Chuyện những con tàu sang trọng vượt bão Covid-19

Luôn dự trữ 'lương khô' đủ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong vòng ít nhất 6 tháng, chủ động và linh hoạt để tìm kiếm doanh thu và coi Covid-19 là thời cơ để nâng cấp 'sức khỏe' là những điều đã giúp Lux Group vượt qua khủng hoảng, đồng thời, chuẩn bị cho sự vươn mình mạnh mẽ hậu đại dịch.

Du thuyền Heritage Cruises Binh Chuan Cat Ba Archipelago

Du thuyền Heritage Cruises Binh Chuan Cat Ba Archipelago

Dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, tổng doanh thu khách quốc tế đến và nội địa giảm trên 61%.

Chỉ riêng hai quý đầu năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 6 - 7 tỷ USD.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ hai diễn ra vào cuối tháng 7 năm nay đã khiến hàng triệu khách du lịch hoãn/hủy tour. Hứng chịu “cú đấm bồi” khiến ngành du lịch trở nên kiệt quệ, hàng loạt doanh nghiệp đã phải đóng cửa để “ngủ đông”, chờ thời cơ quay trở lại.

Thế nhưng, làm chủ những thương hiệu vốn chủ yếu phục vụ du khách sang trọng đến từ châu Âu, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà vẫn luôn kiên tâm để đối mặt với khủng hoảng, nhanh chóng đưa ra chiến lược vượt bão cho doanh nghiệp và chuẩn bị để sẵn sàng nắm bắt cơ hội tạo đột phá khi thị trường quốc tế phục hồi.

Ông từng chia sẻ, với Lux Group và rất nhiều doanh nghiệp, tài chính là mảng bị tác động nặng nề nhất trong cơn bão Covid-19. Trongmười tháng khó khăn vừa qua, Lux Group đã thực hiện những chiến dịch kinh doanh gì để thu hút khách du lịch cũng như cải thiện doanh thu?

Ông Phạm Hà: Doanh nghiệp có tồn tại được hay không phụ thuộc rất lớn vào câu chuyện tài chính, phải tạo ra được nguồn thu để có dòng tiền hoạt động. Trong mùa dịch, xác định không có lãi nhưng phải tìm cách tạo công ăn việc làm cho nhân viên, duy trì bộ máy và hệ thống.

Trên thực tế, chúng tôi luôn có nguồn lương khô để có thể duy trì hoạt động ít nhất trong vòng sáu tháng. Khi dịch Covid-19 vừa diễn ra, chúng tôi đã sớm lên các kịch bản và tính toán phương án đi kèm.

Sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ hai đến và kết thúc, Lux Group chuyển sang kế hoạch C - tồn tại, sống bằng nguồn khách nội địa dựa vào nội lực và chuẩn bị cho phục hồi khách du lịch nước ngoài (inbound) trong năm 2021.

Trong thời gian 10 tháng khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, Lux Group đã rất linh hoạt và chủ động để phù hợp với những thay đổi của tình hình thực tế. Từ một doanh nghiệp chuyên phục vụ du khách đến từ nước ngoài, Lux Group đã chuyển hướng sang thị trường nội địa, tập trung vào tệp khách hàng cao cấp.

Chúng tôi phục vụ khách hàng với chuẩn châu Âu và chăm sóc khách hàng như người thân của mình trong lúc khó khăn.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group

Hưởng ứng gói kích cầu “Người Việt đi du lịch Việt”, chúng tôi hướng vào đối tượng khách Việt Nam đi du lịch trong nước. Một trong những xu hướng sản phẩm đã được chúng tôi lựa chọn triển khai nhiều là “free & easy” (cung cấp các dịch vụ lẻ như dịch vụ vận chuyển, phòng nghỉ khách sạn, vé bay…) dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình với mức giá ưu đãi so với bình thường.

Ngoài các gói tour trọn gói truyền thống, free & easy, staycation (du lịch tại địa phương mà mình sinh sống) hay combo nghỉ dưỡng cao cấp, chúng tôi cũng triển khai chạy đoàn nhóm nhỏ, đặt trước phòng khách sạn và vé máy bay, dịch vụ “voucher” trả trước để có giá ưu đãi.

Mục đích là có doanh thu để tồn tại và chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường quốc tế đến, theo ước tính, nhanh thì trong quý I/2021 hoặc chậm hơn là trong mùa du lịch tới vào tháng 9/2021.

Chúng tôi còn tạo ra phòng nội địa và website chuyên về du lịch cao cấp cho nội địa www.luxurytravel.vn. Tất cả nhân viên chuyên bán hàng cho khách quốc tế đều được thuyết phục chuyển sang bán hàng cho khách nội địa.

