Chuyện sống tốt đời đẹp đạo ở vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc

Những mô hình bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm của đồng bào các tôn giáo ở tỉnh Kiên Giang được xem là điển hình của việc sống tốt đời đẹp đạo. Điều này đang góp phần quan trọng vào việc mang lại môi trường trong lành, sự bình yên tại địa phương và nâng cao ý thức của các tín đồ tôn giáo trong việc 'tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải'.

Cách đây 5 năm, ở huyện U Minh Thượng đã ra mắt mô hình câu lạc bộ “Phật tử Chùa Ngã Năm Bình Minh tham gia bảo vệ môi trường” nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn dân cư.

Phát huy vai trò của phật tử

Đến nay, câu lạc bộ này đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Các tín đồ phật giáo Hòa Hảo ở huyện Tân Hiệp tham gia câu lạc bộ bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội.

Nhất là xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên – con người – xã hội. Đồng thời, các tín đồ cũng thực hiện tốt những nội dung trong bản đăng ký mà Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã đề ra.

Ngoài ra, các phật tử ở đây còn tham gia mô hình “Đường dây nóng - Chùa ngã Năm Bình Minh” giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm và phát huy được vai trò của các phật tử trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Nguồn tin do nhân dân cung cấp qua “đường dây nóng” đều được lực lượng công an tiếp nhận, giải quyết kịp thời. Từ đó, tạo niềm tin và là địa chỉ tin cậy để nhân dân, phật tử cung cấp thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn, cũng như động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Còn ở huyện Tân Hiệp , hồi tháng 4 năm ngoái Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo ở ấp Tân An, xã Tân Hiệp B đã ra mắt Câu lạc bộ “Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội” gồm 21 thành viên chủ chốt.

Đến nay, các thành viên câu lạc bộ đã tích vận động các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại địa phương tham gia bảo vệ môi trường, tự quản an ninh trật tự, tham gia công tác an sinh xã hội với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mỗi hộ dân tín đồ và hộ dân ở đây đã đăng ký hộ gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật; không tham gia các tệ nạn xã hội; không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Câu lạc bộ cũng kịp thời tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm.

Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”

Tương tự, hồi tháng 10/2022, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo ở ấp Đập Đá tại xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp) đã ra mắt “Câu lạc bộ Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hội” tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Kiên Giang có nhiều mô hình giúp nâng cao ý thức của các tín đồ tôn giáo trong việc “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” ngay tại địa phương.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Hiệp, đánh giá đây là một trong năm mô hình điểm của huyện năm 2022, mục đích là nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc, chức việc và tín đồ, hộ dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự và công tác an sinh xã hội trên địa bàn dân cư.

Theo ông Ngọc, thông qua việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, anh ninh trật tự và an sinh xã hội nhằm để tăng cường xây dựng sự đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần nâng cao chất lượng sống tại cộng đồng, xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp.

Ở tỉnh Kiên Giang có trên 1,8 triệu người, với 12 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Baha’i, Minh Sư đạo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam, với 417 tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang, thời gian qua các chức sắc, chức việc thường xuyên tuyên truyền, vận động tín đồ tích cực tham gia củng cố, nâng cao chất lượng các mô hình phòng, chống tội phạm, trong đó có nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội phát huy hiệu quả.

Điển hình như: Mô hình “Xứ đạo an toàn” ở huyện Tân Hiệp, đến nay đã thành lập ở 14 xứ đạo cùng với 14 Đội trật tự có 82 thành viên. Hoặc như các mô hình “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội”, “Xứ, họ đạo bình yên ”, “Xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu ” ở huyện Giồng Riềng. Hay như mô hình “Ánh sáng an ninh, trật tự”, “Đường dây nóng - Chùa ngã Năm Bình Minh ” ở huyện U Minh Thượng.

Ngoài ra, có thể kể đến các mô hình: “Giáo xứ Hưng Văn an toàn, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Giáo xứ Dương Đông tham gìn giữ gìn an ninh, trật tự”, “Ban Trị sự Phật giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” ở Tp. Phú Quốc. Mô hình “Khu dân cư tự quản về an ninh, trật tự”, “Phối hợp giữa lực lượng Công an với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước về công tác giữ gìn an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Khmer” ở huyện Châu Thành. Mô hình “Gia đình tôn giáo tự quản ” ở huyện Vĩnh Thuận…

Các mô hình này với sự tham gia tích của các tín đồ tôn giáo ở Kiên Giang đã góp phần thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào các tôn giáo. Qua đó nâng cao ý thức của các tín đồ tôn giáo trong việc “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” ngay tại địa phương.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/chuyen-song-tot-doi-dep-dao-o-vung-dat-phia-tay-nam-cua-to-quoc-1091297.html