Chuyện ông 'vua tốc độ' đọ sức với 'tốc độ cấp phép'

Không chỉ lập kỷ lục tòa nhà dát vàng đầu tiên, bể bơi vô cực dát vàng đầu tiên trên thế giới, Hòa Bình còn lập kỷ lục xây dựng nhanh nhất thế giới. Nhưng, dù nhanh đến đâu, Hòa Bình đang thúc thủ trước tốc độ cấp phép rùa…

Ông Nguyễn Hữu Đường.

Ông Nguyễn Hữu Đường.

Từ “phù thủy dát vàng”...

Tập đoàn Hòa Bình của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường trong 15 năm qua đã trở thành một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” ở Việt Nam với hàng loạt dự án dát vàng.

Bắt đầu từ Tòa Tháp đôi quốc tế Hòa Bình cao 22 tầng trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xây dựng năm 2004. Đây là tòa nhà đầu tiên tại Việt Nam có thang máy dát vàng.

Để biến ước mơ dát vàng hệ thống 11 thang máy, trong đó có 2 thang lồng kính và một thang cuốn tại trung tâm thương mại thành hiện thực, ông Đường lập riêng một xưởng mạ vàng. Đây cũng là xưởng mạ vàng đầu tiên, duy nhất tại miền Bắc. Ông kể, bắt đầu quy trình mạ, ông đã bỏ vào bể 150 cây vàng, rồi tiếp tục bỏ thêm nữa. Biết chi phí là rất lớn, nhưng ông vẫn quyết tâm, vì muốn công trình này phải là một kiệt tác bền vững với thời gian.

Nghệ thuật dát vàng công trình được nâng lên cấp độ cao hơn tại Hòa Bình Green City (505 - Minh Khai, Hà Nội), với việc dát vàng cho thang máy, phào chỉ sảnh đón, nội thất...

Và công nghệ dát vàng được đưa lên hàng đẳng cấp tại Hòa Bình Green Đà Nẵng. Toàn bộ lan can của Tổ hợp căn hộ - khách sạn tiêu chuẩn 5 sao xây dựng theo kiến trúc Pháp được dát vàng 18K. Bể bơi vô cực, các thiết bị vệ sinh, khóa cửa được phủ vàng...

Tại Lễ khánh thành Tổ hợp căn hộ - khách sạn Hòa Bình Green Đà Nẵng 1/10/2017, Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) xác nhận và công bố, đây là bể bơi vô cực dát vàng 24K cao và lớn nhất thế giới hiện nay. Đồng thời, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao chứng nhận Hòa Bình Green Đà Nẵng là Tổ hợp căn hộ -khách sạn có bể bơi vô cực dát vàng 24K cao nhất Việt Nam.

Cũng tại công trình này, công viên 10 kỳ quan thế giới với những biểu tượng thế giới thu nhỏ như Khải hoàn môn, Kim tự tháp, Chùa Một Cột... đều được dát vàng 24K.

Nối tiếp thành công của các dự án dát vàng, năm 2018, ông Đường công bố 3 siêu dự án dát vàng tiêu chuẩn 7 sao gồm: Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Hà Nội Golden Lake (B7 - Giảng Võ, Hà Nội); Hà Nội Golden City (31 - Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) và Hội An Golden Sea (bãi biển An Bàng, Hội An, Quảng Nam).

Trong đó, Hà Nội Golden Lake là công trình dát vàng “từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài” với hơn 5.000 m2, hứa hẹn trở thành điểm du lịch đặc biệt của Hà Nội.

Tại Triển lãm Xây dựng quốc tế ở Dubai vào tháng 5/2019, ông Nguyễn Hữu Đường được báo giới xứ xở Trung Đông thán phục và đặt biệt danh là Midas - “phù thủy dát vàng” cho các tòa nhà.

Khách sạn Hà Nội Golden Lake được Hòa Bình phủ vàng từ chân đế tới nóc, với hơn 5.000 m2 được dát vàng.

