Chuyện nơi 'phố cổ, phố khổ'…

Phố cổ - nơi được biết đến là 'tấc đất tấc vàng' của Thủ đô Hà Nội, nơi mà 1m2 có giá cả tỷ đồng. Đắt giá là vậy nhưng phía sau sự xa hoa đó lại là những ngôi nhà cũ kỹ nằm trong ngõ nhỏ sâu hun hút và cuộc sống bi hài của người dân nơi đây.

Khu sinh hoạt chung ở phố cổ.

Khu sinh hoạt chung ở phố cổ.

Bi hài phía sau những ngôi nhà siêu nhỏ

Hà Nội với khu phố cổ vừa mang nét sầm uất của một khu trung tâm, lại vừa mang nét đẹp cổ xưa như một đặc trưng di sản của Thủ đô được bảo tồn. Phố cổ luôn là địa chỉ tham quan đầu tiên của du khách tứ phương khi đến Hà Nội. Họ đến một phần vì tò mò và muốn ngắm nhìn vẻ đẹp xưa của Hà Nội nghìn năm văn hiến và một phần cũng để trải nghiệm những món ăn ngon và những gì thuộc về hồn cốt Hà Nội còn lại nơi này.

Chả thế mà, phố cổ giờ đây trở thành điểm chơi sang bậc nhất ở Hà Nội, với những con phố “không ngủ”, với những cửa hiệu kinh doanh sầm uất mọc lên san sát nhau. Tại nơi “tấc đất tấc vàng” này, dường như nơi đâu cũng có thể kiếm ra tiền, không mở cửa hàng thì mở quán ăn, không thì mở trà đá, trông xe,… Ngay cả người sống ở Hà Nội cũng bị phố cổ mê hoặc bởi ở đó có cuộc sống hiện đại xen lẫn những gì thân thuộc của làng quê với quà vặt, gánh hàng rong tảo tần của chị, của mẹ, của bà…

Và đối lập với vẻ ngoài hào nhoáng, phồn hoa ở mặt đường phố cổ là cảnh sinh hoạt chật vật, gò bó của người dân sống trong những con ngõ sâu hun hút, chỉ vừa đủ cho một người đi qua và quanh năm không thấy ánh mặt trời. Tình trạng này hầu như xảy ra ở khắp các tuyến phố cổ. Không khó để tìm thấy những ngõ rộng chưa đầy 1 mét, sâu tít tắp vào bên trong, phải bật điện 24/24h thì mới thấy lối đi.

Bước vào mỗi con ngõ nhỏ nơi đây như bước vào một con đường hầm, mò mẫm mãi mà không thấy điểm cuối. Đặc biệt, ở phố Hàng Buồm, những con ngõ sâu, chật hẹp cứ xuất hiện xen kẽ. Cách một nhà mặt tiền lớn lại tới một con ngõ. Hay như phố Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm - nơi đây được nhiều người biết đến với những con ngõ siêu nhỏ khi chiều rộng của chúng chưa đầy 50cm. Khi vượt qua “đường hầm” tối bưng này là những căn nhà nhỏ xíu phía sau.

Những căn nhà sâu trong những con ngõ cũng không khá hơn là mấy. Những căn nhà chỉ rộng có 7-10m2, được xây liền kề, cánh cửa nhà nào nhà nấy san sát nhau. Trong một con ngõ tưởng chừng bé hẹp ấy mà lại có chục con người sống chung với nhau. Nói sống chung với nhau là bởi, hầu hết các ngõ như này đều sinh hoạt chung, từ nhà vệ sinh cho đến bếp ăn tập thể. Những tưởng khó sống, vậy mà nhiều nhà đã ở như vậy tứ đại đồng đường hàng trăm năm qua.

Theo lời bà T.T.G (63 tuổi, Hàng Buồm) chia sẻ: “Tôi sống trong ngõ này cũng ngót nghét gần 50 năm rồi, từ hồi lấy chồng. Nói thật hồi đầu lấy ông tôi không nghĩ được là sao từng đấy người sống được trong cái không gian nhỏ như thế. Sinh hoạt thì sinh hoạt chung, nhiều lúc muốn đi vệ sinh cũng phải xếp hàng chờ đợi, khó chịu lắm. Nhưng dần rồi cũng quen, mỗi tội vì nhà nhỏ quá nên tôi chỉ dám sinh có một người con thôi, cũng không dám sinh thêm con vì sợ không có chỗ ở”.

Có thể thấy, có nhiều người cũng giống như bà T.T.G đối diện với cuộc sống trong lòng phố cổ với những bi hài không mấy ai hiểu được. Bên cạnh việc không dám đẻ con vì không có chỗ ở, câu chuyện của anh V.Q.D (35 tuổi, Hàng Điếu) cũng bi hài không kém. Vốn là con một trong gia đình, anh D cũng sớm được bố mẹ “dựng vợ, gả chồng” cho. Khổ nỗi căn nhà chỉ có vỏn vẹn 7m2 của nhà anh khiến cho “chuyện vợ chồng” của anh “cười ra nước mắt”.

Anh tâm sự: “Nhà thì bé, đến cái giường kê còn khó chứ nói gì đến phòng riêng. Vợ chồng tôi và bố mẹ ở chung một phòng, nhà nào, nhà nấy tự trải chăn chiếu đúng vị trí, chia cắt nhau chỉ bằng cái rèm ghi đô thôi. Mà vợ chồng với nhau thiếu làm sao được chuyện chăn gối, ngay từ đêm tân hôn làm lễ bái các thứ xong vợ chồng tôi đi ra thuê nhà nghỉ luôn. Đến bây giờ vẫn vậy, ngủ thì ở nhà mà không ngủ thì ra nhà nghỉ”, D cười hài hước.

