Chuyện những người lính công binh
BX- Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng hậu quả mà nó để lại còn rất nặng nề. Một trong số đó là những quả bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại. Để trả lại những vùng đất sạch, tươi xanh và sự bình an cho nhân dân, ngày nay những người lính công binh vẫn miệt mài với một cuộc chiến, đối mặt bao hiểm nguy, gian khó nhằm vô hiệu hóa những 'tử thần' thầm lặng ấy.
“Tử thần” sót lại
Chiều 8/4, sau khi nhận thông tin từ người dân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Công binh khảo sát và xác định một quả bom loại MK117, nặng 340 kg còn chứa 183 kg thuốc nổ (tên gọi dân gian là bom heo) tại cánh đồng 78, thuộc thôn 5, xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh. Đây là quả bom mà không quân Mỹ đã thả trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi phát hiện, lực lượng quân sự đã phối hợp với các cơ quan chức năng cắt cử lực lượng canh gác bảo đảm an toàn cho nhân dân trong khu vực. Quả bom sau đó được lực lượng công binh tháo gỡ thành công ngòi nổ đưa về nơi an toàn để tiến hành xử lý.
Tiếp đó, vào cuối tháng 9/2021, trong quá trình đào móng xây dựng Bưu điện huyện Đức Linh ở thị trấn Võ Xu, các công nhân đã phát hiện một hầm đạn pháo, cối với số lượng lớn, nhiều chủng loại. Để bảo đảm an toàn và kịp tiến độ thi công của công trình, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thành lập tổ thu gom do Trung tá Phạm Biên Thùy, Chủ nhiệm Công Binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm tổ trưởng, cùng một số cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công Binh 19 tiến hành khoanh vùng an toàn, đào tìm, xử lý. Trung tá Phạm Biên Thùy cho biết, cả một hầm đạn pháo còn nguyên thuốc phóng, ngòi nổ, được xếp chồng lên nhau nhiều lớp, nên trong quá trình xử lý, anh em phải rất thận trọng bóc từng lớp và xử lý tách rời thuốc phóng, ngòi nổ bảo đảm an toàn rồi mới tổ chức vận chuyển đi tiêu hủy. Sau một buổi căng mình, lực lượng công bình đã xử lý thành công hầm đạn với 26 quả cối 82mm, 1 ống phóng M79, 3 quả lựu đạn.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chỉ từ đầu năm đến tháng 11/2021, lực lượng chức năng của tỉnh đã thu gom, tiêu hủy gần 5 tấn bom mìn, vật liệu nổ các loại (chưa kể số bom, mìn, vật liệu nổ được rà phá tại các dự án). Trong khi đó, tại tỉnh ta trung bình mỗi năm số lượng bom, mìn, vật liệu nổ được thu gom do tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo khoảng 5 - 7 tấn, cá biệt có năm lên đến 10 tấn.
Vì những vùng đất sạch
Những “di sản” còn sót lại sau chiến tranh đã trải qua hàng chục năm dưới lòng đất, nhiều chủng loại, phức tạp, xuất xứ từ nhiều nước, nằm ở những độ sâu và địa hình khác nhau, gây rất nhiều khó khăn trong công tác thu gom, tiêu hủy. Do vậy, khi tháo dỡ, xử lý những quả bom, mìn ấy luôn là một nhiệm vụ đầy hiểm nguy, đòi hỏi người thực hiện phải thật gan dạ, cẩn thận và tập trung cao độ. Mỗi động tác phải nhẹ nhàng, tỉ mỉ và tuân theo những quy định hết sức khắt khe. Một chiến sĩ công binh trẻ sau khi thực hiện nhiệm vụ hóm hỉnh: Với mỗi quả bom, đạn tụi em đều phải nâng hơn nâng trứng, hứng hơn hứng hoa. Bởi trứng vỡ, hoa rơi chẳng ảnh hưởng gì, còn cái này mà rơi vỡ thì… Thật vậy, với nhiệm vụ này nếu chẳng may có sơ sót, xảy ra sự cố thì sẽ không còn cơ hội để sửa sai. Do đó, để có được những động tác kỹ thuật thành thục, công tác huấn luyện là nhiệm vụ quan trọng, được lực lượng công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, nâng cao cả về chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh. Nhờ vậy, dù phức tạp, nguy hiểm, nhưng những năm qua cán bộ, chiến sĩ lực lượng công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nhờ những chiến công thầm lặng ấy, hàng ngàn quả bom, mìn, vật liệu nổ các loại tại tỉnh đã được phát hiện, thu gom, xử lý. Nhiều vùng đất trong tỉnh xanh hơn, sạch hơn, góp phần giảm thiểu đáng kể tác hại do bom, mìn sau chiến tranh gây ra.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-nhung-nguoi-linh-cong-binh-94585.html