Chuyện những người đón Tết ở bệnh viện

Đón Tết ở bệnh viện không phải là chuyện quá xa lạ với nhiều cán bộ công tác tại các cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân. Với cán bộ, chiến sĩ của Trại giam Thanh Xuân, nhiều năm nay, việc đón Tết trong bệnh viện không còn xa lạ nữa. Đặc biệt, năm 2021, khi dịch COVID bùng phát thì không chỉ Tết mà suốt nhiều tháng trời, anh em không được về nhà. Những y, bác sĩ trong màu áo lính làm nhiệm vụ tại bệnh viện cũng 'nội bất xuất, ngoại bất nhập' không được ra khỏi khu vực mình làm nhiệm vụ.

Đại úy Lê Văn Tới, cán bộ phụ trách khu điều trị của Trại giam Thanh Xuân tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - người đã đón 2 cái Tết ở bệnh viện và năm nay là năm thứ ba anh cùng đồng đội và các bệnh nhân chuẩn bị giao thừa ở nơi không ai muốn đến này. “Tết trong này buồn lắm, chị. Bệnh viện vắng, chỉ có các bác sĩ trực và bệnh nhân nặng mới ở lại điều trị. Chúng tôi không được tiếp xúc với ai nên chỉ mấy anh em trực và bệnh nhân đón giao thừa với nhau thôi”.

Tổ công tác làm nhiệm vụ ở khu điều trị của Trại giam Thanh Xuân ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông gồm 15 đồng chí, hầu hết đã ở đây suốt nhiều tháng chưa được về đơn vị và cũng không được về nhà. Ngoài Đại úy Lê Văn Tươi còn có Đại úy Nguyễn Thành Trung, Thượng úy Nguyễn Cao Cường, Trung úy Lê Văn Huy, Trung úy Đinh Trọng Tài... Các anh ở đây, sống với nhau như một gia đình, ngoài nhiệm vụ quản lý, giáo dục các phạm nhân, anh em còn chăm sóc, hỗ trợ nhau mọi việc trong cuộc sống.

Trại giam tổ chức tiêm vaccine cho phạm nhân.

Trại giam tổ chức tiêm vaccine cho phạm nhân.

Trước đây, Bệnh viện dành cho Trại giam Thanh Xuân một khu riêng biệt để điều trị bệnh cho các phạm nhân. Nhưng, năm 2021 vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là nơi có trách nhiệm thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nên khu chữa bệnh của trại giam phải thu hẹp lại, nhường chỗ cho bệnh nhân COVID. Vì vậy, điều kiện ăn ở, làm việc của các anh ở đây lại càng khó khăn hơn.

Ở trại, thường xuyên có khoảng 10 phạm nhân điều trị bệnh lâu dài tại bệnh viện, đều là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh nặng phải điều trị thường xuyên. Thời điểm giáp Tết Nhâm Dần, có 8 phạm nhân đang điều trị, với 3 trường hợp lọc máu phải nằm điều trị nội thận. Các trường hợp khác đều là các bệnh hiểm nghèo như ung thư, cao huyết áp vô căn... Ngoài ra, thường xuyên có các phạm nhân bị bệnh nặng khác phải cấp cứu. Bất kể nửa đêm hay sáng sớm, khi phạm nhân bị bệnh, vượt quá khả năng chữa trị của y, bác sĩ trong trại thì các cán bộ sẽ đưa ra khu điều trị này để bác sĩ của bệnh viện Hà Đông khám, điều trị. Vì vậy, công việc của tổ công tác ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông rất vất vả. Theo quy định thì cán bộ y tế, quản giáo, bảo vệ... làm các công việc theo đúng chuyên môn của mình nhưng ở đây, khi phạm nhân có cấp cứu hay có việc gì gấp thì tất cả anh em đều phải dồn vào để lo cho họ.

