Chuyển sang thế công với Covid-19

Hai mũi nhọn giáp công với Covid-19 lúc này là thuốc kháng virus và vắc-xin thế hệ mới

Ngày 22-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức khuyến nghị về "liệu pháp trị Covid-19 rất thành công" là thuốc kháng virus Paxlovid của hãng Pfizer, đồng thời kêu gọi sự phân phối rộng rãi, minh bạch.

Khuyến cáo này dựa trên dữ liệu mới từ 2 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trên hơn 3.000 bệnh nhân, cho thấy Paxlovid giảm nguy cơ nhập viện đến 85%, có hiệu quả hơn các thuốc kháng virus đang lưu hành, ít tác dụng phụ hơn Molnupiravir và dễ sử dụng hơn thuốc dạng tiêm Remdesivir.

Thuốc được khuyến nghị cho các đối tượng nguy cơ, bao gồm người chưa tiêm vắc-xin, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch.

Theo WHO, trở ngại nhất trong việc triển khai "vũ khí" hiệu quả này chính là khả năng tiếp cận ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Thuốc kháng virus được sử dụng sớm khi mới bệnh, do đó ít nhất những đối tượng nguy cơ kể trên phải được xét nghiệm dễ dàng, nhanh chóng.

WHO cũng đề nghị Pfizer minh bạch về giá cả và tăng cường kết nối với nhiều nhà sản xuất hơn để sản xuất với số lượng lớn, giá thành thấp.

Một công đoạn sản xuất Paxlovid trong nhà máy ở Freiburg - Đức Ảnh: REUTERS

Một công đoạn sản xuất Paxlovid trong nhà máy ở Freiburg - Đức Ảnh: REUTERS

Thuốc kháng virus đang là một trong 2 mũi nhọn trong chiến lược "sống chung với Covid-19" mà nhiều quốc gia theo đuổi. Mũi nhọn còn lại chính là vắc-xin thế hệ mới, thích nghi với sự biến đổi liên tục của SARS-CoV-2 để tạo miễn dịch bền vững.

"Sống chung với Covid-19 không nên là khẩu hiệu trống rỗng. Các chính phủ nên tuân theo khoa học và cung cấp cho người dân phương tiện để sống chung với căn bệnh này" - giáo sư sinh học Dasantila Golemi-Kotra từ Trường ĐH York (Canada), viết trên tờ The Conversation.

Theo giáo sư Golemi-Kotra, chính biến chủng phụ BA.2 của Omicron đã xoay chiều cuộc chơi bằng khả năng lây lan nhanh, thoát miễn dịch. Chưa kể hàng loạt nhánh phụ của Omicron, từ BA.2 và các dòng tái tổ hợp, liên tục xuất hiện.

Điều đó cho thấy chính sách không Covid-19 thời kỳ đầu hay các biện pháp phòng vệ cá nhân và hy vọng căn bệnh biến mất không còn phù hợp.

Tại nhiều quốc gia, các biện pháp "tái lập trật tự" cuộc sống nhằm phục hồi kinh tế đang được thực hiện dù hãy còn dè dặt. Báo Straits Times đưa tin từ ngày 26-4, người đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ không còn phải làm xét nghiệm khi nhập cảnh Singapore.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên lực lượng "đặc nhiệm" chống virus của Thái Lan Taweeslip Visanuyothin ngày 22-4 rằng quy định xét nghiệm PCR bắt buộc sẽ được thay bằng xét nghiệm nhanh đối với du khách đến nước này. Điều này sẽ giúp họ không phải tốn 1 ngày cách ly tại khách sạn để chờ kết quả. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn yêu cầu "hộ chiếu vắc-xin" và bảo hiểm du lịch.

Trung Quốc, đặc biệt là Thượng Hải, vẫn là chủ đề tranh cãi chính của thế giới với việc kiên trì theo đuổi chính sách "không Covid-19". Tờ South China Morning Post cho hay Thượng Hải vừa thông báo gia hạn lệnh phong tỏa toàn thành phố tới ngày 26-4.

Vào cuối ngày 21-4, theo The Guardian, Thượng Hải đã công bố "9 hành động lớn" với mục tiêu xóa sổ Covid-19 càng nhanh càng tốt, bao gồm xét nghiệm diện rộng hằng ngày toàn thành phố, siết chặt phong tỏa và đẩy nhanh tiến độ đưa người đi cách ly.

Dữ liệu công bố ngày 22-4 cho thấy thành phố lớn nhất Trung Quốc này có thêm 17.629 ca mới trong 24 giờ trước đó, giảm 4,7% so với ngày hôm trước, và có 11 bệnh nhân tử vong.

Từ những diễn biến mới kể trên, các nhà khoa học cho rằng thay vì giảm thiểu hay cố loại bỏ các làn sóng dịch Covid-19 mới, chúng ta cần chiến lược "sống chung" kiểu mới, như tính toán thời gian tiêm nhắc, sửa đổi vắc-xin khẩn cấp, tập trung cho thuốc điều trị thay vì phòng bệnh, tìm hướng xử lý cho việc xuất hiện các biến chủng mới liên tục dẫn đến số ca trong cộng đồng cứ giảm rồi lại tăng, ảnh hưởng đến kinh tế…

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chuyen-sang-the-cong-voi-covid-19-20220422211557167.htm