Chuyện ở bản Tà Đứng

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn phương thức sản xuất bằng cách cầm tay chỉ việc; hỗ trợ những vấn đề cấp bách, đúng nguyện vọng của người dân... đã khuyến khích người dân bản Tà Đứng, xã Chiềng Sung (Mai Sơn) nỗ lực vươn lên, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Câu chuyện ở bản Tà Đứng một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đặc biệt là công tác dân vận trong quần chúng nhân dân để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Tuyến đường từ bản Cao Sơn về Tà Đứng đã được đổ bê tông.

Tuyến đường từ bản Cao Sơn về Tà Đứng đã được đổ bê tông.

“Cú huých” để phát triển

Từ trung tâm xã Chiềng Sung vào bản Tà Đứng, chúng tôi phải vượt qua đoạn đường hơn 6 km, qua các bản Tân Lập, bản Búc, bản Cang, Nong Sơn, Cao Sơn, trải dài men theo những sườn đồi dốc thoai thoải, những nương bãi đã được người dân làm đất, phơi ải chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới. Con đường duy nhất về bản Tà Đứng đã xuống cấp bởi nhiều xe vào chở nông sản. Tà Đứng là bản cuối cùng nằm trong tuyến đường độc đạo đó và cũng là bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Sung nhiều năm trước; bản có 63 hộ với 311 nhân khẩu, gồm 2 hộ dân tộc Thái, 61 hộ dân tộc Mông; sản xuất nông nghiệp chủ yếu canh tác trên đất dốc. Điểm đổi mới đầu tiên chúng tôi thấy khi sắp đến bản Tà Đứng là con đường bê tông hoàn thành cuối năm 2019, khởi đầu từ bản Cao Sơn vào Tà Đứng dài 2,8 km. Anh Lò Văn San, Chủ tịch Hội Nông dân xã, người được Đảng ủy xã Chiềng Sung cử vào sinh hoạt với Chi bộ bản Tà Đứng vừa chở tôi, vừa kể lại: Ngày trước khi chưa đổ bê tông, đoạn đường từ bản Cao Sơn vào Tà Đứng là đường đất; khi đó trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội; có thời điểm mùa mưa bản gần như bị cô lập bởi không có ai ra vào; bản thân tôi nhiều lần vào sinh hoạt chi bộ phải gửi xe máy ở bản Cao Sơn, đi ủng lội bùn gần 1 tiếng mới vào được đến bản Tà Đứng.

Trên đường về bản Tà Đứng, những câu chuyện mà anh San kể lại với tôi như 1 thước phim sinh động cho nỗ lực vươn lên của của người dân nơi đây, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Anh San bảo, ngoài giao thông đi lại khó khăn, trước năm 2017, bản Tà Đứng có 25 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo, 8 hộ nhà dột nát không có khả năng làm nhà, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn duy trì trong đời sống sinh hoạt của người dân... Từ thực tế trên, Đảng ủy xã Chiềng Sung xác định việc chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thì điểm mấu chốt là phải nâng cao năng lực và sức chiến đấu của chi bộ bản. Để thực hiện, Đảng ủy xã phân công 2 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã vào sinh hoạt tại Chi bộ bản Tà Đứng (gồm anh San là Chủ tịch Hội Nông dân xã và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã); phân công tổ cấp ủy phụ trách bản Tà Đứng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở. Với việc tăng cường hai cán bộ đảng viên ở xã vào sinh hoạt, sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Chi bộ bản Tà Đứng từng bước được nâng lên. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, sau khi triển khai các văn bản, nghị quyết của cấp trên, Chi bộ giành nhiều thời gian để bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở bản. Quá trình tổ chức thực hiện, các đảng viên trong chi bộ gương mẫu đi đầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất; tham gia đóng góp, hiến đất xây dựng tuyến đường nông thôn mới...

Gia đình anh Mùa A Dơ vừa được hỗ trợ xóa nhà tạm năm 2019.

Gia đình anh Mùa A Dơ vừa được hỗ trợ xóa nhà tạm năm 2019.

Cho cần câu, không cho con cá

Đảng ủy xã Chiềng Sung chỉ đạo UBND xã lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng những công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình 135 đã thi công 700 m đường bê tông nội bản; bằng nguồn vốn xã hội hóa đã thi công nhà lớp học và công trình vệ sinh tự hoại cho điểm trường mầm non bản Tà Đứng trị giá 120 triệu đồng; bằng nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước hỗ trợ 280 triệu mua dây điện, cột điện, nhân dân tổ chức thi công) thực hiện kéo điện cho xóm Pá Cu của bản. Xã Chiềng Sung cũng thành lập tổ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kế hoạch cụ thể xuống từng hộ trong bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang các loại cây trồng có thu nhập cao; chuyển dần diện tích ngô thương phẩm sang trồng chanh leo, thanh long, xoài da xanh, bơ...

Ở bản Tà Đứng, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cũng là một khó khăn không nhỏ, người dân phải dùng máy bơm hút nước từ hồ Nong La cách bản hơn 1 km. Những năm trước, người dân trồng lúa, ngô trên nương thì nước tưới cũng không quan trọng, họ phó mặc cho ông trời nên năm được mùa, năm mất mùa, cái đói, cái nghèo cứ bám lấy Tà Đứng. Để thuận lợi trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Chiềng Sung đầu tư cho bản bể nước theo chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ mua ống để dẫn nước về tưới cho các vườn cây ăn quả. Ông Hờ A Cho, hội viên Chi hội Cựu chiến binh, hộ gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi 3 ha đất dốc trồng ngô sang trồng mơ, xoài, bưởi, chanh leo; đào 700 m² ao cá; tự nguyện hiến 300 m² đất để xây dựng trường học... cho biết: Trong các cuộc họp bản, những ý kiến, khó khăn của các hộ dân nêu ra đều được bản, xã xem xét cùng tháo gỡ. Từ đó người dân yên tâm hơn trong chuyển đổi cây trồng, đoàn kết, đồng thuận trong đóng góp tiền, hiến đất ủng hộ xây dựng các công trình thiết yếu, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân trong bản.