Như trường hợp phạm nhân Nguyễn Thị Bằng An (sinh năm 1959, quê ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án chung thân. Phạm nhân An bị suy thận từ lúc còn ở ngoài xã hội, bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội bắt năm 2012, đến năm 2014 thì thi hành án ở Trại giam Thanh Xuân. “Phạm nhân được đưa từ Trại tạm giam Công an Hà Nội buổi sáng thì buổi chiều chúng tôi phải đưa đi lọc máu vì phạm nhân suy thận độ 4. Trước kia, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chưa có máy lọc máu thì chúng tôi phải đưa các phạm nhân đi chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Bây giờ chạy ngay tại bệnh viện này nên đỡ hơn. Tuy nhiên, phòng điều trị ở bệnh viện ở tầng 3, phạm nhân bị vận động yếu, không tự đi được, trong khi phạm nhân này hơn 70 kg nên mỗi lần phạm nhân đi chạy thận là 4 anh em chúng tôi phải đưa lên cáng để khiêng đi, khiêng về”, Đại úy Lê Văn Tới cho biết.

Tổ công tác của Trại giam Thanh Xuân đưa phạm nhân đi chạy thận ngày Tết.

Tổ công tác của Trại giam Thanh Xuân đưa phạm nhân đi chạy thận ngày Tết.

Một trong những phạm nhân có “thâm niên” nằm bệnh viện khác hiện đang thi hành án ở Trại giam Thanh Xuân là phạm nhân Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1974, trú ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). Phạm nhân này phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với mức án 21 năm 10 tháng. Thanh có tới 4 tiền án, sinh ra trong gia đình khá phức tạp, nhiều người thân cũng phạm tội, phải đi thi hành án. Thanh lấy chồng đầu không có đăng ký kết hôn, chồng cũng vào tù ra tội, sau đó tử vong. Thanh lấy người chồng thứ hai, sau đó phạm tội và thường xuyên sinh con để tránh không phải đi thi hành án. Đến năm 2013, Thanh không thể xin hoãn thi hành án được nữa vì phạm tội nghiêm trọng, đã được hoãn thi hành án quá nhiều lần. Thế là 3 đứa con của Thanh, 1 đứa gửi cho mẹ của chồng cũ nuôi, 2 đứa gửi cho mẹ kế của chồng mới nuôi vì chồng thứ hai của Thanh cũng bị bắt vì trộm cắp tài sản. Cũng vì hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên nhiều năm qua, hầu như người nhà không ai có điều kiện thăm nuôi, tiếp tế. Nguyễn Thị Thanh bị cao huyết áp vô căn, suy thận độ 4, phải lọc máu chu kỳ tuần 3 buổi. Riêng bệnh cao huyết áp của Thanh khiến các cán bộ không ít phen khốn đốn vì bất kể lúc nào, Thanh lên cơn cao huyết áp là có thể nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, khi bệnh nhân này có dấu hiệu bệnh nặng là các cán bộ phải cho uống thuốc, liên hệ bác sĩ để điều trị kịp thời. Lần gần đây nhất là ngày 27-12, huyết áp Thanh lên đến hơn 200, cả kíp trực lại cuống cuồng lo cấp cứu cho cô ta.

“Do Thanh bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, không có người thăm nuôi, tiếp tế nên chúng tôi thường xuyên động viên để phạm nhân yên tâm cải tạo, đồng thời, tặng cho Thanh những nhu yếu phẩm cần thiết, đồ ăn bồi dưỡng... để Thanh yên tâm cải tạo. Trước đây, chưa có dịch, chúng tôi tạo điều kiện cho các con của Thanh vào thăm, động viên mẹ nhưng hiện nay dịch phức tạp nên không được thăm nuôi”, Đại úy Lê Văn Tới cho biết.