Khách sạn Hà Nội Golden Lake được Hòa Bình phủ vàng từ chân đế tới nóc, với hơn 5.000 m2 được dát vàng.

Đến “vua tốc độ xây dựng”

Không chỉ là “phù thủy dát vàng”, ông Đường đang sở hữu kỷ lục cũng vô tiền khoáng hậu khi xây dựng tòa nhà nhanh nhất thế giới tại Hòa Bình Green Đà Nẵng.

Còn nhớ, tháng 4/2016, khi xây dựng Dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng, ông Đường đã gặp 2 nhà thầu xây dựng lớn nhất, uy tín nhất Việt Nam thời điểm đó là Coteccons và Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC). Yêu cầu đặt ra với các nhà thầu là xây dựng 3 tòa nhà cao 28 tầng với tốc độ 4 ngày/tầng. Đạt đúng tiến độ này, ông Đường “treo thưởng” 50 tỷ đồng, nhưng nếu chậm tiến độ, ngày đầu phạt 1 tỷ đồng, ngày thứ 2 phạt 2 tỷ đồng…

Cả Coteccons và HBC đều “lắc đầu”. Tốc độ xây dựng trung bình tại Việt Nam lúc này mới đạt khoảng 6 ngày/tầng là “kịch kim”.

Lúc đó, ông Đường đặt ra bài toán khó như vậy là để dự án kịp tiến độ đi vào hoạt động, phục vụ Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11/2017.

Vậy là, ông Đường quyết định tự xây Hòa Bình Green Đà Nẵng. Trước đó, Công ty đã xây dựng Nhà máy Malt với tốc độ 1 ngày/tầng và đã có nhiều kinh nghiệm phát triển, thi công các dự án có chất lượng xây dựng rất cao, như Hòa Bình Green City và Tháp đôi Hòa Bình .

Để đảm bảo tiến độ, Hòa Bình đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính và vật tư, áp dụng quy trình quản lý xây dựng chuyên nghiệp và công nghệ xây dựng tiên tiến, thi công liên tục 3 ca/ngày.

Kết quả là, sau đúng 1 năm, từ tháng 5/2016 đến 28/4/2017, 3 tòa nhà của Hòa Bình Green Đà Nẵng đã cất nóc, hoàn thành xây thô chỉ trong vòng 12 tháng, trước thời hạn 18 tháng. Tính trung bình, cứ 60 giờ, Hòa Bình Green Đà Nẵng xong một sàn xây dựng diện tích lên tới 3.800 m2, nhanh gấp đôi so với tiến độ thi công thông thường. Tốc độ “không tưởng” này đã phá vỡ mọi kỷ lục xây dựng nhà nhanh nhất của thế giới.

Tháng 10/2017, Đoàn tiền trạm phục vụ Hội nghị Cấp cao APEC của Chính phủ Mỹ đến tham quan, kiểm tra để thuê phòng và thốt lên với ông Đường: “Ông đúng là phù thủy! Để xây dựng khách sạn quy mô tương tự tại Mỹ, thời gian hoàn thành mất 36 tháng”. Sau đó, đoàn khách đã đặt 600 phòng trong 1 tháng...

Thúc thủ trước “ma trận” cấp phép

Khi xây dựng Tháp đôi Hòa Bình, nhận thấy nhu cầu về văn phòng tương lai sẽ bão hòa, trong khi nhu cầu về nhà ở và khách sạn ngày một tăng, nên Hòa Bình đề nghị TP. Hà Nội cho chuyển đổi công năng một tòa nhà từ văn phòng sang căn hộ - khách sạn tiêu chuẩn 5 sao theo Luật Xây dựng 2003. Việc này đã được UBND TP. Hà Nội đồng ý trong 7 ngày làm việc và giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn, hoàn thiện thủ tục pháp lý theo đúng quy định. Sau 14 ngày, 2 sở này đã hướng dẫn Công ty các thủ tục pháp lý điều chỉnh công năng và cấp Giấy phép xây dựng điều chỉnh. Tất cả thủ tục trên đã được UBND TP. Hà Nội giao cho các sở, ngành hướng dẫn Công ty hoàn thiện trong vòng 1 tháng mà không cần một cuộc họp nào.

