Chuyện những người cứu hộ bãi biển
Cứu hộ bãi biển, một nghề đầy vất vả, hiểm nguy, thậm chí có những lúc phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh. Thế nhưng, một khi đã bước chân vào nghề cứu hộ bãi biển chẳng ai muốn rời đi, bởi nghề này mang lại cho họ niềm vui, hạnh phúc khi được góp sức mình để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.
Vui, buồn với nghề
Dịp hè, vào hai buổi sáng, chiều, biển Nha Trang lúc nào cũng đông nghịt người dân, du khách tắm biển. Khoảng 5 giờ 30 phút, ánh mặt trời vừa ló rạng, trong khi nhiều người đang ngâm mình trong làn nước biển xanh mát, vài đứa trẻ nô đùa trên bãi cát mịn, cũng là lúc Đội Cứu nạn, cứu hộ Ban Quản lý vịnh Nha Trang bắt đầu công việc. Tại Trạm Cứu nạn số 2 (khu vực công viên đối diện đường Nguyễn Chánh), sau ít phút hội ý nhanh giữa các thành viên trong đội, với sự chỉ đạo của Đội trưởng Nguyễn Văn Hùng, các nhân viên cứu hộ nhanh chóng chia làm nhiều tốp, đi dọc bãi biển theo các hướng, khu vực đã được phân công trước đó, bắt đầu quan sát, nhắc nhở người dân không bơi ra khỏi khu vực giới hạn, bãi tắm an toàn. Hằng ngày, công việc của họ cứ lặp đi lặp lại như thế. “Bình thường thì thấy vậy thôi, chứ nghề này rất khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm. Hằng ngày, anh em thay phiên nhau trực từ sáng sớm đến tối mịt, phơi người ngoài nắng, gió. Vào mùa sóng to gió lớn, mỗi khi có vụ việc xảy ra, các anh em trong đội ai cũng bất chấp nguy hiểm của bản thân lao ra cứu người bị nạn. Nghề này nếu không yêu nghề, nhiệt huyết và có sức khỏe, không phải ai cũng có thể làm được” - anh Nguyễn Thanh Hiền - Đội phó Đội Cứu nạn, cứu hộ Ban Quản lý vịnh Nha Trang chia sẻ.

Các thành viên Đội Cứu nạn, cứu hộ tuần tra, nhắc nhở người dân không vượt qua khu vực giới hạn bãi tắm an toàn.
Với anh Đặng Hưng Thời (27 tuổi), mới “chân ướt, chân ráo” bước vào nghề hơn 1 năm, cứu được không ít người gặp nạn khi tắm biển, thế nhưng khoảnh khắc đối mặt với sinh tử để cứu người đàn ông sắp bị đuối nước vào năm ngoái khiến anh không thể nào quên. “Đó là chiều tối 8-10-2024, lúc đó biển sóng to, tôi chuẩn bị tan ca trực và ra về thì bất chợt phát hiện đôi vợ chồng bơi ra ngoài xa. Tôi nhắc nhở, song người chồng vì bị sóng mạnh đánh nên bơi vào không được, thấy vậy tôi cùng một nhân viên khác lao nhanh ra cứu. May mắn là cuối cùng chúng tôi đã cứu được người chồng lên bờ và cả hai đều gần như kiệt sức. Thật sự lúc đó rất nguy hiểm” - anh Đặng Hưng Thời kể lại.

