Chuyện ở làng phong Bến Sắn

Những gia đình trong làng phong Bến Sắn luôn yêu thương, bao bọc lẫn nhau. Nghĩa tình ấy được tạo dựng, vun đắp từ trong chính gian nan, bệnh tật.

Làng phong Bến Sắn được thành lập vào năm 1959. Làng phong Bến Sắn bay thuộc phường Khánh Bình, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đây là trại phong lớn nhất miền Nam đến thời điểm này, những người bệnh tự đến hoặc được gia đình đưa đến đây, đã chọn ở lại rồi lập gia đình, sinh con, sống biệt lập giữa thành phố náo nhiệt.

Những người trong làng Phong Bến Sắn sống biệt lập giữa thành phố náo nhiệt

Những người trong làng Phong Bến Sắn sống biệt lập giữa thành phố náo nhiệt

Trên con đường dẫn vào làng phong Bến Sắn rộng hơn 87 ha là những căn nhà xập xệ, cũ kỹ, tất cả đều không có cổng hay tường rào, đây là nơi ra vào hàng chục năm qua của những bệnh nhân phong và gia đình của họ.

Con đường dẫn vào một ngôi nhà của bệnh nhân phong

Con đường dẫn vào một ngôi nhà của bệnh nhân phong

Tiếp chúng tôi giữa cái trưa nắng oi bức, ông Nguyễn Văn Phúc (78 tuổi) nhắc về những tháng ngày khó khăn của người bệnh phong. "Lúc đó, chúng tôi không chỉ đối mặt với bệnh tật, đau đớn mà còn sống trong sự cô đơn, tủi hờn vì sự kỳ thị của xã hội" - ông Phúc bộc bạch.

Ông Phúc kể về thời điểm khó khăn của bệnh nhân phong khi bị xã hội kỳ thị

Ông Phúc kể, ông được gia đình gửi vào làng phong Bến Sắn từ những năm 1980, thời điểm đó chưa có thuốc đặc trị bệnh phong nên cơ thể rất đau đớn, bị lở loét khắp người.

"Người ngoài thấy bệnh nhân phong là sợ lắm, tránh xa ngay. Vì thế, những người sống trong làng phong bị cô lập hoàn toàn với xã hội bên ngoài, nếu đi mua đồ mà biết bệnh nhân phong thì nhiều người không bán, hoặc có bán thì họ dùng cây sào để lấy tiền, chứ không bao giờ dám tiếp xúc gần với người bệnh" - ông Phúc nhớ lại.

Gia đình 3 thế hệ của ông Phúc tại làng Phong Bến Sắn

Gia đình 3 thế hệ của ông Phúc tại làng Phong Bến Sắn

Vì bị kỳ thị nên những người cùng cảnh ngộ bám víu vào nhau, lâu dần nảy sinh tình cảm rồi thành vợ chồng. Năm 1985, ông Phúc kết hôn với người phụ nữ đến từ Bình Thuận, cả hai sau đó được cho ra ở riêng, với căn nhà được xây sơ sài nhưng niềm hạnh phúc thì không gì đong đếm được.

Ông Phúc dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình trong làng Phong Bến Sắn

Ông Phúc dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình trong làng Phong Bến Sắn

Đến năm 1986, vợ chồng ông Phúc sinh được người con trai, hiện làm công nhân cho một công ty nước ngoài. Con trai của ông Phúc cũng đã lấy vợ và sinh được 3 cháu, đều được đi học trường gần nhà, hòa nhập với các bạn đồng trang lứa.

Hiện gia đình 3 thế hệ này ngày ngày đang sống trong căn nhà đầy kỷ niệm. Ông Phúc mãn nguyện khi con và cháu đều khỏe mạnh, được xã hội đón nhận.