Hay như tại Dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng, để công trình hoàn thành đúng thời hạn phục vụ Hội nghị Cấp cao APEC, Hòa Bình đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cho phép vừa làm thủ tục thiết kế, vừa thi công. Vì, nếu xong thủ tục về thiết kế mới xin cấp phép xây dựng, thời gian sẽ mất khoảng 6 tháng và sẽ không thể kịp phục vụ Hội nghị. Khi đó, UBND TP. Đà Nẵng đã báo cáo với Chính phủ và Bộ Xây dựng về đề xuất này và chỉ sau một cuộc họp giữa Chính phủ với các bộ, ngành liên quan, đề xuất này đã được chấp thuận. Kết quả là có một công trình Việt Nam đạt kỷ lục xây dựng nhanh nhất thế giới.

Thế nhưng, mọi việc đang trở nên khó khăn tại Dự án Hà Nội Golden Lake, đến mức “vua tốc độ xây dựng” Nguyễn Hữu Đường cũng phải ngán ngẩm bó tay.

Theo đó, ngày 22/11/2018, Hòa Bình có Công văn 210/2018/CV-HB gửi UBND TP. Hà Nội xin điều chỉnh công năng từ văn phòng làm việc và nhà ở sang khách sạn và nhà ở theo quy định của Luật Xây dựng 2014, với cơ sở là: chủ đầu được quyền điều chỉnh dự án khi thấy “xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn”. Theo tính toán, việc chuyển đổi công năng sẽ tăng hiệu quả của Dự án lên 10 lần; mật độ người làm việc, tham gia giao thông tại khu vực giảm 80%.

Thế nhưng, sau nhiều hướng dẫn và các cuộc họp suốt 10 tháng qua, thủ tục chưa được hoàn tất.

“Việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính và hướng dẫn sai các quy định pháp luật của UBND TP. Hà Nội gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và đặc biệt, gây thất thu cho ngân sách nhà nước đến 300 triệu đồng/ngày, tương đương 100 tỷ đồng/năm”, ông Đường cho biết.

Những khó khăn trong thủ tục xây dựng không còn là chuyện lạ. Nhưng, ông Đường không muốn “chiếc đinh dưới thảm” làm giới kinh doanh chùn chân. “Doanh nghiệp cần được hun đúc nhiệt huyết kinh doanh, để làm giàu cho đất nước”, ông nói.

Đặt mục tiêu xây dựng 63 trung tâm thương mại miễn phí cho hàng Việt

Ông Nguyễn Hữu Đường đang tiếp tục kế hoạch chung tay đưa du lịch Việt Nam cất cánh bằng việc xây hệ thống trung tâm thương mại miễn phí cho doanh nghiệp Việt.

Trung tâm thương mại V+ tại Hòa Bình Green City (số 505 - Minh Khai, Hà Nội) là công trình đầu tiên thực hiện mong muốn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam.

Công trình tiếp theo là trung tâm thương mại 5,3 ha ở Đà Nẵng đang được xúc tiến. Ông Đường đặt mục tiêu xây dựng 63 trung tâm thương mại miễn phí trên khắp Việt Nam nhằm thúc đẩy việc bán hàng hóa, sản phẩm và phát triển du lịch. Các doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi từ việc bán hàng cho người dân và khách du lịch, còn khách du lịch có thể thỏa sức mua sắm tại các trung tâm thương mại với nhiều thương hiệu đẳng cấp.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-ong-vua-toc-do-do-suc-voi-toc-do-cap-phep-d108869.html