Chuyện những người lặng thầm gác cống tiêu lũ
Gác cống mùa lũ - công việc lặng thầm nhưng cũng hết sức quan trọng trong ứng phó với thiên tai ở Hà Tĩnh. Ít ai biết, đằng sau giọt mồ hôi hòa cùng nước lũ là bao nỗi niềm trăn trở của những người đối diện với… 'thủy thần'.
Không thể sử dụng điện để vận hành cống Đò Bang trong diễn biến thời tiết xấu, ông Hồ Văn Tuế (trú thôn Hòa Lạc, Thạch Lạc) cùng lực lượng ứng trực phải sử dụng tay quay mở, đóng cống để bảo vệ tuyến đê Hữu Phủ và tính mạng, tài sản cho người dân.
Chiều 16/10, dự báo tình hình thời tiết diễn biến xấu, sẽ có mưa lớn trên diện rộng, ông Hồ Văn Tuế (trú tại thôn Hòa Lạc, xã Thạch Lạc) nhanh chân ra cống Đò Bang trực gác. Mùa mưa lũ, hệ thống điện bị cắt hoàn toàn khiến công việc của ông Tuế vất vả hơn rất nhiều.
Cống Đò Bang bảo vệ tuyến đê Hữu Phủ dài 2km, có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu úng khi ngập lụt cho 6 xã của vùng biển ngang huyện Thạch Hà (Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Hội, Tượng Sơn) và xã Yên Hòa của Cẩm Xuyên.
Cống Đò Bang bảo vệ tuyến đê Hữu Phủ dài 2km
Trong 2 ngày đỉnh điểm của đợt mưa lũ vừa qua (18 và 19/10), xã Thạch Lạc có 5/7 thôn bị cô lập hoàn toàn; 700 hộ dân bị ngập nước với độ sâu từ 60 - 70cm. Trước tình thế khẩn trương, cấp bách, chính quyền xã đã huy động 10 thuyền máy của người dân Bắc Lạc và Vĩnh Thịnh; đồng thời, kêu gọi toàn bộ lực lượng tập trung cao cho công tác sơ tán, di dời dân.
Lúc này, nhóm của ông Tuế gồm 4 người thay phiên nhau làm nhiệm vụ trực gác. Trường hợp nguy cấp, 15 người dân trong xã cũng được huy động để vận hành mở, đóng 5 cánh cống kịp thời, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
“55 năm tuổi đời, 25 năm làm nhiệm vụ gác cống, lần đầu tiên tôi chứng kiến một trận lũ kinh hoàng đến thế!”, ông Tuế chia sẻ.
Mong muốn của ông Tuế là hệ thống điện được dời lên cao thay vì để sát mặt đất như hiện tại để tránh sự cố đáng tiếc trong mùa mưa lũ.
Mùa mưa lũ, công việc của người gác cống vô cùng vất vả. Biên độ mực nước thường xuyên dao động khiến họ gần như trắng đêm để liên tục, kịp thời quan sát. Nếu bắt gặp dấu hiệu vỡ đê hoặc có nguy cơ tràn nước, họ phải khẩn báo lên cấp trên để điều người đến xử lý. Nhịp độ công việc dày đặc đòi hỏi sự chính xác cao, bởi chỉ cần sai sót một li, có khi phải đánh đổi hàng trăm mạng người.
Những bậc thang dốc dẫn lên tầng 2 cống Hoàng Hà (Tượng Sơn), rêu mốc bám trơn tuột còn lưu lại dấu vết của cơn lũ lịch sử khiến người ngoài mới chỉ nhìn vào đã thấy sợ.
Đợt lũ vừa qua, ông Lê Văn Sỹ (thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn) luôn có mặt kịp thời để vận hành cống Hoàng Hà, bảo vệ tuyến đê Hữu Phủ.
Thế nhưng, theo ông Lê Văn Sỹ (thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn), khi đảm nhận trọng trách gác cống, người trong nghề đã mất đi cảm giác sợ hãi mỗi khi đối mặt với sự hung dữ của sông nước. Để bảo đảm an toàn, vào mùa lũ, ông không quên khoác lên mình chiếc áo phòng hộ, mặc cho mưa táp vào mặt đến cay mắt.
Kể từ khi được đưa vào hoạt động, cống Voọc Sim 2 (bên trái) đã hỗ trợ đắc lực cho cống Voọc Sim 1 (bên phải) điều tiết nước trên sông Vách Nam vào mùa lũ.
“Hôm trước, sau khi nghe bão số 9 có khả năng đổ bộ vào Hà Tĩnh, tôi lo lắng, bồn chồn không yên. Ăn tối xong, tôi gọi vợ đi cùng, hai ông bà ống thấp ống cao, người soi đèn, người kiểm tra mực nước. Để tránh ngập úng khi bão về, tôi đã chủ động mở cống, tiêu thoát bớt nguồn nước. Chu trình này kéo dài từ 8h tối hôm nay đến 5h sáng ngày mai”, ông Lê Quang Vinh (thôn Đông Hà 1, Thạch Long) chia sẻ.
Ông Vinh đã dày dặn kinh nghiệm nên nhìn “hoa nước” chảy trên mặt sông là biết nước nông hay sâu
3 năm trực cống Voọc Sim, 10 năm làm trưởng thôn Đông Hà 1, ông Vinh dày dặn kinh nghiệm khi nhìn con nước lên xuống, căn cứ vào độ ngậm phù sa, nhìn “hoa nước” chảy trên mặt sông để đoán biết nước nông hay sâu, các hiện tượng, nguy cơ xói lở... để kịp thời báo cáo, xử lý.
Thức trắng đêm, bát mỳ tôm cũng phải ăn vội, những người gác cống lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Với tinh thần trách nhiệm cao, họ không quản ngại hiểm nguy, từng ngày thầm lặng để bảo vệ cho sự an toàn của các tuyến đê, góp phần gìn giữ bình yên cho Nhân dân khi mưa lũ đến.