Chuyện những người đi gìn giữ hòa bình

Hai tháng trước khi Tết Canh Tý 2020 gõ cửa mọi gia đình Việt Nam, trung úy - bác sĩ Từ Quang nhận lệnh cùng 62 đồng đội của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ quốc tế, thay cho nhóm số 1 của bệnh viện vừa trở về nước. Chàng trai 30 tuổi này và các đồng đội Mũ nồi xanh Việt Nam trước khi lên đường đã có hơn hai năm huấn luyện theo chương trình và tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.

Tại Lễ xuất quân Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 do Bộ Quốc phòng tổ chức, trung úy - bác sĩ Từ Quang cho biết nhiệm vụ của anh là ở tuyến đầu. Đó là vận chuyển bệnh nhân từ bệnh viện dã chiến lên các bệnh viện cấp cao hơn ở thủ đô Juba, Nam Sudan. Và nếu phái bộ có yêu cầu, đội sẽ thực hiện tìm kiếm - cứu nạn, tùy theo tình hình thực địa. “Với nhiệm vụ như thế, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải làm tốt khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Hiện nay, các đồng chí trong bệnh viện đều rất tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài, đây là điều quan trọng”, Từ Quang nói.

Phái bộ của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc có mặt tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) và tại Nam Sudan có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo vệ dân thường, hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực tại những nơi này trong bối cảnh nhiều nhóm vũ trang đang hoạt động.

Trung úy - bác sĩ Từ Quang trước giờ lên đường tại sân bay Nội Bài. Ảnh: TLGĐ

Trung úy - bác sĩ Từ Quang trước giờ lên đường tại sân bay Nội Bài. Ảnh: TLGĐ

Riêng Phái bộ Nam Sudan - nơi mà Từ Quang và đồng đội đến làm nhiệm vụ có 5 sĩ quan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc theo hình thức cá nhân (trong đó có một nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam) và Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 phục vụ theo thời hạn luân phiên với quân số 63 cán bộ, nhân viên. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng người dân Nam Sudan được lực lượng quân y Việt Nam chăm sóc đã lên tới 2.000 người.

Buổi sáng chia tay trên sân bay Nội Bài ngày 19.11.2019 có những hình ảnh khiến cả người ra đi như Từ Quang lẫn người ở lại rưng rưng nước mắt. Đại úy Nguyễn Văn Quỳnh bế con gái ba tháng tuổi trên tay gần như suốt buổi lễ. Đại úy Trịnh Hữu Nghĩa tranh thủ trước lúc lên máy bay liên tục tung con lên không trung như thường ngày hai bố con vẫn vui đùa.

Anh nói với cánh nhà báo, cô con gái ba tuổi rất quấn quýt bố, anh phải dỗ dành nhiều ngày cháu mới “đồng ý cho bố đi công tác”. Còn nữ thiếu tá Bạch Thu Hằng tâm sự: “Chỉ mong đứa lớn cố gắng đạt kết quả tốt trong đợt thi vào lớp 10 năm tới và nhớ bảo ban, chăm sóc em trai khi mẹ vắng nhà”.

Nam Sudan thuộc Cộng hòa Sudan không chỉ xa vì ở tận châu Phi, giáp với Cộng hòa Trung Phi, mà còn nguy hiểm vì đang có chiến sự. Không biết điều gì sẽ xảy đến cho những người lính Mũ nồi xanh Việt Nam, nhưng họ đã sẵn sàng để lại quê nhà tất cả, lên đường làm nhiệm vụ. Nước mắt buổi chia tay không tránh khỏi là vì thế.

Các binh sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam đi làm nhiệm vụ ở châu Phi nói chung, trong đó có Nam Sudan, đều là những người đặc biệt về chuyên môn và tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc. Nhưng trung úy - bác sĩ Từ Quang, Đội trưởng Cấp cứu đường không có lẽ đặc biệt hơn đồng đội của mình một chút.

Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình vẻ vang về truyền thống quân nhân và làm khoa học. Đại gia đình của Từ Quang có ba thế hệ là người lính. Và, đặc biệt hơn nữa khi trong đại gia đình của anh có tới ba người thân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ông nội của Từ Quang là Đại tá, Giáo sư, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Từ Giấy.

Bằng các nghiên cứu khoa học ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn và bằng tình yêu thương con người sâu sắc, ông là người đầu tiên đem lại cho ngành dinh dưỡng Việt Nam niềm tự hào ở đẳng cấp quốc tế với giải thưởng “Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” và là “Một trong 20 huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”.

Bác ruột của Từ Quang là Đại tá, Phi công cấp 1, Anh hùng Lực lượng vũ trang Từ Đễ - người từng lập những kỳ tích về chuyên môn bay được ghi vào lịch sử không quân Việt Nam. Từ Quang còn có một người cậu ruột rất nổi tiếng trong giới y học nước nhà là Giáo sư - Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Gia Khải.