Có điều gì khiến họ ngần ngại hay sao mà lại phải thuyết phục, thưa ông, trong khi đều là công việc bán hàng, thậm chí là còn bán cho những người cùng ngôn ngữ và cùng nền văn hóa?

Ông Phạm Hà: Bản tính con người thường không muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. Đặc thù hai đối tượng khách hàng quốc tế và khách nội địa rất khác nhau.

Nếu muốn công ty tồn tại được, người bán hàng phải thay đổi, từ cách tiếp cận với khách hàng cho đến cách nhìn nhận vấn đề. Quan trọng là phải biết khách của mình là ai và nắm được lợi thế của sản phẩm, phải thay đổi tư duy và dám thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Trong tháng đầu tiên thay đổi và thoát khỏi vùng an toàn, nhân sự đã tự tin và “máu chiến” hơn. Ngay trong tháng 5/2020, đã có người thu về được 1 tỷ đồng doanh thu từ khách Việt, đó là một động lực rất lớn đối với chính người đó và các nhân sự khác.

Sau khi đưa ra những chiến dịch này, kết quả mà Lux Group thu về là gì?

Ông Phạm Hà: Tôi thấy rằng, không chỉ Covid-19, cái gì không giết được mình thì sẽ giúp cho mình mạnh mẽ hơn.

Sau đợt kích cầu lần một vào giai đoạn tháng 5/2020, với kế hoạch B là bán voucher và hướng đến khách nội địa để tạo doanh thu, chúng tôi đã đạt được thành công vượt trên mong đợi khi triển khai chiến dịch bán voucher cho các dịch vụ ngủ đêm trên du thuyền và dịch vụ tour du lịch. Hơn 5.000 voucher đã được bán hết trong vòng chưa đầy một tháng.

Công suất phòng nghỉ trên du thuyền trong giai đoạn từ tháng 5 – 7/2020 luôn đạt tỷ lệ trên 90%. Riêng doanh số từ du thuyền đã lên đến trên 15 tỷ đồng.

Không chỉ Covid-19, cái gì không giết được mình thì sẽ giúp cho mình mạnh mẽ hơn.

Ông Phạm Hà

Chủ tịch HĐQT Lux Group

Nhu cầu khách đi tour và đặt các dịch vụ lẻ như máy bay và khách sạn cũng không kém phần sôi nổi. Chúng tôi đã bán được hơn một nghìn combo du lịch.

Đa phần khách đi nghỉ hè với gia đình và bạn bè theo từng nhóm nhỏ nên chúng tôi luôn phải khuyến cáo đặt trước để tránh tình trạng hết phòng nghỉ dịp cuối tuần.

Tuy nhiên, tưởng như chiến dịch kích cầu lần một vừa nhen nhóm được khởi sắc, tình hình kinh doanh du lịch của chúng tôi lại bất ngờ chững lại từ cuối tháng 7/2020 khi tin tức dịch bùng phát trở lại ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam được lan truyền.

Do tâm lý lo ngại dịch bệnh, hàng loạt khách du lịch hoãn hủy tour và dịch vụ. Bên cạnh đó, do rơi vào thời điểm mưa nhiều và hay có bão nên số lượng khách đặt tour đã bắt đầu giảm đáng kể từ tháng 8 trở đi.

Du lịch được kỳ vọng có dấu hiệu phục hồi vào quý 4/ 2020, nhất là vào năm 2021, quan điểm của ông về dấu hiệu phục hồi này là gì? Liệu tình hình kinh doanh trong hai tháng cuối năm nay và năm 2021 của Lux Group sẽ có những bước tiến triển khả quan hơn hay không?

Ông Phạm Hà: Nhu cầu du lịch nội địa vẫn có. Bằng chứng là doanh thu trong tháng 10/2020. của chúng tôi dự kiến tăng 3 lần so với tháng 9/2020 và bán được cho những đoàn sẽ đi vào quý I/2021.

Nhiều điểm đến xa như Nha Trang, các khu nghỉ nổi tiếng như Six Senses, Amanoi, Côn Đảo hay Cát Bà nhiều ngày cuối tuần đã hết chỗ.

Đối với khách quốc tế đến, hiện chưa có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù đã có một số chuyến bay được nối lại nhưng chưa thành công, tâm lý lo sợ dịch bệnh vẫn còn và khả năng chi trả để đi du lịch bị ảnh hưởng khá nhiều.

Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực châu Á sẽ phục hồi nhanh hơn, sau đó đến Úc và New Zealand. Ở châu Âu, Đức sẽ phục hồi sớm nhất. Các điểm đến xa từ Mỹ và Canada phải mất nhiều năm mới phục hồi được.

