Chuyện 'nhà báo phường' hơn 100 tuổi vẫn đều đặn viết báo ở Huế
Dù chỉ tự nhận mình là 'nhà báo phường, xã', nhưng đến nay cụ Nguyễn Xuyến ở Thừa Thiên-Huế đã viết được hơn 3000 bài báo với nhiều đề tài, chủ đề khác nhau.
Có nhiều người làm báo, sau một thời gian viết lách, đến độ tuổi gần về già, bút lực sẽ dần suy giảm. Phần vì những hoạt động liên quan đến báo chí như đưa tin thời sự, sự kiện, dấn thân điều tra… sẽ không thường xuyên, phần vì họ bắt đầu nghỉ ngơi để dưỡng già.
Tuy nhiên, với cụ Nguyễn Xuyến, người vừa bước qua tuổi 100, trú ở kiệt 65, đường Phan Bội Châu, Tp.Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) quy luật đó dường như vô nghĩa.
Sinh ra ở Bình Định, 13 tuổi, cậu học trò Nguyễn Xuyến được gia đình cho ra Huế học, rồi ra miền Bắc làm việc, đến ngày đất nước thống nhất, ông trở lại Huế và gắn bó với mảnh đất này đến hôm nay.
Nói về cơ duyên với nghề báo, cụ Xuyến kể, trước đây, cụ rất thích làm thơ. Tuy nhiên, dù viết rất nhiều bài thơ gửi để đăng báo nhưng đều không duyệt. Biết mình không phù hợp với thể loại thơ, cụ chuyển sang viết báo.
“Tôi không học qua một lớp học nào về báo chí. Lúc đầu để biết cách viết tin bài, tôi đã liên hệ với các bạn của tôi đang làm báo rồi hỏi mượn các quyển sách liên quan đến nghiệp vụ báo chí rồi tự học. Ban đầu, tôi chỉ làm tin và gửi tin cho đài phát thanh Bình -Trị-Thiên, sau đó, tôi dần chuyển sang viết bài rồi cộng tác nhiều tờ báo khác. Từ năm 1983 đến nay, tôi đã cộng tác viết bài cho hơn 60 tờ báo địa phương trên cả nước và các tờ báo Trung ương như An ninh thế giới, Công an…”, cụ Xuyến nhớ lại.
Sau năm 1986, cụ Nguyễn Xuyến nghỉ hưu. Cụ đã dành toàn bộ thời gian, tâm huyết vào nghiệp viết lách. Những đề tài mà cụ thường khai thác là các chủ đề về xây dựng Đảng, về Bác Hồ…
Bài viết của cụ Nguyễn Xuyến luôn mang tính thời sự, kịp thời, đúng thời điểm, vì thế, các tờ báo, các tạp chí, các đặc san… đã sử dụng đăng tải thường xuyên.
Dù chỉ tự nhận mình là “nhà báo phường, xã” nhưng đến nay cụ Nguyễn Xuyến đã viết được hơn 3000 bài báo với nhiều đề tài, chủ đề khác nhau. Trong ngôi nhà của mình, cụ Xuyến dành hẳn một phòng để cất giữ những bài báo đã được đăng tải, những bằng khen, giấy khen của các cấp ngành, những phần thưởng của các báo đài tặng cho cụ với danh hiệu cộng tác viên xuất sắc.
Đặc biệt, cụ Xuyến cho biết, kể từ khi viết báo từ năm 1983 đến nay, vì đã có lương hưu nên tất cả tiền nhuận bút, cụ đều không tiêu mà gửi vào ngân hàng. “Nhà báo phường, xã” Nguyễn Xuyến khoe, đến nay, riêng tiền nhuận bút trong tài khoản của cụ đã lên con số 2,7 tỷ đồng.
Dù đã sống qua một thế kỷ, cụ Xuyến trông vẫn rất minh mẫn, mắt sáng và trò chuyện rất hóm hỉnh. Hàng ngày, ngoài việc đọc sách, đọc tin tức trên internet, cụ vẫn cộng tác viết bài cho nhiều tờ báo địa phương trên cả nước.
Chia sẻ về bí quyết để có một bút lực dồi dào, không ngưng nghỉ, cụ Xuyến khiêm tốn: “Tôi không phải là một người giỏi giang, tài giỏi gì. Điều cơ bản của một người viết báo đó chính là sự cần cù, chăm chỉ và chịu khó. Thời điểm còn khỏe, tôi viết thường xuyên, người ta viết 1 tháng chỉ đăng 3-4 bài, tôi viết 1 tháng đăng 22 bài”.
Cụ cho rằng, để viết báo tốt thì thường xuyên phải làm phong phú ngôn ngữ và kiến thức. Muốn vậy thì phải thường xuyên đọc sách, các tư liệu bổ ích.
“Tôi thường đọc các tư liệu về các hoạt động của Đảng qua các thời kỳ, nhiệm kỳ. Sau đó, lưu giữ lại các tư liệu quý đó để sử dụng vào các bài viết liên quan đến xây dựng Đảng của mình”, cụ Xuyến nói.
Với kiến thức sâu rộng, cùng ngôn ngữ phong phú, thời điểm “hoàng kim” của bút lực, ngày nào cụ cũng ngồi vào bàn viết, rồi gửi.
Cụ tự hào, năm 95 tuổi, lúc đó là Tết Mậu Tuất 2018, cụ có đến 38 bài viết được đăng; Tết Kỷ Hợi 2019 có 31 bài đăng trên các báo xuân và báo Tết…
Với bút lực dồi dào về những bài viết xây dựng Đảng, Bác Hồ, năm 2010, cụ được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng bằng khen vì đã có tác phẩm xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động sáng tác, quảng bá, biểu diễn về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, cụ còn có nhiều tác phẩm đạt giải báo chí về xây dựng Đảng ở một số địa phương.