Chuyện 'rừng' quy định ở Đức và 'cây kéo' khổng lồ ở Mỹ của ông Trump
Tại Đức, trong hơn 2 năm đã có thêm 2.000 quy định, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Tại Mỹ, Cơ quan Hiệu quả chính phủ sẽ giống như chiếc kéo khổng lồ, sẵn sàng cắt giảm những chi tiêu lãng phí.
Có nhà nước là có lãng phí, có quan liêu, có sự trì trệ trong hoạt động. Vấn đề chỉ là tự nhà nước chống lại các hiện tượng này đến đâu, đạt được kết quả gì.
Một trong các công cụ quan trọng để nhà nước làm tốt công việc của mình là pháp luật. Và nhà nước Đức cũng vậy.
Người Đức nổi tiếng về tính kỷ luật và tuân thủ pháp luật. Cứ có quy định là tuân thủ. Nhà nước quy định xây nhà thì mái nhà riêng của anh như thế nào là đúng cách, quy định thời gian đóng cửa hàng, quy định thu nhập thêm của người về hưu như thế nào là đúng… Tuy nhiên, sự tuân thủ pháp luật của người Đức dường như đang đụng đến giới hạn của nó, bởi nhà nước can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực cực kỳ riêng tư của con người và đặc biệt là sự phản ứng của giới doanh nhân.
Đức: Hơn 2 năm tăng thêm 2.000 quy định
Một trong các nhiệm vụ vào đầu nhiệm kỳ mà Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức đặt ra là giảm thiểu hành chính và giảm các quy định của pháp luật thông qua việc thực hiện chương trình Giảm thiểu hành chính, lập quy tốt hơn.
Vào tháng 12/2021, tức là 2 tháng sau khi Chính phủ liên bang hoạt động theo nhiệm kỳ mới, có khoảng 38.000 quy định hành chính và đến tháng 6/2024 đã là 40.000, tức tăng thêm 2.000 quy định. Có chuyên gia hành chính đã nhận định: Chưa bao giờ nước Đức lại có nhiều quy định đến thế. Chính phủ luôn tạo ra các quy định và nhiều cấm đoán phải tuân thủ. Giảm thiểu hành chính phải khác chứ, sao lại ra thêm nhiều quy định như vậy.
Các quy định như vậy tác động đến doanh nghiệp ra sao? Bố con ông Herbert đang điều hành doanh nghiệp gia đình tồn tại 135 năm nay với 55 công nhân tại Hamburg cho biết doanh nghiệp của họ luôn phải đối mặt với các quy định, nhưng chưa bao giờ tình hình văn bản pháp luật chất lên đầu doanh nghiệp lại tồi tệ như hiện tại. Ngày càng có thêm quy định mới.
Ví dụ như năm 2023, theo quy định, doanh nghiệp phải 17 lần gửi báo cáo về nhiều nội dung, trong đó có chi phí nhân công và khối lượng sản xuất lên Cục Thống kê liên bang. Mỗi lần chuẩn bị 1 báo cáo như vậy là mất 1 ngày làm việc của 1 nhân viên.
Con trai ông Herbert nói với báo chí: Chúng tôi đã nghĩ đến việc có khi trả tiền phạt vì không báo cáo còn tốt hơn là chấp hành quy định điên rồ kiểu này. Tính chi li thì doanh nghiệp của gia đình Herbert trong năm 2023 đã phải gánh khoản chi phí liên quan tới chấp hành các quy định hành chính là 100.000 Euro.
Toàn nước Đức hiện có hơn 1.600 luật liên bang và nghị định của Chính phủ liên bang. Các văn bản này chứa đựng hàng nghìn yêu cầu hành chính đối với doanh nghiệp. Năm 2022, chi phí hành chính phát sinh cho doanh nghiệp toàn nước Đức là 65 tỷ Euro, năm 2023 là 66 tỷ.
Cần thay đổi nhiều thứ, nhưng trước hết là thay đổi tư duy làm luật để giảm bớt các quy định và giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Một ví dụ được đưa ra là đạo luật khí hậu mà Thụy Sỹ mới ban hành. Luật này không đưa ra các điều khoản cấm đoán cũng như can thiệp trực tiếp từ phía nhà nước. Luật khuyến khích các hành vi bảo vệ môi trường như chuyển sử dụng năng lượng của doanh nghiệp sang nguồn năng lượng mới bằng các phần thưởng và hỗ trợ đầu tư từ nhà nước.
Người làm luật tin rằng người Thụy Sỹ tự biết phải làm gì khi giá dầu và khí đốt tăng. Nhà nước không cần quy định chi tiết khi đó người dân phải làm gì, hành xử ra sao. Ngược lại, nhà làm luật của Đức lại nghĩ khác đi, tức là đưa ra các quy định chi tiết theo phương châm: Tại sao lại đơn giản khi mà phức tạp cũng được cơ mà!
Đấy là nói những tác hại mà các quy định, thủ tục hành chính gây ra cho các doanh nghiệp. Còn lãng phí thì sao? Năm 2023, các cơ quan công quyền ở cấp liên bang, tức chưa tính các cơ quan ở 16 bang và chính quyền huyện, xã ở Đức chi hơn 500 tỷ Euro mua sắm công để phục vụ cho hoạt động. Vì từng cơ quan tiến hành mua sắm nên hầu như không được giảm giá. Người ta tính ra nếu biết cách mua sắm thì có thể tiết kiệm được khoảng 50-60 tỷ Euro. Quả là một sự lãng phí lớn.