Vợ chồng bà Hồ Nữ hạnh phúc với cuộc sống hiện tại

Vợ chồng bà Hồ Nữ hạnh phúc với cuộc sống hiện tại

Bà Hồ Nữ (74 tuổi, quê ở TP HCM) tới làng phong Bến Sắn từ năm 1989. Bà cho biết lúc mới tới đây, nhờ bệnh còn nhẹ nên bà được phân công làm điều dưỡng giúp đỡ các bệnh nhân phong. Theo thời gian, bà có cảm tình với người đàn ông thường được bà chăm sóc, cả hai thương nhau và tiến tới hôn nhân.

Cũng giống như ông Phúc, vợ chồng bà Nữ được cấp 1 căn nhà trong khu làng phong. Mang trong mình căn bệnh bị kỳ thị, đau đớn, bà phải rất vất vả để nuôi con và nuôi chính mình.

Căn bệnh khiến bà Nữ đau đớn toàn thân, rồi dẫn đến tăng nhãn áp phải bỏ một mắt. Rất may, được sự quan tâm điều trị của và sự đùm bọc của những bệnh nhân khác tại làng phong, vợ chồng bà đã vượt qua khó khăn, nuôi con khôn lớn, khỏe mạnh.

Những bệnh nhân phong xem nhau như người thân, gia đình, luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày

Những bệnh nhân phong xem nhau như người thân, gia đình, luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày

Với cơ thể không lành lặn, vợ chồng bà Nữ chỉ quẩn quanh trong căn nhà, hàng tháng sống bằng nguồn trợ cấp hơn 900.000 đồng, thi thoảng được nhà hảo tâm đến thăm hỏi. "Làng phong Bến Sắn thời ấy nay đã khác nhiều, nơi đây đã trở thành mảnh đất an cư một đời không chỉ của bệnh nhân phong, mà của cả thế hệ thứ hai, thứ ba... "- bà Nữ nói trong hạnh phúc.

Dù không có người thân, họ hàng bên cạnh nhưng bệnh nhân phong luôn được chính quyền địa phương quan tâm và nhân viên y tế yêu thương, giúp đỡ

Dù không có người thân, họ hàng bên cạnh nhưng bệnh nhân phong luôn được chính quyền địa phương quan tâm và nhân viên y tế yêu thương, giúp đỡ

Sơ Phúc, phụ trách chung ở làng phong Bến Sắn, cho hay đã mười mấy năm nay, nơi đây không còn bệnh nhân mới, bệnh nhân cũ cũng đã không còn dùng thuốc điều trị bệnh phong. Các bệnh nhân phong khi lập gia đình, sinh con thì tất cả những đứa trẻ sinh ra đều không bị bệnh như ba mẹ. Các em lớn lên khỏe mạnh, được đi học, có công việc ổn định và đã được xã hội đón nhận. Người dân địa phương không còn kỳ thị bệnh nhân phong, ngược lại thường xuyên ra thăm nom hoặc buôn bán bình thường.

Sơ Phúc chia sẻ thêm: "Vẫn còn những nỗi buồn là nơi đây còn có rất nhiều người già bị gia đình "lãng quên" hoặc nếu có nhớ thì lâu lâu mới đến thăm. Với họ, các sơ và nhân viên y tế chính là ruột thịt, mỗi ngày lo cơm nước cho họ, lúc bệnh thì được chăm sóc tận tình, chu đáo. Đó là liều thuốc tinh thần mỗi ngày để họ sống vui hơn".

Sơ Phúc nói rằng, làng phong đúng nghĩa là một đại gia đình, vì không có bất cứ sự phân biệt nào, những người bệnh luôn yêu thương, bao bọc lẫn nhau. Nghĩa tình ấy được tạo dựng, vun đắp từ trong chính gian nan, bệnh tật.

Ðã ở tuổi mấp mé 70, nhưng sơ Phúc vẫn nhanh nhẹn, tháo vát và đầy nhiệt huyết với công việc. Sơ Phúc nói tất cả các sơ ở đây không bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi, chỉ cần còn một người ở làng phong thì các sơ vẫn ân cần chăm sóc họ.

Bài; ảnh; clip: Nguyên Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/chuyen-o-lang-phong-ben-san-20230902090519639.htm