Chuyện những 'vọng phu' trên bờ cát
Khi trên bến rộn rã niềm vui cá về cũng là lúc những người phụ nữ đứng trên bến, mắt dõi khơi xa tìm bóng những con thuyền mang theo người đàn ông họ yêu thương.
Gánh nặng mưu sinh của góa phụ làng biển
4h sáng ngày cuối tháng 7, khi trời còn tối đen như mực, chị Huỳnh Thị Phượng (thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đã lục đục dậy chuẩn bị cơm sáng cho bố mẹ chồng với 3 đứa con nhỏ rồi bắt đầu một ngày mưu sinh như bao ngày…
Chị Phượng là vợ của anh Nguyễn Ngọc Đô - một trong 23 ngư dân gặp nạn trên biển trong cơn bão số 9 vào cuối tháng 10/2020. Gần 2 năm trôi qua, 23 ngư dân vẫn mãi không trở về trong mong đợi của người thân. Những nấm mộ gió, những chiếc bàn thờ lần lượt được dựng lên trong những căn nhà nhỏ, trĩu nặng nỗi buồn.
Từ ngày giông tố biển khơi mãi mãi giữ anh Đô ở lại cùng những con sóng bạc đầu, chị Phượng bắt đầu cuộc đời góa bụa đầy cơ cực. Dù sức khỏe kém nhưng hàng ngày chị Phượng vẫn phải vượt quãng đường hơn 15 km từ nhà đến xưởng để làm thuê.
Những ngày cuối tuần nếu xưởng nghỉ thì chị Phượng ra cảng cá giúp việc vặt, đan lưới thuê cho những gia đình ngư dân trong xóm để có thêm tiền chăm lo cho bố mẹ chồng và 3 con nhỏ. Đứa lớn sinh năm 2010, đứa giữa sinh năm 2011 và đứa út năm nay lên lớp 1.
Người góa phụ trẻ ngước đôi mắt buồn nhìn chúng tôi rồi tay vừa thoăn thoắt công việc của mình vừa kể câu chuyện của mình với giọng ngắt quãng. Anh Đô chồng chị là thế hệ thứ 5 trong gia đình có 5 đời làm nghề biển. Trước kia, anh Đô cũng có tàu, nhưng là tàu đánh bắt nhỏ. Đến năm 2015, vợ chồng chị Phượng dành dụm đóng được chiếc tàu đánh bắt xa bờ, làm ăn suôn sẻ được 2 năm, đến năm 2017 thì chiếc tàu bị cháy rụi. Do tàu không có bảo hiểm nên vợ chồng ngư phủ trẻ mất trắng tài sản.
Sau đó vợ chồng chị Phượng vay ngân hàng 2 tỷ đồng để đóng mới tàu, mua sắm lại ngư lưới cụ, tổng chi phí hết 4 tỷ đồng. Mới làm được mấy năm thì năm 2020 tàu bị chìm. Tài sản lại mất trắng mà nợ nần thì chồng chất.
“Thà tàu cháy như lần trước, trắng tay lần nữa tôi cũng cam lòng. Đằng này tàu chìm, tôi vừa mất của vừa mất chồng. Hôm tàu bị nạn, khi tàu chưa chìm anh em gọi về cho tôi biết là tàu đang chạy tránh bão thì đụng vật gì đó nên bị phá nước, rồi bảo tôi yên tâm để anh em lo. Sau đó không thấy liên lạc lại. Rồi sau mấy ngày, 3 người đi trên tàu cùng chồng tôi được cứu, trong đó có em chồng và cháu, còn chồng tôi vẫn không thấy đâu.
Từ đó tới nay, tôi luôn cầu xin ban cho chồng tôi phép màu để về làm ăn nuôi con, còn nếu anh ấy đã mất thì cũng tìm thấy xác. Vậy nhưng cuối cùng, 2 năm rồi, chồng tôi vẫn chẳng về với vợ với con”, nhớ lại biến cố cách đây 2 năm, chị Phượng nức nở khóc.
Được những người bạn động viên, chị Phượng nghẹn ngào: "Từ ngày ảnh mất, tôi một mình chèo chống chăm cha mẹ chồng, nuôi các con rồi loay hoay trả nợ,… cực khổ quá chừng. Chẳng có mất mát nào, đau đớn nào bằng việc mất người thân. Thương chồng, thương mình, tôi chỉ biết cố gắng làm lụng kiếm tiền nuôi các con ăn học, trưởng thành".
Sau 2 năm, chị Phượng vẫn mòn mỏi chờ ngày chồng trở về.
