Chuyện những kẻ tự cô lập, sống trụy lạc để che giấu trái tim lạnh giá

Trong tiểu thuyết 'Cô độc', cả B và Ba đều tự cô lập mình, sống trụy lạc như để che giấu đi trái tim vốn đã lạnh ngắt và trống rỗng của mình.

 Sách Cô độc.

Sách Cô độc.

Có rất nhiều cuốn sách mà để hiểu được hết những nội dung bao hàm trong đó, bạn không những không thể đọc một lần mà còn phải thưởng thức một cách chậm rãi, từ từ, không nóng vội.

Sự ám ảnh có lẽ đã gợi lên ngay từ cái tên của nó, Cô độc phần nào đã gợi nhắc cho ta những tưởng tượng hình dung ban đầu về một thế giới ảm đạm, lạnh lẽo và thiếu vắng đi sự gắn kết giữa con người với con người.

Không đi theo lối kể chuyện tuyến tính thông thường, Cô độc khiến độc giả bất ngờ ngay từ những trang viết đầu tiên, bởi sự đan xen tuần tự giữa hai mạch truyện, hai thế giới của hai nhân vật Ba và B mà đa phần chúng ta sẽ chẳng thể biết được ai mới là nhân vật chính.

B và Ba có thể là hai con người ở hai thế giới song song với nhau đang cùng hiện hữu. Hoặc đó có thể là những vòng lặp liên tục giữa hai người hoàn toàn xa lạ nhưng giao nhau tại những điểm rẽ tương quan đầy bí ẩn. Hoặc cũng có thể B với Ba chỉ là một người (đa số độc giả sẽ nghiêng về giả thiết này).

Giữa những ảo ảnh và hiện thực, tác giả đã giấu đi những chi tiết cụ thể và tường minh về danh tính của cả hai nhân vật trung tâm (hoặc có thể chỉ là một) càng làm tăng thêm sự bí ẩn và li kì cho câu chuyện ở phía sau. Một cuộc hành trình hứa hẹn những trải nghiệm đầy thú vị hấp dẫn.

Và quả thật, xuyên suốt chiều dài câu chuyện; người đã ta thấy ở đó những tình tiết hư cấu một cách phi lý nhưng đậm chất kích thích. Hai nhân vật cứ luân phiên nhau tuần tự, trải qua những biến cố đầy bí hiểm. Một nhân vật Ba luôn đau đáu với sự phản kháng, sống bất cần với người cha hà khắc của mình và dành cả cuộc đời anh ta ám ảnh mãi với những bản thảo kì lạ. Anh ta cũng có một sự lưu tâm đặc biệt đối với một người con gái tên Cầm.

Nhân vật B lại luôn giấu mình trong căn phòng kì lạ ở nhà xuất bản với những mộng ảo về những gương mặt đã chết, về tiếng lóc bóc kì quái không rõ từ đâu và anh ta đã nghĩ rằng mình có khả năng giao tiếp với những bức ảnh của những người tiền nhiệm. B cũng có những cuộc tìm kiếm không chủ đích bóng hình của một người con gái váy đen bí ẩn.

Một Ba với những giấc mộng đầy kì quặc về con bướm trắng khổng lồ và một B luôn bắt gặp hình ảnh một con sóc đực. Giữa Ba và B là một mối liên hệ giống những chiếc bóng phản chiếu trên tường. Nếu coi một người là chủ thể thì người kia chính là ảo ảnh được sinh ra trong một thế giới bí ẩn mơ hồ.

Điểm chung giữa thế giới của B và Ba không chỉ là những móc xích tương đồng trong những diễn biến cuộc đời giữa hai người mà còn phản ánh trên những mối liên hệ của họ với những người xung quanh.

Cả B và Ba đều đã ly dị vợ. Họ đều trải qua những vòng lặp liên tục không thể tìm ra lối thoát. Họ tự cô lập mình, sống trụy lạc như để che giấu đi trái tim vốn đã lạnh ngắt và trống rỗng của mình.

Họ chênh vênh giữa quá khứ và thực tại và luôn khao khát đạt đến những thành tựu mà họ mơ ước nhưng đều thất bạn. Họ càng ngày càng lún sâu và thế giới cô độc. Và cuối cùng, cái kết cho cả hai người là sự nới lỏng, buông bỏ rào cản để bước ra.

 Ảnh: cottonbro studio/pexels.

Ảnh: cottonbro studio/pexels.

Giữa sự bế tắc, trầm uất, Ba tìm về ngôi mộ của ba mẹ anh - những người mà dường như khi còn sống đã không nhận được từ anh sự quan tâm cần thiết vì chính sự ích kỉ anh; còn B, anh tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi những hố sâu thăm thẳm của sự cô độc và tan vỡ.

Hệ quả tất yếu của một quá trình sống tự tách biệt mình ra khỏi thế giới, Cô độc là tấn bi kịch về những cuộc đời giấu mình trong những hố sâu tăm tối và bất lực trong việc tìm kiếm sự gắn kết với những người xung quanh.

Ta còn tìm thấy ở đó, sự gợi nhắc về những hình mẫu đã từng gắn liền với một số tác phẩm kinh điển. Hình ảnh ông lão hay uống rượu bên hồ xuất hiện trong cuộc gặp gỡ với Ba; sau này cho tới lúc chết trên cơ thể vẫn còn mùi rượu khiến côn trùng cũng không dám đến gần, khiến ta nhớ đến nhân vật Bố Ô trong tác phẩm Rượu bệnh của Nguyễn Tuân.

Ngoài ra, cái chết của ông, cùng với sự xuất hiện của mười tám người con về chịu tang lại khiến ta cũng phần nào nhớ đến nhân vật đại tá Aureliano Buendía trong Trăm năm cô đơn.

Liên tiếp những liên tưởng về những tác phẩm viết về những nỗi cô đơn và hoài nhớ khiến ta có thể xem như đó là một ngụ ý ngầm; rằng phải chăng cuộc gặp gỡ này có lẽ không thực sự tồn tại. Đó có thể chỉ là kết quả của một sự tưởng tượng của Ba, với nỗi cô đơn và những khát khao đè nén. Hoặc cũng có thể, biết đâu đấy, cuộc gặp gỡ này diễn ra thực sự thì sao. Bản thân cả câu chuyện đã chìm trong một lớp sương mù, ranh giới giữa hư và thực mỏng manh như sợi chỉ, khiến ta không ngừng phân vân và nghi hoặc.

Cô độc với tầng tầng lớp lớp những hình tượng ẩn dụ, chắc chắn không phải là một cuốn sách dễ đọc. Nhưng đối với những người ưa thích sự phá cách và bạo liệt thì đây chắc chắn là một sự lựa chọn không tồi. Mơ hồ, táo bạo và thẳng thắn; “Cô độc” là một tấm gương soi chiếu để bóc trần và phơi bày một cách khéo léo những mâu thuẫn, bi kịch trong lối sống lập dị, tách biệt của một số cá nhân đồng thời cũng qua đó gửi gắm thông điệp: hãy sống mở lòng và bao dung hơn đối với thế giới xung quanh mình.

Hoàng Thị Hạnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-nhung-ke-tu-co-lap-song-truy-lac-de-che-giau-trai-tim-lanh-gia-post1451554.html