Trường hợp phạm nhân Hứa Thị Hồng Phong (sinh năm 1969) phát hiện bị ung thư buồng trứng vào tháng 9-2021. Do vượt quá khả năng điều trị của Bệnh viện Hà Đông nên được giới thiệu lên Viện K để phẫu thuật. Tổ công tác gồm 4 cán bộ, chiến sĩ của Trại giam Thanh Xuân lại theo bệnh nhân này lên Viện K phẫu thuật. Trong hơn 2 tuần điều trị, do điều kiện dịch bệnh, các cán bộ trại thay nhau chăm sóc phạm nhân như người nhà mình.

“Dù họ là phạm nhân nhưng khi ốm đau không có người thân thích bên cạnh nên chúng tôi cũng coi họ như người nhà, quan tâm, chăm sóc để họ yên tâm điều trị, vượt qua bệnh tật để học tập, cải tạo, sớm được trở về với gia đình”, Đại úy Lê Văn Tới nói thêm.

Cán bộ, chiến sĩ Trại giam Thanh Xuân thăm hỏi, động viên phạm nhân.

Cán bộ, chiến sĩ Trại giam Thanh Xuân thăm hỏi, động viên phạm nhân.

Nói về các cán bộ của mình, phạm nhân Nguyễn Thị Thanh nghẹn ngào cho biết: “Các cán bộ ở Trại giam Thanh Xuân coi chúng tôi như người nhà, đối xử với chúng tôi rất tốt. Thậm chí, người nhà có khi không tốt bằng các cán bộ. Như tôi sống được đến ngày hôm nay cũng nhờ các cán bộ chăm sóc, cấp cứu kịp thời, động viên để có thêm nghị lực trong những lúc tôi khó khăn, chán nản và lo lắng nhất”.

Ở bệnh viện, trách nhiệm của các cán bộ là phải đảm bảo an toàn cho các phạm nhân, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với họ. Công việc nặng nề và trách nhiệm rất lớn bởi mọi hoạt động đều nằm ngoài khuôn trại giam. Đặc biệt, do trực tiếp ở bệnh viện, nằm sát khu vực thu dung, điều trị bệnh nhân COVID nên nguy cơ nhiễm bệnh của cán bộ, chiến sĩ rất cao.

Đại tá Hoàng Văn Hiệp, Giám thị Trại giam Thanh Xuân cho biết, số phạm nhân mắc các bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá phải đưa đi khám và điều trị ở bệnh viện tuyến trên nhưng trại không có khu điều trị riêng cho phạm nhân, phải điều trị chung với nhân dân ở các khoa. Do đó, việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với phạm nhân điều trị và số cán bộ đang quản lý gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn rất cao nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, anh em trong tổ công tác làm nhiệm vụ này cũng rất vất vả, áp lực, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm quy định, không được phép chủ quan, lơ là.

Khi ở trong đơn vị, có bếp ăn riêng phục vụ cán bộ và phạm nhân. Tuy nhiên, ở bệnh viện, anh em tổ công tác phải tự lo ăn uống. “Do ăn suất của bệnh viện đắt nên anh em chúng tôi mua đồ, tự nấu ăn để tiết kiệm”, các cán bộ cho biết.

Đặc biệt, ngày Tết, do ở xa đơn vị nên anh em cũng không thể bày vẽ được nhiều. Lãnh đạo và anh em trong trại cho người đưa bánh chưng, bánh kẹo và một số đồ ăn Tết ra, sau đó anh em tự tổ chức Tết với nhau. Đúng thời khắc giao thừa, anh em bóc bánh chưng, uống nước lọc chúc Tết nhau thay vì chúc rượu vì sợ có hơi men sẽ ảnh hưởng đến công việc. Sau đó, kíp trực sẽ đến buồng bệnh chúc Tết, lì xì các phạm nhân, chúc họ năm mới, mạnh khỏe, bình an, cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình.

“Nói chung, Tết ở bệnh viện khá buồn và vắng vẻ nhưng đã chọn nghề này thì phải chấp nhận. Anh em chúng tôi đều động viên nhau yên tâm công tác, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, Đại úy Lê Văn Tới khẳng định.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/chuyen-nhung-nguoi-don-tet-o-benh-vien-i641178/