Tuy sức khỏe yếu nhưng sáng nào chị Phượng cũng dậy rất sớm để đi làm. Vất vả từ mờ sáng nhưng số tiền chị kiếm được mỗi ngày là 100.000 - 120.000 đồng cũng chỉ như “muối bỏ bể” chẳng thấm tháp vào đâu so với các khoản chi tiêu của 6 người trong gia đình. Khoản nợ hơn 2 tỷ đồng của ngân hàng chuyển thành nợ xấu, chị cũng đành bất lực vì không có khả năng trả.
Cũng từ ngày chồng mất, một ngày chị Phượng quay cuồng với đủ công việc, chẳng có thời gian dành chăm sóc bản thân mình. Đã lâu lắm rồi chị không dám soi gương, ít dám dùng đến cây lược chải đầu bởi mỗi lần bới tóc là một lần chị thấy tóc bạc ngày càng nhiều.
Chị bảo, thỉnh thoảng trong những giấc mơ chị lại thấy chồng mình hiện về an ủi vợ. Nỗi nhớ thương và niềm hy vọng về một phép màu vì thế chưa bao giờ tắt trong lòng người đàn bà góa bụa.
Gạt dòng nước mắt lưng chừng khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, chị Phượng như dứt khỏi những hồi ức xót xa, mặc thêm chiếc áo chống nắng rồi…tất tả xiêu vẹo đi về phía biển.
"Đi" mãi vẫn không hết những câu chuyện buồn
5h sáng tại đê biển xã Hoài Hải, những chiếc tàu ra khơi đánh bắt ngoài biển trở về. Trên những âu thuyền đầy cá, những gương mặt sạm đen vì nắng gió nở nụ cười tươi. Từng tốp phụ nữ tất tả lao xuống tàu, chuyền tay nhau khiêng, kéo những khay cá nặng đầy còn tươi rói đem lên bờ, thuần thục như những người đàn ông mạnh mẽ đầy sức lực.
Chị Phượng cũng hòa mình vào với những người phụ nữ ấy đến tận 12h trưa mới trở về nhà ăn vội bát cơm, lo cho con cái. Buổi chiều, chị lại dành thời gian vá lưới thuê cho người ta. Việc nối việc, ngày nối ngày, ngoảnh đi ngoảnh lại, người phụ nữ làng biển bỏ quên nhan sắc, sức khỏe. Chỉ còn lại đó bóng dáng người đàn bà lọt thỏm trong bộ quần áo dài lượt thượt, ướt sũng mồ hôi…
Ở làng chài có đến 90% hộ dân bám biển này, không chỉ chị Phượng mà nhiều người phụ nữ “bất đắc dĩ” phải gánh trên vai cả một gia đình sau khi chồng mất. Và thỉnh thoảng người làng lại chứng kiến cảnh những người phụ nữ chạy dọc bờ biển thảm thiết gọi tên người đàn ông của mình trong mùa bão nổi.
Khi linh hồn những người đàn ông ấy không còn “treo cột buồm” nữa mà tan vào muôn con sóng biển khơi thì người phụ nữ mà họ yêu thương cũng bắt đầu cuộc đời buồn bã.
Xã Hoài Hải nhỏ bé chừng vài bước chân là đã hết ấy vậy mà chúng tôi đi mãi vẫn không ghi hết những câu chuyện buồn của những người phụ nữ lấy chồng nghề biển sống trong làng chài ấy.
Tại đê biển xã Hoài Hải, giữa sự nhộn nhịp khi tàu thuyền cập bến, giữa những tiếng nói cười, mặc cả ồn ã, gánh đồ ăn sáng của bà Tôn Thị Bé (50 tuổi) vợ của ngư dân Tôn Văn Sinh lại có khoảng lặng riêng.
Không chao chát, đôi co, cánh phụ nữ làng biển tìm đến gánh đồ ăn sáng của bà Bé để tiếp thêm năng lượng. Đón chén bánh canh nóng hổi, sóng sánh, thơm lừng, các bà, các chị vừa đảo nhẹ vừa thổi rồi đưa muỗng lên húp “Soạt!”. Một chị gái đưa tay ra, bà Bé nhanh nhẹn tiếp thêm chén khác.
“Đồ ăn của chị Bé ngon lắm. Tui thì ngày nào cũng phải ăn”, một “mối quen” của bà Bé giòn giã. Như nói đúng “tim đen”, các bà, các chị đang ngồi ăn quanh đó cũng ngẩng đầu, phá lên cười.
Ngoài bán bánh canh buổi sáng, bà Bé cũng tranh thủ mua lại những mớ cá, mớ tôm của nhà thuyền đem đi bán lẻ.
Chồng mất gần 2 năm, từng ấy thời gian, bà đều đặn mỗi ngày quẩy đôi quang gánh ra bãi biển để bán đồ ăn sáng cho những người ở làng.