Cùng với tuyên truyền vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, xã Chiềng Sung đã xây dựng kế hoạch ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới vào sáng thứ 7 hằng tuần để giúp bà con cải tạo vườn tạp, đào hố rác, làm nhà vệ sinh. Các đoàn thể của xã chủ động phối hợp với các ban công tác Mặt trận, các đoàn thể ở bản đến từng gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Cựu chiến binh gương mẫu”. Các tổ chức, cá nhân còn ủng hộ xóa được 8 nhà dột nát, hỗ trợ 16 hộ cứng hóa nền nhà trị giá 192 triệu đồng, hỗ trợ 19 ti vi cùng đầu chảo cho 19 hộ gia đình chưa có ti vi...

Vợ chồng anh Hờ A Dê chăm sóc vườn chanh leo.

Vợ chồng anh Hờ A Dê chăm sóc vườn chanh leo.

Làm giàu trên quê hương

Từ các mô hình trồng cây ăn quả thành công và cho thu nhập ổn định hơn trồng ngô, các hộ dân trong bản Tà Đứng bắt đầu mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo từng năm. Nhà trồng ít thì gần nghìn mét vuông, nhà trồng nhiều cả vài nghìn mét vuông chanh leo, cam, bưởi da xanh, thanh long. Sau những vụ thu hoạch có của ăn, của để. Màu xanh cây trái, màu xanh no ấm không chỉ làm yên lòng cái bụng những người ở bản mà còn đưa những thanh niên đã từng ra ngoài tỉnh làm thuê quay trở về làm ăn sinh sống trên mảnh đất quê hương. Đến thăm gia đình anh Hờ A Dê, 1 hộ nghèo của bản, trên đám nương rộng hơn 800 m² được dọn sạch cỏ, hai vợ chồng anh đang cùng nhau kéo dây làm giàn chanh leo. Hỏi chuyện, được biết: Vợ chồng anh Dê đi làm thuê ở Hà Nội hơn 3 năm, vất vả nhưng cũng không đủ ăn, con cái thì phải xa bố mẹ. Khi thấy bản có những đổi mới, hai vợ chồng đã quay trở về và được hỗ trợ 1 con bò cái nuôi rẽ, hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh leo, xoài,.. Năm 2019, vợ chồng Dê trồng 300 gốc chanh leo, thu hoạch hơn 12 tấn quả; năm 2020, gia đình trồng lên 600 gốc chanh leo, 500 cây xoài giống mới. Hờ A Dê tâm sự: “Lúc đầu mới chuyển đổi trồng cây ăn quả lo lắm, đặc biệt là vụ giữa năm 2019, thời điểm chanh leo cho thu hoạch vào mùa mưa, khi đó đường đất, nhiều lần đi xe máy chở chanh leo đi bán bị ngã nên chanh leo chở ra đến xã bị dập hỏng, phải bán đổ vài nghìn đồng/kg nhưng các hộ vẫn quyết tâm làm, vì trồng cây ăn quả vẫn có thu nhập cao hơn trồng ngô”. Hờ A Dê cũng khoe con bò cái được hỗ từ chương trình 135 đang chửa và chuẩn bị sinh con, đây sẽ là 1 tài sản, chỗ dựa để vợ chồng Dê vươn lên thoát nghèo. Sang nhà vợ chồng anh Mùa A Dơ, cũng là cặp vợ chồng nghèo, đi làm thuê ở ngoài tỉnh mới quay về bản. Là hộ nghèo nên năm 2019, nhà anh Dơ được hỗ trợ xóa nhà tạm, được hỗ trợ 1 bộ đầu, chảo ti vi. Tuy chưa được bố mẹ chia đất nhưng hai vợ chồng đang tích cực cùng gia đình anh trai trồng cây ăn quả trên diện tích hơn 2.000 m².

Đồng chí Nguyễn Khắc Hào, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung cho biết: Xã đã khâu nối, liên kết với các đơn vị doanh nghiệp như Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung bao tiêu các nông sản cho người dân; hiện, bản Tà Đứng đã trồng được trên 20 ha chanh leo, xoài, bơ; 15 ha ngô ngọt bán cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Đến hết năm 2019, bản Tà Đứng còn 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo; đường đến bản và toàn bộ các tuyến đường nhánh nội bản đã được bê tông hóa; 100% số hộ dân trong bản được dùng điện lưới quốc gia; điểm trường mầm non và tiểu học được kiên cố hóa... đời sống của các hộ dân trong bản được nâng lên, nhân dân thật sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Chia tay Tà Đứng khi mặt trời sắp lặn, trên các triền đồi, nhiều hộ dân vẫn đang cần mẫn làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Câu chuyện đổi thay ở bản Tà Đứng thêm 1 lần khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội là vô cùng quan trọng để quyết định sự thành công trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại cơ sở. Đổi thay ở Tà Đứng cũng sẽ là những kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng tại các chi bộ vùng cao; vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; các kế hoạch triển khai bài bản, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở... Qua đó xây dựng được niềm tin, sự đoàn kết trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuyen-o-ban-ta-dung-30288