Chuyện những người dân đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để bảo vệ rừng

Để những cánh rừng phủ xanh đồi núi Sơn La, có phần đóng góp không nhỏ của các tổ quản lý bảo vệ rừng do thôn, bản chọn, phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày, có khi nửa đêm cũng chưa được ăn cơm.

Sợ nhất là cháy rừng

Khoảng 2 năm nay, ngoài những công việc thường nhật như chăn nuôi bò, lợn, trồng cây ăn quả… để có thu nhập trang trải cuộc sống cho gia đình, ông Sa Chí Lỹ, người dân tộc Mường, ở bản Tân Kiểng, xã Mường Do, huyện Phù Yên, còn gắn bó với một công việc khá đặc thù: tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Sa Chí Lỹ, người dân tộc Mường, là một trong những thành viên của Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Tân Kiểng ở xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Ông Sa Chí Lỹ, người dân tộc Mường, là một trong những thành viên của Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Tân Kiểng ở xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Ông Lỹ là một trong những thành viên của Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Tân Kiểng.

Được giao nhiệm vụ bảo vệ hơn 600ha rừng, ông Lỹ cùng các thành viên trong tổ thường xuyên phải đi bộ, leo núi hàng chục cây số mỗi ngày để giám sát, phòng ngừa nguy cơ rừng bị xâm hại.

Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Tân Kiểng có 4 người, được người dân trong bản chọn, luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Thông thường, các thành viên trong tổ chia phiên đi tuần. Những khi cảm thấy địa bàn có nguy cơ cao bị chặt phá rừng hoặc cháy rừng thì cả tổ cùng đi.

Tôi làm nghề này 2 năm rồi. Nhiều lúc chúng tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Sợ nhất là cháy rừng. Có lần người dân đi đốt ong, gây cháy, cả tổ phải đi khắc phục sự cố, nửa đêm cũng chưa được ăn cơm. Tuy nhiên, số lần cháy lớn như thế không nhiều. Và sau sự cố, chúng tôi đều đã tích cực trồng lại cây để phục hồi rừng”, ông Lỹ kể với VietNamNet.

Ông Lỹ cùng các thành viên trong tổ thường xuyên phải đi bộ, leo núi hàng chục cây số mỗi ngày. Ảnh: Bình Minh

Ông Lỹ cùng các thành viên trong tổ thường xuyên phải đi bộ, leo núi hàng chục cây số mỗi ngày. Ảnh: Bình Minh

Tổng số nhân sự của các tổ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Mường Do hiện có khoảng 100 người. Mấy năm nay, công ty lâm nghiệp được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (chương trình 1719). Song, công ty lâm nghiệp dành trọn khoản tiền khoán đó cho người dân tham gia bảo vệ rừng, mức hưởng tính theo diện tích rừng, khoảng 400 nghìn đồng/ha/năm.

Mỗi tổ quản lý bảo vệ rừng được giao bảo vệ một diện tích rừng nhất định. Ảnh: Bình Minh

Mỗi tổ quản lý bảo vệ rừng được giao bảo vệ một diện tích rừng nhất định. Ảnh: Bình Minh

Mỗi tổ được giao bảo vệ một diện tích rừng nhất định, gồm cả diện tích rừng tự nhiên, diện tích rừng trồng và diện tích đất trống.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực bảo vệ rừng gồm: Khai thác lâm sản trái phép, gồm cả các loại lâm sản phụ, cây dược liệu; Chặt phá rừng, đốt than, chặt cây lấy củi; Phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng; Săn bắt động vật rừng; Mang lửa và đốt lửa trong rừng.

Trước đây, một trong những mối quan ngại lớn nhất của các tổ quản lý bảo vệ rừng là tình trạng chặt phá rừng. Nghe tin báo có người phá rừng, thậm chí nghe thấy tiếng máy cưa, các thành viên nhanh chóng lên đường phục bắt.

Nhưng bây giờ, tình trạng chặt phá rừng đã được giảm thiểu.

Chỉ cần vận chuyển 1 khúc gỗ không có nguồn gốc ra khỏi rừng sẽ bị kiểm lâm kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nếu chặt phá loại gỗ quý nhóm I, II còn bị truy tố. Đã có nhiều trường hợp bị xử lý nghiêm nên người dân không dám ngang nhiên vi phạm”, một lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Phù Yên cho hay.

Nỗi lo lớn nhất của những người bảo vệ rừng giờ đây là nguy cơ cháy rừng, đặc biệt mùa khô, phải căng sức để phòng cháy chữa cháy.

Hàng năm, lực lượng kiểm lâm đều tập huấn cho người dân cách đốt nương: Lựa lúc không có gió, nên đốt vào buổi sáng, trước khi đốt phải dọn thực bì, dọn trắng đường ranh không cho lửa lây lan, trước khi về phải dập tắt lửa…

Thế nhưng vẫn khó tránh những trường hợp vô ý làm cháy rừng như bà con đem lửa vào rừng để đi bắt ong, trẻ con nghịch lửa khi đi chăn trâu…

Người dân muốn tham gia phủ xanh đất trống đồi trọc để ổn định sinh kế

Tại xã Mường Do, nhiều khu vực chưa được đầu tư xây dựng đường giao thông, chủ yếu vẫn còn là đường đất, bà con đi lại rất vất vả, nhất là những khi mưa gió, bão giông.

Tại xã Mường Do vẫn còn nhiều khu vực chủ yếu là đường đất. Ảnh: Bình Minh

Tại xã Mường Do vẫn còn nhiều khu vực chủ yếu là đường đất. Ảnh: Bình Minh

Lợn, gà do người dân Mường Do chăn nuôi thuộc loại đặc sản, người tiêu dùng dưới miền xuôi sẵn sàng mua giá cao, song thực tế bán chẳng được nhiều bởi giao thông không thuận tiện. Đây cũng là “điểm nghẽn” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cả bản Tân Kiểng có 46 hộ thì vẫn còn khoảng 5-6 hộ nghèo, cận nghèo. Dân bản cũng tích cực giúp nhau thoát nghèo, nhưng đặc thù dân lòng hồ chuyển lên đây còn không ít khó khăn. Nhiều hộ dân vẫn chủ yếu sống nhờ canh tác ngô, sắn, khoai, thu nhập rất thấp.

Bà con mong lắm các chương trình hỗ trợ từ nhà nước và các tổ chức quốc tế để được tham gia các dự án đầu tư trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, qua đó giúp họ có thêm thu nhập, ổn định sinh kế”, ông Lỹ chia sẻ tâm tư của người dân địa phương.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-nhung-nguoi-dan-di-bo-hang-chuc-cay-so-moi-ngay-de-bao-ve-rung-2396116.html