Chuyện nhỏ về một chân dung lớn, nhà chiến lược nhà ngoại giao quốc phòng xuất sắc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh từng đảm nhiệm nhiều cương vị, lĩnh vực khác nhau. Ở cương vị, lĩnh vực nào, Ông cũng có đóng góp lớn, để lại dấu ấn đặc biệt.

Minh chứng là những phần thưởng cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhiều nước khác trao tặng. Đặc biệt là Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba... Phần thưởng mà không nhiều nhà lãnh đạo, tướng lĩnh được tặng thưởng.

Còn đối với giới nhân dân, đông đảo chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, Ông là một vị Tướng, nhà tình báo chiến lược, nhà ngoại giao xuất sắc. Sự đa năng, đa tài, tinh thần xả thân, dám nghĩ, dám làm, luôn có những ý tưởng, đề xuất táo bạo, sáng tạo và trực tiếp tổ chức thực hiện khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Có thể nói, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã kế thừa được những phẩm chất cao quý từ thân sinh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người có biệt danh “Đại tướng nông dân”, nhà chính trị, quân sự xuất sắc; người khởi xướng các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả, “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong” “Cờ Ba nhất” và khẩu hiệu nổi tiếng “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”…

Không phải con nhà nòi về ngoại giao, nhưng hơn 10 năm phụ trách công tác đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã ghi nhiều dấu ấn trong kiến tạo hoạch định chính sách và trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động quan trọng và cần có bản lĩnh này.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM Việt Nam chủ trì Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) theo hình thức trực tuyến, ngày 17/11/2020. (Nguồn: TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM Việt Nam chủ trì Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) theo hình thức trực tuyến, ngày 17/11/2020. (Nguồn: TTXVN)

Ngay trong năm đầu tiên, Ông được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao trực tiếp tổ chức chuẩn bị kế hoạch, chương trình, nội dung và công tác bảo đảm cho các hội nghị quốc phòng, quân sự ASEAN năm 2010, Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên.

Đặc biệt, Ông là người đề xuất ý tưởng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên ngày 12/10/2010. Ông đã cùng cơ quan nhiều lần trao đổi, thuyết phục đại diện Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác, để tạo sự đồng thuận, thống nhất nội dung, góp phần quan trọng cho thành công của hội nghị, mở ra một cơ chế quốc phòng mới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác quốc phòng với các đối tác; duy trì, nâng cao hiệu quả thiết thực Đối thoại chính sách, chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng và hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Các hoạt động đó đã góp phần quan trọng làm các nước hiểu rõ đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam, xây dựng lòng tin, tạo cơ sở giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng đối thoại, biện pháp hòa bình, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người mở đường đột phá cho việc hợp tác với chính quyền Mỹ khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong khi các vụ kiện công ty hóa chất Mỹ sản xuất, cung cấp chất chứa dioxin cho quân đội sử dụng ở miền Nam Việt Nam gặp khó khăn, Ông đã tìm con đường khác.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nhiều chuyến đi con thoi, tiếp xúc với nhiều nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Patrick Leahy về ngân sách cho giải quyết hậu quả chiến tranh. Ông đọc một khối lượng khổng lồ các tài liệu trong nước, nước ngoài, thu thập chứng cứ, có hiểu biết sâu rộng như một nhà khoa học về dioxin. Sự kiên trì, những nỗ lực không mệt mỏi của Ông đã gặp được những nỗ lực của những chính khách Mỹ, giúp thuyết phục Quốc hội, chính quyền Mỹ cấp ngân sách cho việc xử lý dioxin ở Việt Nam.

Năm 2012, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng với Thượng nghị sĩ Leahy khởi động dự án xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Năm 2019, triển khai dự án lớn hơn ở Biên Hòa. Ngoài ra còn các dự án hỗ trợ xử lý bom mìn và hỗ trợ nạn nhân chiến tranh…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ, hộp đất đã được tẩy độc từ Sân bay Đà Nẵng, tháng 12/2019. (Nguồn: TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ, hộp đất đã được tẩy độc từ Sân bay Đà Nẵng, tháng 12/2019. (Nguồn: TTXVN)

Các hoạt động đó không đơn thuần là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh mà con bắc “cây cầu” qua vực sâu, gác lại quá khứ, góp phần hàn gắn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, để có bước phát triển lên tầm cao mới hôm nay. Nói về đóng góp quan trọng, hiệu quả của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thượng nghị sĩ Leahy khẳng định “sẽ không thể nào được hiện thực hóa, nếu không có vai trò và lòng kiên định của Tướng Vịnh”. Còn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jeff Merklay ca ngợi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là “kiến trúc sư then chốt trong nỗ lực xây dựng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là các dự án tẩy độc dioxin”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chính là người sáng lập lực lượng, đặt nền móng cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ông đề xuất ý tưởng, tổ chức xây dựng Cục Gìn giữ Hòa bình, trực tiếp chỉ đạo tổ chức chuẩn bị văn kiện, kế hoạch, xây dựng lực lượng; gặp gỡ thuyết phục các nước đối tác giúp đỡ để đưa các sĩ quan, phân đội đầu tiên của Việt Nam tham giam gia lực lượng và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trên nền tảng đó, hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao; trở thành một trung tâm huấn luyện của Đông Nam Á; làm cho thế giới hiểu thêm về đường lối đối ngoại, truyền thống hòa bình, hữu nghị của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho 3 sĩ quan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, ngày 22/10/2020. (Nguồn: TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho 3 sĩ quan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, ngày 22/10/2020. (Nguồn: TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tham gia Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng xây dựng các nghị quyết Trung ương trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự trình Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, đưa vào các tài liệu để học tập, phổ biến và quán triệt triển khai thực hiện.