Các nhân viên cứu hộ bãi biển sử dụng thuần thục phương tiện hỗ trợ trong công tác cứu hộ.
Vất vả, nguy hiểm là vậy, thế nhưng hầu hết những người làm nghề cứu hộ, cứu nạn bãi biển chẳng ai muốn từ bỏ. Bởi theo những nhân viên cứu hộ bãi biển, nghề này mang lại cho các anh rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ niềm vui khi cứu được nạn nhân cho đến những nỗi buồn khôn nguôi, thậm chí là nản lòng khi bất lực đứng nhìn những tai nạn đuối nước thương tâm cướp đi mạng sống của người dân. Làm nghề 14 năm, anh Hiền đã chứng kiến bao nhiêu chuyện xảy ra trên bãi biển này. Thế nhưng, vụ tai nạn đuối nước thương tâm của một học sinh xảy ra hơn 10 năm trước khiến anh ray rứt mãi. “Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, mùa biển động, trời thì tối mịt, có một nhóm học sinh xuống tắm biển. Khi ấy tôi mới vào làm, cố gắng khuyên các em không được xuống biển, thế nhưng các em không nghe, để rồi có một em đã bị nước cuốn trôi và khi chúng tôi phát hiện ra sự việc thì đã muộn. Từ sau vụ tai nạn ấy, tôi luôn dặn lòng sau này sẽ không để trường hợp tương tự xảy ra” - anh Hiền trải lòng.
Không chỉ vậy, trong công việc hằng ngày, những thành viên Đội Cứu nạn, cứu hộ còn gặp nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”, thậm chí là ấm ức. Nhất là những ngày gió to, sóng lớn, họ phải thường xuyên túc trực và khi phát hiện người dân bất chấp nguy hiểm vẫn xuống tắm thì lập tức ngăn chặn. Gặp người hiểu chuyện thì không sao, nhưng đôi lúc một số người phớt lờ cảnh báo của các nhân viên cứu hộ bãi biển, thậm chí có người còn tỏ thái độ thách thức, chống đối, buông lời thóa mạ… Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, hằng ngày, các anh vẫn bất chấp khó khăn, nguy hiểm để cứu người bị nạn, lấy đó làm niềm vui, bám trụ với nghề.
Mong được quan tâm nhiều hơn
Theo tìm hiểu, hiện nay, Đội Cứu nạn, cứu hộ Ban Quản lý vịnh Nha Trang có 28 thành viên, trực đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tắm biển từ khu vực công viên Trần Hưng Đạo đến đầu đường Mai Xuân Thưởng (chiều dài tuyến biển khoảng 7 - 8km). Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, đội cứu hàng chục vụ tai nạn đuối nước. Ông Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ cho hay, trước đây, lực lượng của đội khá đông (hơn 40 người), việc phân bổ khu vực quản lý tại các bãi tắm thuận tiện hơn. Còn bây giờ, lực lượng có phần hơi mỏng, anh em gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Hiện nay, mức lương trung bình của các nhân viên cứu hộ bãi biển khoảng 6 - 7 triệu đồng, còn thấp so với mặt bằng chung. Các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn có nhưng chưa đầy đủ, hiện đại, thậm chí đã cũ (từ 5 - 7 năm trước), cần được quan tâm đầu tư.

Các nhân viên Đội Cứu nạn, cứu hộ thực hành cứu người bị tai nạn đuối nước.
Hầu hết những nhân viên cứu hộ bãi biển đều là những người yêu nghề. Bởi nếu không yêu nghề, không có cái tâm với nghề và mong muốn cứu người, mang lại sự an toàn cho người dân và du khách thì với những khó khăn, thiếu thốn, sự đòi hỏi cao về chuyên môn, nền tảng thể lực, ý chí, nghị lực vượt qua nguy hiểm… họ không thể trụ vững. Ông Nguyễn Quốc Việt - Tổ trưởng Tổ Cứu nạn, cứu hộ với thâm niên hơn 13 năm theo nghề cho hay: “Lúc mới vào làm, lương của tôi chỉ có hơn 1 triệu đồng. Khi ấy, tôi đã phải làm thêm công việc đạp xích lô; vợ tôi cũng đi làm kiếm tiền mới đủ trang trải cuộc sống gia đình. Bây giờ lương có tăng chút ít, nhưng vẫn rất thấp”.
Được biết, bên cạnh công việc chuyên môn cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi tắm biển, những nhân viên cứu hộ còn tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai, lụt bão; phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên, các trường học tổ chức các đợt tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em; phối hợp với lực lượng công an, xung kích đảm bảo an ninh, trật tự, truy bắt các đối tượng trộm cắp, móc túi… “Nghề cứu hộ bãi biển trông có vẻ nhàn, nhưng thực chất rất vất vả, nguy hiểm. Đây là nghề khá đặc thù, những nhân viên cứu hộ không chỉ giỏi chuyên môn, có sức khỏe mà còn đòi hỏi sự dũng cảm, dám bất chấp nguy hiểm bản thân để cứu người. Hy vọng, thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn, có chế độ hỗ trợ phù hợp để những nhân viên cứu hộ bãi biển yên tâm công tác” - ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/chuyen-nhung-nguoi-cuu-ho-bai-bien-abf1f01/