Chuyện những người lính Đoàn 500 đi lấn biển

Năm 1829, cùng với quá trình khai khẩn ruộng hoang ở Kim Sơn, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chỉ đạo và cho đắp đê để ngăn nước mặn tràn vào đồng ruộng, "che chở nghề nông". Gần 200 năm qua, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến lấn biển, khát vọng chinh phục thiên nhiên, mở mang bờ cõi ở Kim Sơn vẫn được tiếp nối bởi những con người kiên cường ra quai đê, lấn biển. Trong số đó có những người lính Đoàn 500. Với bản lĩnh và ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 500 đã bền gan, đấu tranh vật lộn với sóng to, gió lớn, lập nên những kì tích trước thiên nhiên: chắn sóng thành đê, lấn biển, làm giàu cho Tổ quốc.

Đê Bình Minh III được xây dựng kiên cố, uy nghi.

Đại tá Trần Tiên Tiến, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 500, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Bình Minh III, là người có tới 22 năm (1982-2004) trực tiếp cùng đồng đội thi công, chỉ đạo thực hiện việc đắp đê ở Kim Sơn nhớ lại: Sau khi Quân khu Hữu ngạn hoàn thành đắp đê Bình Minh I (năm 1960), vùng ven biển ở Cồn Thoi mỗi năm lại tiến ra biển thêm từ 80-100m, tạo nên một vùng bãi bồi ngập mặn rộng lớn, giàu tiềm năng. Mặt khác, vùng biển nơi đây là điểm yếu trong thế trận phòng thủ bờ biển giáp ranh giữa Quân khu 3 và Quân khu 4. Do vậy, Tư lệnh Quân khu 3 đã làm việc với tỉnh Hà Nam Ninh và báo cáo cấp trên xin được tổ chức quai đê lấn biển ở Kim Sơn, mang tên "Công trình lấn biển Cồn Thoi".

Hợp long nhánh bom K2, C5 trên đê Bình Minh II (năm 1986).

Ngày 18/12/1980 công trình quai đê lấn biển Cồn Thoi chính thức được khởi công với khí thế "Vươn ra biển Đông làm giàu đánh thắng" mang tên "Công trường 50"- đây là công trình chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 50 tuổi. "Công trình lấn biển Cồn Thoi" (sau này gọi là Dự án lấn biển Bình Minh II) có sự tham gia của Quân đoàn 1, Sư đoàn 68 (Bộ Tư lệnh Công binh) và bộ đội tiền phương của tỉnh. Năm 1984, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã quyết định thành lập Đoàn 500 trên cơ sở sáp nhập bộ đội tiền phương của tỉnh với Ban chỉ huy Công trường 50.

Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 500 Trần Tiên Tiến cho biết thêm: Phương châm của "Công trường 50" lúc bấy giờ là "Vừa thi công, vừa khai thác mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực" và "Lúa lấn cói - cói lấn sú vẹt - sú vẹt lấn biển". Do vậy, việc quai đê lấn biển lần này không chỉ là khẩn hoang mở đất, xây dựng vùng kinh tế mới, mà còn là xây dựng củng cố dải phòng thủ ven biển, tức là kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với củng cố thế trận Quốc phòng cho hiện tại và tương lai, trong đó xác định rõ "Biển là mặt tiền" của mỗi quốc gia.

Sơ đồ quá trình hình thành bãi bồi huyện Kim Sơn.

Sơ đồ quá trình hình thành bãi bồi huyện Kim Sơn.

So với trước đây thì Dự án lấn biển Bình Minh II có quy mô lớn và lâu dài nhất, gian khổ nhất cả về yếu tố ngoại cảnh thời tiết tác động lẫn yếu tố chủ quan trong cách thức tổ chức thực hiện. Song, những người chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã nêu cao tinh thần, vững chí, bền gan, quyết hoàn thành Dự án cho bằng được.

Sự cố gắng, quyết tâm bền bỉ của những người lính đã được đền đáp, sau hơn 10 năm (đến cuối năm 1994) đê Bình Minh II đã hoàn thành và được bàn giao cho tỉnh. Từ đây, huyện Kim Sơn cũng được thành lập thêm 3 xã mới, đó là: Xã Kim Hải (1986); Kim Trung (1994); Kim Đông (1997).

Đồng chí Thiếu tướng Lê Ngọc Oa- Phó Tư lệnh Quân khu 3 bàn giao dự án lấn biển Bình Minh II cho đồng chí Dương Biên Thùy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Thiếu tướng Lê Ngọc Oa- Phó Tư lệnh Quân khu 3 bàn giao dự án lấn biển Bình Minh II cho đồng chí Dương Biên Thùy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Đê Bình Minh II hoàn thành- đây là con đê thứ 7 được đắp tại huyện Kim Sơn.

Đê Bình Minh II hoàn thành- đây là con đê thứ 7 được đắp tại huyện Kim Sơn.

Với kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức thi công công trình lấn biển của Quân khu 3 nói chung và Đoàn 500 nói riêng, gần 20 năm sau ngày hoàn thành dự án lấn biển Bình Minh II, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được triển khai dự án đắp đê Bình Minh III. Năm 1998, công trình quai đê lấn biển Bình Minh III được khởi công do Đoàn 500 thực hiện. Đến năm 2009, đê Bình Minh III chính thức được hàn khẩu.

"Trị thủy tăng dân, dân tăng ruộng", sau hai lần Đoàn 500 tiến hành quai đê lấn biển thành công đã hình thành nên tuyến đê Bình Minh II và Bình Minh III, từ đó đã mở rộng thêm 3.500 ha đất cho Kim Sơn. Với những thành tích đạt được, năm 2002, Đoàn 500 - Ban Quản lí dự án Bình Minh III đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

Ngày 17/12/2002, Đoàn 500 - Ban Quản lí dự án lấn biển Bình Minh III và những người tham gia lấn biển vui mừng đón nhận Huân chương chiến công hạng Ba.

Ngày 17/12/2002, Đoàn 500 - Ban Quản lí dự án lấn biển Bình Minh III và những người tham gia lấn biển vui mừng đón nhận Huân chương chiến công hạng Ba.

"Mỗi tấc đất, sải đê đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của những người lính trong cuộc vật lộn "Chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng". Việc được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba chính là sự ghi nhận những cống hiến lớn lao với sự phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 500 cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân Kim Sơn trong hành trình mở cõi"- Đại tá Trần Tiên Tiến khẳng định.

Đại tá Trần Tiên Tiến chia sẻ với phóng viên Báo Ninh Bình về quá trình quai đê, lấn biển của Đoàn 500.

Đại tá Trần Tiên Tiến chia sẻ với phóng viên Báo Ninh Bình về quá trình quai đê, lấn biển của Đoàn 500.

Trong câu chuyện kể hôm nay với chúng tôi, đại tá Trần Tiên Tiến khiêm tốn không nói về mình mà kể nhiều về đồng đội với những cuộc đấu trí trước biển. Ông trầm ngâm: Với mỗi người, thanh xuân là khoảnh khắc tươi đẹp nhất. Và có một thanh xuân của nhiều người lính Đoàn 500 đã ở lại nơi này, họ dành trọn mọi buồn- vui, với niềm tin vào đường lối đúng đắn của công cuộc khai hoang lấn biển. Vì thế cho dù cuộc chiến trước biển với bộn bề gian khó họ vẫn đinh ninh lời thề: Chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ, tiếp tục viết tiếp sứ mệnh của những người lính Cụ Hồ "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ".

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-chuyen-nhung-nguoi-linh-doan-500-di-lan-bien/d2022120508281375.htm