Một trong những văn kiện quan trọng do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng là Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019. Văn kiện này quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, nội dung cơ bản của Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, về quốc phòng, quân sự...; công khai, minh bạch chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam, việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam để phòng thủ, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, sẵn sàng bảo vệ đất nước…

Sách Trắng quốc phòng Việt Nam thể hiện nhiều quan điểm, tư duy mới. Một trong số đó là việc hoàn chỉnh, cụ thể hóa chính sách quốc phòng Việt Nam, được gọi một cách dân dã là “bốn không, một tùy”. Tinh thần “bốn không” thể hiện việc tuân thủ nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời “một tùy” là tùy theo thực tế, chủ động hợp tác quốc phòng phù hợp, sẵn sàng đối phó với các nguy cơ, thách thức.

Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019 được quốc tế quan tâm theo dõi, đánh giá cao, trở thành sách gối đầu giường của cán bộ quân đội, các nhà ngoại giao, giới nghiên cứu và được nhiều người dân tìm hiểu.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019. (Nguồn: QĐND)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019. (Nguồn: QĐND)

Tuy bận rộng với nhiều trọng trách, nhưng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn dành sự quan tâm, sẵn sàng trả lời phỏng vấn của báo chí, truyền hình. Với trí tuệ mẫn tiệp, trí nhớ tuyệt vời, Ông đã giải đáp hấp dẫn, thấu đáo các câu hỏi, kể cả những vấn đề hóc búa, nhạy cảm.

Nhiều câu nói của Ông đã trở thành nổi tiếng. Có thể nêu vài ví dụ như: Chủ quyền lãnh thổ là điều chúng ta tuyệt đối không bao giờ buông tay; để mất Biển Đông là có tội với dân tộc, nhân dân; đối ngoại thành công là hai bên cùng thắng; mua vũ khí hiện đại để không phải bắn; chúng tôi chọn chính chúng tôi, không ai, không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên. Vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập, tự chủ bằng sức của mình…

Trong tiếp xúc với lãnh đạo, quan chức quốc phòng các nước, Ông thường chỉ sử dụng một cuốn sổ tay nhỏ. Mọi thứ cần thiết, đã chuẩn bị trong đầu, sẵn sàng xử lý thấu đáo mọi vấn đề nảy sinh. Ông dường như có kiến thức thường trực về mọi lĩnh vực, kể cả những vấn đề rộng, sâu, không gần với chuyên môn như lịch sử, văn hóa các quốc gia, luật pháp, kinh tế, vật lý, năng lượng nguyên tử, an ninh mạng, sinh học… Khi cần, Ông giải đáp như một chuyên gia.

Năng lực đó là kết quả của một quá trình đọc, tìm hiểu, tích lũy hàng ngày, cộng với một trí nhớ, bộ óc tuyệt vời. Ông có tài đọc nhanh theo kiểu “chụp ảnh” khiến nhiều người bất ngờ. Tài liệu vài chục trang, Ông chỉ mất vài phút, là đã chỉ ra rất cụ thể, rõ ràng các nội dung, câu chữ, cả dấu “phẩy, chấm” cần sửa, thêm, bớt và cách sửa thế nào. Ai cũng phải phục, không phải vì sợ mà vì quá đúng.

Trong lần giới thiệu Sách Trắng quốc phòng cho Tùy viên Quân sự nước ngoài ở Việt Nam, có người hỏi, các ngài nói củng cố, phát triển sức mạnh quốc phòng, quân sự “đủ khả năng răn đe”. Việt Nam lấy gì để răn đe? Theo cách hiểu thông thường của các nước, cái để răn đe là vũ khí hạt nhân. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giải đáp: Việt Nam phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Nền tảng là trên dưới một lòng, quân dân đoàn kết. Buộc ai có ý định gây chiến tranh phải cân nhắc, lường trước tổn thất, thất bại. Đó chính là thứ để răn đe. Sau đó, Ông trao đổi với bộ phận biên soạn, phải cân nhắc kỹ từng từ, từng ý, để nước ngoài hiểu đúng, tránh suy diễn không cần thiết.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Alvaro Lopez Miera, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba tại lễ bàn giao tập phim tài liệu "Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Cuba, 60 năm xây dựng và phát triển" mang tên “Hai trái tim chung nhịp đập”. (Nguồn: TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Alvaro Lopez Miera, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba tại lễ bàn giao tập phim tài liệu "Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Cuba, 60 năm xây dựng và phát triển" mang tên “Hai trái tim chung nhịp đập”. (Nguồn: TTXVN)

Các lĩnh vực, nhiệm vụ, hoạt động nêu trên, đều có ban chỉ đạo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Nhưng đều có dấu ấn, đóng góp đặc biệt của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Các sự kiện, công việc mà báo chí đăng tải những ngày qua, dù lớn và đáng khâm phục, nhưng chỉ là một phần. Còn những nhiệm vụ, hoạt động cơ mật, không thể nói hết. Nhưng như vậy cũng chứng tỏ Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là nhà lãnh đạo, chỉ huy đầy tâm huyết, trí tuệ, hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin cậy, giao phó.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ra đi với những dự định lớn còn chưa kịp thực hiện. Ông hãy yên lòng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mãi đồng hành cùng chúng ta. Một vài suy nghĩ nhỏ khó có thể nói đủ về một chân dung lớn, một nhân cách lớn. Xin góp một nén nhang vĩnh biệt Ông!

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-nho-ve-mot-chan-dung-lon-nha-chien-luoc-nha-ngoai-giao-quoc-phong-xuat-sac-thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-242527.html