Tổng đài 111 tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người

Chính phủ ban hành Nghị định 162/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó quy định cụ thể về Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người.

Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người (sau đây gọi là Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn (111) của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người.

Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi mua bán người, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và miễn cước phí đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.

Tổng đài được quảng bá số điện thoại theo quy định của pháp luật chuyên ngành về viễn thông, quảng cáo.

Tổng đài tiếp nhận tố giác, tin báo từ cá nhân, cơ quan, tổ chức về hành vi mua bán người

Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người gồm:

Tiếp nhận tố giác, tin báo từ cá nhân, cơ quan, tổ chức về hành vi mua bán người.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan giải quyết tố giác, tin báo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này; cung cấp thông tin khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức báo tin, tố giác qua điện thoại theo quy định của pháp luật.

Lưu trữ thông tin, dữ liệu liên quan đến tố giác, tin báo và thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin dữ liệu.

Quy trình tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về hành vi mua bán người qua Tổng đài

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện hành vi mua bán người, phát hiện bản thân mình hoặc người khác có nguy cơ bị mua bán thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác.

2. Người tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người qua Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trong trường hợp cần thiết và theo nhu cầu của người trình báo thực hiện tư vấn tâm lý, tư vấn chính sách, pháp luật, tư vấn hỗ trợ nạn nhân, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi mua bán người.

3. Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tố giác, tin báo hành vi mua bán người, người tiếp nhận quy định tại khoản 2 Điều này phải thông báo cho cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi mua bán người hoặc nơi người báo tin cư trú để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.

4. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận và có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo, kiến nghị khởi tố với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp tố giác, tin báo về hành vi mua bán người mà nạn nhân hoặc người nghi là nạn nhân là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Thanh Quang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tong-dai-111-tiep-nhan-to-giac-tin-bao-ve-hanh-vi-mua-ban-nguoi-102250701212714901.htm