Chuyện rợn người

Gần đây có câu chuyện 'rợn người': Vì hám lợi mà người ta sử dụng hóa chất công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất, chế biến nước mắm đặc sản. Vì lợi mình mà độc ác, hại người, hại đồng loại- câu chuyện thật sự gây 'sốc' khi năm hết, Tết đến. Nói thêm, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. Không hề ít.

Trước đòi hỏi của dư luận, gần đây Thanh tra Bộ NN-PTNT đã chính thức cung cấp danh tính 3 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm không đúng quy định. Những công ty này đã mua tới 48 tấn chất Soda (Na2CO3) công nghiệp, mục đích để sản xuất nước mắm. Đây là loại không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Đây là vụ việc mới nhất, loại vụ việc tương tự xảy ra lúc này, lúc khác (tất nhiên chỉ là số được phát hiện) rất nhiều.

Vẫn biết, người tiêu dùng luôn được “khuyến cáo”: hãy làm người tiêu dùng thông thái. Nhưng để “thông thái” quá khó. Các bà nội trợ may ra chỉ biết xem nhãn mác hàng hóa, xuất xứ, hạn sử dụng còn bên trong thì không thể biết được.

Người tiêu dùng chỉ trông chờ vào luật pháp và “bàn tay” nối dài của nhà nước, đấy là hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Năm 1999 đã có Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2010 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội ban hành, tạo hành lang pháp lý và thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi cho hơn 95 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2018, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng được thành lập với tuyên ngôn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho chính doanh nghiệp trong cạnh tranh.

Nói thì nói thế, nhưng ngay các cơ quan quyền lực có trách nhiệm về “miếng ăn” sạch, an toàn của dân ở Bộ Y tế, Bộ NN&PTNN và Bộ Công Thương, hệ thống các chi cục ở 63 tỉnh, thành phố còn làm không xuể nữa là Hội?

Hãy nhìn sang các nước, một sản phẩm được xuất khẩu sang họ được kiểm tra nghiêm ngặt vì sức khỏe của người tiêu dùng nước đó. Nhưng người tiêu dùng trong nước thì xem ra không biết bảo vệ mình bằng cách nào, nếu không trông chờ vào các cơ quan hữu trách.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP hôm 11/01, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, bảo đảm ATVSTP là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, nòi giống, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm ATVSTP, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm ATVSTP.

Vâng, trong khi chờ đợi “đạo đức” của những kẻ hám lợi, phải đấu tranh, trị cho họ sợ hãi, phạt thật nặng để cảnh báo các cơ sở sản xuất. Cần có “Nghị định 100” trong lĩnh vực ATTP.

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/chuyen-ron-nguoi-490019.html