Chuyện sông, kinh...
Từ xưa, ông bà ta đã khẳng định đường nước do tự nhiên tạo ra mà có, tùy lớn nhỏ mà gọi sông kèm theo tên, như sông Tiền (sông cái), sông Cao Lãnh (sông con)..., thường nhỏ hơn gọi là rạch (rạch Bà Bướm, rạch Cái Sâu...). Còn đường nước do con người tạo (đào) ra mà có thì gọi là kinh, mương, cống (kinh Vạn Thọ, kinh Thầy Lâm, kinh Sáu Quốc, cống Kho, cống Trâm Bầu...).
Ở những nơi có con rạch ăn vô một đoạn rồi cùng (như rạch Bà Lới, rạch Xã Lễ, được ông bà ta đào nối cho thông qua giữa hai con sông, như kinh Cả Đức (từ sông Cao Lãnh) đào nối ngọn rạch Bà Lới (từ sông Mỹ Ngãi), hay kinh Ông Thợ (từ sông Cao Lãnh) nối ngọn rạch Xã Lễ (từ sông Mỹ Ngãi), kinh Nguyễn Văn Tiếp B từ Ngã Sáu nối với ngọn sông Rạch Ruộng), kinh Lấp Vò (từ Vàm Cống) nối với sông Sa Đéc..., thì đoạn tự nhiên mà có đều giữ tên sông, rạch cũ, đoạn do người đào thì gọi là kinh có tên mới. Ví dụ: sông Rạch Ruộng (phần tự nhiên vốn có), kinh Nguyễn Văn Tiếp B (phần do người đào), sông Sa Đéc (phần tự nhiên vốn có), kinh Xáng Lấp Vò (phần do người tự đào) rạch ròi, rõ ràng như vậy.
Tiếc rằng, gần đây có người gọi lẫn lộn giữa sông và kinh, như gọi “sông Xáng Lấp Vò”. Đáng tiếc là trong văn kiện chánh trị của Đảng cũng gọi là sông Xáng, tức không phân định rõ giữa sông và kinh, mà nhập vô làm một. Lẽ ra phải gọi là kinh Xáng Lấp Vò.
Tư tôi nghe mà buồn vì sai ngôn từ tiếng Việt. Mong rằng việc gọi đó nên sửa lại cho đúng.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/chuyen-song-kinh--93179.aspx