Thêm một ví dụ về sự lãng phí ở cấp chính phủ bang. Bang Bremen là một trong 3 bang, nhưng đồng thời là một thành phố. Năm 2022, Thủ hiến Bang Bremen cũng đồng thời là thị trưởng thành phố Bremen có 12 cuộc họp trực tiếp với dân cư. Quả là những cuộc họp đầy ý nghĩa khi người đứng đầu hành chính trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe ý kiến người dân. Nhưng thay vì thông báo lịch, nội dung các cuộc họp này trên báo, đài, tivi…, giấy mời họp đã được gửi trực tiếp qua đường bưu điện tới khoảng 175.000 hộ gia đình.
Tính ra gửi giấy mời kiểu này tốn các khoản giấy in, công in, phí gửi đi, tổng cộng hơn 85.000 Euro. Cũng là một sự lãng phí đáng kể.
Cơ quan Hiệu quả chính phủ ở Mỹ: ‘Chiếc kéo’ khổng lồ
Nước Mỹ thì sao? Trong dự kiến nhân sự của Tổng thống đắc cử Trump, ông Elon Musk cùng với ông Vivek Ramaswamy sẽ phụ trách một cơ quan chưa từng có trong cơ cấu tổ chức Chính phủ liên bang Mỹ, đó là Cơ quan Hiệu quả chính phủ. Điều này cho thấy ông Trump quan tâm tới câu chuyện lãng phí, bộ máy cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả đến mức nào trong Chính phủ Mỹ.
Theo ông, cơ quan này sẽ không phải là một bộ phận của Chính phủ, mà là một tổ chức tư vấn làm việc chặt chẽ với Nhà Trắng để xây dựng và triển khai những cải cách cơ cấu lớn trong Chính phủ. Ông Trump cũng nhấn mạnh Musk và Ramaswamy sẽ mở đường cho Chính phủ giảm thiểu hành chính, xóa bỏ các quy định dư thừa, cắt giảm các khoản chi lãng phí và tái cơ cấu các công sở liên bang.
Nước Mỹ từ mấy chục năm nay luôn duy trì con số bộ liên bang là 15. Nhưng đừng nghĩ thế là bộ máy gọn nhẹ. Tổng số các cơ quan của Chính phủ liên bang Mỹ hiện tại là khoảng 438.
Sự lãng phí trong hoạt động của các cơ quan hành chính là rất lớn. Một ví dụ thường được nêu ra là dự định xây nhà vệ sinh công cộng 1 chỗ ngồi ở thành phố San Francisco vào năm 2022. Với diện tích 14m2, nhà vệ sinh này có chi phí lên tới 1,7 triệu USD nên đã bị công chúng phản ứng dữ dội.
Chính quyền thành phố quả quyết giá như vậy là hợp lý vì bao gồm chi phí xin giấy phép, lập kế hoạch dự án, thiết kế, nhân công, vận hành… Sau đó, có 2 công ty tư nhân quyết định tặng thành phố 1 nhà vệ sinh lắp ghép với diện tích chỉ 5m2. Họ tặng vật liệu, thiết kế, kỹ thuật..., chính quyền chỉ trả tiền nhân công nên chỉ hết 200.000 USD. Nhà vệ sinh này mới được khánh thành và đưa vào sử dụng hồi tháng 4 năm nay.
Đấy mới chỉ là một ví dụ nho nhỏ, nếu nhân lên cả nước thì sự lãng phí đến đâu. Tổng thống đắc cử Donald Trump đặc biệt nhấn mạnh, hoạt động của Cơ quan Hiệu quả chính phủ sẽ tạo cơ sở mang tinh thần doanh nghiệp vào hoạt động của chính phủ.
Thử hình dung, với sự hoạt động của cơ quan này, từng cơ quan, tổ chức sẽ phải chứng minh sự cần thiết tồn tại của mình. Nếu không chứng minh được sẽ là thôi, giải tán. Chi tiền công, từ đầu tư, mua sắm, đi công vụ bằng máy bay, ngủ qua đêm tại khách sạn… sẽ đều bị giám sát. Cơ quan Hiệu quả chính phủ sẽ giống như một cái kéo khổng lồ, đang giương ra và sẵn sàng cắt vào mọi thứ của một cơ quan công quyền trong Chính phủ Mỹ.
Điều hết sức đáng lưu ý từ phía những người vốn cùng đảng Cộng hòa với ông Trump cũng như những người thuộc đảng Dân chủ đang giữ một vị trí, chức vụ nào đó trông cơ cấu hành chính - nhà nước khổng lồ của nước Mỹ, đó là họ sẽ ủng hộ chính sách chống lãng phí, cắt giảm chi tiêu, thu gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính đến mức nào.
Lý do hết sức đơn giản là đụng chạm lợi ích, thậm chí là mất đặc quyền, đặc lợi do bộ máy quan liêu mang lại cho họ từ trước đến nay.