Nhưng vất vả nhất có lẽ là câu chuyện của những cư dân tại ngõ 14 Ngõ Gạch, Hoàn Kiếm. Đây là con ngõ giữ kỷ lục về ngõ nhỏ ở Hà Nội. Ngõ rộng chưa đến 50cm, chỉ xe đạp mới dắt được vào bên trong, còn các xe khác thì ở ngoài hết. Bà L.T.A kể: “Ở ngõ này, khổ nhất có lẽ là chuyện ma chay. Hễ gần tắt thở là phải lập tức cõng ra đường rồi đưa đến nhà tang lễ Phùng Hưng, không được phép chết trong nhà”. Bởi theo lý giải của bà, nếu chết trong nhà thì thật gay go vì không có cách nào có thể mang quan tài vào trong nhà được.

Không chỉ chuyện ma chay, cưới hỏi mà ngay cả chuyện thường ngày trong sinh hoạt của người dân phố cổ cũng vô cùng… khác thường. Nhiều ngõ có hơn chục hộ mà chỉ có một cái nhà vệ sinh chung nên muốn đi tắm thì phải xếp hàng. Bà Đ (50 tuổi, Hàng Bạc) ngán ngẩm chia sẻ: “Có hôm con tôi đi làm về phải chờ tới 12 giờ đêm mới được tắm để đi ngủ. Khổ hơn cả việc đi tắm phải xếp hàng đó là khi đau bụng mà chưa “trống chỗ” để xả. Dù mọi người đã thống nhất với nhau giờ đi vệ sinh nhưng chẳng may đau bụng đột xuất thì chỉ có cách chạy thật nhanh ra nhà vệ sinh công cộng để giải quyết”.

Thế mới thấy, đâu phải cứ ở trên phố cổ, nơi “tấc đất tấc vàng” là sướng đâu. Vì sự chật hẹp và lối sống tập thể mà bao lâu nay đã có bao chuyện bi hài xoay quanh cuộc sống của người dân nơi đây.

Ngõ siêu nhỏ khu phố cổ.

Ngõ siêu nhỏ khu phố cổ.

Đi nơi khác, làm gì để sống?

Cứ như vậy, dẫu biết là sống khổ nhưng những người dân nơi đây cũng đành chấp nhận “sống chung với lũ” hết năm này sang năm khác. Khi được hỏi tại sao không chuyển đến nơi khác, bán quách cái nhà này đi mà ra ngoài ở cho sướng. Những cư dân ở đây hầu hết đều có chung câu trả lời như: “Nhà có ngần ấy diện tích, biết bán cho ai?”, “Bán ai mua?”, “Nếu có bán được thì đến nơi khác làm gì để sống?”... Có lẽ, những suy nghĩ luẩn quẩn ấy, rồi nếp nghĩ kiểu “phố lớn, phố nhỏ” mang tính phân biệt đã làm nhiều người quen cuộc sống “hữu danh vô thực” ở những con ngõ chật hẹp, tối tăm.

Khi nhìn các cháu nhỏ chạy nhảy, vui đùa trong không gian nhỏ hẹp trước ngõ, bà Đ.T.T, người đã sống gần hết cuộc đời mình ở con ngõ nhỏ phố cổ, tâm sự: “Nếu bây giờ có một điều ước, tôi chỉ ước có một vị đại gia nào đó đến mua được hết cả con ngõ này, để mọi người được chuyển đi một nơi khác có điều kiện sống tốt hơn. Ai nói ở phố cổ là sướng, là giàu, tôi ở bao năm nay chỉ thấy phố cổ là phố khổ…”.

Có thể nói, việc tái thiết đô thị ở các thành phố lớn vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội khi phải đối mặt bài toán giữa bảo tồn và cải tạo. Đặc biệt là Hà Nội 36 phố phường, nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử đang ngày càng trở nên phức tạp với nhịp độ phát triển của đời sống, mật độ dân cư và xu hướng hiện đại hóa.

Với diện tích 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội có hơn 2.200 hộ dân sống. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó là những căn hộ đã xuống cấp, nguy hiểm. Không chỉ mật độ dân cư quá cao, điều kiện sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn, chật chội, hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhìn lại trong quá khứ, đề án nhà ở giãn dân phố cổ được TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2013 với những con số từng rất hứa hẹn. Nhưng cho đến nay đề án vẫn đang trong quá trình thực hiện ở giai đoạn 1. Cả hai đối tượng thuộc diện di dời bao gồm đối tượng bắt buộc (cư dân sống ở khu vực di tích, trường học...) và tự nguyện (cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2) đều chưa thể thực hiện đề án một cách triệt để.

Nguyên nhân khó khăn trong việc di dời dân có lẽ là bởi chính sách đền bù, hỗ trợ vẫn còn chưa đạt được sự đồng thuận trong nhân dân. Khi mà giãn dân với nhiều người dân phố cổ vẫn còn là câu chuyện mơ hồ, chưa rõ ràng và nếu di dời, sinh kế tương lai với họ vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Đề án giãn dân phố cổ đã kéo dài hơn 20 năm, đến nay vẫn còn là câu chuyện dang dở.

Cuộc sống bi hài của hàng nghìn người dân đang sống tại các con ngõ nhỏ phố cổ không biết đến bao giờ mới kết thúc. Điều duy nhất mà họ có thể làm bây giờ là “sống chung với lũ”, yên phận với cuộc sống trong những con ngõ tối tăm, quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời… mà chưa biết đến bao giờ mới có thể đổi thay.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/do-thi/chuyen-noi-pho-co-pho-kho-584606.html