Chuyện ở ngôi làng chỉ mong 'ngày nào cũng là Quốc khánh'

Với người làng Từ Vân, Quốc khánh không chỉ có niềm vui của ngày độc lập dân tộc mà còn là dịp họ mong chờ nhất trong năm bởi cái nghề đặc biệt lưu truyền bao thế hệ.

Cờ Tổ quốc của làng Từ Vân tung bay trong ngày Quốc khánh lịch sử

Mùa thu tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, có hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng do người dân làng Từ Vân may đã tung bay tạo thành một khung cảnh đi vào lịch sử.

Giờ đây, sau 75 năm, làng Từ Vân vẫn cha truyền con nối, lưu giữ truyền thống của làng nghề may cờ Tổ Quốc - nghề dệt “mảnh hồn dân tộc” đầy tự hào theo năm tháng.

Dưới khoảng sân nhỏ, gia đình chị Nhung (làng Từ Vân, Thường Tín, Hà Nội) đang tỉ mẩn bên khung cửi

Dưới khoảng sân nhỏ, gia đình chị Nhung (làng Từ Vân, Thường Tín, Hà Nội) đang tỉ mẩn bên khung cửi

Làng Từ Vân cách Hà Nội khoảng 30 cây số thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội vốn nổi tiếng từ lâu với nghề thêu truyền thống. Các cụ cao tuổi trong làng kể lại, làng Từ Vân có nghề thêu truyền thống từ thế kỷ 16.

Từ xưa, người dân làng Từ Vân đã lên Hà Nội mở nhiều cơ sở bán các sản phẩm dệt, thêu. Để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Ủy ban kháng chiến mời các thợ may, nghệ nhân của làng Từ Vân thêu, làm cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là cái mốc làm nghề may cờ của làng Từ Vân.

Một cơ sở sản xuất cờ Tổ Quốc ở làng Từ Vân nhộn nhịp ngày vào mùa

Một cơ sở sản xuất cờ Tổ Quốc ở làng Từ Vân nhộn nhịp ngày vào mùa

Vào những ngày cận dịp lễ Quốc Khánh, dọc từ đầu làng tới cuối làng rợp trời những lá cờ đỏ sao vàng tung bay như minh chứng cho một làng quê đã đổi thay da thịt nhờ chính nghề dệt “mảnh hồn dân tộc”.

Thợ may đang thực hiện những đường may viền lá cờ Tổ Quốc

Thợ may đang thực hiện những đường may viền lá cờ Tổ Quốc

Nơi những đứa trẻ thấy cờ Tổ Quốc từ khi vừa chào đời

Chị Vương Thị Nhung, nghệ nhân sinh ra và lớn lên trong gia đình nhiều năm may cờ chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi luôn mong ngày nào cũng là ngày Quốc Khánh bởi không khí những ngày này ở làng thật khác".

Thật vậy, những ngày này, không khí làm việc dồn dập trên khắp những ngõ ngách làng Từ Vân. Từ sáng sớm, tiếng máy may, máy cắt, thêu thùa, tiếng người lớn trẻ nhỏ xôn xao gọi nhau í ới ngồi vào khung thêu thùa trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Chị Vương Thị Nhung đang truyền dạy từng đường kim mũi chỉ cho thế hệ sau

Chị Vương Thị Nhung đang truyền dạy từng đường kim mũi chỉ cho thế hệ sau

Chị kể về làng nghề trong niềm tự hào và hãnh diện: “Dịp Quốc Khánh này nhà nào cũng phải tăng nhân công lên gấp đôi, gấp ba để kịp tiến độ sản xuất phục vụ nhu cầu các xưởng”.

Ở làng Từ Vân, lá cờ Tổ Quốc với mỗi người trở thành một hình ảnh quen thuộc ngay từ khi lọt lòng. Nghề may cờ Tổ Quốc cứ truyền từ đời bố mẹ để lại, nuôi sống từng thế hệ, thay da đổi thịt mảnh đất này.

Những đứa trẻ làng Từ Vân được truyền nghề may cờ từ khi còn nhỏ

Những đứa trẻ làng Từ Vân được truyền nghề may cờ từ khi còn nhỏ

Nghề may cờ Tổ Quốc giờ khác nhiều so với những công đoạn thủ công lách cách ngày xưa nhờ máy móc hiện đại, từ máy may công nghiệp, máy cắt laser…

Nhưng người làng Từ Vân luôn cẩn trọng trong làm nghề từ việc chọn nguyên liệu để may cờ cũng phải được lựa chọn kỹ càng. Loại vải may lá cờ là vải sa mua từ làng La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Rồi tới khâu thêu, in, pha màu, mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ.

Em Nguyễn Thị Kim Anh đang là sinh viên nhưng đã có "thâm niên" nhiều năm thêu cờ Tổ Quốc

Em Nguyễn Thị Kim Anh đang là sinh viên nhưng đã có "thâm niên" nhiều năm thêu cờ Tổ Quốc

Bên cạnh những lá cờ in được sản xuất bằng máy móc công nghiệp, làng cờ Từ Vân vẫn lưu giữ nét truyền thống với những lá cờ thêu. Ở đây, những đứa trẻ từ 4-5 tuổi đã tập làm quen với khung thêu, chỉ, vải.

Chị Nhung cho biết, làm cờ thêu tay tuy mất nhiều công sức hơn so với lá cờ in nhưng lại đẹp và tinh tế hơn nhiều. Để thêu một lá cờ một người thợ có khi phải mất 3 - 5 ngày miệt mài bên khung cửi mới làm xong.

Đáng chú ý, bên cạnh những người trung niên đang cặm cụi thêu tay, còn có rất nhiều những cô bé, cậu bé thích thú ngồi cạnh khung cửi theo dõi, học hỏi từng đường kim mũi chỉ.

Những đứa trẻ cũng tập thêu từng đường chỉ

Những đứa trẻ cũng tập thêu từng đường chỉ

Người làng Từ Vân cẩn trọng, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ khi dệt thêu lá cờ Tổ Quốc

Người làng Từ Vân cẩn trọng, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ khi dệt thêu lá cờ Tổ Quốc

Em Nguyễn Thị Kim Anh (Đại học Thăng Long) chia sẻ: "Từ nhỏ, em đã nhìn các cô bác trong nhà thêu cờ để học theo rồi tự biết thêu từ lúc nào không hay. Hàng năm, em vẫn nhận thêu cờ thuê để kiếm thêm thu nhập trong thời gian nghỉ hè rảnh rỗi. Ở làng này, bằng tuổi em, gần như bạn nào cũng biết thêu".

Với người làng Từ Vân, trải qua thăng trầm lịch sử, tình yêu đất nước mỗi ngày lại được nhân lên bằng sự cẩn trọng, tỉ mỉ trên từng đường kim, mũi chỉ, dệt lên “mảnh hồn dân tộc”.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chuyen-o-ngoi-lang-chi-mong-ngay-nao-cung-la-quoc-khanh-d160972.html