Chuyện những người khai hoang lập xóm

Trong những ngày đầu Xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn có thêm niềm vui, phấn khởi chào đón sự kiện có ý nghĩa quan trọng của địa phương 'Kỷ niệm 60 năm nhân dân tỉnh Thái Bình xây dựng kinh tế mới tại xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn (1964-2024)'.

Đất rừng Địch Quả trên đà phát triển.

Đất rừng Địch Quả trên đà phát triển.

Tròn sáu thập niên trước, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, 69 gia đình đã rời quê hương Thái Bình ngược núi lên vùng Đại La (nay là xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn) khai hoang lập xóm, xây dựng vùng kinh tế mới. Trải qua muôn vàn khó khăn, trở ngại, từ bàn tay cần mẫn, ý chí sắt đá và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của những người miền xuôi cộng hưởng sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền, người dân bản địa, vùng đất hoang vu năm nào giờ đã cho trái ngọt, cuộc sống của những người khai hoang năm xưa ngày càng trù phú, thanh bình. Đất rừng Địch Quả đã thực sự trở thành quê hương, gắn bó máu thịt với những người tiên phong xây dựng cuộc sống mới...

90 tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, sức khỏe suy giảm nhiều theo thời gian nhưng ký ức về những ngày đầu tiên rời quê đưa gia đình lên vùng sơn cước khai hoang lập bản vẫn vẹn nguyên trong tâm trí đảng viên Nguyễn Đức Vĩnh. Ngày đó, sau khi tham gia chiến đấu trên chiến trường, anh thanh niên Nguyễn Đức Vĩnh trở về quê hương Vũ Hội (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đảng viên trẻ, luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động, không nề hà bất cứ công việc khó khăn, nặng nhọc nào nên anh được bà con tín nhiệm bầu làm Đội trưởng đội sản xuất, rồi được cử đi học lớp cải tiến quản lý hợp tác xã. Học được 10 ngày, anh nhận được Quyết định của Bí thư Huyện ủy Vũ Thư cử tham gia đoàn xây dựng kinh tế mới tại xã Đại La, huyện Thanh Sơn. Vừa xuất ngũ, vợ ốm đau, con thơ dại nhưng nghĩ đến vai trò, trách nhiệm tiền phong gương mẫu của người đảng viên, anh quyết định gác lại việc nhà, nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 27/3/1964, Nguyễn Đức Vĩnh cùng với hơn 60 gia đình của hai xã Vũ Hội, Vũ Thuận (nay là xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) thu dọn đồ đạc, dắt díu vợ con lên đường, bắt đầu hành trình khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới. Đến tháng 5/1965 thêm 9 hộ của xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cùng lên lập nghiệp.

Trên vùng quê mới, anh được bầu vào BCH Đảng bộ xã, Bí thư xã đoàn, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm HTX Vũ Thịnh - HTX nông nghiệp do đồng bào khai hoang của hai xã Nguyên Xá và Vũ Hội thành lập. Còn đồng bào khai hoang xã Việt Thuận thành lập hợp tác xã nông nghiệp lấy tên là Đại Vũ. Sở dĩ lấy tên Vũ Thịnh và Đại Vũ là vì Vũ là Vũ Hội (Thái Bình) để nhớ về quê hương, Đại là Đại La (Địch Quả) là quê hương mới, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó keo sơn trước sau như một.

Chè là cây trồng chủ lực giúp người dân xã Địch Quả phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chè là cây trồng chủ lực giúp người dân xã Địch Quả phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Cùng trong đoàn khai hoang năm ấy còn có thầy giáo trẻ vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Đức Thắng rời quê cùng ông bà, bố mẹ và bốn người em. Đã trở thành ông nội của đại gia đình phương trưởng trên đất Địch Quả, ông Thắng nhớ lại: “Ăn Tết cổ truyền dân tộc xong, đầu năm 1964, chúng tôi lên đường với tài sản mang theo chỉ là vài bộ quần áo và ít dụng cụ lao động. Vượt qua chặng đường dài, đến Lóng Lủm (Kim Lương), thấy cảnh đồng rừng hoang vu, bản làng xác xơ khác hẳn với quê nhà, lúc đó tôi rất buồn và nhớ quê, nhớ nhà, nhớ những tiếng học trò. Nhưng rồi cảm giác ấy mất dần theo năm tháng khi được sống trong tình cảm yêu thương, sẻ chia, đùm bọc chan chứa ân tình của đồng bào dân tộc vùng cao. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng bà con đã giúp đỡ, chia sẻ với chúng tôi từng thửa ruộng đẹp, bắp ngô, củ sắn, củ mài. Đúng là bán anh em xa mua láng giềng gần, nơi đất lạ mà có được tình nghĩa như vậy thì ấm lòng vô cùng và trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ là sống đâu âu đấy, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Cùng nhau lao động sản xuất, chúng tôi hướng dẫn bà con làm hai vụ lúa, cải tạo toàn bộ vùng trũng để trồng lúa, trồng rau. Cuộc sống từ chỗ khổ cực thiếu đói đến lúc đủ ăn, đủ mặc rồi có của ăn của để. Từ bốn hộ khai hoang ban đầu, đến nay các thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư (thế hệ con cháu) của đồng bào khai hoang đã yên tâm bám trụ trên mảnh đất Địch Quả”.