“Lúc trước ông ấy còn sống thì tôi chỉ ở nhà chăm con, chăm cháu. Từ khi ông ấy đi biển không về (năm 2020) tôi phải thay làm cái cột nhà. Ổng để lại cho tui 3 đứa con. Tụi nó lớn rồi, nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn nên tôi phải tìm kế sinh nhai nuôi thân và phòng lúc ốm đau có tiền thuốc thang, rồi thêm thắt cho mấy đứa cháu đi học” - Bà Bé vừa nói vừa thoăn thoắt bán hàng cho khách.
Ngày nào bà Bé cũng thức dậy thật sớm để nấu, chuẩn bị đồ đạc rồi gánh đi bán. Ngày bán nhiều thì được chục tô. Ngày ế ẩm thì đem đồ về ăn thay cơm.
“Ngoài bán bánh canh buổi sáng tui còn làm thêm các việc khác, lúc thì kiếm mớ cá đem lên phố bán lấy lời, khi thì ra khu chợ ngoài đê ai thuê gì làm nấy. Chỉ cầu cho có sức khỏe, biết là nhiều khó khăn, nhưng nhìn các con các cháu, cực mấy cũng hạnh phúc” - Bà Bé bày tỏ.
Câu chuyện với chúng tôi dừng lại khi bà Bé có cuộc điện thoại gọi đến, thuyền cá của người bạn cũ "phần" lại cho bà ít cá ngon để bà đem lên chợ huyện bán. Thoăn thoắt thu dọn bát đũa, bàn ghế, thấy chúng tôi nhìn mãi vào đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Bà Bé bảo đợt cuối năm ngoái bà đi làm căn cước công dân mà lăn dấu vân tay không được vì đầu ngón tay làm lụng nứt nẻ, rách xước.
Phải mất cả tháng đeo găng tay khi làm việc để "bảo dưỡng" tay "da non mọc lên mới lấy được vân tay đó" - Bà Bé cười, nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt nhiều nốt đồi mồi. Miệng cười mà đôi mắt bà mênh mông nỗi buồn của người đàn bà mất chồng...
"Mùa" chờ đợi...
Với những người phụ nữ có chồng đi biển, mỗi lần chồng theo tàu ra khơi là những mùa chờ đợi.
Trải qua bao nhiêu năm, những nỗi đau, nỗi mất mát và cả những khó khăn chất chồng trong cuộc sống đã dạy cho người phụ nữ vùng biển ngày càng cứng cỏi, vững vàng và chủ động hơn khi tự thoát khỏi cái bóng “vọng phu”, chủ động lo toan cuộc sống.
Trong căn nhà nhỏ, chị Trần Thị Hiếu vợ thuyền viên Nguyễn Văn Hoài (phường Tam Quan, thị xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đang dở tay may nốt tấm áo, thỉnh thoảng, như một thói quen, chị lại đưa mắt ra phía gió mưa giấu tiếng thở dài. Câu chuyện của chị cũng là câu chuyện của bao người phụ nữ ven biển Hoài Hải này.
Tin dữ xảy đến khi chị Hiếu sinh đứa con thứ hai mới một tuần.
“Thấy trời bão gió, như có linh tính, tôi bế theo bé lớn chạy ra biển ngóng tin chồng”, chị Hiếu nhớ lại.
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày… chị Hiếu cùng nhiều người phụ nữ khác trong làng có chồng trên con tàu chở 23 ngư dân gặp nạn năm 2020 khi đó đã chạy hết bến này đến bến khác, đứng mòn chân trên đồi dõi về khơi xa.
“Phải 7, 8 ngày như thế, tôi cứ đi vất vưởng, vô hồn, không ăn không uống. Con thuyền ấy đã mang theo chồng của tôi vĩnh viễn hút vào lòng biển cả. Tôi cùng các chị em trong làng đã chờ đợi không chỉ 7, 8 ngày mà chờ đợi qua tháng, qua năm… và nuốt nước mắt vào lòng để gượng dậy nuôi con, cùng nhau góp một ngày giỗ chung vào mùa bão nổi”, chị Hiếu tâm sự.
Biển cả bao la, dữ dằn với bao bất trắc, tai ương đã lần nữa cướp đi một trụ cột, một bờ vai tin cậy nhất của đời chị. Hằng đêm, chị Hiếu lại ngồi hát ru con với những giọt nước mắt âm thầm. Hằng ngày, chị nhận may gia công cho người ta để thay chồng lo manh áo, miếng cơm cho con. Đội khăn tang khi đang ở cữ, điều quả phụ 24 tuổi canh cánh là việc chữa trị cho con gái đầu tên Khánh Ly, khi anh Hoài mất tích, bé Ly mới 2 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh cộng thêm bị hở hàm ếch. Cũng may, được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng sự giúp đỡ của nhà hảo tâm, bé Khánh Ly đã được mổ tim, hiện tại sức khỏe tương đối ổn định.