Như nhiều doanh nghiệp du lịch khác, chúng tôi kỳ vọng ngành du lịch sẽ được phục hồi càng sớm càng tốt. Tuy nhiên với tình hình hiện tại khi số lượng ca nhiễm ở châu Âu và châu Mỹ chưa có dấu hiệu giảm và chưa có vắc-xin đặc hiệu, chúng tôi sợ rằng ít nhất phải đến cuối năm nay thì tình hình mới có thể được cải thiện.

Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm doanh thu để tồn tại và chuẩn bị cho 2021 với kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện đáng kể sau khi Covid-19 được kiểm soát; đồng thời tận dụng thời điểm Covid-19 để nâng cấp “sức khỏe” cho doanh nghiệp.

Lux Group đã nâng cấp sức khỏe của mình như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hà: Năm 2019 là năm bứt phá của Lux Group để trở thành công ty trung bình lớn với quy mô gần 300 nhân viên. Covid-19 đến khiến quá trình phát triển chậm lại một chút nhưng lại là lúc để chúng tôi cơ cấu nhân sự và tinh gọn bộ máy, chuẩn hóa quy trình.

Về nhân sự, những người không còn phù hợp và không dám lựa chọn thay đổi để tồn tại trong bối cảnh mới thì phải chấp nhận bị đào thải. Những nhân viên tiếp tục ở lại “chiến đấu” sẽ phải đa di năng hơn, dám thách thức bản thân và vượt khỏi vùng an toàn của chính mình để chấp nhận những thử thách mới và tạo đột phá.

Thực ra, tôi vẫn luôn muốn giữ được nhiều nhân sự nhất có thể, nhưng nhân sự không phải là tài sản cho đến khi họ thực sự phù hợp với doanh nghiệp. Chỉ có nhân sự phù hợp mới là tài sản của doanh nghiệp.

Trong khủng hoảng mới thấy rõ rằng doanh nghiệp có tồn tại được hay không phụ thuộc rất lớn vào văn hóa doanh nghiệp. Với chúng tôi, đó là một văn hóa có thể tạo sự kết nối, tin tưởng để cùng thay đổi và chấp nhận thử thách, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Khủng hoảng xảy ra, nhiều người nói rằng tại sao không đóng cửa, cho nhân viên nghỉ làm và chờ dịch bệnh qua đi.

Thế nhưng, đóng cửa thì dễ, mở ra để mọi người cùng tin tưởng, cùng đi theo mình, cùng phát huy những giá trị mà mình theo đuổi lại không hề dễ một chút nào.

Chúng tôi cũng nhanh nhạy chuyển mình theo hướng số hóa để phù hợp với thời đại công nghệ 4.0. Trong đó, Lux Group thực hiện số hóa hầu hết các khâu để quản trị tốt hơn, đặc biệt là quản trị dữ liệu để lắng nghe “cơ thể” doanh nghiệp và lắng nghe thị trường. Nguồn dữ liệu nói lên nhiều thứ, giúp chúng tôi tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Giữa tháng 9/2020, một thành viên của Lux Group là Luxury Travel chính thức định vị thương hiệu thành Lux Travel DMC với kế hoạch mở rộng mới. Không chỉ phát triển điểm đến ở ở khu vực Đông Nam Á, Lux Travel DMC còn mở rộng mạng lưới nhà cung cấp sản phẩm tới một số nước châu Á khác nhằm cung cấp thêm sự lựa chọn điểm đến cho khách du lịch cao cấp với tham vọng trở thành một trong những nhà điều hành hạng sang hàng đầu khu vực châu Á, chú trọng tiếp thị kỹ thuật số.

Trong mùa Covid-19, nhiều du khách Việt có cơ hội trải nghiệm du lịch sang trọng trên những con tàu của Lux Group vốn chủ yếu phục vụ khách đến từ châu Âu

Trong mùa Covid-19, nhiều du khách Việt có cơ hội trải nghiệm du lịch sang trọng trên những con tàu của Lux Group vốn chủ yếu phục vụ khách đến từ châu Âu

Theo ông, chiến dịch kích cầu du lịch lần hai với thông điệp ‘Du lịch an toàn và hấp dẫn’ có tác dụng thế nào đối với doanh nghiệp du lịch nói riêng và cả ngành du lịch Việt nói chung?

Ông Phạm Hà: Chiến dịch kích cầu du lịch lần hai được bắt đầu từ tháng 9/2020. Lúc này kì nghỉ hè đã kết thúc, mùa du lịch nội địa đã phần nào hạ nhiệt. Tôi nhận thấy, chiến dịch kích cầu lần hai với thông điệp “du lịch an toàn và hấp dẫn” chưa thực sự tạo một cú “huých” cho du lịch Việt Nam.

