Chuyện những cô gái mở đường Trường Sơn

PTĐT - Ngày 15/7, Đội thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương được thành lập tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên gồm 225 cán bộ, đội viên sau đó lực lượng TNXP đã phát triển với 35 vạn người thường xuyên có mặt ở những chiến tuyến ác liệt, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử.

Lực lượng TNXP có mặt trên khắp các tuyến đường, họ mở đường mới, làm các đoạn tránh, bắc cầu, dựng ngầm…ngay dưới tầm bom rơi, đạn nổ…Trong hai cuộc kháng chiến, hàng chục ngàn nam nữ TNXP đã góp sức làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại. Gần 10 nghìn thanh niên Đất Tổ tình nguyện gia nhập các đơn vị TNXP trong đó có 3250 người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các tuyến lửa Trường Sơn anh hùng và hơn nửa số đó là nữ.

Tháng 5/1972 khi vừa tròn 21 tuổi, bà Nguyễn Thị Khê, phố Tân Việt, Tân Dân, TP Việt Trì lên đường tham gia lực lượng TNXP. Khi đó bà đã có 3 người anh trai là bộ đội, thuộc diện không phải “tòng quân”, nhưng với suy nghĩ của thanh niên thôi thúc muốn được góp sức mình cho Tổ quốc bà thuyết phục bố mẹ nộp đơn tình nguyện. 5 tháng hành quân ròng rã bà mới có mặt tại tuyến lửa Trường Sơn với nhiệm vụ đắp hố bom, làm cầu chở hàng và khuân bốc hàng hóa. “Khi đó tôi chỉ chừng 43-45kg, nhưng không hiểu lấy sức mạnh ở đâu mà cứ bao hàng 60-70kg chị em chúng tôi khuân hết không biết mệt. Mà nhiều hôm bốc vác hàng khi trên đầu đạn pháo vẫn vèo vèo. Thời gian đầu cũng sợ lắm, nhưng mãi rồi thành quen”. Câu chuyện giữa tôi với bà Khê bị ngắt quãng khi bà nhớ lại khoảng thời gian hơn hai năm được người dân dọc tuyến đường Trương Sơn đùm bọc. Lực lượng TNXP khi đó bám đường nên chủ yếu sống nhờ nhà dân. Đời sống thì khổ sở, thiếu thốn trăm bề nhưng đi đâu cũng được dân thương dân quý, chia sẻ từng miếng cơm, củ khoai. “Là tuyến đường huyết mạch nên chỉ trừ lúc ăn và ngủ còn lại chị em suốt ngày đêm có mặt trên đường làm nhiệm vụ. Có lần máy bay B52 rải bom nhưng vì nhiệm vụ mở đường đang khi khẩn cấp, không ai chạy xuống hầm để trú khiến mấy “mẹ” chạy ra bảo chúng tôi: “các o muốn chết à?”- bà Khê nhớ lại.

Suốt 16 năm (1959-1975), con đường Trường Sơn được hình thành xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ ba nước với tổng chiều dài 20 nghìn km đường ô tô, 600 km đường sông, 1400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1500 km đường dây thông tin, tổ chức vận chuyển hơn 2 triệu quân vào ra chiến trường, hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa. Cho đến bây giờ nhiều người vẫn nhớ về con đường 20-đường Quyết thắng, đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, là con đường nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. “Thanh niên lúc đó vô tư lắm, không nghĩ xa đến chuyện sống chết, cả thôn, cả xã nô nức lên đường”. Đó là lý do để cô gái Đoàn Thị Thái vừa tròn tuổi 20, tù quê lúa Thái Bình hòa cùng đoàn quân thanh niên phơi phới tuổi thanh xuân xung phong vào tuyến lửa. Hơn hai năm có mặt tại cung đường huyền thoại cho đến giờ nhớ lại bà Thái cũng không hiểu sức mạnh nào mà chỉ bằng bàn tay, những đôi quanh gánh, chiếc cào, chiếc thuổng mà một thế hệ bộ đội, TNXP có thể làm nên con đường Trường Sơn dài hàng ngàn km len lỏi giữa rừng trong bom đạn chiến tranh.Theo thống kê đã có 4 triệu tấn bom đạn Mỹ trút xuống đường Trường Sơn. Nếu “xếp hàng” tất cả số lượng đạn bom ấy - trung bình 1 km phải chịu 30 tấn sắt thép - chắc sẽ dài hơn nhiều lắm so với số đá, sỏi đã làm nên mặt đường. “Nào bom tai hồng, cây nhiệt đới rồi bom bi không chảy máu nhưng khiến toàn thân lỗ chỗ thâm tím thịt da. Nhiều hôm vừa làm đường, chúng tôi vừa phối hợp với các đơn vị bộ đội để chôn cất anh em mình hy sinh. Thực sự quá nhiều mất mát. Bà Thái trầm ngâm rồi kể tiếp: “Có lẽ chính vì thế mà những giờ nghỉ ngơi ai cũng cất tiếng hát để át tiếng bom rơi. Sống giữa nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến nhưng những thanh niên năm xưa vẫn luôn lạc quan, sống vô tư. Đôi lúc giữa những giờ “nghỉ ngơi” khi trận địa im tiếng pháo, tiếng bom, mìn là các chương trình văn nghệ được tổ chức. Văn công lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng ống bương, ống nứa làm nhạc cụ. Sinh ra ở đất chèo nên khi đó tôi cũng là hạt nhân văn nghệ. Mỗi buổi diễn cũng cảm thấy hồi hộp lắm. Tôi còn nhớ mấy câu hát chèo mà thường xuyên được các anh chị em đề nghị hát: Đứng trên đỉnh núi tôi thề-Chưa đánh hết giặc chưa về quê hương-đó cũng chính là lý tưởng của mỗi thanh niên thời đó”

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201908/chuyen-nhung-co-gai-mo-duong-truong-son-165984