Được chính quyền địa phương cử đi đón đồng bào lên khai hoang, ông Phùng Ngọc Phó nhớ lại: “Xác định miền xuôi, miền ngược đâu cũng là đồng bào mình. Cuộc sống có khó khăn thì càng phải đoàn kết, giúp đỡ nhau. Gia đình nào có điều kiện hơn thì xung phong đón đồng bào khai hoang về ở chung. Rộng bụng hơn rộng nhà, có gì ăn đó, chúng tôi đào củ sắn, củ mài chia nhau rồi giúp đỡ họ chặt bương, chặt tre dựng lều dựng lán, thậm chí nhiều gia đình nhận họ làm con nuôi, anh em kết nghĩa, sẵn sàng chia sẻ ruộng đất cùng nhau khai hoang, cày cấy lập nghiệp. HTX cũng cân đối chia ruộng, đất đầy dủ, công bằng cho những hộ đi khai hoang như các xã viên khác”.

Với sự tận tình, giúp đỡ của người địa phương, những người khai hoang như được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm bám trụ, cần mẫn lao động, ổn định cuộc sống. Chỉ sau 1-2 tháng, hầu hết các gia đình đã lần lượt dựng được nhà mới để ở, dần an cư lạc nghiệp.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những người con miền xuôi đã cùng với bà con địa phương cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức KHKT để áp dụng vào sản xuất, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nghĩa tình đùm bọc, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào miền xuôi tham gia khai hoang đã gắn kết vững chắc. Cũng nhờ có sự đóng góp của đồng bào miền xuôi, không chỉ những tiềm năng, lợi thế trên quê hương Thanh Sơn đã được khai thác phục vụ phát triển kinh tế mà hơn hết nghĩa tình người miền xuôi, sự giao thoa vùng miền đã tạo nên cốt cách, giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa rất riêng của mảnh đất Thanh Sơn.

Nhân dân khu Lóng Lủm hiến 1,4ha đất ruộng để làm đường giao thông nội đồng.

Nhân dân khu Lóng Lủm hiến 1,4ha đất ruộng để làm đường giao thông nội đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Chung - Phó Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả khẳng định: "Năm 1963-1964, 69 hộ dân Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới tại Địch Quả. Đến nay đã có gần 300 hộ với trên 1.000 khẩu. Trong quá trình lập nghiệp tại địa phương, đồng bào Thái Bình cũng như người dân địa phương luôn đoàn kết trao đổi, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa vùng xuôi với vùng ngược. Đến nay đời sống của đồng bào khai hoang nói riêng và kinh tế của xã Địch Quả nói chung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, trong đó có một phần đóng góp rất lớn của đồng bào Thái Bình. Từ sự đùm bọc, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau mà cuộc sống của người dân đã được cải thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày".

Ông Ngô Gia Long là thế hệ thứ hai theo gia đình xây dựng kinh tế mới tại Địch Quả xúc động chia sẻ: “Đất quê sâu nặng ân tình. Địch Quả giờ đã là quê hương gắn bó máu thịt với chúng tôi. Mong muốn của chúng tôi là các thế hệ con cháu mai sau tiếp bước truyền thống tốt đẹp của cha ông để chung tay đoàn kết, góp sức xây dựng kinh tế quê hương Địch Quả nói riêng, huyện Thanh Sơn nói chung ngày càng phát triển giàu mạnh”.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã trên địa bàn huyện miền núi Thanh Sơn đều gặp khó khăn, vướng mắc hơn rất nhiều lần các địa bàn vùng xuôi. Là xã miền núi, Địch Quả càng phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, thách thức do xuất phát điểm kinh tế- xã hội thấp, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn... Song được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự chung sức đồng lòng của người dân, đặc biệt nhờ có sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của đồng bào tỉnh Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới qua những việc làm cụ thể như: Tham gia đóng góp ý kiến quy hoạch; tự nguyện hiến đất, công trình kiến trúc trên đất, hoa màu...; đóng góp ngày công lao động, kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi..., Địch Quả đã trở thành một trong những xã về đích NTM mới đầu tiên của huyện. Thành tích này không những là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn mà còn thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả thiết thực từ của chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa dần khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, mở hướng cho xã miền núi phát triển nhanh, bền vững...

Hà Trang - Anh Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/chuyen-nhung-nguoi-khai-hoang-lap-xom/208612.htm