“Sống nhờ biển mà chết cũng vì biển, tui giờ thì sợ biển…” - Chị Hiếu nhỏ giọng dần, nheo nheo mắt nhìn ra biển. Nơi đó, hàng trăm con tàu đang dập dềnh trên sóng, có tàu ra khơi, có tàu đang vào bờ xuống cá.
Đong những ngóng chờ vào từng mắt lưới
Có con, chồng đi biển, ngoài cảnh nhà quanh năm vắng điểm tựa đàn ông, những người mẹ, người vợ ngư dân dù xác định rằng bất trắc có thể xảy đến với gia đình mình bất kể lúc nào, nhất là mùa mưa bão.
Rồi mỗi lần chồng đi biển họ đong những ngóng chờ vào từng mắt lưới. Lặng nghe trong mỗi con sóng bạc đầu những thông điệp tự khơi xa. Mùa bão nổi, ngày lốc gió, giữa đêm đen, những ngọn đèn hy vọng vẫn cháy trong tay những người vợ mỏng manh ấy với nỗi lo âu đón đợi chồng về. Họ cũng bỏ quên câu ca đắng ngắt:
Lấy chồng nghề ruộng em theo
Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm…
Năm tháng đi qua, những con sóng biển vẫn cao thấp theo mùa, những người đàn ông vẫn cưỡi sóng ra khơi, những “mảnh hồn” lại thêm một lần khắc khoải neo bám theo cột buồm.
Ở làng chài nghèo này, năm nào cũng có vài người đàn ông mất tích trên biển và không tìm được xác và những người phụ nữ của họ vẫn cứ chờ đợi. Những bát hương lần lượt đặt trên bàn thờ, nhưng những người vợ vẫn hi vọng và chờ đợi, chờ đợi... đến mỏi mòn. Cũng không ít những đứa trẻ, mỗi lần thấy chiếc tàu đi biển về là chúng chạy về níu áo bảo mẹ: “Mẹ ơi! Tàu ba về rồi”…
Theo phong tục của dân làng chài, những người mất tích không tìm được xác, sau ba tháng mười ngày sẽ được xây mộ gió. Mộ chỉ có một tấm bia ghi tên họ gắn trên một lún đất. Trong nhà, người thân lập bàn thờ những người ra đi không trở về.
Ông La Ngọc Ửng - Chủ tịch hội Chữ Thập đỏ xã Hoài Hải - kể rằng dù biết rằng chồng mình nằm lại mãi mãi ngoài biển khơi nhưng những người phụ nữ làng chài chưa một ai tái giá, bởi trách nhiệm với gia đình chồng, với con cái, và bởi đàn ông trong xã hầu hết bám biển kiếm kế sinh nhai, chẳng thể chắc được rằng, hạnh phúc lần nữa của họ sẽ không bị cướp đi theo cơn cuồng phong của biển cả.
Và cứ chiều đến, gói gọn mồ hôi, nước mắt lo toan, những góa phụ lại ngóng ra biển như một thói quen cố hữu. Mỗi ngày, niềm ngóng chờ dày thêm, những ánh mắt thẳm sâu hơn. Biết bao người đã ngồi như hóa đá trước biển khơi trong những ngày biển động…
Và đêm đêm, đâu đó vẳng lại lời ru nghe man mác, trầm buồn:
Rằng con hãy ngủ cho ngoan
Trời yên biển lặng cha con sẽ về.
Rời xóm biểm nghèo, tôi bất giác nhớ đến những câu thơ trong bài Tình biển của một ngư dân:
“Yêu anh em chẳng muốn theo
Lấy chồng đi biển hồn treo cột tàu
Lòng em buồn tủi, thương đau
Trăng ơi...
Đợi mãi...
Người đâu...
Không về…”.
Chiều 27/10/2020, trong khi chạy tránh bão số 9, 2 tàu cá Bình Định là BĐ 96388 TS có 12 thuyền viên và BĐ 97469 TS có 14 thuyền viên bị chìm. 26 thuyền viên trên 2 tàu mất tích.
Sau đó, 3 ngư dân trên tàu cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô (ở xã Hoài Hải, TX.Hoài Nhơn) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đã được một tàu chở hàng cứu giúp. 23 ngư dân còn lại hiện vẫn chưa rõ tung tích
Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-nhung-vong-phu-tren-bo-cat-ar691139.html