Chuyện nhà thơ phải nhảy xuống hồ mò xe đạp

Tồn tại nhiều câu chuyện với chi tiết chiếc xe đạp bị quẳng xuống hồ và nhà thơ phải nhảy xuống 'mò' xe lên. Một trong những đại diện giai thoại ấy là nhà thơ Xuân Diệu.

 Ảnh: Nhật Sinh.

Ảnh: Nhật Sinh.

Theo những giai thoại được kể, một hôm Xuân Diệu đi tập xe đạp bằng chiếc Peugeot mới mua, "thấy đoàn biểu tình ủng hộ Việt Minh, ông đã quẳng chiếc xe đạp Peugeot mới mua bên hồ Hoàn Kiếm nhập vào đoàn biểu tình”.

Kết cục câu chuyện là “khi Xuân Diệu quay lại chỗ chiếc xe thì trẻ bán báo nói rằng có người đã ném xe của ông xuống hồ. Ông mặc nguyên quần áo nhảy xuống mò chiếc xe, dắt về phố Hàng Gai nơi ông ở trọ” (Theo Hà Nội trong ngày khởi nghĩa - Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội mới 19/8/2016).

Tôi còn đọc được câu chuyện tương tự ở vài nguồn văn bản khác, nhìn chung các câu chuyện đều có chi tiết chiếc xe đạp bị quẳng xuống hồ và nhà thơ phải nhảy xuống “mò” xe lên. Đến đây, nếu người đọc nhớ đến chi tiết Xuân Diệu đã kể trong Những bước đường tư tưởng của tôi, “năm 1943-1944, ở trên cái gác Hàng Bông, tôi chạy buôn chợ đen thì không buôn được, viết văn thì cứ nói mãi cái buồn cũng hết chuyện, tôi ngồi giở quần áo cũ ra vá giữa một bóng chiều thu đông lạnh và héo xám như hoa khô”, thì đã biết Xuân Diệu rõ ràng chẳng giàu có gì càng không phải một trang công tử phong lưu.

 Nhà thơ Xuân Diệu và chiếc xe đạp thập niên 1960 ở Hà Nội.

Nhà thơ Xuân Diệu và chiếc xe đạp thập niên 1960 ở Hà Nội.

Chi tiết chiếc xe đạp thoạt tiên có vẻ vu vơ trong câu chuyện thuật lại không khí những ngày khởi nghĩa và biến động năm 1945-1946, nhưng nó lại khiến tôi để ý bởi lẽ nó là một thứ vật chất có thực, đi kèm hành vi “trần tục” của thi sĩ, đối lại với hào quang lộng lẫy tỏa ra từ thi tử và hình ảnh ngạo nghễ của những “ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”.

Chính sự có mặt của chiếc xe đạp trong giai thoại trên lại nói lên một điều. Đó là nỗi ám ảnh vật chất chưa bao giờ mờ nhạt trong đời sống người Việt, cho dù ở những trạng thái lãng mạn nhất.

Suốt một thời gian dài, xe đạp là đại diện cho một giá trị không chỉ đo đếm được mà còn được xây dựng thành một ý niệm “phép thử của niềm tin, của đạo đức, những điều dễ bị tổn hại: “Có vợ mà cho đi Tây / Như xe không khóa để ngay Bờ Hồ”. Câu ca dao hiện đại này phổ biến vào thập niên 1980, thời làn sóng công nhân đi xuất khẩu lao động Đông Âu lên cao, nhiều gia đình chấp nhận để vợ hoặc chồng tạm rời xa gia đình trong vài năm để sống ở trời Tây, nơi mà trong đầu người Việt là chốn phóng khoáng về tình cảm.

Người Việt lấy ngay Bờ Hồ để so sánh, bởi lẽ địa điểm công cộng này được xem như nơi ai nấy giang hồ tứ chiếng gặp nhau không ràng buộc, mà phương tiện có giá trị như cái xe đạp để ở đó dễ trở thành miếng mồi ngon cho kẻ cắp.

Các cụm từ “xe không khóa”, “Bờ Hồ”... gói trọn một mô hình Hà Nội của một thời vừa hài hước, vừa xô bồ nhộn nhạo. Thực ra, nhộn nhạo là đặc tính của đô thị, của những chốn công cộng mà Bờ Hồ là một không gian đại diện, cũng như xe đạp là một phương tiện đại diện cho dòng lưu thông trong đô thị. Cũng như trong câu chuyện xe đạp liên quan tới Xuân Diệu, thi sĩ được lấy làm đại diện cho một ý niệm lãng mạn, mà oái oăm ở đây, chủ thể sáng tạo lãng mạn phải hành động một cách hiện thực nhất nhằm bảo vệ tài sản của mình. Một lần nữa, không chỉ thơ mà người thơ cũng được dùng để minh họa cho nghịch lý của chủ nghĩa lãng mạn, thứ vốn dĩ có sự xung đột với hiện thực của lý tính.

Chiếc xe đạp cũng giống như các phương tiện hiện đại khác, dĩ nhiên đã trở thành một tấm căn cước cho người có điều kiện vật chất trong xã hội. Khía cạnh này nhiều khi lấn át khía cạnh thực tiễn của công cụ vận chuyển. Xã hội Việt Nam nhiều thập niên vẫn di chuyển bằng một tốc độ chậm rãi nên chiếc xe đạp nhiều khi mang chức năng một gia sản di động hơn là giải phóng sức lực.

Nguyễn Trương Quý/Nhã Nam, NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-nha-tho-phai-nhay-xuong-ho-mo-xe-dap-post1370886.html