị cán bộ xã nói, sau đó gọi điện cho trưởng thôn xin phép.
Đón chúng tôi dưới mái nhà Rông, chị Y Blúc, Trưởng thôn giải thích: “Từ xa xưa, người Xê Đăng quan niệm, dịch bệnh gây hại, những điềm xấu là do Kía Công (con ma rừng) gây ra. Để xua đuổi Kía Công, cha ông của người Xê Đăng đã sử dụng nghi lễ dựng tượng thần trước cổng làng. Vì địa phương giáp với vùng dịch Quảng Nam nên phải cảnh giác đối với những người lạ từ nơi khác đến”.
“Loa phát thanh ở nhà Rông phát ra rả cả ngày bằng tiếng Xê Đăng. Nghe dịch Covid-19 hại chết nhiều người như con ma rừng, cả làng lo lắng lắm, dân làng rỉ tai nhau như tiếng chiêng lan từ nhà này sang nhà khác”, chị Y Blúc nói.
Chiều hôm đó, trời chạng vạng, sau khi biết chắc dân làng đã từ trên nương trở về đông đủ, Y Blúc đến bên nhà Rông gõ kẻng. Nghe tiếng báo động, dân làng kéo đến đông nghịt, hàng dài người đứng trước nhà Rông, vai chật vai.
Y Blúc đứng giữa đám đông, nghiêm giọng: “Dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi. Ở các nước trên thế giới đã có hàng ngàn người chết vì bệnh dịch. Tỉnh Quảng Nam giáp mình, dịch bệnh đang bùng phát nên bắt đầu từ mai, người lạ từ nơi khác đến muốn qua cổng phải khai báo. Người lạ vào làng sau 17h phải trở về, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ. Người làng hạn chế đi ra ngoài, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh. Dân làng thực hiện không tụ tập đông người, thường xuyên vệ sinh chân tay…”.
Sáng hôm sau, một nhóm trai làng vào rừng sâu tìm cho được những gốc cây cu ly to bằng 1 người ôm rồi vận chuyển về làng. Một nhóm khác tìm cây nứa, cây chuối rừng mang về làm cổng.
Ở mỗi cửa ngõ đi vào làng đặt 2 bức tượng thần đứng hai bên. Chiếc cổng bằng tre bện lá lau, lá nứa cũng được dựng lên. Theo quan niệm của người Xê Đăng, nứa và lá lau sắc bén có thể xua đuổi tà ma, dịch bệnh.
Khi cổng làng được hoàn thiện, đêm đầu tiên người dân trong làng thay phiên nhau ra cổng đốt lửa, canh không cho người lạ vào làng. Những ngày sau đó, ngôi làng được “cách ly” sau 17h.
Quy định của làng đã đề ra nên mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành. Ngoài giờ lên nương rẫy, người dân hạn chế ra ngoài và không tụ tập để tránh phát sinh dịch bệnh.
Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, hạn chế di chuyển và tụ tập nơi đông người. Việc những ngôi làng tổ chức lễ dựng tượng thần làng cho thấy người dân đã nâng cao tự giác phòng chống dịch bệnh.
Ông A Phum, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tu Mơ Rông cho biết, với người Xê Đăng, tượng thần làng không chỉ được xem như một vị thần bảo vệ làng, chống lại tà ma về làng gây nhũng nhiễu cho người dân mà còn là biểu tượng cho sức mạnh của làng. “Việc tổ chức lễ rào làng thực ra là cách để người Xê Đăng cúng cầu an, mong bình yên, hạnh phúc, mùa màng thuận lợi và những điều tốt đẹp đến với dân làng. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, việc cúng thần làng vô tình đã biến mỗi ngôi làng của người Xê Đăng trở thành một khu cách ly, góp phần phòng chống lây lan Covid-19 đang diễn biến phức tạp”, ông A Phum cho hay.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-nguoi-xe-dang-chong-dich-covid-19-d477157.html