Chuyện ở rể của đàn ông Trung Quốc
Thể loại tiểu thuyết ở rể dù có nội dung hời hợt, thiếu chiều sâu, vẫn được ưa chuộng khi nhiều độc giả nam lớn tuổi tìm thấy chính mình trong câu chuyện.
Hãy tưởng tượng bạn là một người đàn ông sống trong nhà của bố mẹ vợ, nơi bạn liên tục bị mắng mỏ là thu nhập không đủ sống và nhân cách tồi tệ.
Rồi đến một ngày, những người sỉ nhục bạn biến mất. Thay vào đó, bạn trở thành người thừa kế của một gia tộc giàu có nhất thành phố. Cuộc đời bạn thay đổi ngoạn mục trong nháy mắt.
Nghe có vẻ bất khả thi nhưng đó lại là một cốt truyện đang phổ biến trên các nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc. Câu chuyện về cảnh ở rể của những người đàn ông đã bắt đầu trở thành một thể loại tiểu thuyết trực tuyến được ưa chuộng ở đất nước tỷ dân từ năm 2018.
Tiểu thuyết ở rể thịnh hành
Khi nói đến tiểu thuyết trực tuyến, Trung Quốc tự hào có một lượng độc giả khổng lồ. Tính đến năm ngoái, hơn một nửa trong số 854 triệu người dùng Internet của quốc gia này đọc tiểu thuyết trực tuyến trên điện thoại di động.
Hơn 70% độc giả sinh sau năm 1990. Nhu cầu ngày càng tăng đã dẫn đến một thị trường truyện, tiểu thuyết trực tuyến bùng nổ, với nội dung đa dạng, từ sử thi, kiếm hiệp cho đến ngôn tình, lãng mạn...
An Xiaoliang, nhà phê bình văn học trực tuyến, nói với Sixth Tone những năm gần đây, câu chuyện về con rể trở nên phổ biến hơn trên Internet. Nhiều web truyện viễn tưởng - đặc biệt là những trang miễn phí - giờ đây chuyên chia sẻ chuyện ở rể và thể loại này luôn đứng đầu về lượt xem.
Trong một cốt truyện điển hình của thể loại này, nhân vật chính là người đàn ông luôn bị nhà vợ khinh rẻ. Tuy nhiên, về sau, anh ta dần nhận được sự tôn trọng, tín nhiệm của những người từng hắt hủi mình. Và tình yêu của vợ cũng ngày một lớn khi anh ta dần trở thành người bạn đời xứng đáng. Trong nhiều bộ truyện khác, nhân vật chính còn có siêu năng lực.
Các tiểu thuyết dạng này được quảng bá rộng rãi trên ứng dụng chia sẻ video ngắn từ tháng 7 vừa qua. Trong đó, nam diễn viên Guan Yunpeng đã vào vai một người con rể có hoàn cảnh không khác gì nàng Lọ Lem. Kết quả, Guan đã trở thành gương mặt đại diện không chính thức của thể loại này.
Một biên tập viên tiểu thuyết trực tuyến nói rằng thật bất ngờ khi một thể loại tương đối mới lại thu hút lượng độc giả lớn đến vậy. “Đa phần người đọc là nam giới trung niên, đã kết hôn và thường sống ở các thành phố kém phát triển”, nhà phê bình An Xiaoliang nhận định.
"Nhiều người đàn ông trung niên đã dành nửa cuộc đời để nghĩ rằng họ đang bị vợ và bố vợ bắt nạt thường tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ nổi dậy, thực hiện một ‘cuộc đảo chính’ lớn", ông An nói với Sixth Tone.
Chạm đến mong muốn của độc giả
Mặc dù truyện con rể đang phổ biến, ông An không cho rằng chúng sẽ tồn tại lâu dài nếu các tác giả tiếp tục lặp đi lặp lại cốt truyện giống nhau. “Cá nhân tôi thấy tất cả đều giống nhau, cả về nội dung và phong cách. Chúng giống như các sản phẩm thức ăn nhanh, thiếu chiều sâu”, ông An nói.
Tuy nhiên, theo Ji Yunfei, một nhà nghiên cứu văn học Internet tại Đại học Bắc Kinh, trước mắt thể loại này vẫn sẽ thịnh hành vì đang đánh trúng tâm lý, mong muốn của một bộ phần độc giả không hề nhỏ.
“Đối với bất kỳ loại hiện tượng văn học đại chúng nào, kể cả tác phẩm có chất lượng hạn chế, nhưng nó vẫn tồn tại vì hẳn đã chạm đến nỗi lo lắng và mong muốn của cả một thế hệ”, Ji nhận định.
Theo quan niệm hôn nhân truyền thống ở Trung Quốc, người phụ nữ kết hôn thường về làm dâu trong nhà chồng, hoặc hai vợ chồng sống trong nhà riêng do bố mẹ chồng chu cấp và con cái lấy họ bố.
Tuy nhiên, phong tục này ít nhiều đã thay đổi do sự mất cân bằng giới tính khiến nam giới, đặc biệt ở các vùng nông thôn, khó tìm vợ. Ngoài ra, nếu đàn ông không có đủ điều kiện tài chính, họ thường kết hôn với một phụ nữ không có anh em rồi chuyển đến sống trong nhà vợ và cho phép con cái mang họ mẹ.
Mặc dù chuyện ở rể giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội Trung Quốc những năm gần đây, các gia đình và cộng đồng vẫn coi thường người đàn ông phải sống trong nhà vợ.
Sau 10 năm ở rể, Ma Xuedong, sinh ra ở làng Mabaozi, Baoji - nơi 80% đàn ông sống trong nhà vợ, đã ly hôn vì luôn bị người nhà coi thường, chỉ trích.
"Cuộc sống trước đây của tôi quá buồn phiền. Đó là cảm giác mà bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu được nếu bạn chưa trải qua nó”.
Ma nói những người đàn ông ở rể như anh chưa bao giờ được xem là một thành viên thực sự trong gia đình.
Trong nhiều trường hợp, những khúc mắc trong thời gian ở rể thậm chí dẫn đến bi kịch. Đầu năm 2016, một người con rể họ Meng, ở tỉnh Thiểm Tây, đã giết vợ mình. Anh ta được cho đã bị trầm cảm kể từ khi kết hôn vào năm 2013.
Trước đó 2 năm, một người đàn ông sống ở huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam, đã giết chết 7 thành viên trong gia đình vợ, bao gồm cả vợ và con trai 10 tuổi, cũng với lý do tương tự.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-o-re-cua-dan-ong-trung-quoc-post1139893.html