Các binh sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam tại sân bay Juba - Nam Sudan, bắt đầu thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại quốc gia châu Phi này. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cung cấp)

Các binh sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam tại sân bay Juba - Nam Sudan, bắt đầu thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại quốc gia châu Phi này. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cung cấp)

Có cha và mẹ đều là quân nhân, Từ Quang có lẽ đã thấy việc mình trở thành bác sĩ quân y là điều tự nhiên. Nhưng, theo lời kể của ông Từ Lương - anh trai của Từ Quang (hiện là Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) thì đứa em trai ấy không bao giờ dựa dẫm vào tiếng tăm của gia đình mà mình đương nhiên thừa hưởng.

Ông Từ Lương kể: “Từ bé, Quang đã rất tự giác rèn luyện và học tập, không để người lớn phải nhắc nhở, giám sát. Trong khi đang học môn sinh tại Trường phổ thông chuyên thuộc Đại học Tổng hợp, Quang đã tự học tiếng Anh, tiếng Pháp và tham gia nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực mang tính cộng đồng cao ở môi trường quốc tế như CISV, để tham gia dạy tiếng Anh và rèn luyện kỹ năng cho các em thiếu nhi”.

Khả năng học ngoại ngữ của Từ Quang, nhất là tiếng Anh, khá đặc biệt (chủ yếu tự học). Không tham gia khóa đào tạo chính quy nào, nhưng khi quân đội cử tham gia phái bộ Liên Hiệp Quốc, Từ Quang được miễn học ngoại ngữ do đã đạt chuẩn IELTS 6.5. Điểm đáng quý nữa ở Từ Quang là tuy gia đình ít con, được mọi người thương chiều nhưng Từ Quang luôn sống có trách nhiệm với gia đình và rất hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, người thân và thầy cô giáo cũ.

“Cách đây hơn hai năm, khi biết Học viện Quân y 103 - nơi Từ Quang công tác, có yêu cầu cử Quang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, cha tôi – Thiếu tướng Từ Linh và gia đình đã động viên Quang thu xếp, gác việc riêng lại (việc học hành và lập gia đình) để cùng đồng đội tập trung huấn luyện thật tốt, thực hiện trách nhiệm của người lính, tham gia thực hiện sứ mệnh vẻ vang gìn giữ hòa bình ở miền đất xa xôi, cực kỳ khó khăn và gian khổ bậc nhất thế giới là Cộng hòa Nam Sudan.

Cha tôi luôn động viên Từ Quang: được tham gia phục vụ trong quân đội thì ở đâu, lúc nào cũng là vinh dự và quan trọng, nhưng với nhiệm vụ lần này ở Nam Sudan thì còn hơn thế vì đó là dịp khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam với Liên Hiệp Quốc, là cách tốt nhất để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, và còn là một hình thức bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, ông Từ Lương cho biết.

Hôm tiễn con trai lên đường làm nhiệm vụ, Thiếu tướng Từ Linh (nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng) chia sẻ: “Tôi luôn nhắc Từ Quang cố gắng giữ vững, phát huy truyền thống gia đình, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là thế hệ thứ ba liên tiếp của gia đình tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Thời bố tôi tham gia chiến dịch Thượng Lào (1953), sau đó thế hệ chúng tôi tham gia chiến trường K, đến giờ con tôi tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan”.

Trung úy - bác sĩ Từ Quang bên cha - Thiếu tướng Từ Linh. Ảnh: TLGĐ

Trung úy - bác sĩ Từ Quang bên cha - Thiếu tướng Từ Linh. Ảnh: TLGĐ

Ngày Từ Quang lên đường làm nhiệm vụ, bên cạnh anh không chỉ là những đồng đội cùng đi đến Nam Sudan xa xôi mà còn có lời nhắn nhủ động viên của cha và cả những câu chuyện của các đồng đội Việt Nam từng làm nhiệm vụ ở các quốc gia thuộc châu Phi là Nam Sudan và Trung Phi. Như câu chuyện của trung tá Lê Ngọc Sơn, có mặt ở Cộng hòa Trung Phi từ năm 2017: “Khi tôi ra chợ, người dân nhìn thấy chữ Việt Nam trên áo đã kéo lại hỏi chuyện; có người còn tay bắt mặt mừng, tuôn một tràng tiếng Pháp khoe trước đây từng có một chiếc áo in cờ đỏ sao vàng! Khi tôi lần đầu tiên đến gặp một nhóm sinh viên Trung Phi ở ngôi trường mà tôi làm nhiệm vụ giảng dạy, nhìn thấy chữ Việt Nam trên ngực áo tôi, họ vui mừng ra mặt. Ai cũng xoắn xuýt hỏi “Bạn đến từ Việt Nam ư? Tôi biết về đất nước bạn đấy”. Hỏi ra mới biết lịch sử Việt Nam đã được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Trung Phi”.

Chỉ từng ấy thông tin ngắn ngủi thôi cũng đủ truyền cho Từ Quang và đồng đội niềm cảm hứng khi thấy công việc của mình đang trực tiếp đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, và cái tên Việt Nam thực sự có ý nghĩa trong lòng bè bạn ở châu Phi xa xôi.

Thế Lương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chuyen-nhung-nguoi-di-gin-giu-hoa-binh-22178.html