Một phần vì tâm lý e ngại vì dịch bệnh, phần khác dịp nghỉ hè kết thúc, số lượng ngày nghỉ không nhiều nên tỉ lệ khách Việt đi du lịch ít hơn. Nguyên nhân chính là kinh tế Việt Nam đã ngấm đòn Covid, nhu cầu du lịch giảm. Hiện nay, doanh số bán hàng ở Lux Group khá chậm, chủ yếu là những nhóm khách lẻ đi chơi dịp cuối tuần, tới những điểm đến gần.

Muốn thực sự kích cầu lúc này, cần Chính phủ tặng voucher cho khách du lịch. Đây là cách mà các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan đã làm và rất thành công trong việc thúc đẩy du lịch nội địa, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngoài ra, các điểm đến cần tạo thêm các trải nghiệm mới cho du khách với nhiều hoạt động hơn, đến dễ hơn và vui hơn. Ví dụ, Hạ Long phải kết nối được với cảng thủy nội địa Hải Phòng, thăm quan vịnh Hạ Long vào ban đêm, kích hoạt kinh tế ban đêm, mở nhiều hang động đón khách trong vịnh, các bãi tắm được tắm thoải mái, leo núi, liên tuyến xuyên vịnh Bái Tử Long sang vịnh Hạ Long…

Mỗi điểm đến phải hấp dẫn hơn với trải nghiệm mới mẻ, phong phú thì mới có thể thu hút khách Việt Nam và khách từ Nam ra thăm miền Bắc và ngược lại.

Kế hoạch tiếp theo của Lux Group là gì để cải thiện doanh thu trong thời gian tới?

Ông Phạm Hà: Xu thế hậu Covid-19 là sức khỏe hơn tiền tài. Du khách quan tâm đến các điểm đến gần, đi đường bộ, có thời gian cùng gia đình, đến những nơi ít người và có nhu cầu làm lành với mẹ thiên nhiên, về với biển đảo. Những điểm đến mới như vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà đang được yêu thích và là những điểm đến mà chúng tôi ghi nhận doanh thu tốt nhất hiện nay.

Nhằm hưởng ứng chiến dịch kích cầu du lịch lần hai với thông điệp “Du lịch an toàn và hấp dẫn”, Lux Group đã dần học cách thích nghi “sống chung” với dịch bệnh. Một mặt vẫn triển khai quảng bá những sản phẩm du lịch mới theo “trend” (xu hướng) tới khách hàng, mặt khác vẫn đảm bảo những nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.

Chúng tôi đang kỳ vọng vào đối tượng khách đi hội họp, cưới trên du thuyền, lễ hội cuối năm và đã chuẩn bị sản phẩm bán luôn cho hè 2021. Tháng 11/2020 chúng tôi sẽ tham gia triển lãm VITM 2020 tại Hà Nội để giới thiệu phòng nội địa và sản phẩm du lịch sáng tạo hấp dẫn cho mùa du lịch tới.

Lux Group cũng chú trọng xây dựng và củng cố hình ảnh thương hiệu cá nhân và công ty, tăng uy tín trên mọi kênh truyền thông. Chúng tôi làm mới sản phẩm, đào tạo đội ngũ, chuẩn bị sớm sản phẩm cho mùa nội địa sang năm và chủ động kết nối hãng nước ngoài sẵn sang phục hồi khi kết nối lại đường bay.

Sau hai làn sóng dịch Covid-19, ông có ngẫm được điều gì?

Ông Phạm Hà: Thật lòng mà nói, lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong mùa dịch, nhiều khi tôi cũng thực sự lo lắng và thậm chí thấy nản. Nhưng nắm trong tay kế sinh nhai của 300 con người, tôi luôn cố gắng tích cực tạo ra năng lượng để tiếp tục duy trì doanh nghiệp, tìm cơ hội vực dậy. Từ đó, truyền năng lượng tích cực cho mọi người.

Tôi thiết nghĩ, ngày hôm qua là quá khứ còn tương lai còn mịt mù chẳng đoán định được. Nên hãy sống cho hiện tại, làm cái mình thích, yêu và tự hào về cái mình làm. Hãy sống chậm lại để yêu bản thân hơn, yêu và giúp đỡ mọi người nhiều hơn. Hãy sống như ngày mai là ngày cuối của cuộc đời.

Xin cảm ơn ông!

Đặng Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chuyen-nhung-con-tau-sang-trong-vuot-bao-covid-19-1603410095607.htm