Chuyển sang 'những gì nhà đầu tư cần'Nổi bật kinh tế tư nhân Đầu tư ngoài ngân sách là chính

Nỗ lực đưa PCI của tỉnh lên tốp 20 hay tiến sâu hơn cũng là đáp ứng nhu cầu cần ấy, chứ không xa lạ gì. Chỉ mới ở chỗ là chuyển từ chủ động ít sang chủ động hoàn toàn.

Chuyển sang

Thời gian này, câu chuyện thu hút đầu tư vào tỉnh bắt đầu có nhận định rằng Bình Thuận đang chuyển từ “những gì tỉnh có” sang “những gì nhà đầu tư cần”. Lý do đưa ra trước tiên là dù năm 2020, có quá nhiều trở ngại, khó khăn chủ yếu là khách quan tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến không ít cơ sở, nhà máy đóng cửa, hoạt động cầm chừng... nhưng nhìn lại 5 năm qua thấy rằng kinh tế tư nhân ở tỉnh đã phát triển nổi bật. Đó là số lượng doanh nghiệp tăng, phát triển qua từng năm. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 6.666 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong khi cuối năm 2015 là 3.792 doanh nghiệp, tức có mức tăng 75,79%. Kéo theo đó, vốn đăng ký đạt 122.926 tỷ đồng, cũng tăng đến 78,85% so cùng thời gian trên.

Công nhân may làm việc theo vận hành dây chuyền. Ảnh: Đ.Hòa

Không chỉ thế, chính khu vực kinh tế tư nhân cũng đã chiếm tỷ trọng lớn trong thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội. Bằng chứng, trong tổng vốn đầu tư phát triển tại tỉnh của giai đoạn 2016-2020 là trên 131.000 tỷ đồng, tăng 72,6% so với giai đoạn 2011-2015, thì khu vực này đã chiếm đến 85,6%. Cũng dễ hiểu khi nguồn thu ngân sách những năm qua ở tỉnh có tăng so với trước, nhờ vậy mới có cơ hội đầu tư các công trình thiết yếu đã đặt ra; tuy nhiên, các nguồn thu lớn quyết định lại phụ thuộc vào đất và xổ số kiến thiết, nên mang đậm tính không bền vững. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, vốn đầu tư xã hội từ ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng chỉ chiếm tỷ lệ 14,4% tổng vốn chung. Tỷ lệ lớn còn lại thuộc vốn đầu tư ngoài ngân sách với con số 111.000 tỷ đồng. Và chính nhờ 470 dự án mới thu hút trong 5 năm qua, tập trung vào công nghiệp năng lượng, du lịch đã quyết định tạo ra điều đó. Nhờ vậy, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh chiếm 67%.

Chính vì vậy, tại tham luận về thực trạng, giải pháp đầu tư công và thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách theo Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 23/8/2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV mới đây, đã nhấn mạnh bên cạnh những mặt được trên, mặt chưa được cũng đang dần lộ ra rất rõ. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp tốc độ phát triển; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn về tài chính và năng lực thực hiện; xã hội hóa trong đầu tư cho sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao còn hạn chế... Để thúc đẩy những mặt chưa được này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 9 giải pháp nhưng trong đó có chú ý giải pháp cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, xác định vốn đầu tư ngoài ngân sách là cơ bản. Theo đó, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty lớn có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong quản trị dự án, chuyển hình thức mời gọi đầu tư theo phương châm từ “những gì tỉnh có” sang “những gì nhà đầu tư cần”.

Đây là cách đặt vấn đề mới ở tỉnh. Nhưng theo nhận định của nhiều người quan tâm đến phát triển kinh tế thì đây là vấn đề không mới. Vì cách đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm cũng là một hình thức thể hiện cái cần ấy của nhà đầu tư. Vì vậy, nỗ lực đưa PCI của tỉnh lên tốp 20 hay tiến sâu hơn cũng là đáp ứng nhu cầu cần ấy, chứ không xa lạ gì. Chỉ mới ở chỗ là chuyển từ chủ động ít sang chủ động hoàn toàn.

Trong xu hướng Bình Thuận phải nỗ lực để tự chủ ngân sách, khi câu chuyện chấm dứt sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với tỉnh vào năm 2020 nên thời điểm lớn lên ấy có chậm thì cũng không còn xa nữa. Bên cạnh đó, Bình Thuận đã đứng trước cửa của một thời kỳ mới với nhiều cơ hội lẫn thách thức, khi những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xác định lâu nay đã và đang được tháo gỡ. Bây giờ, giao thông đối ngoại đang xây dựng, nhiều tập đoàn đầu tư lớn đã tìm đến, những dự án khổng lồ đã hình thành vóc dáng... Tất cả đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền kép theo những công ty lớn, những dự án lớn. Vì vậy, bước chuyển trên là cấp thiết, với sự chủ động đón đầu trong thu hút đầu tư để xây dựng tỉnh toàn diện hơn.

Bích Nghị

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/chuyen-sang-nhung-gi-nha-dau-tu-can-132476.html